AYODHYA,India - Một đội các nhà khảo cổ hàng đầu hôm nay đã tới thành phố Ayodhya của Ấn Độ để bắt đầu khai quật một thánh địa đang bị cả phe Hồi giáo lẫn phe Hindu tranh chấp.

Một tòa án Ấn Độ đã ra lệnh có cuộc khai quật để khẳng định liệu có hay không một ngôi đền hay bất cứ công trình tôn giáo nào được chôn vùi dưới những đổ nát của một giáo đường Hồi giáo từ thế kỷ 16, bị những người Hindu theo chủ nghĩa dân tộc phá hủy vào tháng 12/1992.

Vài ngàn người đã bị giết chết trong những cuộc bạo động tôn giáo do có các cuộc tranh chấp lâu dài giữa người Hindu và người Hồi giáo.

Đoàn khảo cổ gồm 15 người đã tới khu vực tranh chấp này vào hôm nay, thứ Hai. Họ sẽ có vài ngày để khảo sát và trình ra kế hoạch khai quật cụ thể tới giới chức địa phương.

Các phóng viên không được cho phép vào nội trong vòng 1km thuộc khu vực này, và người ta cấm không được quay phim quá trình khai quật.

An ninh được thắt chặt, với hàng ngàn cảnh sát và binh lính thuộc lực lượng lính dù tinh nhuệ được bố trí trong thành phố cổ và linh thiêng Ayodhya, nơi mà người Hindu tin rằng là nơi sinh của vị thánh thiêng liêng nhất của họ là thánh Ram.

Công việc khai quật sẽ được hoàn thành trong bốn tuần, và kết quả sẽ được trình ra trước một tòa án Ấn Độ.

Tòa án này đã ra lệnh có cuộc khai quật để giải quyết một cuộc tranh chấp có thể nói là thù hằn nhất giữa người Hindu và người Hồi giáo tại khu vực này kể từ khi có sự chia cắt Ấn Độ năm 1947.

Một ngôi đền Hindu được dựng tạm hiện đang trụ trên những đống đổ nát của một Giáo đường Hồi giáo có từ thế kỷ 16.

Theo lệnh của tòa án, người ta không được phép đào tại khu vực trung tâm của ngôi đền dựng tạm này.

Được biết công việc khai quật này cũng không được phép làm gián đoạn những người Hindu tới làm lễ tại thánh địa này.

Cả phe Hindu và phe Hồi giáo đều nhận quyền sở hữu khu vực tranh chấp này, và cả hai phe đều nhất quyết không khoan nhượng; do đó, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách kiểm chứng những gì nằm sâu dưới lòng những đổ nát này.

Người ta cũng đề nghị cả hai phe Hindu và Hồi giáo cử ra các đại diện để theo dõi quá trình khai quật.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách giải quyết tranh cãi bằng việc khai quật này. Một số nhà p̣hân tích cho rằng quá trình khai quật có thể mở ra nhiều vấn đề rắc rối khác, với nhiều nhóm tôn giáo tìm cách khơi lại những vấn đề gây tranh cãi trong lịch sử phức tạp của Ấn Độ.

Cựu giám đốc Viện Khảo cổ học Ấn Độ, MC Joshi, cho đài BBC hay cơ hội tìm thấy ngôi đền của thánh Ram của người Hindu là không nhiều.

Còn theo một lãnh đạo cao cấp của người Hồi giáo trực tiếp liên quan tới vụ này, lệnh khai quật của tòa án sẽ giúp loại bỏ ý tưởng rằng đã có một ngôi đền Hindu từng tồn tại trên khu vực này.(BBC)