Ngàn Thu Không Phai

Bay lượn trên không là một trong những mơ ước ngàn đời của nhân loại. Tuy rằng ngành hàng không và khoa học không gian đã phát triển vượt bực nhưng hằng năm người ta vẫn đầu tư những khoản kinh phí lớn để tiếp tục cải tiến về các lãnh vực này. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mang lại cho loài người cả nụ cười lẫn nước mắt vì đã có một số các chuyến bay không hoàn thành trọn vẹn. Khi con chim sắt rùng mình cất cánh rời khỏi mặt đất thì có lẽ chẳng mấy ai ngồi ở trong ấy nghĩ rằng đôi cánh đó có thể sẽ chở mình đi vào giấc ngủ ngàn thu, ngoại trừ những kẻ tự sát và cố sát mà thôi. Cho đến bây giờ đã có khá nhiều chuyến bay vĩnh viễn không bao giờ mang thân xác con người trở về mặt đất nguyên vẹn. Có chăng chỉ là những mảnh xương vỡ vụn, những mảng thịt da nát rời cháy xém lả tả rơi trong không gian như những chiếc lá cuối mùa.

Cái chết về thể xác đôi khi làm cho người ta sợ hãi tuy rằng không ai có thể tránh khỏi được điều này. Có một số người đã khóc rất nhiều khi tiễn đưa quan tài ra nghĩa trang, tiễn đưa một thân xác đi về miền đất lạnh. Thật ra thì ngoài cái chết về thể xác còn có một cái chết khác đáng sợ hơn, đáng khóc nhiều hơn, nhưng có lẽ chẳng mấy ai nhỏ lệ hoặc mủi lòng. Đó chính là cái chết về tâm linh.

Thân xác hầu hết đều sẽ bị mục nát một thời gian sau khi trái tim ngừng đập nhưng linh hồn thì mãi mãi tồn tại. Thân xác chỉ sống một đời nhưng linh hồn thì vĩnh viễn muôn đời. Thân xác một ngày nào đó sẽ đi qua cửa tử nhưng linh hồn thì bất tử. Mỗi thân xác chỉ đi qua cửa tử một lần. Mỗi người chỉ sống một đời. Mỗi cuộc đời chỉ có một khoảng thời gian nhất định. Bụi tro sẽ trở về tro bụi.

Người ta thường sợ hãi khi phải ở lại một mình bên cạnh cái xác chết, cho dẫu rằng đó là xác của thân nhân mình. Người ta càng sợ hãi hơn nữa khi ở lại bên cạnh một xác chết đã bốc mùi hôi thối hoặc chết không toàn thây. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người sợ hãi khi ngồi ăn nhậu với những loại người lương tâm thối nát. Có bao nhiêu người sợ hãi khi nằm ngủ chung với những thân xác mà tâm hồn chỉ là một bãi tha ma, hôi hám bẩn thỉu vì những đam mê xác thịt. Cái chết về thể xác thì dễ dàng nhận biết nhưng ngược lại cái chết về tâm linh thì không. Một cái tâm chết vẫn có thể chạy xe hằng ngày trên đường phố, có thể cười nói huyên thuyên, nhởn nhơ đi lại trong các sòng bài, trong các siêu thị hay bất kỳ ở nơi nào khác.

Một cái xác đã chết là một cái xác không còn cảm nhận được những điều xảy đến với mình từ môi trường bên ngoài và cũng chẳng còn phản xạ gì đối với môi trường ấy. Đó chỉ là một khối xương thịt vô cảm bất động. Cũng tương tự như vậy thì một cái tâm đã chết là một cái tâm vô cảm vô động. Vô cảm trước nỗi buồn, nỗi đau, nỗi lo lắng của người khác. Vô động, dửng dưng trước sự mất mát, sự nghèo đói thiếu thốn bần cùng của những người kém may mắn hơn mình. Điều này có thể là hậu qủa gây nên bởi đời sống tâm linh vô đạo, lạc đạo hoặc rối đạo.

Đạo đề cập đến ở đây không phải là bất kỳ một tôn giáo nào. Đạo là đường. Không có đường thì thân xác sẽ không có lối đi. Không có đạo thì tâm linh sẽ không có lối thoát. Chưa chắc gì cái tâm của những người mang tiếng là "có đạo" vẫn còn thoi thóp thở trong thân xác của họ. Thánh Giacôbê đã nhấn mạnh rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Giacôbê 2,17; 2,26 ). Khi đức tin đã chết thì dĩ nhiên cội rễ đạo đức chẳng còn chỗ sống trong tâm hồn.

Có thể nói sống đạo là lối sống theo một con đường. Con đường của mình tự lựa chọn để đi vào cõi phúc. Sống đạo theo quan niệm của người Kitô hữu là sống cho những người mình gặp gỡ trên đường đời, sống theo thánh ý Chúa, sống cho tha nhân chứ không phải chỉ sống riêng cho bản thân mình.

Cũng giống như những người Kitô hữu khác, tôi đã chọn cho mình một con đường để bước theo. Đó chính là con đường của Chúa Giêsu Kitô, đấng đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Chính trên con đường ấy Ngài đã đưa tôi bay xa đến những cái đích không ngờ.

Vào một buổi sáng đầu tháng 9 năm 2004, lúc tôi đang ngồi tại bàn làm việc thì bỗng dưng có một người Mỹ da trắng thuộc giới lãnh đạo của công ty đi đến. Ông ta vừa cười chào hỏi xã giao vừa nói:
- Chúng tôi mới đi họp ở xa về ngày hôm qua. Cuộc hội họp lần này đã quy tụ nhiều giới thuộc nhiều chi nhánh khác nhau. Người ta đã thảo luận về nhiều đề tài khác nhau, rút ra ưu khuyết điểm của mỗi nơi. Một trong những đề tài ấy có liên quan đến phần việc của cô. Một số tài liệu kỹ thuật do cô đã viết được đưa ra làm mẫu. Lúc người ta hỏi chi tiết thì tôi chẳng biết giải thích. Giá như tôi biết trước người ta đánh giá cao kết qủa làm việc của cô như vậy thì tôi đã dẫn cô đi theo.

Tôi hết sức bỡ ngỡ nên chỉ hỏi ngược lại:
- Thật vậy hả?

Ông ấy vẫn cười và nói:
- Đúng, người ta rất thích một số tài liệu mà cô đã viết. Có hai người đi theo tôi về đây để thăm tham quan, họ muốn gặp cô.

Tôi qúa ngạc nhiên nên hỏi:
- Họ đang ở đâu vậy?

Ông ấy đưa tay ra dấu:
- Họ đang ở trong phòng họp phía bên kia. Cô theo tôi đi qua bên đó xong mình sẽ hướng dẫn cuộc thăm quan lần này.

Sau khi gặp gỡ chào hỏi xã giao thì chúng tôi đã hướng dẫn hai người đàn ông lạ mặt đó đi thăm quan các nơi sản xuất, các phòng xét nghiệm sản phẩm, trả lời và giải thích những thắc mắc. Xong xuôi chúng tôi chia tay nhau với vài lời cầu chúc thông thưòng cộng thêm chúc hai ông một chuyến bay bình yên.

Thế rồi chúng tôi không liên lạc với nhau, cũng chẳng hỏi han bàn bạc gì nữa. Đột nhiên vào cuối mùa hè năm 2007, tức là khoảng gần ba năm sau lần gặp gỡ ấy thì một trong hai người khách này được giao một việc làm ở mức lương cao hơn. Đó là một người đàn ông Mỹ trắng, tuổi khoảng trung niên. Trước khi chính thức giao việc thì người ta muốn thử sức ông ấy một thời gian. Chính vì vậy nên ông ta cần sự cộng tác của nhiều nhân viên thuộc các chi nhánh khác nhau, sản xuất các loại sản phẩm khác nhau, kể cả trong và ngoài nước Mỹ. Ông ta đã liên lạc với người giám đốc của nơi tôi đang làm để xin chọn một người. Ông này đã nhớ lại lời khen tặng mấy năm về trước nên bàng giao thêm một việc cho tôi mà không hề tăng lương.

Tuy rằng người ta chỉ thêm việc chứ không tăng lương nhưng tôi vẫn cố gắng làm hết sức minh với ý đinh giúp ông ấy thăng tiến trên con đường nghề nghiệp. Tôi đã cảm nhận được sự lo lắng qua giọng nói của ông ta trong điện thoại. Tôi đã dành ra khá nhiều thời gian để tính toán, đúc kết những bài tường thuật đầy đủ chi tiết. Không ngờ trong chuyến đi hội họp đầu tiên của ông ta với mấy người thuộc giới lãnh đạo cao cấp hơn trong công ty thì người ta lại chọn cách tính toán và bản đúc kết của tôi. Người ta đã gợi ý rằng ông ấy nên đem cách làm ngắn gọn súc tích của tôi để chia sẻ với các nơi khác, và rồi ông ta đã thực hiện. Không những vậy ông này còn gửi nhiều lời khen tặng đến với giới lãnh đạo của chi nhánh tôi đang làm.

Trong một cuộc điện đàm với nhiều nhân viên thuộc các chi nhánh khác nhau trên toàn cầu, ông ta đã nói với mọi người rằng ông ra trường làm việc đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy được một cách suy luận tính toán rất hay được rút từ những công thức do tôi đã tự nghĩ ra. Sau cùng thì ông ấy nói trực tiếp với tôi:
- Tôi có một khoản tiền để mua sắm dụng cụ cho nơi làm việc. Cô cần bao nhiêu tiền?

Qúa ngạc nhiên trước câu hỏi bất ngờ nên lúc đó tôi liền vọt miệng trả lời ngay một con số mà chẳng hiểu nó ở đâu ra. Tại vì ông này không phải là người đầu tiên mà tôi đã giúp đỡ. Những lời khen tặng của ông không phải là lần đầu tiên tôi được nghe. Trước đó tôi đã giúp một số người khác có hoàn cảnh và chức vụ tương tự nhưng chưa ai có ý định cho tiền cả. Mỗi sáng thức giấc sau khi đọc kinh dâng ngày thì lúc nào tôi cũng nhớ xin Chúa thánh hóa và chúc phúc cho công việc của mình làm trong ngày hôm ấy, và Ngài đã nhậm lời. Tôi biết chắc chắn rằng với số tuổi kinh nghiệm ít ỏi của mình thì dĩ nhiên phải xếp hàng sau lưng những người khác. Nhưng việc Chúa làm đã vượt qúa suy nghĩ hẹp hòi của tôi.

Khi giúp ông thì tôi không hề biết rằng ông này sẽ cho chi nhánh của tôi một số tiền. Tôi cũng không hề có ý định giúp ông để sau này xin việc làm nơi đó. Tại vì chi nhánh của ông ấy nằm trong một tiểu bang miền Bắc Hoa Kỳ. Ở vùng đó khí hậu lạnh lẽo, khắc nghiệt, lai nghèo hơn vùng tôi đang sống nữa. Tôi chỉ làm tất cả vì lòng mến Chúa yêu người mà thôi. Tôi trả lời:

- Tôi cần 55 ngàn mỹ kim.

Ông ấy phá lên cười và bảo:
- Nhiều qúa, tôi sẽ cho cô một nửa.

Ngay hôm ấy tôi đã chạy xuống tầng hầm để báo tin cho những người công nhân làm việc ở đó biết về số tiền khá lớn này. Tôi đã nói cho họ biết rằng tôi muốn xài số tiền này để giúp đỡ họ nhẹ gánh trong công việc thường nhật. Có thể xài để mua thêm một số dụng cụ đời mới loại gì tùy ý, miễn sao đừng nhiều qúa số tiền ông ấy cho là được. Nghe vậy người ta đã hớn hở, mừng rỡ cho tôi biết ngay loại dụng cụ người ta thích. Tại vì trước đây họ đã nộp đơn xin nhiều lần mà chẳng ai cho.

Sau mấy ngày thăm dò giá cả thị trường thì tôi đã gọi lại báo tin cho ông biết về ý định muốn giúp đỡ những người công nhân của mình. Tôi đã nói rằng số tiền người ta cần là 58 ngàn mỹ kim chứ không phải 55 ngàn như tôi đã nói bữa trước. Không ngờ ông trả lời ngay:
- Tôi sẽ đồng ý ký cho chi nhánh của cô 60 ngàn mỹ kim để trừ hao.

Thế là lần đầu tiên từ một công việc vô vị lợi của tôi làm mà chi nhánh này đã nhận được số tiền khá lớn. Những người công nhân kể cả vài người trong giới lãnh đạo vô cùng mừng rỡ, tên tôi được nhắc đến kèm theo nhiều tiếng cười hân hoan. Tôi đã nhận lãnh được phần thưởng bất ngờ từ sự làm việc bằng cả khối óc và con tim mình. Chỉ vì đặt chữ tâm lên trên chữ tiền mà tôi đã lãnh nhận được một món qùa về vật chất cũng như tinh thần. Tuy rằng tôi có thể chỉ cần làm qua loa như một số người khác nhưng tôi đã không làm như vậy. Chính điều này đã khiến cho tên của một cô gái Việt có chỗ đứng trong lòng của những người ngoại quốc xa lạ.

“Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”. ( Pl 2,15)

Người đời thường thích bon chen nhau trên con đường danh vọng nhưng tôi thì ngược lại. Tôi thường nhìn cuộc đời trước mặt với cặp mắt của ngưòi khách lữ hành. Nhìn Chúa là con đường cho tôi bước theo. Lời Chúa là cái la-bàn để tôi định hưóng đi. Ơn Chúa là những hạt nước mưa thiêng liêng rửa sạch bớt lớp bụi trần. Mình thánh Chúa là thức ăn nuôi dưỡng linh hồn tôi trên con đường lữ thứ. Từ những nhận thức đó khiến tôi coi nhẹ tiền bạc danh vọng.

“Tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gal. 2,20)

Sống theo con đường của Đức Kitô làm cho tâm hồn tôi được nhẹ nhàng thanh thản hơn. Đối với tôi không gì đáng qúy bằng sự bình an trong tâm hồn mà Ngài ban tặng. Có lẽ tôi sẽ chẳng vương vấn nhiều về cõi tạm này khi ngày giờ của tôi chấm hết. Con đường tôi đi chỉ là con đường một chiều. Tự tôi không thể đi ngược thời gian để thay đổi qúa khứ hoặc cắt xén dĩ vãng. Tôi chỉ cố gắng sống những giây phút hiện tại một cách có ý nghĩa để làm vui lòng Chúa, khỏi phụ lòng tha nhân và không hổ thẹn với chính lương tâm mình.

Như những chiếc lá phai màu mục nát dưới lòng đất thế nào thì từng mảnh xương thịt của tôi một ngày nào đó cũng sẽ bị vữa tan cách tương tự. Như những vệt khói của chiếc máy bay tan loãng nhạt nhòa mất dạng trong không gian thế nào thì những cảm tình của người đời dành cho tôi cũng sẽ tan biến nhanh chóng như vậy.

Thân tôi như chiếc lá
Xanh tươi chỉ một thời
Một thời cho người ngắm
Một thời lắm người thương
Thân tôi như chiếc lá
Lả tả rơi giữa đời
Giòng đời muôn bến đỗ
Bến nào đỗ thiên thai
Thân tôi như chiếc lá
Cuốn theo gió vương tình
Tình ngàn thu thiên quốc
Mãi muôn đời không phai.


Cleveland 02.14.08, thuvanthinguyen@yahoo.com