Trước khi ông Powell trình bày diễn văn trước Hội đồng Bảo an, cả 14 thành viên của Hội đồng đều đã chuẩn bị sẵn phản ứng. Như đã được dự đoán, các phản ứng phân thành hai thái cực rõ rệt. Ít nhất Hoa Kỳ hiện nay cũng tìm được vài đồng minh ủng hộ việc phản ứng cứng rắn mà không nhất thiết chờ đợi tiến trình thanh tra hay đối thoại kéo dài.

Ngoại trưởng Anh, Jack Straw, nói trình bày của ông Colin Powell đã xác nhận lo ngại của Anh rằng Iraq không có ý định từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ. Nhắc lại lịch sử, ông Straw nói tiền thân của Liên Hiệp Quốc, tức Hội Quốc Liên, đã không thể ngăn Thế chiến Hai xảy ra vì cơ quan này đã không hậu thuẫn nỗ lực ngoại giao bằng những đe dọa vũ lực dứt khoát.

Một vài nước không phải là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cũng có phản ứng cứng rắn. Ngoại trưởng Tây Ban Nha nói phát biểu của ông Colin Powell tái xác nhận Iraq đang lừa dối cộng đồng quốc tế. Bulgaria mô tả Hoa Kỳ đã đưa ra bằng chứng thuyết phục và rằng Iraq cần hợp tác đầy đủ.

Iraq phản ứng Ðại sứ Iraq tại Liên Hiệp Quốc, ông Mohamed Aldouri, đã bác bỏ các lời tố giác của ông Powell cho là hoàn toàn không liên hệ tới sự thật. Ông Aldouri nói mục tiêu của ông Powell chỉ nhằm gây chiến bất chấp đạo đức hay luật lệ. Ông nói Bagdad nghiêm túc hợp tác với các thanh tra vũ khí để bảo đảm họ hoàn tất công việc của họ và có thể bãi bỏ lệnh trừng phạt đối với Iraq. Ông Aldouri cũng bác bỏ việc Iraq dính líu tới mạng lưới Al Qaeda. Tại Baghdad, một phát ngôn viên của tổng thống Saddam Hussein gọi diễn văn của ông Colin Powell là màn trình diễn đặc Mỹ nhằm thuyết phục dư luận ủng hộ hành động tấn công Iraq. Cần thêm thuyết phụcMột nhóm đông đảo hơn do ba thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an dẫn đầu giữ quan điểm dè dặt.

Ngoại trưởng Nga, Igor Ivanov, nói các cáo buộc của ông Colin Powell cần được nghiên cứu thận trọng. Ông nói chỉ có các thanh tra Liên Hiệp Quốc mới có thể trả lời liệu Iraq có tuân thủ các quy định của Hội đồng Bảo an hay không.

Trong khi đó ngoại trưởng Trung Quốc, Đường Gia Truyền, cho rằng Hội đồng Bảo an cần cho phép tiếp tục công việc thanh tra và kêu gọi Iraq hãy hợp tác tích cực hơn.

Đại diện cho Pháp, ngoại trưởng Dominique de Villepin nói giờ đây việc xem xét các chi tiết do ông Powell đưa ra sẽ do đoàn thanh tra vũ khí đảm trách. Ông nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc phải cùng thống nhất hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Cameroon, Francois-Xavier Ngoubeyou, nói thông tin do Hoa Kỳ đưa ra có thể giúp quá trình điều tra. Ông Ngoubeyou kêu gọi Iraq tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông nói Cameroon hiểu những lo ngại của Hoa Kỳ nhưng vẫn có thể tránh được chiến tranh. Ngoại trưởng Trung Quốc hoan nghênh quyết định cung cấp thêm thông tin của Hoa Kỳ, nhưng ông nói chừng nào vẫn còn chút hi vọng tránh được chiến tranh thì vẫn phải tìm ra một nghị quyết chung thông qua Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ cần thêm phiếuNếu muốn tiến hành hoạt động quân sự nhanh chóng và được Liên Hiệp Quốc chuẩn y, Hoa Kỳ cần có chín phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an. Dấu hiệu đến nay cho thấy Washington sẽ không nhận được nhiều phiếu ủng hộ tới như vậy.

Tất nhiên người ta cũng hiểu kết quả cuối cùng có thể sẽ khác nếu Washington tiếp tục gây sức ép về ngoại giao. Tin giờ chót cho hay mười quốc gia Trung và Đông Âu trong đó có Latvia, Rumany đã ra tuyên bố chung nói rằng các nước này sẽ tham gia liên minh quốc tế giải giáp Iraq nếu Baghdad không tuân thủ nghị quyết Liên Hiệp Quốc.Trong lúc đó, ngoại trưởng Iran, Kamal Karrazi, sẽ gặp thủ tướng Anh hôm nay. Ông tuyên bố chiến tranh chống Iraq sẽ dẫn tới điều mà ông gọi là sự đụng độ giữa các nền văn minh.(BBC)