ANKARA - Hôm thứ Bảy, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã không chấp thuận yêu cầu của Washington muốn cho quân Mỹ đồn trú dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Iraq.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Richard Boucher, nói số tiền tỉ đôla mà Hoa Kỳ đề nghị cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giúp gánh chi phí đồn trú của quân Mỹ. Vì thế nếu quân Mỹ không có mặt trên đất Thổ, số tiền trở nên không cần thiết.

Một thông tín viên đài BBC nói đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Washington bắt đầu từ bỏ hi vọng có thể xuất hiện nghị quyết thứ hai tại quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. (Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang thảo luận việc trình dự thảo mới trước quốc hội.)

Không kích ở vùng cấm bay tại Iraq
Washington nói các lực lượng tuần tiễu của Hoa Kỳ và Anh đã tấn công năm mục tiêu phòng không tại vùng cấm bay phía nam Iraq sau khi có hỏa lực chống máy bay bắn lên từ mặt đất.

Phía Iraq nói những khu dân cư tại thị trấn Basra phía nam bị bỏ bom làm sáu người thiệt mạng.

Việc Mỹ và đồng minh đang tăng cường lực lượng tuần tiễu trên không là hết sức rõ ràng. Cho nên đối với giới chức Iraq có lẽ đây là một dấu hiệu nữa cho thấy chiến tranh đang tới gần.

Trên truyền hình Iraq, tổng thống Saddam Hussein với điếu xì gà trong tay họp mặt với các tướng lĩnh trong quân đội và ra lệnh cho họ sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu.

Ông Saddam Hussein nói ông sẽ không điều quân lính nghênh chiến tại những nơi mà ông gọi là những vùng trống.

Điều này được hiểu là quân đội Iraq sẽ không chiến đấu tại sa mạc hay những đồng bằng phía nam Iraq mà sẽ cố kéo quân Mỹ và Anh vào những trận đánh hỗn loạn và tốn kém trên đường phố tại các đô thị.

Iraq vẫn đang hy vọng là các biện pháp ngọai giao khéo léo sẽ kéo dài thời gian.

Iraq sẽ gửi đến Hội đồng Bảo an một bản báo cáo để chứng minh là Iraq đã hủy chất gây vi khuẩn bệnh than cũng như các vũ khí chứa hơi độc VX năm 1991.
Vấn đề rủi ro hiện nay đối với Anh và Mỹ là hai nước này có thể sẽ phải tiếp tục duy trì một lực lượng quân đội lớn để chờ cơ hội tấn công dưới cái nắng cháy sa mạc mùa hè hoặc chiếm đóng Iraq với một sự ủng hộ không mấy gì hùng hậu từ cộng đồng quốc tế.(bbc)