WASHINGTON - Tổng thống Bush đã xác nhận rằng Mỹ và đồng minh sẽ đệ trình bản nghị quyết mới về vấn đề Iraq lên HĐBA vào tuần tới.

Washington sốt ruột

Ông Bush nói rằng bản nghị quyết này sẽ gồm “các điều khoản rõ ràng và đơn giản”, nói rằng nhà lãnh đạo Saddam Hussein của Iraq không tuân thủ với các yêu cầu giải giáp.

Ông Bush nói rằng ông không muốn chờ đến hai tháng để Hội Đồng Bảo An thông qua văn bản mới này, điều đã xảy ra đối với nghị quyết 1441.

Ông cảnh báo rằng đó sẽ là “cơ hội cuối cùng” để Hội Đồng Bảo An quyết định về vấn đề giải giáp Iraq.

Lời bình luận của ông Bush được đưa ra một ngày sau khi trưởng thanh tra vũ khí Hans Blix thông báo Baghdad phải tiến hành huỷ tên lửa al-Samoud của nước này trong thời gian một tuần.

Lời yêu cầu này được coi như là một thử thách cơ bản để xem ông Saddam có chịu giải giáp nhằm tránh chiến tranh hay không.

Lựa chọn của Liên Hợp Quốc

Vào hôm qua Thứ Bảy, người đứng đầu Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế Mohamed elBaradei nói rằng Iraq vẫn chưa thuyết phục được thế giới rằng nước này không có những vũ khí bị quốc tế cấm sử dụng.

Ông nói, “Chúng tôi vẫn chưa kết thúc công việc tại Iraq và vẫn chưa được nước này hợp tác đầy đủ”, và cho biết thêm rằng việc tiếp cận riêng với các khoa học gia Iraq vẫn là một vấn đề vướng mắc.

Trong khi đó, Tổng thống Bush nói rằng Hội Đồng Bảo An đang phải đối diện với một lựa chọn rõ ràng.

“Thời gian không còn nhiều nữa. Đây là cơ hội để Hội Đồng Bảo An thể hiện sự liên quan của mình trong vấn đề này, và tôi tin rằng Hội Đồng Bảo An sẽ thể hiện sự liên quan đó vì Saddam Hussein vẫn chưa chịu giải giáp.”

Iraq khước từ?

Huỷ bỏ tên lửa al-Samoud quả là một đòi hỏi căng thẳng đối với Iraq. Liệu họ sẽ từ bỏ hệ thống vũ khí có thể sử dụng để chống lại sự xâm lược của liên quân Mỹ và đồng minh, hay từ chối tuân thủ yêu cầu này và do vậy có thể sẽ bị Mỹ tấn công ngay lập tức?

Ông Blix đã gửi hạn định vào hôm Thứ Sáu, thông qua đại sứ của Iraq tại Liên Hợp Quốc Mohammed al-Douri.

Các thanh tra vũ khí nói rằng tên lửa al-Samoud có tầm hoạt động vượt quá giới hạn 150km mà Liên Hợp Quốc quy định sau hồi chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

Phía Baghdad vẫn chưa có phản hồi gì, nhưng Ngoại trưởng Iraq Naji Sabri nói rằng mọi bất đồng sẽ được giải quyết với các thanh tra vũ khí.

Tiếp tục tranh cãi ngoại giao

Mỹ và Anh nói rằng để thể hiện thái độ hợp tác tích cực với Liên Hợp Quốc, Iraq cần phải làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng ở việc huỷ tên lửa al-Samoud.

Để thông qua nghị quyết mới mà Mỹ sẽ trình lên Hội Đồng Bảo An vào tuần tới, cần có ít nhất chín phiếu thuận và không có lá phiếu phủ quyết nào từ 15 nước thành viên Hội Đồng.

Tổng thống Pháp, đại diện cho một trong năm quốc gia có quyền phủ quyết, đã tái xác nhận rằng Pháp phản đối chiến tranh với Iraq, với lập luận rằng thanh tra vũ khí quốc tế vẫn còn khả năng giải quyết vấn đề một cách hoà bình.

Sát cánh bên Mỹ, trong cuộc gặp gỡ tay đôi lại Rome, Thủ tướng Anh và Thủ tướng Italy nói rằng cộng đồng quốc tế cần giải giáp Iraq.(BBC)