LONDON - Các nơi đã nhanh chóng lên tiếng sau khi biết tin tổng thống Bush ra lệnh mở màn cuộc chiến mà nhiều người hy vọng không xảy ra

Tiến sĩ Ismid Abdul Majid, cựu Tổng Thư Ký Liên Đoàn Ả rập đã chỉ trích mạnh mẽ hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu tấn công Iraq.

"Nước Mỹ đang bất cẩn hoặc đang né tránh, hoặc là họ đang phớt lờ Liên Hợp Quốc cùng vai trò của Hội Đồng Bảo An để cứ một mình một đường. Lẽ ra việc này phải được thực hiện một cách hợp pháp thông qua trình tự quốc tế."

"Ngày mai Thứ Sáu là ngày thiêng liêng đối với người Hồi giáo và tôi mong là toàn thế giới chứ không chỉ riêng các quốc gia Hồi giáo sẽ lên tiếng phản đối về những gì diễn ra."

Nghị sĩ Hoa Kỳ, thành viên Đảng Dân Chủ Brad Sherman ở California có thái độ ủng hộ cuộc chiến. Được hỏi cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, ông nói hy vọng không kéo dài.

"Tôi hy vọng là trong 10 ngày, ông Saddam Hussein sẽ không còn nắm quyền kiểm soát Iraq một cách hiệu quả. Tôi không chắc điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tóm được ông ấy, hay ông ta đào tẩu được, hay là ông ta dẫn dắt lực lượng kháng cự ở Baghdad hay là ở Takrit quê nhà ông ta, nhưng tôi hy vọng rằng trong thời gian 10 ngày, Iraq sẽ thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và quân đồng minh."

Michael Ancram là phát ngôn viên phụ trách vấn đề đối ngoại của Đảng Bảo thủ đối lập tại Anh; đảng này hiện đang ủng hộ đường lối cứng rắn của Thủ tướng Anh Tony Blair trong vấn đề Iraq.

"Trước hết, đó là khoảnh khắc buồn vì đây là việc khởi đầu cho hành động quân sự. Giờ đây, chúng tôi hướng về quân đội Anh và gia đình các quân nhân. Thế nhưng tôi cũng nghĩ rằng giờ đây, khi chúng ta đã bắt đầu, chúng ta phải coi đó như là giải pháp cuối cùng và chúng ta phải theo đuổi, thực hiện nó một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất trong khả năng của mình."

Một nghị sĩ Anh khác, Joan Ruddock, thành viên Đảng Lao Động và là người phản đối chính sách hiện thời của chính phủ đối với Iraq vẫn tiếp tục lo ngại về cách thức tiến hành chiến tranh.

"Tôi cũng như hầu hết mọi người hy vọng rằng đây sẽ là cuộc chiến nhanh gọn và tổn thất nhân mạng cho tất cả các bên tham gia sẽ ở mức thấp nhất. Thế nhưng tôi lo lắng về chuyện sử dụng bom mẹ và các vũ khí có chứa uranium nghèo trong cuộc chiến này."

Phóng viên BBC James Commarasamy tường thuật từ Paris cho hay chính phủ Pháp vẫn đang giữ vững quan điểm của mình.

"Chính phủ Pháp đã bày tỏ rõ ràng rằng sẽ không đưa ra bất kỳ sáng kiến nào để hàn gắn những vết thương bị gây ra trong mấy tuần vừa rồi. Tuy nhiên, người ta có cảm giác là Pháp có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa Liên Hiệp Châu Âu xích lại với nhau."

"Báo chí Pháp nói rằng nước này sẽ không tham dự các hoạt động quân sự, nhưng vẫn tiến hành cuộc chiến của riêng mình trên ba trận tuyến – đó là tái lập đối thoại với Hoa Kỳ, đảm bảo việc Pháp sẽ vẫn có phần trong công tác tái thiết Baghdad và Iraq sau khi ông Saddam Hussein ra đi và cuối cùng, cũng là trận tuyến quan trọng nhất, đó là hàn gắn những gì còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu."

Người dân Pháp xem chừng không quá bi quan về quan hệ với Hoa Kỳ và Anh Quốc.

"Pháp đã bị Anh và Mỹ chỉ trích từ nhiều tháng qua. Đó là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một quá trình quan hệ lịch sử tốt đẹp với hai nước đó. Trong chừng một hay hai năm tới, tình hình sẽ tốt đẹp trở lại mà thôi."

"Tôi nghĩ rằng ông Tony Blair đang lên tiếng chỉ trích về chuyện Châu Âu bị chia rẽ. Châu Âu cần phải thống nhất để đối trọng với Mỹ. Nhiều người Anh và cả những người Mỹ cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Tôi không hề cảm thấy hổ thẹn hay buồn phiền gì về quan điểm của nước Pháp cả."(BBC)