Tại Iraq: Cuộc chiến Iraq đã bước sang ngày thứ ba. Hom nay toàn lãnh thổ Iraq từ bắc chí nam, nơi nào có căn cứ quân sự, đều bị hàng ngàn phi vụ của các phi cơ đủ loại từ B-52 đến B-2, F 117. v.v .. ném hơn 1500 trái bom, trong đó khoảng 500 phi đạn, 325 hỏa tiễn Tomakawk.

Các thành phố Kirkuk, Tikrit, Mosul, về phía bắc, Basra về phía nam và thủ đô Baghdad đã chìm trong biển lửa. Tại Baghdad mục tiêu bị ném bom là dinh thự tổng thống, cơ sở chính phủ và quân đội. Thành phố Baghdad bừng sáng trong đêm tối vì bom nổ, vì nhà cháy.

Viên chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết chiến dịch không tập sẽ ngưng nếu Iraq đầu hàng. Tuy nhiên, Tướng Richard Myers, Tham Mưu Trưởng Liên Quân cho biết còn vài trăm mục tiêu nữa sẽ bị ném bom nay mai. Các chuyên gia quân sự cho biết Hoa Kỳ lần này dùng các loại bom chính xác điều khiển bằng điện tử để đánh trúng mục tiêu, tránh phá hủy mục tiêu dân sự, giảm thiệt hại sinh mạng thường dân. Các nhà phân tích chiến sự cho biết Hoa Kỳ chưa dùng loại bom tên là E – Bomb có sức phá hủy tất cả những dụng cụ về điện tử như máy điện toán, điện thoại, truyền thanh, truyền hình, nhà máy phát điện. Do vậy, thành phố Baghdad vẫn còn điện sáng như thường lệ.

Trong cuộc họp báo sáng nay, Bộ trưởng Quốc Phòng cho biết không có cuộc nói chuyện chính thức nào diễn ra giữa chính phủ Mỹ và Iraq về vấn đề thuyết phục các giới chức cao cấp Iraq ra đầu hàng. Tuy nhiên, theo tin từ các hãng thông tấn, vẫn có các cuộc nói chuyện bí mật giữa các sĩ quan chiến trường và các tướng lãnh Iraq. Tham dự các cuộc họp này còn có các nhân vật Iraq chống Saddam Hussein đang sống ở ngoại quốc.

Về tổn thất nhân mạng của lực lượng liên quân, tính tới chiếu tối thứ Sáu, Mỹ có 2 lính thủy quân lục chiến tử thương, nâng tổng số lên 6 người kể cả 4 người thiệt mạng vì trực thăng hư máy móc tại Kuwait ngày hôm qua. Vào buổi tối, tin cho biết 2 trực thăng của hải quân Anh đã đụng nhau ngoài biển làm 7 người chết trong đó có 1 binh sĩ Hoa Kỳ

Tin giờ chót trong ngày cho biết một tướng lãnh chỉ huy cấp sư đoàn của Iraq, cùng với 8000 lính và 200 chiếc xe tăng đóng tại miền nam Iraq đã xin đầu hàng sư đoàn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Dân chúng trong thành phố Umm Qars đã mừng rỡ ôm lấy các thủy quân lục chiến đang kiểm soát thành phố này. Lính Mỹ và dân chúng Iraq mừng rỡ đập bỏ các tượng hình của Saddam Hussein. Hoa Kỳ đã rải truyền đơn nói đồ viện trợ nhân đạo, thực phẩm, thuốc men đang được chở tới Iraq. Theo Bộ Trưởng Thông Tin Iraq, tại Baghdad có 200 người bị thương trong đó có trẻ em, phụ nữ, thường dân và không có lính Iraq nào ra đầu hàng hoặc bị bắt. Tuy nhiên Iraq chính thức đòi Hoa Kỳ xử sự tù binh theo nguyên tắc quốc tế.

Vào lúc 10 giờ đêm thứ Sáu, giờ địa phương, liên quân Anh Mỹ đã tiến sâu vào lãnh thổ Iraq khoảng 150 km. Ðã chiếm thành phố Umm Qars, bao vây Basra, chiếm 2 phi trường về phía tây Bagdad, cách thủ đô Baghdad khoảng 200 Km. Ðã kiểm soát được các giấng dầu ở phía nam. Bộ tư lệnh Anh cho biết có 7 giếng dầu bị phóng hỏa. Các chuyên gia quân sự cho là việc tiến quân của liên quân rất nhanh. Các chuyên gia dự tính chỉ trong vòng 2 đến 4 ngày nữa, lực lượng Anh Mỹ sẽ bao vây thủ đô Baghdad.

Trong khi đó, một biến chuyển rắc rối về phía bắc là 1000 quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào phía bắc Iraq. Ðiều này Mỹ hoàn toàn không muốn vì có thể người Kurd tại Iraq sẽ đụng độ với quân Thổ. Chính phủ Thổ lấy lý do đổ quân vào Iraq là muốn có vùng trái độn để người Kurd đừng chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực ra, Thổ Nhĩ Kỳ sợ người Kurd tuyên bố độc lập, sẽ gây xáo trộn cho Thổ vì tại đây có nhiều người sắc dân Kurd. Ngoài ra vùng phía bắc Iraq có trữ lượng dầu hỏa rất lớn mà cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều thèm muốn.

Hoa Kỳ đánh giá chính quyền trung ương Iraq đã mất quyền kiểm soát. Về TT. Saddam, CIA đã xác nhận chính ông Saddam Hussein đã đọc bài diễn văn sau 3 giờ đồng hồ Mỹ bỏ bom đợt đầu tiên. Tuy nhiên CIA không biết bài diễn văn đó đã được thu hình lúc nào, trước hay sau vụ ném bom? Tin tình báo ở Iraq cho biết Saddam đã bị thương, được gắn ống oxygen để thở. Tin ông Saddam Hussein chết chưa đuợc cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận, tuy nhiên thị trường chứng khoán lạc quan. Chỉ số chứng khoán tăng 285 điểm trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi có tin Mỹ ném bom dữ dội vào lãnh thổ Iraq. Ðược biêt thị trường chứng khoán Mỹ tăng 8 ngày liên tiếp, kể từ khi TT. Bush tuyên bố tối hậu thư cho Saddam Hussein.Trong khi đó, giá dầu thô giảm. Về con trai của ông Saddam Hussein, có tin là một trong hai người đã chết trong vụ bỏ bom đầu tiên.

Về tình hình nội địa Hoa Kỳ: Tình trạng báo đông về khủng bố vẫn ở mức độ cao. Các đám biểu tình chống chiến tranh vẫn xảy ra tạI các thành phố, nhưng số người tham dự và cường độ cuồng nhiệt đã giảm. TT. Bush gặp số vị dân biểu lưỡng đảng, báo cáo thành qủa chiến tranh. Uy tín của ông càng ngày càng gia tăng khi tin chiến thắng dồn dập được loan báo trên truyền hình. Lượng giá tình hình tổng quát về chiến sự, Tổng Thống Bush nói “khả quan”. Cuối tuần này ông sẽ nghỉ ở Camp Davis, tuy nhiên vẫn liên lạc với giới chức cao cấp về quân sự và an ninh.

Về tình hình quốc tế liên quan đến chiến tranh Iraq: Tại Kuwait, Iraq vẫn bắn các hỏa tiến sang lãnh thổ nước láng giềng, nhưng không gây ra sự thiệt hại nào. Còi báo động đã hụ lên ít nhất là 5 lần ở Kuwait, dân chúng vẫn chui vào hầm, đeo mặt nạ chống vũ khí sinh hóa. Phi đạn Patriot của Mỹ đã bắn hạ ít nhất hai hỏa tiễn của Iraq. Chưa có bằng chứng nào cho thấy Iraq đã sử dụng vũ khí sinh hóa, cũng như chưa khám phá thấy vũ khí giết người hàng loạt, ngoại trừ hỏa tiển Scud bắn sang Kuwait. Hỏa tiễn này bị LHQ cấm Iraq không có quyền sở hữu.

Trong khi đó Pháp vẫn giữ thái độ cứng rắn và cay cú với Mỹ . Tổng thống Jacques Chirac tuyên bố, Pháp sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc cho phép Anh Mỹ có quyền điều hành Iraq sau chiến tranh trong khi chờ đợi thành lập chính quyền mới.

Còn TT. Putin của Nga cho rằng cuộc chiến Iraq có thể gây bất ổn trầm trọng trong các nước thuộc liên bang Sô Viết Cũ.

Vị Tổng Giám Mục Anh Giáo Desmond Tutu của Nam Phi cho việc Mỹ đánh Iraq là một sai lầm nghiêm trọng, làm tổn hại đến nguyên tắc căn bản của Liên Hiệp Quốc.