NEW YORK - câu đố lớn nhất hiện nay lại liên quan tới phiếu bầu của các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Liệu các nước này có bị thuyết phục ủng hộ dự thảo nghị quyết mới? Từng lời phát biểu của họ được phân tích kỹ lưỡng.

"Iraq đã không nắm lấy cơ hội cuối mà Hội đồng Bảo an dành cho nước này," đại sứ Cameroon, Martin Belinga Eboutou, nói. Lời của ông nghe vang vọng âm hưởng dự thảo bản nghị quyết mới.

"Phái đoàn nước tôi hoan nghênh tiến bộ [của các thanh tra]," ngoại trưởng Guinea, Francois Lonseny Fall, nói. Có lẽ đây là cử chỉ tán thành quan điểm cho đoàn thanh tra thêm thời gian của Pháp.

Một quan sát viên thậm chí còn bình luận bộ quần áo truyền thống kiểu châu Phi mà ông Fall mặc thể hiện thái độ thù địch với chính sách của Hoa Kỳ.

Nhưng thậm chí lá phiếu của tất cả các nước cũng trở thành vô nghĩa nếu Pháp thực hiện tuyên bố của họ - một lời đe dọa sử dung quyền phủ quyết.

"Pháp sẽ không cho phép một nghị quyết được thông qua nghiễm nhiên chuẩn y việc sử dụng vũ lực," ngoại trưởng Pháp tuyên bố.

Hành động đơn phương?

Tiến trình hành động sắp tới của Hội đồng Bảo an đã rõ. Nhưng kết quả cuối cùng thì còn bí ẩn.

Chỉ còn vài ngày nữa để tiến hành các thương lượng ngoại giao giữa các bên. Và vòng bỏ phiếu có thể diễn ra vào thứ Ba tuần sau.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ có vẻ đã buông xuôi, chuẩn bị chấp nhận một thất bại bẽ bàng tại Hội đồng Bảo an.

Một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với đài BBC: "Chúng tôi hi vọng sẽ giành được đa số phiếu ủng hộ. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ thể hiện ý chí dân chủ của Hội đồng."

Nhưng có thể Hoa Kỳ sẽ chỉ giành được tối đa 8 phiếu trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an.

Hoa Kỳ cần 9 phiếu thuận - và không có việc phủ quyết.

Có thể Hoa Kỳ và Anh sẽ phải đi đến chiến tranh mà không có sự chuẩn y từ Hội đồng Bảo an - một điều mà hai nước mong muốn có được. (BBC)