Trưởng thanh tra vũ khí LHQ là ông Hans Blix và ông Mohamed El-Baradei đã có các cuộc đàm phán ngay lập tức với các quan chức Iraq sau khi đặt chân tới Baghdad trong hai ngày làm việc, dự kiến sẽ có các cuộc gặp gỡ quan trọng.

Ông Hans Blix và ông Mohamed El-Baradei nói họ tìm kiếm sự hợp tác quan trọng của Iraq, bao gồm cả việc cho phép phỏng vấn các khoa học gia Iraq và cho phép máy bay trinh thám U2 được bay trên bầu trời Iraq.

Ngay trước khi hai trưởng thanh tra rời đảo Cyprus, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cảnh báo rằng thế giới sẽ được biết "chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần" về việc liệu Iraq có tuân thủ yêu cầu giải giáp của LHQ hay không.

Trong khi đó, sự chia rẽ giữa các nước trong Hội đồng Bảo an LHQ về việc nên xử lý với Iraq thế nào ngày càng gia tăng. Nga, Pháp và Trung Quốc nói công việc thanh tra cần phải có thêm thời gian.

Ông Blix và ông El-Baradei sẽ phải trình các bản báo cáo trước Hội đồng Bảo an vào hôm thứ Sáu. Nếu những báo cáo này là tiêu cực thì người ta có lẽ sẽ phải bắt đầu đếm đến thời điểm có hành động quân sự do Mỹ cầm đầu chỉ trong vài tuần.

Ông Blix nói ông cần phải thấy có tiến bộ nhanh, vì thời gian bây giờ là tối quan trọng.

Ông nói việc thanh tra là một sự lựa chọn thay thế cho chiến tranh chứ không phải là tiền đề của chiến tranh.

Phỏng vấn khoa học gia Iraq

Khi hai ông trưởng thanh tra tới nơi thì một nhà khoa học Iraq đang được các thanh tra vũ khí phỏng vấn riêng.

Điều này có nghĩa là đã có năm nhà khoa học Iraq được phỏng vấn riêng trong ba ngày vừa qua; đây là một yêu cầu quan trọng của LHQ với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phóng viên BBC tại Baghdad nói đã có những dấu hiệu cho thấy Iraq sẽ tỏ ra nhượng bộ hơn. Trước đó, ba nhà khoa học Iraq đã có những buổi phỏng vấn riêng trong thời gian dài với các thanh tra vũ khí mà không có sự hiện diện của các giám sát Iraq.

Đây cũng là một yêu cầu của phía LHQ. Dường như đoàn thanh tra đang chứng kiến một vài tiến bộ.

Họ vẫn muốn được phỏng vấn riêng các khoa học gia Iraq để bảo đảm không có các hăm dọa. Việc Iraq không thực hiện điều này được xem là ví dụ tiêu biểu cho sự bất hợp tác.

Trước đó, Hoa Kỳ nói các khoa học gia Iraq đã bị đe dọa án tử nếu họ đồng ý nói chuyện riêng với đoàn thanh tra. Các quan chức Iraq lại nói họ khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia phỏng vấn riêng, nhưng chính các chuyên gia này từ chối.

Tuy vậy, diễn biến này cũng khó lòng thay đổi ý kiến của những người cho rằng Iraq vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc.

Một quan chức của Anh nói những cuộc phỏng vấn riêng lẽ ra phải thực hiện nhiều tháng trước và rằng quốc tế trông đợi Iraq có sự thay đổi thái độ hoàn toàn thay vì có hành vi lúc thế này, khi thế khác.

Các nước Ảrập lo lắng

Trong lúc ông Hans Blix và Mohammed ElBaradei chuẩn bị quay lại Baghdad, các nước Ảrập tiếp tục thương thảo xung quanh cuộc khủng hoảng Iraq.

Tổng thống Ai Cập và vua Abdallah của Jordany sẽ gặp nhau, còn ngoại trưởng các nước Ảrập sẽ có cuộc họp khẩn cấp tại Cairo giữa tháng này trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh khối Ảrập đầu tháng Ba.

Các nước Ảrập không chỉ lo về khả năng chiến tranh, hậu quả kinh tế hay sự phẫn nộ của người dân trong nước. Theo Oraib Rantawi, một chuyên gia chính trị người Jordany, các nước Ảrập còn lo rằng một chính phủ mới do Hoa Kỳ dựng lên tại Iraq sẽ đe dọa tới vai trò của các nước trong khu vực:

"Dầu của Iraq sẽ thách thức dầu của Ảrập Saudi. Một nước Iraq ôn hòa có quan hệ tốt với phương Tây cũng sẽ thách thức Ai Cập. Một nước Iraq dân chủ sẽ thách thức toàn bộ các nước Ảrập."

Hiện nhiều quan chức Ảrập vẫn đang tìm cách có một giải pháp chính trị. Ảrập Saudi kêu gọi một cơ hội cuối cho hòa bình, ngay cả nếu một nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc được thông qua.

Nhưng các nước Ảrập không có nhiều ảnh hưởng thật sự đối với tổng thống Saddam Hussein.

Không ai nghĩ ông Saddam Hussein sẽ từ chức. Nếu ông bị lật đổ bằng vũ lực, các nước Ảrập lo ngại họ sẽ đón nhận sức ép mới. Đây là ý kiến của ông Oraib Rantawi:

"Nhiều lãnh đạo của các nước Ảrập không phải do dân bầu lên. Cách thức nhiều người trong số họ giành quyền lực cũng giống như ông Saddam Hussein. Họ có thể muốn có sự thay đổi chế độ tại Iraq nhưng sẽ là ác mộng cho chính quyền các nước Ảrập nếu Iraq có một sự thay đổi triệt để, một chính quyền tử tế, dân chủ."

Dĩ nhiên, nhiều người cho rằng một cuộc chiến sẽ không thể tạo dựng một nước Iraq dân chủ hay ổn định. Và nếu chiến tranh gây ra hỗn loạn tại Iraq, đó sẽ lại là cơn ác mộng cho các nước Ảrập.(BBC)