Niềm tin của dân chúng Mỹ vào nền kinh tế đã giảm 15 điểm trong tháng 2, mức thấp nhất từ tháng 10 năm 1993, tạo lo ngại cho triển vọng hồi phục của nền kinh tế.

Giá dầu tăng và đe dọa có chiến tranh với Iraq đã bị đổ cho là lý do tạo nên bầu không khí bi quan hiện tại. Thêm vào đó, thất nghiệp tăng và những yếu kém trong thị trường tài chính cũng đóng góp thêm.

Bản phúc trình hàng tháng của một tổ chức nghiên cứu độc lập mang tên là Conference Board này thường được coi là chỉ dấu tương lai.

Niềm tin của giới tiêu thụ Hoa kỳ rất quan trọng cho nền kinh tế thế giới bởi họ đã duy trì nhu cầu mua hàng mặc dầu các công ty đã giảm đầu tư. Nay thì theo thông tín viên kinh tế Bắc Mỹ đài BBC, Stephen Evans, sự bi quan đã lan đến giới tiêu thụ.

Chính phủ Bush hiện đang ở trong tình trạng khó xử: những khuyến cáo ồn ào về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra làm cho dân chúng lo ngại về tương lai kinh tế.

Một số các nhà bình luận nói, một cuộc chiến nhanh chóng đem lại chiến thắng cho Hoa Kỳ sẽ giải trừ được những bất ổn này. Bất cứ một kết quả nào khác, ngược lại, có thể gia tăng lo ngại và do đó gia tăng triển vọng dẫn đến một tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, ở Âu châu, giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm nhân mạng sụt giảm mạnh sau khi đại công ty Prudential của Anh nói họ không còn có khả năng bảo đảm gia tăng tiền lời.

Việc này đã làm gia tăng thêm lo ngại trên thị trường chứng khoán về một số các công ty bảo hiểm, vốn đang giữ rất nhiều tiền để dành và tiền của các quĩ hưu trí, có thể đang gặp khó khăn tài chánh. (BBC)