WASHINGTON - Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ báo cáo là tổn thất nhân mạng đầu tiên trong cuộc chiến là 12 người trong đó có 4 lính Mỹ và 8 lính Anh tử nạn vì trực thăng trục trắc máy móc. Về phía Iraq, chính quyền loan báo là có 1 người chết, 14 người bị thương. Ngoài ra, hai máy bay trực thăng Apache bị trúng đạn, tuy nhiên phi hành đoàn và lính lực lượng đặc biệt đều được cứu thoát.

Bộ Quốc Phòng lượng giá tình hình tổng quát sau ngày thứ nhất là “tình hình trước sau rất tốt” (So far, so very good).

Thành phố Baghdad đã bị hai đợt bỏ bom vào đêm thứ Năm gây nhiều đám cháy.Một trong những địa điểm trúng bom là tư gia của Saddam Hussein. Bộ binh Hoa Kỳ đã chiếm được thành phố Umm Qasr, phía nam Iraq, gần biên giới Kuweit. Ðây là hải cảng có thể tiếp nhận tàu lớn. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, Quân đội đồng minh đã có mặt ở Ðông, Tây, Nam Bắc Iraq. Súng đã nổ, bom đã rơi ở các thành phố lớn Mosul phía bắc và Basra phía nam. Các chiến xa của sư đoàn 3 vượt biên giới Kuweit tiến vào Iraq vào chiều tối thứ Năm, lực lượng chiến xa không gặp sự kháng cự nào và di chuyển với tốc độ 25 dăm/giờ.

Chưa có những cuộc oanh tạc dữ dội, có nguồn tin cho rằng cuộc chiến mở màn không dữ dội và ác liệt vì Hoa Kỳ đang bí mật thương thảo với các đơn vị Iraq muốn đầu hàng. Tin ban đầu cho biết 35 lính Iraq đã đầu hàng. Theo tin của các cơ quan thông tấn, trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp quân đội Iraq đã có sự chia rẽ.
Trong ngày đầu, Iraq mới chỉ đốt 3 giếng dầu hỏa chung quan thành phố Basra. Nói chung, quân đội Iraq đã chống cự rất yếu ớt.

Số phận Saddam Hussein bây giờ ra sao, Bộ Quốc Phòng và các cơ quan thông tấn vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng, tin tức tình báo và tờ Washington Post cho biết hầu như chắc chắn Saddam và hai con đã có mặt tại địa điểm khi bị ném bom. Cũng theo nguồn tin tình báo, người ta không bắt được những tín hiệu liên lạc điện tử của các nhà lãnh Iraq, trong đó có Saddam Hussein và 2 con sau khi Hoa Kỳ ném bom khai hỏa cuộc chiến.

Iraq đã phóng ít nhất 3 phi đạn trong đó có 1 phi đạn Scud vào lãnh thổ Kuwait. Trong ngày qua Kuwait đã báo động ít nhất 6 lần. Dân chúng và binh sĩ Mỹ ở đây đã phải đeo mạt nạ và chui xuống hầm. Chưa có dấu hiệu Iraq sử dụng vũ khí hoá học. Phi đạn Scud là loại bị Liên Hiệp Quốc cấm, Iraq trước đây luôn chối không có loại phi đạn này. Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld tuyên bố : “Ngày của Saddam đã đến gần”.

Về tình hình an ninh quốc nội, Hoa Kỳ vẫn đặt trong tình trạng báo động cao Bộ trưởng năng lượng Hoa Kỳ cảnh cáo là có thể bọn khủng bố phá họai nhà máy nguyên tử. FBI báo động và đang truy lùng người Ả Rập Saudi thuộc mạng lưới Al Qaeda đang lẩn trốn tại Hoa Kỳ và có âm mưu khủng bố. Trong khi đó 100% số Thượng Nghị Sĩ Mỹ ra nghị quyết ủng hộ Tổng Thống và quân lực Hoa Kỳ đang tham chiến ở Iraq. Nhiều đám biểu tình phản đối chiến tranh đã diễn ra tại hầu hết các thành phố Hoa Kỳ. Số người biểu tình không đông lắm nhưng có chiến thuật chung là cản trở sự lưu thông tại các địa điểm kinh tế tài chánh.

TT Bush đã dùng điện thoại liên lạc với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Hiện nay, có 44 nước trên thế giới ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Iraq. TT. Bush gọi các nước này là Liên Minh Chống Iraq.

Chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Iraq phải rời Hoa Kỳ và kêu gọi các nước hãy trục xuất các nhà ngoại giao Iraq. Ðồng thời, Mỹ đã phong tỏa tất cả tài sản của chính phủ Iraq. Ðối với 11000 người Iraq đang sống ở nước Mỹ, cơ quan FBI muốn phỏng vấn họ để bảo đảm vấn đề an ninh nội địa.

Chính phủ Pháp, Ðức, Nga, Trung Quốc lên án Hoa Kỳ tiến đánh Iraq. Tại nhiều thành phố trên thế giới xảy ra các cuộc biểu tình chống Mỹ. Lớn nhất là tại Paris có đến hơn 10,000 người biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã quyết định đóng cửa tòa đại sứ Mỹ ở Paris và 15 tòa đại sứ khác, hầu hết ở vùng Trung Ðông. Tại Pháp, dân chúng biểu tình đã đập phá tiệm ăn McDonald, một biểu tượng cho nền văn hóa Mỹ. Ở Hoa Kỳ nhiều cửa tiệm dùng chữ French, tức Pháp, đã bị phá hoại.