PARIS - Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã khuyến cáo ông sẽ không chấp nhận bất cứ nghị quyết nào của LHQ cho phép Mỹ và Anh quản lý Iraq sau chiến tranh

Nói chuyện vào cuối buổi họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tại Brussels, ông Chirac nói Pháp sẽ phản đối bất cứ hành động nào nhằm "hợp thức hóa cuộc can thiệp quân sự và cho phép những kẻ hiếu chiến quyền điều hành Iraq".

Ông Chirac nói: "Điều đó sẽ chỉ biện minh cho cuộc chiến". Ông mô tả cuộc tấn công do Mỹ cầm đầu là một thời điểm bi thương và sẽ có những hậu quả không lường trước được.

Tổng thống Chirac đã có những nhận xét đó sau khi Thủ tướng Anh Tony Blair hối thúc Liên minh châu Âu ủng hộ một nghị quyết mới của LHQ nhằm lập ra một "nhà cầm quyền dân sự tại Iraq" thời hậu Saddam Hussein.

Phản ứng trên mặt trận ngoại giao

Nhưng nếu Pháp tỏ ra chỉ trích chiến tranh, Nga bây giờ lại đứng ra phê phán gay gắt hơn.

Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov nói tại Viện Duma hôm thứ Sáu: "Cuộc tấn công này phản ánh những mối quan tâm và các chính sách của một số giới tại Hoa Kỳ có liên hệ trực tiếp với những nhóm công nghiệp và quân sự".

"Họ cảm thấy rằng bằng việc bố trí lại các lực lượng ngày hôm nay, họ có thể thiết lập sự lãnh đạo của họ trên toàn thế giới trong tương lai".

Rất nhiều nước khác, bao gồm Đức, Indonesia và Jordan đã tuyên bố với Hoa Kỳ rằng họ sẽ không chấp nhận lời yêu cầu đóng cửa các đoàn ngoại giao của Iraq tại nước họ.

Và Iran tiếp tục lên tiếng p̣hản đối chiến tranh. Lãnh tụ tối cao của nước này, Ayatollah Ali Khamene’i, nói dù Iran không muốn bảo vệ tổng thống Saddam Hussein, những hành động mà Mỹ và Anh thực hiện, theo ông, là những hành động của quỉ Satan.

Nhưng Hoa Kỳ cũng có những đồng minh của mình, bao gồm cả Philippines.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Philippines, Vicle Garras, giải thích: "Vì Philippines đã tham gia cuộc chiến chống khủng bố từ trước vụ 11/9 và bây giờ khi cuộc chiến nổ ra, thì chúng tôi thấy cố cùng mối quan tâm với Hoa Kỳ".

Cho tới nay, p̣hần lớn các chính phủ trên thế giới ngả theo hai quan điểm, hoặc ủng hộ chiến tranh, hoặc phản đối chiến tranh, như họ vẫn bày tỏ từ trước khi cuộc chiến nổ ra.

Nhưng một điều đáng chú ý là trong khi các chính phủ tại thế giới Arab tỏ ra khá gượng ép khi phản đối thì Nga bây giờ lại đưa ra quan điểm bài Mỹ rất cứng rắn.(bbc)