Chuyển Tiếp Đức Tin của Gia Đình



Trách nhiệm chuyển tiếp đức tin của gia đình là một thách đố lớn lao và kỳ diệu. Chúng ta đưa con cái vào đời để chúng khám phá ra Đấng đã ban cho chúng ta sự sống và giúp cho đời sống hàng ngày của chúng ta có ý nghĩa. Chúng ta giới thiệu con cái với người bạn tuyệt vời là Đức Kitô, một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để bầy tỏ tình yêu của Người và hướng dẫn chúng ta khám phá ra sự tự do đích thật và hạnh phúc trường cửu. Chúng ta làm thức giậy nơi chúng lòng khao khát xây dựng một mối tương quan với Chúa Kitô trong sự mật thiết của kinh nguyện và Thánh Thể. Chúng ta dám mời gọi chúng trở nên thánh, và làm một cộng tác viên của Chúa Kitô trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đây thật sự là một thách đố và một cuộc mạo hiểm kỳ thú.

Khám phá ra nguồn vui trong sự quý chuộng tình yêu

Thế gian tươi đẹp hơn buổi sáng nay vì một đứa trẻ mới sanh. Cha mẹ nó tràn đầy niềm vui trước sự kỳ diệu của đời sống mới này, mặt họ vẫn còn đầy nước mắt. Thời điểm thiêng liêng khi đứa bé chào đời đã mang đến cho họ một vai trò mới: làm cha làm mẹ. Họ đã bắt đầu mơ ước đến một tương lai huy hoàng cho đứa nhỏ trông giống họ và được cấu tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Là bậc cha mẹ có đức tin mạnh mẽ, họ muốn cho con những gì tốt đẹp nhất. Đứa con mà Chúa Cha – Đấng Tạo Hóa – đã ban cho họ. Họ biết rằng đứa bé này đặc biệt khác với những đứa trẻ khác, một đứa được Thiên Chúa muốn tạo ra và yêu thương qua muôn thế hệ. Họ biết rằng đứa bé này, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi tham gia vào đời sống thiêng liêng của Thiên Chúa qua phép rửa tội. Đứa bé được mời gọi sống một cuộc đời với Thiên Chúa như một quà tặng của tình yêu hàng ngày.

Sẽ có ngày nó biết nói: “Con tin vào tình yêu Thiên Chúa”.. . do đó nó đã làm một quyết định căn bản cho một đời sống kitô – một quyết định “không phải là kết quả của một sự lựa chọn luân lý hay một tư tưởng cao siêu, nhưng là một sự gặp gỡ một biến cố, một nhân vật, đem đến cho sự sống một chân trời mới và một hướng đi nhất định.”(1)

Nhân vật nó sẽ gặp là Đức Giêsu Kitô – một Thiên Chúa mang khuôn mặt con người – đã đến để sống giữa chúng ta để mời gọi chúng ta hòa giải với Thiên Chúa, để cứu chúng ta khỏi bị chết muôn đời và để hứa hẹn rằng thân xác chúng ta sẽ có ngày được sống lại. Đó là Chúa Kitô, đấng sống lại đầu tiên, đấng thực sự đang sống bên chúng ta – như người bạn đường, người thầy và hướng dẫn viên – và dậy chúng ta trở nên nhân bản hơn với mỗi ngày qua.

Quà tặng quý giá nhất

Tại trung tâm của đời sống kitô, có một lời “xin vâng”. Có một mối tương quan mật thiết và riêng tư với Chúa Kitô, một mối liên hệ tin yêu được khởi sự vào lúc rửa tội và phát triển trong suốt cuộc đời. Khi xin phép bí tích này cho con cái, các phụ huynh ban cho nó một quà tặng quý báu nhất trên đời; vì đứa bé được trở nên một đứa con nuôi của Thiên Chúa, và một đứa con trong Giáo Hội, là gia đình của Thiên Chúa. Đứa trẻ được rửa tội trở nên một thành viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô; Chúa Kitô là Đầu, là người anh của đứa trẻ và đi bên cạnh nó. Tất cả những đứa trẻ đã rửa tội bây giờ cùng chia sẻ cuộc hành trình dẫn đưa tới Chúa Cha. Đứa trẻ này sẽ không bao giở lẻ loi.

Thực vậy, Thiên Chúa, thật nhân hiền và gần gũi chúng ta, là đấng độc nhất có thể làm cho linh hồn con người được viên mãn – một linh hồn bất tử. Để thực hiện kế hoạch tình yêu này, Thiên Chúa cần đến chúng ta. Chúa cần chúng ta và qua Chúa Thánh Thần sống trong chúng ta, một cách trọn vẹn hơn khi chúng ta chịu phép Thêm Sức, chúng ta có thể thực hiện được điều Chúa nhờ cậy chúng ta.

Thật sung sướng biết bao khi biết rằng chúng ta được Đấng Tạo Hóa yêu thương và được mời gọi để yêu thương Chúa và cùng với Chúa, yêu tất cả mọi con cái của Người trên khắp thế gian! Hai tình yêu này không thế tách biệt... “Yêu Chúa và yêu tha nhân đã trở nên một: trong những người anh em nhỏ bé nhất chúng ta tìm được chính Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu chúng ta tìm thấy Thiên Chúa.”(2)

Thật sung sướng biết bao khi chúng ta tự cho mình bị lôi kéo tới Chúa Kitô! Để chọn lựa việc trở nên giống Người và để nói cho mọi người khác – đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời và niềm hy vọng vĩnh cửu – chân lý mà Đức Kitô chia sẻ với chúng ta... “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”...

Vì chính đây là thách đố và sứ mệnh chúng ta lãnh nhận ngày chúng ta chịu phép rửa: chúng ta phải tìm cách làm cho mình giống Chúa Kitô, chỉ nhắm tới sự thánh thiện một cách khiêm tốn và hoạt động tích cực trong phong trào Phúc Âm Hóa mới. Chúng ta phải trở nên các môn đệ, chú tâm đến ý muốn của Thánh Thần. Chúng ta phải chuyển giao cho con cái chúng ta, gia đình chúng ta, bạn hữu chúng ta và tất cả mọi người chúng ta gặp Tin Mừng của một Thiên Chúa yêu thương mỗi cá nhân họ, và đang kiên nhẫn chờ đợi trong việc tôn trọng sự tự do của họ, mong họ mở cửa đời sống của họ cho Người.

Khi Con Cái Trưởng Thành

Biết bao nhiêu phụ huynh đã sung sướng khi ý thức rằng con cái họ đã được tạo dựng bởi tình yêu và cho tình yêu với một mục đích là đạt được hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng. Không có gì quan trọng hơn đối với các phụ huynh ngày nay là giúp con cái đáp ứng tự nguyện cho ơn gọi của chúng là những đứa con của Thiên Chúa. Đây là mục đích chính của họ trong vai trò giáo huấn; vì lý do này, họ phải nuôi dưỡng linh hồn con cái cũng như trí óc và thân thể của chúng.

Vậy thì tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi thay vì hỏi con cái xem chúng muốn làm gì khi chúng lớn lên, các phụ huynh này – đã gieo hạt và gìn giữ cho sống động trong chúng ước nguyện là vâng theo Ý Chúa – đôi khi lại còn hỏi chúng: “Các con nghĩ Thiên Chúa mong đợi gì nơi các con trong đời sống?”...

Bằng cách dậy con cái tìm kiếm Thánh Ý Chúa, các phụ huynh giúp chúng tiếp tục câu chuyện tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúng ta phải học hỏi cách thức hiệp nhất ý muốn của chúng ta với Thánh Ý Chúa trong khi các tư tưởng và cảm nghĩ của chúng ta mỗi ngày phản ảnh được sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Bằng cách này, một người kitô có thể nói: Thánh Ý Chúa không còn là một nghịch ý, một cái gì bị ép buộc từ bên ngoài bởi các giới răn, nhưng bây giờ lại là chính ý muốn của tôi, dựa trên ý thức rằng Thiên Chúa thực sự hiện diện sâu xa hơn nơi tôi hơn là tôi hiện diện nơi tôi.” Đây là con đường trên đó “sự tự hiến cho Chúa gia tăng và Thiên Chúa trở nên niềm hạnh phúc của chúng ta.(3)

Thiên Chúa Đang Tìm Kiếm Các Thánh

Thực vậy, Thiên Chúa đang tìm kiếm các cộng tác viên trong gia đình chúng ta. Khi gửi gấm những đứa con của Người cho các phụ huynh đang ôm ấp các giá trị Phúc Âm. Thiên Chuá hy vọng là chẳng bao lâu sau Người sẽ gặt hái được một mùa Ơn Gọi nên Thánh phồn thịnh: trong hôn nhân hay đời sống độc thân làm tông đồ giáo dân, và trong đời sống tu trì và linh mục.

Một tác giả vô danh đã nói như sau: “Khi Thiên Chúa muốn một điều gì đặc biệt được thực hiện trong thế gian, Người sai một hài nhi đến và rồi Người chờ đợi...” Người chờ các phụ huynh cấu tạo các người nam và nữ tự do và có tinh thần trách nhiệm, với một lương tâm không lay chuyển. Ngay cả khi biết rằng họ tội lỗi, sau khi đã quyết định đi theo Chúa, họ có niềm tin vào sự tha thứ và quyền năng của Chúa Thánh Thần, và sẽ mãi mãi tràn đầy hy vọng trên suốt cuộc hành trình của họ giữa thế gian.

Nói cách khác, Thiên Chúa đang chờ đợi các vị thánh. Người muốn “thánh hóa” chúng ta, để cho chúng ta trở nên giống Người hơn. Nhưng nên thánh có phải là một mục tiêu không thể đạt tới hay một thách đố không thể vượt thắng không? Làm sao để đạt được? Câu trả lời rất giản dị: “Cuộc gặp gỡ Đức Kitô hàng ngày của bạn xẩy ra nơi các tha nhân, nơi ước muốn của bạn, nơi công việc và tình cảm của bạn. Chúng ta phải tự thánh hóa bản thân ngay trong những gì trần thế nhất, trong khi phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Không có phương thế nào khác: trừ khi chúng ta biết học cách tìm được Thiên Chúa trong đời sống bình thường, hàng ngày, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được Người”.(4)

Qua Đời Sống Hàng Ngày

Do đó chính trong những gì tầm thường nhất của đời sống hàng ngày phụ huynh ý thức được sứ mệnh duy nhất là phải nuôi dưỡng các thánh. Trách vụ giáo dục, khi được linh hứng bởi đức tin, dần dần tìm cách cho con cái đi sâu vào một lối sống đặc biệt của người kitô và do đó được bắt rễ trong đức tin, hy vọng và tình yêu. Chúng học hỏi cách tận hiến cho tình yêu và yêu mến theo cách thức của Chúa Kitô, để vinh danh Thiên Chúa và phục vụ những ai chúng gặp gỡ trên đường. Đây là loại giáo dục con cái nhận được khi phụ huynh giúp chúng phát triển tài năng và nuôi dưỡng tâm tính của chúng bằng những thói quen tốt lành, và các đức tính tốt: một tinh thần làm việc ngay thẳng, với đức tính kiên nhẫn, hy sinh, trật tự, hòa nhã, hân hoan, mạnh mẽ, cẩn trọng, vâng lời, công bình, khiêm tốn, một tinh thần khó nghèo và biết chia sẻ, quảng đại, từ tâm, tha thứ, v..v..(5) Đúng là dậy chúng biết yêu. Nhưng yêu như Chúa Kitô yêu, bằng các tận hiến cho việc phục vụ những ai được đặt trên lối đi của chúng.

Hữu hiệu hơn là lời nói, con cái học được đức tin của chúng ta qua hành động của chúng ta: một cái bánh được nướng và đem tặng cho láng giềng mới; việc xin lỗi sau khi có cuộc cãi vã với một người bạn; một sự mời gọi chia sẻ với bạn bè và gia đình những đồ đạc, đồ chơi, và quần áo.

Thật là phúc đức nếu phụ huynh có thể trông chờ nơi sự trợ giúp của đại gia đình – ông bà, cha mẹ đỡ đầu, chú bác cô dì, anh chị em họ - và cộng đồng giáo xứ! Mạng lưới này là một kho táng quý báu vô giá giúp cho con cái được bắt rễ sâu nơi các giá trị khiến cho gia đình có một mầu sắc đặc biệt.

Cần nhất quán

Ngay lúc còn nhỏ, con cái của bạn có thể bắt đầu học cách dành thời giờ cho Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong trái tim chúng, để tâm sự với Chúa những nỗi vui nỗi buồn, để trò truyện với Chúa trong khi chơi trong sân trường, trong khi làm bài ở nhà, trong khi giúp mẹ rửa chén hay dọn dẹp nhà cửa. Dần dần chúng được làm quen với sự hiện diện của Người và trở nên biết chiêm ngẫm ngay trong các hoạt động hàng ngày.

Một khi chúng thành người lớn, chúng sẽ thức giấc mỗi ngày và hỏi: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ngày hôm nay?”... Chúng sẽ học cách nương nhờ vào ân sủng của Chúa, vào sức mạnh thiêng liêng nơi kinh nguyện, trong Phúc Âm và trong bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Chúng sẽ hoàn thành các công việc hàng ngày với tất cả khả năng để có thể dâng lên Chúa với tình yêu. Chúng sẽ chia sẻ trong chức vụ Tư Tế của Chúa Giêsu và có một linh hồn có khả năng dâng hiến tất cả mọi sự cho Chúa.

Chú tâm đến tiếng nói của Thánh Thần, chúng sẽ hy sinh đời sống, từng chút một, từng ngày một, để phục vụ kẻ khác và đưa dẫn họ đến với Chúa. Chúng sẽ biết rằng “Chương trình Kitô Giáo – chương trình của người Samaritanô nhân lành, chương trình của Chúa Giêsu – là ‘một trái tim biết nhìn’. Trái tim này nhìn thấy nơi nào cần đến tình yêu và đáp ứng.”(6)

Chúng sẽ không ngần ngại trung thành với Chúa Kitô, và chúng sẽ nhất quán trong đức tin trong khi chúng làm những lựa chọn cá nhân và nghề nghiệp, và các quyết định, dù có gặp phải nhiều chống đối. Chúng sẽ sẵn sàng trả giá đắt để trở thành ánh sáng cho thế gian, để biến đổi thế gian từ bên trong, để đem lại một trật tự mới cho thế giới về chính trị và kinh tế, và đồng thời một trật tự mới về tâm linh và văn hóa.

Tham Gia

Ngày nay, người Công Giáo phải đối phó với nhiều thách đố trong một xã hội đang sống như không có Thiên Chúa hiện diện. “Đặc biệt tình trạng thế giới hiện nay kêu gọi lương tâm của người Công Giáo trước những vấn đề nhức nhối về sự tôn trọng quyền sống của con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, cũng như các vấn đề về nạn đói kém và khổ đau của hàng muôn muôn người trên thế giới. Tệ trạng của họ mời gọi người Công Giáo phải kết hiệp hoàn vũ trên danh nghĩa của phẩm giá bất khả vi phạm của con người, trên hết khi những người vô tội không thể tự bảo vệ trước các tai hoạ thiên nhiên giáng xuống, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh tàn khốc và bị khai thác về kinh tế, và bị lưu giữ trong các trại tị nạn.”(7)

Sự đau khổ của biết bao nhiêu người đã sanh ra và chưa sanh ra, mời gọi chúng ta cầu nguyện và hành động: “Tất cả những ai bị đau khổ cướp đoạt mất danh dự của họ là con người là những láng giềng Chúa Kitô đã chịu chết vì họ. Trái tim ‘Thánh Thể’ của Người đã ôm trọn tất cả đau thương của thế giới trên thập giá và Thần Khí của Người thúc đẩy chúng ta lo cho những người nghèo hèn và những nạn nhân vô tội, như Người đã làm – một cách hòa bình và hữu hiệu.”(8)

Đa Văn Hóa Giả Tạo

Làm sao chúng ta có thể im lặng khi phải đối phó với một hệ thống tư tưởng, dưới danh nghĩa giúp cho mọi người một vị trí bình đẳng trong nền văn hóa của chúng ta, lại cố gắng bịt miệng người kitô và loại trừ họ ra khỏi đời sống công cộng, khỏi các cuộc tranh luận về xã hội, và các trường học? Đa văn hoá giả tạo này là một thách đố khác cho các môn đệ của Chúa Kitô. Là một công dân có đầy đủ nhân quyền, làm sao họ có thể từ bỏ những niềm tin sâu xa nhất của họ trong những hoạt động trong xã hội? Làm sao họ có thể bỏ sang một bên đức tin đã thúc đẩy họ đề nghị - thay vì ép buộc – một viễn ảnh tương lai và những giải pháp cho các vấn đề xã hội được các giá trị Phúc Âm đòi hỏi? Đây sẽ là một sự phản bội.

Đã đến lúc các gia đình phải đứng dậy, dám nói lên trong môi trường xã hội và văn hóa về bản chất đích thực của gia đình; để cùng nhau tụ họp để tuyên dương và bảo vệ căn tính của gia đình, trong khi đòi hỏi các quyền lợi theo hiến pháp và quyền tự nhiên – nhất là quyền tự do về lương tâm, về tôn giáo và phát biểu, và nhất là quyền giáo dục con cái phù hợp với niềm tin về luân lý và tôn giáo của họ. Là những người Công Giáo của thiên niên kỷ thứ ba, chúng ta không thể thản nhiên hay sợ hãi. Sự can đảm của những người kitô đầu tiên là một gương sáng mời gọi chúng ta phải đi ngược lại trào lưu và xây dựng một nền văn hóa gia đình, một nền văn minh biết kính trọng tính chất thiêng liêng của đời sống và phẩm giá của mỗi con người.

Chuyển tiếp đức tin ngày nay có nghĩa là chuyển tiếp một viễn ảnh của đời sống và một thực tại khác với những gì văn hóa và giới truyền thông cung cấp. Cũng có nghĩa là phải làm gương cho con cái để chuẩn bị cho chúng biết tranh đấu cho công lý và chân lý về nhân loại, để cho chúng mang ánh sáng Phúc Âm đến với trọng tâm của đời sống công cộng, của văn hóa, kinh tế và chính trị. Con cái chúng ta cần đến một sự đào tạo vững chắc, cũng như có can đảm và có sự hỗ trợ của lời cầu nguyện của chúng ta. Trên hết, sự kiên trì của chúng sẽ được bắt rễ sâu trong niềm hy vọng tuôn chẩy từ sự tiếp xúc hàng ngày với Thánh Thần.

Thánh Thể: Suối Nguồn của Hôn Nhân Công Giáo

Ngay từ khi mới tạo dựng trời đất, theo kế hoạch tình yêu của Chúa, gia đình đã được bắt rễ trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân. Đây là nơi các cộng tác viên tương lai của Chúa được sanh ra và nuôi dưỡng. Gia đình “cần thiết cho con người và là nền tảng cốt yếu cho xã hội... một kho tàng quý giá và trường tồn cho các đôi hôn nhân và đặc biệt tốt lành cho con cái.”(9)

Gia đình, chiếc nôi của sự sống và tình yêu, cũng trở nên một cộng đồng đức tin và một trường dậy về nhân bản khi được xây dựng trên bí tích hôn phối. Gia đình trở nên một giáo hội gia đình nhỏ sống trong sự hiện diện của Chúa; Thiên Chúa cùng làm việc với đôi hôn nhân đã hứa giúp nhau để trở nên thánh. “Ân sủng của hôn nhân được tỏa lan trong suốt đời sống vợ chồng và gia đình, như một kho báu từ đó hai vợ chống có thể tới để kín múc. Chúng ta hãy có thói quen nói về hôn nhân, về việc làm nhân chứng cho hôn nhân như sức mạnh cho mỗi ngày.”(10)

Trở Nên Một

Kho tàng ân sủng không bao gờ cạn. Tại sao? Vì chính “Thánh Thể là suối nguồn của hôn nhân Công Giáo.”(11) Chính là sự hy sinh của tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người – và cho giáo hội gia đình của đôi hôn nhân nữa! – đó là nguồn suối tình yêu giữa hai vợ chồng. Đó là giao ước mới và vĩnh cửu do Chúa Kitô thiết lập giữa Thiên Chúa và nhân loại đã thường xuyên đem lại sự sống cho giao ước hôn nhân của họ.

Không có gì trên thế gian có thể so sánh với quà tặng Chúa Kitô tự ban chính mình: Người còn tự hiến như cuả ăn cho chúng ta trở nên một trong Người. Vào ngày lễ thành hôn, đôi hôn nhân bước vào một sự kết hiệp lâu dài; để trung thành mãi mãi. Khi họ tham dự thánh lễ cùng với con cái và cùng lãnh nhận Bánh Ban Sự Sống, gia đình của họ trở nên một thân thể trong Chúa Kitô, một sự hiệp thông của nhiều người. Mỗi người sẽ làm việc cho sự an vui và hạnh phúc của những người khác, và tất cả được mời gọi để làm kẻ giảng hòa và xây dựng bình an cho nhau.

Khi cùng tham dự thánh lễ Chúa Nhật, gia đình kín múc từ suối nguồn tình yêu và chữa lành, và do đó bảo vệ được sự vững bền của họ. Thánh Thể cung cấp cho gia đình sức mạnh để theo đuổi sứ mệnh giữa thế gian: “Sứ mệnh đặc biệt của gia đình là nhập thể tình yêu và dùng tình yêu để phụng sự xã hội: tình yêu đôi lứa, tình yêu cha mẹ, tình yêu giữa anh chị em, tình yêu của một cộng đồng gia đình, một thế hệ, tình yêu sống dưới dấu chỉ của một đôi lứa trung thủy và sanh sản nhiều con cái cho một nền văn minh của tình thương và sự sống.”

Khi Thập Giá Xuất Hiện

Đôi khi, sự hiệp thông của hai vợ chồng hay gia đình gặp nhiều khó khăn, Khi thập giá xuất hiện dưới hình thức của sự ngoại tình, ly thân và ly dị, cha mẹ, con cái, và đại gia đình được mời gọi để tham gia mật thiết hơn trong chính kinh nghiệm của Chúa Kitô qua cái chết và sự phục sinh. Trong những trường hợp này, nhiều phụ huynh Công Giáo vẫn muốn chuyển tiếp đức tin cho con cái. Sự yểm trợ của cộng đồng giáo xứ hết sức quan trọng.

Điều có thể xẩy ra là một số người lớn thấy mình bi rơi vào những hoàn cảnh bất bình thường. Họ cũng cần được mời gọi để tham gia vào bí tích Thánh Thể và đời sống cộng đồng mặc dầu họ không được rước lễ. Đối với họ việc rước lễ thiêng liêng có thể là một nguồn an ủi và trợ lực quý giá.

Sự hiệp thông của một gia đình có thể bị tổn thương khi phụ huynh thấy con cái họ từ bỏ đức tin và các giá trị Công Giáo. Một tác giả người Pháp viết:

Một số người trẻ lạc xa đức tin một cách lâu dài và trầm trọng. Đây là giai đoạn họ cần đến nhiều hơn tình thương trung thành và đáng tin tưởng của cha mẹ chúng. Đối với các bậc cha mẹ, đây là giai đoạn phải kiên nhẫn, phải yêu thương nhiều hơn mặc dầu cảm thấy đau đớn và tuyệt vọng... Không nên buồn sầu, ân hận, và tự trách mình... Quá khứ thuộc về lòng xót thương: sự tha thứ của Thiên Chúa vẫn còn đó, và luôn luôn được ban cho... Bạn làm gì được trong khi bạn chờ đợi sự trở về của đứa con hoang đàng?’’ ‘Trông đợi và cầu nguyện’... Vì Chúa Giêsu là đấng đau khổ đầu tiên vì đứa trẻ này, vì Người đã ban sự sống của Người cho nó, chưa có gì bị mất đi, tất cả mọi người đều được cứu rỗi.”

Chúng ta có thể noi gương Thánh Monica đã cầu nguyện trên 20 năm cho sự trở về của con bà, là Thánh Âugustin. Giáo phụ của Giáo Hội này đã tuyên bố: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên chúng con cho Chúa, và tim chúng con sẽ không được an nghỉ cho đến khi được an nghỉ trong Chúa.”

Nghệ Thuật Cầu Nguyện

Kinh nghiệm cho biết muốn yêu một người, ta phải hiểu biết người đó. Và muốn biết người đó, ta phải dành thời giờ để gần gũi họ. Chúng ta cứ thử hỏi những người đang yêu! Chính vì thế mà nghệ thuật cầu nguyện lại thiết yêu cho những ai muốn yêu Chúa Giêsu Kitô, là bộ mặt của Thiên Chúa dành cho thế giới chúng ta.

Một thi sĩ và thần học gia Gia Nã Đại cho chúng ta tư tưởng này về nghệ thuật đó: “Cầu nguyện là tự nguyện dâng cho Chúa thời gian. Trong khi bạn cầu nguyện, bạn để cho Chúa nhào nắn bạn”... “Cầu nguyện là nâng linh hồn lên với Chúa và xin Người cho biết phải làm gì cho hợp với thánh ý Người”... “Cầu nguyện không phải là dốc trọn mình ra cho hoàn toàn trống rỗng, mà là kết hiệp với Chúa Kitô bằng cách đọc kinh Lạy Cha, để chia sẻ ước muốn của Chúa Kitô là dâng tất cả mọi sự cho Chúa Cha”... Cầu nguyện “là một sự gặp gỡ khi bạn tự đặt mình trước sự hiện diện của Chúa để yêu mến Người và để được Người yêu... Khi cầu nguyện khô khan... bạn vẫn còn tên Giêsu để lập đi lập lại theo nhịp hơi thở,”(12) biết rằng Chúa Giêsu nhìn xa hơn bạn và Người sẽ luôn luôn ban cho bạn những gì tốt nhất để bạn đạt được cuộc sống vĩnh cửu.

Ngoài cầu nguyện một mình, còn có cầu nguyện giữa hai vợ chồng. Phụ huynh thường phát triển thói quen đọc kinh chung trước khi dậy con cái cùng đọc như một gia đình. Vì khi đôi lứa học cầu nguyện, cách thức giản dị nhất thường là cách tốt nhất: tại sao không đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng? Chúng ta phải làm gương cho con cái và gieo trong lòng chúng hạt giống của sự ước muốn cầu nguyện.

Chúa Khao Khát

Một khi chúng ta quyết định bỏ ra mỗi ngày vài phút để đọc kinh, dù có bận rộn đến đâu, chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ thấy là biến cố nhỏ nhặt này mỗi ngày là những cơ hội để dậy con cái thờ phượng, ngợi khen, cảm tạ, và bộc phát lời xin tha thứ và xin giúp đỡ.

Tại sao lại không nói với Chúa như một gia đình? Tại sao không cám ơn Chúa như một gia đình trước mỗi bữa ăn Người ban cho? Tại sao không tâm tình với Người trong khi đi bộ trèo núi, quanh lửa trại, trên đường đến trường học hay sở làm? trong khi đi chợ mua thức ăn hay dọn dẹp nhà cửa, trên xe điện ngầm, và trong khi hối hả dưới phố? Chúng ta có thể cầu nguyện cho những người chúng ta đi ngang qua trên đường phố, cho người bị bệnh được xe cứu thương chở vào bệnh viện, cầu cho các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và truyền thông.

Nhiều trẻ em thích “trò chơi đức tính”, mỗi người nói lên một đức tính của người khác, và cảm tạ Thiên Chúa cho người ấy... Khi nghỉ hè, nghỉ lễ, chúng ta có thể đưa cho con cái một tập vở làm nhật ký: mỗi tối chúng có thể viết hay vẽ vào đó, để kể cho Chúa Giêsu những gì nó đã làm trong ngày.

Đây là một thói quen rất tốt nếu chúng ta biết giới thiệu chúng ngay từ khi còn bé đã biết thường xuyên đối thoại với Chúa Kitô, khi chúng ta cùng khám phá với chúng cách thức Người nói với chúng ta qua Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội.

Nếu phụ huynh khuyến khích con cái hàng năm trong khi chúng lớn lên, là phải tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ như giáo lý hay đoàn thể thiếu nhi, hay tham gia các phong trào Công Giáo Tiến Hành và cộng đồng – cả những phong trào mới hay cổ truyền – để chúng có thể sinh hoạt với bạn hữu cũng là bạn của Chúa Kitô, có nhiều hy vọng là chúng sẽ tiếp tục trung thành với đức tin của chúng trong suốt thời gian trưởng thành. Trong những môi trường như vậy, chúng sẽ được tăng cường bởi sự trợ giúp tinh thần và sự nhiệt thành của bạn hữu, và bởi sự hiện diện của những người lớn làm nhân chứng cho chân lý là cuộc đời đáng sống và đáng cho đi.

Những ai có thói quen cầu nguyện sẽ có ngày phải đối phó với một khám phá lạ lùng: Thiên Chúa muốn hết tất cả! Do đó tai sao không dâng cho Người tất cả mọi sự? Chúng ta có thể dâng lên Người những nỗi vui và nỗi buồn, những việc làm tốt và những thất bại, bài vở học hành và công ăn việc làm, những hy vọng và ước mơ của chúng ta. Nếu chúng ta muốn làm theo ý Chúa, tất cả cuộc đời chúng ta là kinh nguyện! Vì “Thiên Chúa khao khát được chúng ta khao khát Người,” chúng ta hãy đáp ứng với nỗi khát vọng của Chúa bằng cách luôn luôn tự nguyện sẵn sàng như Đức Mẹ, là Mẹ của Chúa và Mẹ chúng ta. Ngài suy ngẫm mọi sự trong lòng. Ngài sẽ đồng hành với chúng ta trên con đường quảng đại của ngài.(13)

___________________________________

(1) Benedict XVI, Thiên Chúa là Tình Yêu (Deus Caritas Est) (2005), số 1

(2) Thiên Chúa là Tình Yêu, Nt, số 15

(3) Thiên Chúa là Tình Yêu, Nt, số 17

(4) Thánh Josemaria Escriva, “Passionately loving the world”. Đối thoại với Đức Ông Escriva de Balaguer (Scepter Publishers, 2002).

(5) Xavier Abad, Eugene Fenoy, Le mariage, chemin de sainteté (Hôn Nhân, Con Đường Để Nên Thánh) (Édition Le Laurier, 1998).

(6) Thiên Chúa là Tình Yêu, Nt, số 31.

(7) The Eucharist: God’s Gift for the Life of the World, tài liệu căn bản cho Đại Hội Thánh Thể Thế Giới lần thứ 49, 2008 (Édition Anne Sigier, 2006), 57.

(8) The Eucharist, nt, 59.

(9) Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 5, Valencia, 2006.

(10) Christine Ponsard, La foi en la famille (Niềm Tin Vào Gia Đình) (Éditions des Béatitudes, 2001), 31.

(11)The Eucharist, nt, 60.

(12) Jacques Gauthier, Prier: pourquoi et comment [Tại sao và làm thế nào để cầu nguyện] (Novalis et Presses de la Renaissance, 20006).

(13) Tài Liệu của Tổ Chức Công Giáo cho Đời Sống và Gia Đình (Ottawa, Canada)