LIÊN HIỆP QUỐC - Hội Đồng Bảo An LHQ đã bắt đầu phiên họp hai ngày từ hôm qua, mở đường cho tất cả nước thành viên của LHQ bày tỏ quan điểm về bản dự thảo nghị quyết dùng võ lực giải giới Iraq.
Theo kế hoạch thì tất cả 40 nước không có chân trong Hội Đồng Bảo An, cùng với các đại diện của Liên Minh Ả Rập và Tổ chức Nghị Hội Hồi Giáo sẽ phát biểu ý kiến của mình về vấn đề này.

Hôm qua, Anh quốc đã dẫn đầu trong nỗ lực tìm giải pháp dung hòa giữa Hoa Kỳ và nhóm nước muốn cho Iraq thời hạn 45 ngày để giải giới.

Các viên chức Mỹ thì muốn thời hạn này phải ít hơn nhiều, và nói rằng cuộc biểu quyết tại Hồi Đồng Bảo An về nghị quyết mới chống Iraq sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Phát ngôn viên Tòa Bạch ốc Ari Fleicher nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng dung hòa, nhưng không dời thời hạn chót 17 tháng Ba lâu tới một tháng.

Tổng trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho hay, nếu cần, Hoa Kỳ sẵn sàng tấn công Iraq cho dù không có sự tham gia của Anh.

Trong khi đó, Pháp, Nga và cả Đức một lần nữa nhắc lại lập trường của họ là cần thêm thời gian cho cuộc thanh sát võ khí tại Iraq. Riêng Pháp và Nga đe dọa phủ quyết nghị quyết mới tại Hội Đồng Bảo An.

Hôm qua, ngoại trưởng Lebanon Mahmoud Hammoud lưu ý rằng Pháp và Nga không có đề nghị cho tổng thống Iraq Saddam Hussein sống lưu vong, dù báo chí Beirut đưa tin các viên chức Pháp,Nga đã yêu cầu như vậy với các ngoại trưởng Ả Rập.

Cũng liên quan đến tình hình Iraq, các nguồn tin của chính phủ Nhật Bản cho hay Tokyo dự tính viện trợ từ 1 tỷ tới 1.3 tỷ mỹ kim cho những nước láng giềng của Iraq, nếu xảy ra chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai.
Nguồn tài trợ này sẽ dành cho những nước Jordanie, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Syrie và cả chính quyền Palestine, để giúp họ trang trải công tác cứu trợ người tỵ nạn, bảo đảm nguồn thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Vẫn theo những nguồn tin này, một khi chiến tranh xảy ra, những nước này có thể bị tràn ngập bởi làn sóng người ty nạn, tạo nên khủng hỏang kinh tế. Tokyo hy vọng công bố kế họach viện trợ đó ngay sau khi chiến tranh xảy ra để làm giảm mối âu lo của những nước liên hệ (rfa)