BAGHDAD - Các dấu hiệu đến nay cho thấy lính thuộc Quân đoàn số Năm sẽ kiểm soát thung lũng gần sông Euphrates.

Tin tức nói rằng một sân bay tại Tallil đã bị chiếm - sân bay này cách thành phố Nasiriyah chỉ 20km về phía tây nam.

Quân Mỹ chắc chắn sẽ vượt qua Euphrates trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch, mặc dù chưa rõ thời điểm chính xác.

Trong lúc đó, về phía đông, liên quân Anh-Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sức ép. Mục tiêu trước mắt của họ là bảo đảm kiểm soát toàn bộ Basra, thành phố lớn thứ hai của Iraq.

Một khi việc kiểm soát Basra được hoàn tất, đa phần lực lượng liên quân sẽ tiến về phía bắc thẳng đến sông Tigris. Quân Anh sẽ đóng vai trò bảo vệ mạn sườn trong cuộc hành quân này.

Tổng công kích
Trong lúc các binh đoàn tiến về phía bắc, thì việc kiểm soát các sân bay thuộc miền Tây Iraq và các bãi hạ cánh ở miền bắc nước này sẽ giúp các lực lượng từ các mặt khác cùng hướng về Baghdad.

Mục tiêu lớn nhất của liên quân là tấn công vào bộ máy chỉ huy và kiểm soát toàn bộ các vị trí của chính quyền Iraq.

Muốn đạt được điều này, lực lượng do Mỹ dẫn đầu không chỉ cần sử dụng bom mà cả các phương tiện liên lạc viễn thông và chiến tranh tâm lý.

Quân đặc nhiệm từ ba nước - Anh, Mỹ, Úc - đã đi vào hoạt động.

Họ hi vọng các bộ phận quan trọng trong bộ máy quân sự Iraq sẽ nhanh chóng sụp đổ, nhưng người ta cũng biết rằng các lực lượng tinh nhuệ nhất của Iraq hiện vẫn chưa nhập cuộc.

Phóng viên BBC Paul Wood nói các mục tiêu bao gồm cả các dinh thự của tổng thống Saddam.

Các trụ sở của Bộ Ngoại giao và văn phòng Phó Thủ tướng Iraq cũng đã bốc lửa.

Các cuộc không kích cũng nhằm vào cả thành phố Mosul ở phía Bắc.

Theo phóng viên John Simpson tường thuật từ khu vực này, bầu trời đêm đã rất nhiều lần bùng sáng khi người ta đánh bom.

Người ta cũng cho biết một số vụ nổ lớn khác tại một thành phố phía Bắc là Kirkuk, nơi các lực lượng Hoa Kỳ đang cố gắng bảo đảm an toàn cho những giếng dầu khổng lồ.

Theo tin của AFP, trong khi cuộc dội bom tiếp tục, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Hashim Ahmed nói tại một buổi họp báo rằng "không lực lượng nào trên thế giới" có thể chinh phục được Iraq.

Chiếm được cảng

Tướng Richard Myers, Tham mưu trưởng liên quân của Mỹ, cho hay các lực lượng bộ binh do Mỹ cầm đầu đã tiến được 160km vào Iraq.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, quân đồng minh cũng tiến vào thành phố thứ hai của Iraq là Basra.

Cuộc tiến công vào các thành phố diễn ra sau khi lực lượng thuỷ quân của Mỹ vào được cảng nước sâu duy nhất của Iraq tại Umm Qasr ở vùng Đông Nam.

Đô đốc Sir Michael Boyce, trưởng hội đồng tướng lĩnh của Anh nói tại một buổi họp báo ở Luân Đôn rằng: "Lính thủy của Mỹ đã tràn vào Umm Qasr và hiện khu vực này đã ở trong tay quân đồng minh".

Cảng tại vùng Đông Nam này được coi là vị trí chủ chốt trong việc nhập khẩu nguồn viện trợ cho thường dân Iraq.

Sư đoàn bộ binh 3 của Mỹ đã di chuyển vào trung tâm Iraq, gần thành phố Nasiriya, là điểm giao quan trọng qua sông Euphrates trên đường tới Baghdad.

Phóng viên BBC Gavin Hewitt nói đã có một số cuộc đụng độ giữa các lực lượng Hoa Kỳ và các lực lượng Iraq; sau đó là đến đợt dội bom mạnh của Mỹ xuống khu vực xung quanh thành phố.

Trong những hướng tiến công khác, các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay những khu vực không phận chính được đặt ký hiệu H2 và H3 ở miền Tây Iraq cũng đã bị quân đồng minh nắm giữ.

Vào hôm thứ Sáu, quân đội Anh đã kiểm soát được những cơ sở dầu lửa quan trọng ở bán đảo al-Faw sau một cuộc đọ súng ngắn ngủi.

Tuy nhiên, Đô đốc Boyce cũng cho hay tại các nơi khác ở Iraq, các lực lượng Iraq đã đốt bảy giếng dầu, tức là con số giảm xuống so với dự đoán ban đầu là 30.

Những diễn biến khác

Hãng thông tấn của chính phủ Iraq cho biết tổng thống Saddam Hussein mới ra nghị quyết rằng bất cứ người Iraq nào bắt được một binh sĩ kẻ thù sẽ được thưởng khoảng 32.000 đô-la. Phần thưởng cho việc tiêu diệt một kẻ thù là khoảng 16.000 đô-la.

Hai lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đã bị thiệt mạng tại miền Nam Iraq, chỉ vài giờ sau khi tám quân nhân Anh và bốn quân nhân Mỹ bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng.

Các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Ít nhất hai người, trong đó có một cảnh sát, đã bị giết trong các vụ đụng độ tại thủ đô Yemen là Sanaa.

Các lực lượng đồng minh đã chặn được hai xà lan chật cứng mìn chống hạm trong khi họ rời cảng tại Iraq, khiến cho lực lượng thuỷ quân đặc nhiệm tại vùng Vịnh phải cảnh giác cao.

Các hệ thống tên lửa quốc phòng Patriot đã bắn hạ nhiều tên lửa của Iraq nhằm vào Kuwait kể từ sau các vụ tấn công vào hôm thứ Năm.

Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov nói ông lên kế hoạch sẽ tiếp cận phòng pháp lý của LHQ để đề nghị họ tuyên bố cuộc chiến là bất hợp pháp.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói ông sẽ không chấp nhận một chính quyền điều hành của Mỹ và Anh sau chiến tranh tại Iraq. Ông nói thêm rằng LHQ là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm tái thiết Iraq.

Phản ứng của Iraq

Trong phản ứng chính thức trước cuộc tấn công của quân đồng minh, các bộ trưởng Iraq đã đưa ra những lời tuyên bố thách thức.

Bộ trưởng Thông tin, Mohammed Saeed al-Sahhaf, nói với các phóng viên rằng các hình ảnh trên Tivi cho thấy quân Iraq đầu hàng là giả tạo.

Ông cũng nói các lực lượng Iraq đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của phe đồng minh. Quân đội Mỹ đã phủ nhận điều này.

Bộ trưởng Nội vụ Mahmoud Dhiab al-Ahmed mô tả Hoa Kỳ là một "cường quốc của quân cướp giật", và so sánh tổng thống Bush với trùm gangster Mỹ hồi thập kỷ 20 là Al Capone.(bbc)