Chiến tranh với Iraq dường như tiến gần hơn sau khi đề nghị 6 điểm của Anh được đón nhận một cách lạnh nhạt

Hoa Kỳ và Anh Quốc cương quyết không từ bỏ dự thảo nghị quyết trong đó nêu ra hạn chót là ngày 17 tháng 3 để Iraq phải giải.

Đề nghị 6 điểm của Anh

Tuy nhiên chính phủ Anh đề nghị 6 điểm buộc Iraq làm theo nếu muốn đảo ngược nguy cơ chiến tranh. Một trong những điều kiện đó là tổng thống Saddam Hussein phải lên truyền hình tuyên bố từ bỏ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Anh cũng muốn Baghdad phải cho ít nhất 30 khoa học gia về vũ khí được phép sang đảo Cyprus để cho các thanh tra vũ khí phỏng vấn.

Đại sứ của Anh tại Liên Hiệp Quốc là Sir Jeremy Greenstock: "Dự thảo nghị quyết vẫn là quan điểm chính thức của chúng tôi. Chúng tôi không từ bỏ nó, nhưng đề nghị 6 bước thử thách là một giải pháp khác để xem Hội đồng Bảo an có thể đồng ý và thông qua một nghị quyết khả thi hay không."

Đại sứ Anh nói rằng nếu các nước ủng hộ 6 bước thử thách buộc Iraq phải làm theo thì hạn chót 17/3 sẽ được hủy bỏ. Nhưng chính phủ tổng thống Bush không mấy quan tâm đến đề nghị của Anh mà vẫn cương quyết đòi giữ nguyên hạn chót đã đưa ra.

Ông Negroponte: Chúng tôi không bỏ hạn chót 17/3

Đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, ông John Negroponte, nói: "Nghị quyết của chúng tôi là nghị quyết duy nhất hiện có trên bàn. Chúng tôi không bỏ hạn chót 17 tháng 3. Mọi người nên nghiên cứu kỹ đề nghị của Anh và tôi nói như vậy với các thành viên trong Hội đồng Bảo an."

Washington tuy vậy cho biết họ sẵn sàng xê dịch hạn chót 17/3 nếu các nước đồng ý với đề nghị của Anh.

Pháp và Nga không ủng hộ

Còn Pháp vẫn quả quyết sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào đưa ra hạn chót 17/3 và không quan tâm gì đến đề nghị của Luân Đôn.

Đại sứ của Pháp tại Liên Hiệp Quốc là Jean-Marc de la Sablier: "Đề nghị của Anh Quốc không làm thay đổi được tình hình bởi vì trên bàn vẫn còn một dự thảo nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực."

Nước Nga cũng không thích đề nghị của Luân Đôn. Phóng viên BBC tại Liên Hiệp Quốc, Greg Barrow cho biết: "Tôi nghĩ nhiều nhất người ta cũng chỉ có thể nói là họ sẽ nghiên cứu đề nghị của Anh và đề đạt ý kiến lên chính phủ của họ."

"Hôm nay Hội đồng sẽ tiếp tục họp. Nhưng nói chung mọi người tỏ ra lạnh nhạt với đề nghị của Luân Đôn."

Đòn đối phó của ông Blair?

Phóng viên Greg Barrow cho biết một số nước trong Hội đồng Bảo an nghĩ rằng thủ tướng Tony Blair đưa ra đề nghị 6 bước thử thách chỉ để đối phó với dư luận công chúng trong nước mà thôi.

Đề nghị này được một số nhà ngoại giao cho là một cách để giải quyết rắc rối cho ông Tony Blair bởi vì vị thế của ông tùy thuộc quá vào việc có thông qua được nghị quyết thứ nhì hay không. Nhiều nhà ngoại giao cho rằng đây là một cố gắng tuyệt vọng của chính phủ Anh.

Dù chuyện gì xảy ra bây giờ thì quan hệ giữa các nước thường trực trong Hội đồng Bảo an đang gặp nhiều giông tố. Washington chỉ trích Pháp đã gởi cho Iraq những tín hiệu sai lạc khi dọa sẽ dùng quyền biểu quyết.

Đại sứ Mỹ tại Maxtcơva cảnh cáo quan hệ với Washington sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga phủ quyết nghị quyết qui định hạn chót để Iraq giải giáp là 17/3. Nhưng Pháp và Nga có vẻ không đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo của Washington.(bbc)