ANKARA - Có tới 500.000 người ở khu vực Bắc Iraq đã rời nhà của họ trước khi quân đội Mỹ tấn công vùng này, một Ủy ban cứu trợ của LHQ cho biết.

Ủy ban Ðiều phối Nhân đạo cho Iraq, gọi tắt là UNOHCI, đánh giá rằng khoảng 300.000 tới 450.000 người hiện đang lưu lạc trong vùng, và xu hướng di tản này vẫn còn đang tiếp diễn.

Ủy ban này cho biết phần đông số người này là từ các thành phố và thị trấn Kirkuk, Erbil, Dahuk và Sulaymaniayh trên đường tới các làng xã miền Bắc trong khu tự trị của người Kurd.

"90 phần trăm số người di tản này hiện ở với họ hàng và không cần trợ giúp ngay", UNOHCI cho biết trong báo cáo mới đây của mình ra ngày 21/3.

Thế nhưng Ủy ban này nói rằng "có quan ngại về sức khỏe của những người không có nơi trú ẩn tử tế".

UNOHCI cũng cho biết thêm rằng họ đang có kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho những người này.

Ðóng cửa biên giới

UNOHCI nói rằngthị xã Dahuk gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nay đã trở nên hoang vắng do 85 phần trăm trong số dân 120.000 người ở đây đã di tản tới các làng xã ở phía đông.

Bản báo cáo của Uỷ ban này nói rằng "có tin là những người di tản không muốn vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuy nhiên họ cũng cho biết là có dấu hiệu một số người hiện đang quay trở lại Sulaymaniyah, một thị trấn trên biên giới với Iran.

UNOHCI cũng cho biết rằng người tỵ nạn từ miền Trung và Nam Iraq ở trong tình trạng không thể di tản tới khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía Bắc vì cửa khẩu biên giới đã bị đóng từ ngày 19 tháng Ba.

"Các điểm kiểm soát của chính phủ Iraq đã bị đóng cửa, thế cho nên việc đi lại tới ba khu tự trị phía Bắc đã gần như chấm dứt".

UNOHCI nói rằng thời tiết xấu cũng đang cản trở các nỗ lực của họ trong việc thiết lập các trại tỵ nạn và nơi trú ẩn tạm thời trong khu vực.(bbc)