Không khí phản đối chiến tranh ở Đức gây ra lo ngại rằng người Mỹ có thể sẽ tẩy chay hàng hóa Đức.

Gần như không có ngày nào người Đức lại không xuống đường biểu tình ở một nơi nào đó để phản đối chiến tranh ở Iraq.

Điều này cho thấy dư luận Đức và cả chính phủ nước này cùng có quan điểm như vậy.

Họ không muốn chiến tranh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng điều đó lại gây tức giận ở Washington. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức và Hoa Kỳ đang rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất từ nhiều năm qua.

Nhiều người lo ngại vấn đề có thể lan ra ngoài phạm vi chính trị và ảnh hưởng đến cả kinh tế của Đức. Theo ông Friedbert Pfleuger, dân biểu thuộc đảng đối lập Dân chủ Thiên Chúa Giáo CDU thì họ nhận được những báo cáo nghiêm trọng rằng các doanh nghiệp của Đức ở Hoa Kỳ bị thiệt hại.

Ông cho rằng "Chuyện còn xảy ra cả ở những nơi chúng tôi cạnh tranh với các công ty Hoa Kỳ. Như ở các nước Trung và Đông Âu, những nước quyết định theo Mỹ chứ không theo các nước châu Âu khác. Họ cũng không theo Đức".

Các báo Đức cũng loan các tin tương tự. Họ nói rằng Hoa Kỳ gây sức ép lên các công ty Đức hoạt động ở Iraq hay dọa đẩy các công ty vũ khí của Đức ra khỏi những hợp đồng trong ngành này. Mặc dù chẳng có vụ việc cụ thể nào được nêu ra nhưng các công ty Đức vẫn lo ngại.

Theo ông Hans Henkel, cựu chủ tịch Liên Minh Nghiệp đoàn Chủ Lao Động Đức thì mộ̣t loạt các doanh nhân Đức sẽ bay sang Washington nay mai để họp mặt với các giám đốc điều hành những công ty lớn của Hoa Kỳ.

Các doanh nhân Đức sẽ nói với phía Mỹ rằng quan điểm của chính phủ Đức đối với Mỹ không phải là chính sách được họ ủng hộ.

Bản thân ông Henkel đã viết cho đại sứ Mỹ ở Đức, nhân danh các doanh nghiệp Đức để gửi một thông điệp rằng người Mỹ không nên nhầm lẫn rằng ông Schroeder chính là nước Đức.

Vấn đề Iraq đã gây ra tranh cãi trong Hạ Viện Quốc Hội Đức Bundestag. Tại đó, chính phủ đã bác bỏ thẳng thừng mọi ý kiến nói rằng ê-kíp của ông Schroeder đang làm căng quan hệ với Washington và điều đó có thể ảnh hưởng đến kinh tế.

Nhưng không chỉ nghị viện Đức mới nói đến điều này. Có những ý kiến cho rằng mọi áp lực lên công ty Đức có thể dẫn đến một của tranh chấp rộng lớn hơn với Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng nhà phân tích kinh tế Bernhard May nói rằng toàn cầu hóa có nghĩa rằng các nền kinh tế lớn nhất thế giới có quan hệ liên đới quá chặt chẽ khiến sức ép kiểu như vậy khó có hiệu quả.

Ông May cho rằng ví dụ hãng Mercedes là nhãn hiệu của Đức nhưng có chừng 40 đến 50 công ty cùng cộng tác để sản xuất ra một chiếc xe. Phụ tùng xe có thể đến từ Nam Hàn, Na Uy, Đức hay chính nước Mỹ. Vậy nếu ai tẩy chay không mua xe Mercedes thì người đó có thể trừng phạt nhiều công ty khác nhau, nhiều công nhân ở các nước khác nhau, kể cả ở Mỹ.

Những ý kiến như của ông May có thể khiến người ta yên tâm, cho thấy rằng có những biên giới không thể vượt qua, kể cả đối với rạn nứt giữa Mỹ và lục địa châu Âu có người gọi là già cỗi.

Nhưng trong không khí hiện nay thì những lý lẽ này được ít người nghe đến. Chỉ riêng chuyện cuộc tranh luận đang diễn ra cho thấy tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương đã rất nghiêm trọng.(BBC)