Thánh Nữ… khó tính

Vào dịp tết Mậu Tý, chỉ một lúc sau khi VietCatholic đăng tải truyện ngắn Nồi Cháo Gà Đêm Trừ Tịch, tôi đã phải ôm cái điện thọai đến gần hai tiếng đồng hồ để nghe bà chị họ giảng dậy luật đạo luật đời. Bà chị tôi nổi tiếng “lắm điều”, ăn ở với họ hàng lối xóm như bát nước đầy, tính tình ngay thẳng và lại rất hơi khó tính. Ở Mỹ đến hơn ba chục năm rồi mà bà chị tôi vẫn “quê một cục”. Mua nhà thì bắt con phải tìm được chỗ nào sát cạnh ngay bên nhà thờ để “sớm tối cầu nguyện thầm thĩ với Chúa”. Đi chợ nhặt được vài đồng cũng bắt con tìm cho được người quản lý để xem ai mất thì trả lại cho người ta. Dành dụm được món tiền nào là lo gửi giúp những bệnh nhân phong cùi và các em cô nhi. Bà chị tôi là một thánh nữ chưa được … phong thánh.

Tiếng bà chị tôi vẫn to và khỏe như ngày nào, cho dù chị đã lãnh tiền già được mấy năm rồi.

“ Lậy Chúa tôi, cậu không sợ mất linh hồn sa hỏa ngục à?”

Bà chị tôi càm ràm:

“Chết mà gặp ông thánh Phêrô thì chết đòn. Ông thánh là người Tây đánh cho mấy roi là cứ nát mông.”

Tôi chưa kịp trả lời thì cái loa phát thanh ở Cái Sắn ngày nào tiếp tục bài bản:

“Cậu phải nhớ là tội trộm cắp thì phải xưng tội với Chúa và còn phải xưng tội với người mất của nữa đấy.”

Bà chị tôi bắt đầu lý giải ra những điều răn Đức Chúa Trời rồi các điều luật hội thánh để dứt khóat kết án rằng cho dù chỉ im lặng tán trợ anh Đô trộm nồi cháo gà của cô giáo Thi cũng là tội trọng bị phạt xuống hỏa ngục cho mấy thằng quỷ bẻ răng. Tôi làm sao cãi lại người đàn bà trên vai vế mà kinh bổn thì chẳng câu nào mà không thuộc. Tôi chỉ im lặng nghe, hết dọa dẫm rồi đến khuyên bảo. Cái máy phát thanh đã gần hết pin. Tôi bắt đầu phân giải rằng đã xưng tội và làm việc đền tội rồi. Tôi cũng đã xin lỗi cô giáo Thi và cô cũng đã rộng lòng tha thứ rồi. Chúa đã tha tội, cô giáo Thi cũng đã tha thứ. Thế nhưng chỉ có một người chẳng ăn nhậu gì đến cái nồi cháo gà của cô giáo Thi là bà chị họ rất yêu quý và hơi chút “lắm điều” của tôi lại vẫn còn nhiều thắc mắc khiếu nại. Bà chị tôi chưa có một ngày làm việc ở tòa án nhưng kiểu cách phê phán và kết án lại rất minh bạch, đâu ra đó. Khó ai có thể phản bác hay bẻ gẫy lý luận của bà “trạng” nhà tôi.

“Thế lúc xưng tội thì cha bắt cậu làm việc gì để đền tội.”

Tôi “thành thật khai báo” là cha chỉ nói lần sau có đứa nào nó rủ đi ăn trộm thì đừng dại dột mà theo đi. Chắc là cha đã nghe nhiều “ông” xưng tội ăn trộm gà rồi nên ngài khuyên bảo như vậy. Bà chị tôi tỏ vẻ như không bằng lòng vì cha dễ quá chứ trộm cắp như vậy thì phải mang ra phơi nắng ba ngày cho đáng tội. Tôi bèn lấy giọng nhẹ nhàng mà kèo nài:

“Tội gì Chúa cũng tha hết, mình ăn năn hối lỗi và không bao giờ dám ăn trộm gà qué nữa thì Chúa đâu có chấp nhặt ba cái lẻ tẻ đó.”

Bà chị tôi có vẻ dịu giọng:

“ Thế cô giáo Thi nói gì?”

Chuyện tôi và anh Đô mãi đến hơn hai chục năm sau mới xin lỗi cô giáo Thi cũng hơi dài dòng nên tôi phải kể lại từng chi tiết như sau:

Vào cuối năm 1990 tôi mới được tin đại gia đình nhà anh Đô định cư ở Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California. Gia đình anh mở tiệm bán thực phẩm nên cũng khá giả. Tôi vội mua vé máy bay đến cuối tuần đi thăm anh. Thôi, tình nghĩa Cái Sắn nơi quê người thì có bút mực nào diễn tả cho được. Anh em mừng vui khóc sụt sùi ngay tại sân bay. Anh đưa tôi về nhà không mấy xa trung tâm thành phố. Cả đại gia đình nhà anh Đô sống trong một khu nhà giống như trại lính với vườn tược bát ngát bao bọc. Cơ ngơi này trước kia là trại nuôi gà tây, ông bà chủ về hưu nên bán lại cho gia đình anh Đô với giá rẻ không ngờ. Hai cụ thân sinh của anh Đô còn đến trước bàn thờ trong phòng khách dâng kinh nguyện cảm tạ Chúa đã cho gặp người lối xóm nơi đất khách quê người rồi cứ nói đi nói lại “phải ở đây chơi vài tháng rồi đi đâu hãy đi”. Sau hơn một tiếng đồng hồ chuyện trò thăm hỏi, tôi theo anh Đô ra tuốt góc vườn sau bắt hai con vịt vào làm bữa cơm tối. Vịt Mỹ có khác, con nào con nấy mập ú đỏng đảnh với bộ lông mượt mà.

Lúc chạng vạng tối, mâm cỗ đã bầy biện sẵn trên bàn. Đĩa tiết canh đỏ ngầu bên cạnh mớ rau thơm đủ lọai. Thịt luộc chấm nước mắm gừng, bát nấu măng khô với đĩa bún trắng ngần. Cả nhà ngồi quây quần quanh bàn ăn, chuyện trò rôm rả như ngày Tết. Chuyện xưa chuyện cũ có tiếng cười và cũng có nước mắt. Ăn xong, anh Đô cầm tay kéo tôi ra phía sau nhà để xe có bộ bàn ghế bằng nhựa đã xỉn mầu. Anh cười nhạt cúi xuống lôi cái điếu cầy làm bằng nhôm, thong thả nhét bi thuốc lào vào nõ điếu rồi bật quẹt rít một hơi thật dòn dã. Tôi hơi ngạc nhiên:

“Sang đây mà anh còn đào đâu ra cái món độc vậy?”

Anh Đô qươ tay nói trong hơi khói:

“Chúa tôi, đến cần sa ma túy mò đâu cũng thấy, cái thứ này có mà đầy chợ.”

Anh Đô diễn giải nghe rất hợp lý lại thật mượt mà “những bản tường trình y khoa họ chỉ nói đến bệnh tật và chết chóc gây ra bởi thuốc lá chứ chưa từng có một trường hợp nào liên lụy đến thuốc lào. Các cụ nhà mình đã bao nhiêu đời nghiên cứu kỹ lưỡng âm dương hòa hợp. Ăn cái anh thuốc lào vừa nhàn nhã lại…mát phổi.” Tôi thấy lý luận của anh Đô thật quá đúng sách vở nên chẳng dám có lời bàn. Chúng tôi ngồi nói chuyện ngày xưa và tôi được biết cô giáo Thi hiện đang sống ở Houston, đô thị to lớn và ồn ào của tiểu bang Texas. Tôi gợi ý là hôm nào hai anh em mình phải đến thăm cô giáo Thi và đồng thời xin cô giáo tha thứ vì đã ăn trộm nồi cháo gà của cô. Anh Đô nhiệt liệt hưởng ứng và thúc giục tôi xem “ngày lành tháng tốt” để lên đường. Đang lúc chúng tôi nói chuyện rổn rảng thì được nghiêm lệnh vào nhà đọc kinh tối. Cả ba thế hệ ngồi gần chật phòng khách bắt đầu kinh nguyện. Những lời kinh tiếng hát mà cả vài chục năm nay tôi mới được nghe lại sao mà đầm ấm và thân thương đến như vậy. Giọng hát của chị Hoa vẫn tinh khôi và trong sáng như thời con gái “ Mẹ ơi đóai thương xem nước Việt Nam. Trời u ám chiến tranh điêu tàn…”. Sau kinh nguyện, tôi hỏi chị Hoa rằng bây giờ hết chiến tranh rồi mà chị còn hát như vậy thì Đức Mẹ biết đâu mà ban ơn. Chị Hoa nói bây giờ không còn bom đạn nhưng chiến tranh chống nghèo đói, chống bệnh tật, chống bất công, chống tham nhũng, chống đàn áp vẫn còn đấy nên phải xin Mẹ cứu giúp. Tôi chẳng còn lý lẽ gì để cãi lại chị Hoa mà chỉ biết tâm phục khẩu phục người thiếu phụ xinh đẹp đảm đang của ruộng đồng Cái Sắn.

Hai ngày cuối tuần ở nhà anh Đô, chúng tôi cũng đã xếp đặt được một chuyến đi Houston với chỉ một mục đích thăm và xin lỗi cô giáo Thi. Chúng tôi gặp nhau ở phi trường Houston rồi mướn xe đi thăm thú thành phố nắng như đổ lửa. Ngồi ở một tiệm mì rất đông khách, chúng tôi đã liên lạc được với cô giáo Thi và hẹn sẽ đến thăm vào buổi chiều. Cô giáo rất vui mừng vì vừa tìm lại được người xưa cảnh cũ “quý hóa quá, quý hóa quá”.

Tôi lái xe, anh Đô ngồi bên cạnh bắt đầu “kéo gỗ”. Nhà cô giáo Thi cũng dễ tìm. Sân trước có tượng Đức Mẹ mầu trắng giữa những bụi hoa mầu sắc đủ lọai rất trang trọng. Chỉ nhìn hoa cỏ phối trí thật nhịp nhàng và đẹp mắt thì tôi cũng yên tâm là đã đến đúng nhà mà không cần nhìn vào cái bảng số mầu xanh đậm trên một tấm bảng mầu đỏ thẫm. Cô giáo Thi mở cửa đón khách với chút ngỡ ngàng và ngạc nhiên. Hơn chục năm trời nơi xứ lạ mà lại còn tìm được đến nhau thì ‘quý hóa quá, qúy hóa quá”. Cô giáo Thi không già hơn xưa nhiều và vẫn ở một mình trong căn nhà khá rộng rãi cho một người độc thân. Ngày mới sang đây cô cũng đi làm cho một công ty chuyên sản xuất dụng cụ khoan mỏ dầu nên dư điều kiện để mua nhà với giá rất rẻ. Bàn tay cô thật khéo léo, trong ngòai chỗ nào cũng thấy mát mắt.

Chúng tôi ngồi ở phòng khách nói chuyện, thăm hỏi người mất người còn và nhất là bà con bị kẹt lại bây giờ ra sao? Cô giáo Thi cho biết là đa số bà con mình đã chạy được. Anh Đô gãi đầu gãi tai chỉ vì lo làm ăn mà không có dịp đi thăm những người xóm làng còn thân thuộc hơn ruột thịt. Cô giáo Thi bắt chúng tôi ở lại ăn cơm tối, cô còn ra lệnh “hai anh em đã bỏ cả công ăn việc làm đến thăm cô thì phải ở đây”. Trong lúc cô giáo Thi bận rộn trong nhà bếp thì tôi và anh Đô sửa lại cái máng nước sau nhà bị gió thổi rơi xuống đất. Chúng tôi còn sửa lại tòan bộ máng nước chung quanh nhà cho thật chắc chắn. Lúc ra ngòai gọi chúng tôi vào ăn cơm, cô giáo Thi cứ khen rối rít “hai anh em khéo tay quá”.

Bữa cơm “nhà quê” đã được dọn sẵn trên bàn. Cá kho với riềng thơm ngào ngạt. Canh rau mùng tơi nấu tôm. Thịt gà xào rau cải. Sau khi cầu nguyện tạ ơn Chúa, anh Đô mặt đỏ tía tai cúi gầm mặt xuống nói mấy lời xin lỗi cô giáo Thi vì tội trộm cắp năm xưa. Cô giáo cứ xua tay “thanh niên nghịch ngợm cho vui chứ tội lỗi gì”.

Thế là chúng tôi đã sạch tội. Cha đã thay Chúa tha tội và bây giờ cô giáo Thi là người mất của cũng tha tội. Không biết bà chị họ tôi có tha tội cho chúng tôi không? Tôi bàn với anh Đô là khi nào bà chị họ tôi về chầu Chúa thì chúng tôi sẽ đặt tên là thánh nữ…khó tính.