WASHINGTON - Thông tín viên đài BBC đi theo đoàn quân nói lính Mỹ đã bắn nhiều loạt hỏa tiễn vào các vị trí do Iraq trấn thủ con sông Euphrates.

Thông tín viên này nói đây có thể sẽ là bài toán kiểm tra ban đầu về mức độ kháng cự của quân Iraq, lực lượng đang bảo vệ con sông có tầm quan trọng chiến lược của thành phố Nasariyah.

Trước đó, quân Mỹ đã hành quân cả ngày dọc sa mạc từ phía Kuwait mà không gặp phải kháng cự.

Cảng Umm Qasr thất thủ?

Tướng Michael Boyce của quân Anh tuyên bố quân Mỹ đã chiếm được cảng Umm Qasr và nói quân Anh đã có mặt bên ngoài thành phố Basra, miền nam Iraq.

Cảng Umm Qasr là nơi được dùng trong chương trình đổi dầu lấy thực phẩm của Liên Hiệp Quốc.

Các tin tức xung quanh việc chiếm cảng Umm Qasr sẽ được tiếp tục cập nhật.

Đài CNN bị buộc rời Iraq

Hãng tin truyền hình CNN vừa thông báo nhà chức trách Iraq đã ra lệnh buộc các nhà báo của hãng CNN rời khỏi Iraq.

Xướng ngôn viên nói hãng CNN đang chờ thêm các diễn biến mới. Người này nói đoàn nhân viên của CNN sẽ phải đi đường bộ tới Jordan, do các chuyến bay giữa Baghdad và Amman bị tạm ngưng.

Ông Bush lạc quan

Sau khi gặp các cố vấn cao cấp, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Tổng thống Bush khẳng định hoạt động quân sự đang tiến triển.

Ông Bush nói liên quân do Mỹ lãnh đạo sẽ - như cách nói của vị tổng thống - duy trì sứ mạng cho tới khi Iraq hoàn toàn giải giáp, được tự do và đi trên con đường tới nền dân chủ.

Trước đó, trong bối cảnh báo chí Mỹ đăng nhiều bài nói rằng Tổng thống Saddam Hussein có thể đã chết hoặc bị thương trong đêm đầu cuộc chiến, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Ari Fleischer nói ông không trả lời các tin đồn và ông cũng không có chi tiết gì cụ thể để bình luận.

Ông Ari Fleischer nói CIA kết luận đoạn phim truyền hình phát đi ít lâu sau khi cuộc tấn công đầu tiên chứa đựng giọng nói thật của ông Saddam Hussein, nhưng chưa có bằng chứng để kết luận đoạn phim được quay khi nào.

Phản ứng quốc tế

Nhiều nước tiếp tục lên tiếng chỉ trích cuộc chiến tại Iraq.

Nga nằm trong số các nước lên tiếng mạnh mẽ nhất, với việc ngoại trưởng Igor Ivanov gọi cuộc chiến là bất hợp pháp:

"Cuộc chiến phản ánh quyền lợi và chính sách của một số nhóm tại Hoa Kỳ, trực tiếp liên quan tới ngành công nghiệp quân sự. Họ cảm thấy với sự liên kết của các thế lực hiện nay, họ có thể thực thi quyền bá chủ toàn thế giới".

Nhiều nước đã nói với Hoa Kỳ rằng họ sẽ không chấp nhận yêu cầu của Washington muốn các nước đóng cửa các cơ quan ngoại giao của Iraq. Pháp, Đức, Nga, Indonesia, Jordan và Algeria đã nói Không trước đề nghị của Hoa Kỳ.(bbc)