NEW YORK - Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nay mai sẽ phải bỏ phiếu để quyết định xem có cho phép thế giới mà dẫn đầu là Hoa Kỳ được sử dụng vũ lực để giải giới Iraq không.

Theo nguyên tắc, hội đồng Bảo An muốn thông qua một nghị quyết, trước hết, không có phiếu phủ quyết nào của 5 nước hội viên thường trực là Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Trung Hoa. Thứ hai, phải hội đủ 9 trong số 15 nước hội viên của hội đồng Bảo An.

Sau đây là lập trường chính trị của 15 nước thành viên hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Iraq

A. LẬP TRƯỜNG CỦA 5 NƯỚC HỘI VIÊN THƯỜNG TRỰC, CÓ QUYỀN BỎ PHIẾU PHỦ QUYẾT:

1. Hoa Kỳ: Iraq phát triển và duy trì vũ khí giết người hàng loạt. Iraq không chịu tự động giải giới nên bất cứ giáo nào, phải diệt chế độ Saddam Hussein. TT. Bush từng nói Hoa Kỳ có thể tấn công Iraq mà không cần sự ưng thuận của hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

2. Nga : Ðồng bảo trợ đề nghị để các thanh tra viên LHQ tiếp tục thanh tra tới tháng 7. Tuy nhiên Nga có thể thay đổi lập trường nếu như Iraq không gia tăng sự hợp tác với các thanh tra viên LHQ. Sáng thứ Sáu. TT. Bush gọi điện thoại trong 17 phút cho TT. Putin, nói về vấn đề nghị quyết mới mà Hoa Kỳ và Anh mới đệ trình. Trong khi đó NgoạI trưởng Nga tuyên bố: Nga có thể sẽ dùng quyền phủ quyết nếu như thấy nền an ninh thế giới bị đe dọa.

3. Trung Quốc: Công việc thanh tra của LHQ bắt đầu có hiệu quả, Iraq có thể được giảI giới trong hoà bình. Ủng hộ đề nghị để các thanh tra viên làm việc thêm 4 tháng nữa. Tuy nhiên Trung Quốc muốn có một thỏa hiệp duy trì được sự thống nhất của hội đồng Bảo An.

4. Anh Quốc: Lập trường Anh giống Mỹ. Hầu như chắc chắn Anh sẽ cùng Hoa Kỳ giải giới Iraq bằng vũ lực.

5. Pháp: Quốc gia mạnh miệng nhất trong việc chống chiến tranh Iraq. TT. Chirac đã nhiều lần úp mở nói rằng sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết cho phép Hoa Kỳ dùng vũ lực giải giới Iraq. Pháp cho là không cần có nghị quyết mới mà Anh, Mỹ, Tây Ban Nha mới đệ trình gần đây. Không có lý do chính đáng để tiến hành chiến tranh Iraq.

B. LẬP TRƯỜNG CỦA 10 NƯỚC THÀNH VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC

1. Angola: Muốn biết thêm tin tức của các thanh tra viên vũ khí xem công việc thanh tra có hiệu quả không, muốn giải giới bằng phương tiên ôn hoà. Các nhà bình luận thời sự cho rằng Angola đang bị hạn hán, thiếu lương thực, cần tiền viện trợ nên có thể bỏ phiếu thuận cho Hoa Kỳ và Anh.

2. Bulgaria: Ủng hộ lập trường cho Saddam Hussein thêm thời gian ngắn để giải trừ vũ khí. Hầu như chắc sẽ ủng hộ lập trường Hoa Kỳ trong mọi trường hợp.

3. Cameroon: Muốn có thỏa hiệp giữa phe chống và phe chủ trương dùng biện pháp quân sự giải giới Iraq. Ngoại trưởng Colin Powell và đặc sứ Hoa Kỳ đã vận động chính phủ nước này ủng hộ nghị quyết Mỹ. Vấn đề trợ giúp kinh tế cho Cameroon cũng là yếu tố khá quan trọng.

4. Chile: Muốn có giải pháp ôn hòa. Muốn thời gian thanh sát có giới hạn ngắn. Phiếu của Chile có thể ngả sang phía Mỹ.

5. Guinea: Ủng hộ việc tiếp tục thanh sát. Muốc có sự đồng thuận của cả năm thành viên thường trực.

6. Mexico: Yêu cầu Iraq giải giới ngay. Có thể ủng hộ Hoa Kỳ. Giống như Chile, muốn có sự đồng thuận của 5 thành viên thường trực. Mới đây Thủ Tướng Tây Ban Nha sang Mexcio găp TT. Fox thuyết phục nước này ủng hộ Hoa Kỳ. Các nhà am hiểu tình hình thời sự cho biết Mexcico muốn Hoa Kỳ phê chuẩn đạo luật cho phép người di dân bất hợp pháp Mexico được quyền làm việc tại Hoa Kỳ. Vấn đề này Mexico vẫn yêu cầu Hoa Kỳ nhưng trước đây không được chấp thuận.

7. Pakistan: Tin của AP sáng nay đánh đi từ Islamabad cho biết Pakistan muốn có giải pháp ôn hòa. Tuy nhiên, Pakistan có thể ủng hộ Mỹ.

8. Syria: Trước sau như một, Syria phản đối lập trường Hoa Kỳ đánh một nước trong khối Ả Rập. Muốn Liên Hiệp Quốc phải bãi bỏ luôn việc cấm vận Iraq.

9. Tây Ban Nha: Phong trào chống đối chiến tranh tại Tây Ban Nha rất mạnh. Tuy nhiên, chính phủ nước này ủng hộ Hoa Kỳ và cho rằng Hoa Kỳ có thể đơn phương đánh Iraq mà không cần sự ưng thuận của hội đồng Bảo An.

10: Ðức: Giống như Pháp, Ðức chủ trương Iraq phải được giải giới bằng biện pháp ôn hòa. Ðức sẽ không tham chiến cho dù hội đồng Bảo An chấp thuận cho thế giới tấn công Iraq.