LONDON - Đêm nay giờ Luân Đôn, thủ tướng Anh Tony Blair sẽ sang Hoa Kỳ để hội đàm với tổng thống Bush và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.

Vai trò của ông Blair trong cuộc chiến Iraq từ nhiều tháng này đã được báo chí thế giới bình luận. Người ta thường đặt câu hỏi vì sao thủ tướng Anh lại có một quyết tâm khác thường trong việc ủng hộ Hoa Kỳ và tổng thống Bush.

Ngay sau sự kiện 11 tháng 9, thủ tướng Anh Tony Blair đã có mặt tại Mỹ và cùng hai viện Quốc hội lắng nghe bài phát biểu của tổng thống Bush tuyên chiến với khủng bố quốc tế và vạch ra đường lối chính trị ngoại giao cho nước Mỹ.

Kể từ đó cho đến cuộc chiến tại Afghanistan, ông Blair luôn đóng một vai trò cầu nối giữa Hoa Kỳ và châu Âu và nhờ đó mà nước Anh có thể ảnh hưởng được cả hai bờ Đại Tây Dương.

Thuyết phục cả hai phe ở Mỹ

Theo Scott Simon, người được giải thưởng của hệ thống truyền thanh National Public Radio tại Hoa Kỳ trong bài viết của ông đăng trên tờ Sunday Times số Chủ Nhật 23/03 vừa qua thì ông Blair đóng một trò tối quan trọng trong việc thuyết phục cả phe tả và hữu ở Hoa Kỳ ủng hộ cho đường lối của tổng thống Bush.

Là một người bạn thân của Bill Clinton và bản thân là lãnh tụ đảng Lao Động Anh, ông Tony Blair có uy tín lớn trong giới trí thức và chính trị gia thiên tả của Hoa Kỳ và với đảng Dân Chủ.

Theo Scott Simon thì có một chi tiết cho thấy ông hướng tới nhóm này trong bài phát biểu ủng hộ Bush sau ngày 11 tháng 9. Ông cho rằng cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ là một đòn đánh vào những người có tin ngưỡng tôn giáo và cả những người không có niềm tin tôn giáo.

Trong khi các chính trị gia cánh hữu theo Ki Tô giáo cuộc Hoa Kỳ chắc chắn không thèm nhắc đến những người vô thần trong chính sách của họ. Theo Scott Simon thì ông Blair đã đem lại một niềm tin cho người Mỹ rằng có đồng minh từ bên ngoài đến với họ, chia sẻ với họ tâm trạng sau ngày 11 tháng 9.

Ông đóng vai trò giải thích cho chính người Mỹ nghe chính sách của tổng thống Bush, một người không có tài ăn nói, bằng một thứ tiếng Anh cao cấp, một ngôn ngữ có tầm quốc tế, có triết lý, có các hình ảnh từ lịch sử. Đây là khả năng tổng thống Bush không thể làm nổi.

Kế thừa di sản của Churchill

Đi cùng với Hoa Kỳ không phải là sáng kiến cuộc chính ông Blair. Vào thập niên 40, khi các đảo Anh bị Đức Quốc Xã đe dọa, thủ tướng Winston Churchill đã chọn một chiến lược đặt nền móng cho ngoại giao Anh từ đó đến nay.

Đường lối đó là đưa nước Mỹ vào tham gia chính trị châu Âu. Giá phải trả là nước Anh chịu mất vai trò đế quốc để đóng vai người anh trai già dặn nhưng không giàu mạnh bằng Hoa Kỳ.

Tuy vậy có một sự khác nhau giữa công việc của Churchill và Blair. Ông Churchill đưa Mỹ vào tham chiến ở châu Âu để cứu nước Anh, còn ông Blair muốn đưa châu Âu tham chiến giúp Hoa Kỳ.

Cho đến giờ thì ông đã thành công nhưng không trọn vẹn vì chỉ có Tây Ban Nha và các nước Đông Âu đồng ý với đường lối đó, còn hai nước lớn nhất trong Liên hiệp châu Âu Pháp và Đức phản đối cuộc chiến Iraq.

Nhắc lại lịch sử thì khủng hoảng kênh đào Suez làm các nhà lãnh đạo Anh thêm tin vào chính sách sát cánh với Hoa Kỳ.

Chính phủ Anh dưới thời thủ tướng Anthony Eden và ngoại trưởng Harold Macmilian đã cùng Pháp can thiệp quân sự vào Ai Cập để̀ tái chiếm kênh đào Suez bị nhà lãnh đạo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa thiên tả và thân Liên Xô là Gamal Nasser quốc hữu hóa.

Cuộc can thiệp năm 1956 đã không được Hoa Kỳ ủng hộ và Liên Xô thì phản đối kịch liệt, đưa đến chỗ Anh và Pháp phải rút quân và thủ tướng Eden đã phải từ chức.

Đứng cạnh nhưng không đi cùng

Tuy luôn đứng cạnh Hoa Kỳ nhưng các chính trị gia Anh vẫn giữ thế chủ động trong việc tham gia hay không tham gia vào các vấn đề lớn trên thế giới cùng Hoa Kỳ.

Thủ tướng Harold Wilson đã không giúp Mỹ tham chiến ở Việt Nam và đây là một ngoại lệ còn đang khiến nhiều sử gia nghiên cứu.

Ông Blair tin là chỉ có thể tác động đến Hoa Kỳ ở vị trí một đồng minh
Trong bài diễn văn đọc trước nghị viện tuần trước, một điều quan trọng ông Blair hàm ý tuy không nói thẳng ra là nếu không lôi kéo nước Mỹ vào các vấn đề của thế giới được thì nước Mỹ sẽ đi về đâu và thế giới sẽ như thế nào?

Theo tờ The Economist thì ông Blair ý thức được mối nguy hiểm của việc để nước Mỹ dưới ảnh hưởng của phe diều hâu tự chọn đường đi riêng, bất chấp phần còn lại của thế giới. Khi đó, liệu nước Anh và châu Âu còn khả năng nào ảnh hưởng đến Hoa Kỳ nữa?

Nhưng chính sách bắc cầu của ông Blair cũng có điểm yếu. Đó là phe hữu ở Mỹ có thể chỉ muốn dùng các biện pháp quân sự hơn ngoại giao.

Tờ The Economist số ra tuần này ở Luân Đôn có bức biếm họa vẽ một anh cao bồi là Bush phóng xe nhanh trên đường, để lại Tony Blair còm nhom như một cậu bé hướng đạo lạc đường, đứng hít bụi.

Nguy cơ của Tony Blair là nước Mỹ không rút ra bài học rằng chính sách ngoại giao bị nhiều người cho là kiêu ngạo của họ trong những tháng qua sẽ làm cho họ bị cô lập trên thế giới.

Nếu họ nghe ông Blair và chỉ cần, như tờ The Economist viết, tỏ thái độ lắng nghe tình cảm của các nước đồng minh thôi, thì Hoa Kỳ sẽ giành được rất nhiều trên trường quốc tế.

Tuy thế cũng phải nói rằng nước Anh và ông Blair đã làm được một việc là cùng với ngoại trưởng Colin Powell thuyết phục tổng thống Bush đi vào con đường ngoại giao thông qua Liên Hiệp Quốc trước khi đánh Iraq.

Nghị quyết 1441 là kết quả của quá trình đó. Và dù sao thì nhờ nỗ lực ngoại giao quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc đó mà Hoa Kỳ và Anh Quốc có thêm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và hơn 40 quốc gia khác ủng hộ chiến tranh đánh Iraq, trong số đó 30 nước nêu tên, còn 15 nước giấu tên.

Con số này chưa bằng một nửa số nước ủng hộ liên quân đánh Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh lần trước. Nhưng dù sao cũng không thể nói Mỹ và Anh tham chiến đơn độc.(bbc)