TRUYỆN CHUỘT THUỘC NĂM TÝ

Tuổi Tý là con chuột nhà,
Chạy mút đầu xà, leo tận đòn giông.
Tuổi Tý là con chuột đồng,
Tha khoai ngậm lúa đem thồn xuống hang.
Tuổi Tý, con chuột cống lang,
Phá hại mùa màng cây trái nông gia.

Theo cách tính năm của người xưa, năm nay là năm Tý, năm cầm tinh con chuột. Hay nói cách khác, năm Tý được tổ tiên ta từ xa xưa đã dùng con chuột làm biểu tượng cho cả năm, bất cứ ai sinh ngày, tháng nào trong năm Tý, cũng đều mang tuổi Chuột.

Nhân ngày đầu năm Tý, người ta hay nói dăm ba chuyện về con chuột. Theo thông lệ đó, chúng tôi cũng sưu tầm được mấy chuyện chuột, kể hầu quý vị mua vui trong ngày Tết.

Con chuột đầu tiên

Các nhà nghiên cứu cho biết, chuột đã xuất hiện tại Á Châu, nơi con người sinh sống ngay từ thời cổ đại. Người thời đó đã đặt cho chuột cái tên bằng tiếng Phạn (Sanskrist) có nghĩa là “kẻ trộm”. Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của chuột là vị Thử Thần ở trên trời. Ngọc Hoàng phong cho chức Thiên khố giám, sai giữ kho nhà trời. Thời xuân trẻ Thiên khố giám là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, làm việc rất ngăn nắp quy củ, không hề tơ hào một chút của kho nhà trời. Ngọc Hoàng tín cẩn thăng cho làm phò mã.

Từ ngày có gia đình, Thử Thần mới thấy thiếu trước hụt sau, lại được công chúa mách nước “của trời kho vô tận” có lượm hạt rụng hạt rơi nơi cái kho vô tận ấy cũng chả ai để ý. Từ đó, mỗi ngày Thử Thần lót túi một chút của kho trời. Cứ thế, cơ ngơi của quan Thiên khố giám ngày càng phình ra, ngày càng nguy nga đồ sộ.

Nhưng “trời có mắt” nên việc ấy Ngọc Hoàng cũng thấy, Ngài bèn đày Thử Thần xuống dương gian, cho làm một con vật mới. Để tránh không cho ăn cắp nữa, Ngọc Hoàng cho Thử Thần hoá thành một con vật nhỏ thó, có cái mõm chu ra cho bớt ăn, có đôi mắt lồi nhỏ cho bớt nhìn, lại thêm cái đuôi dài cho khó trốn, vì “giấu đầu hở đuôi” thì ai cũng biết.

Từ ngày trần gian xuất hiện con vật mới, đêm nào người ta cũng thấy mất lương thực. Họ đã thay nhau thức đêm canh rình tìm thủ phạm, sau mới biết là do một con vật nhỏ, có cái mõm chu, có đôi mắt lờ đờ như chột, chuyên mò mẫm đi ăn trộm. Người ta mới đặt tên cho con vật nhỏ đó là con chu-chột. Sau họ nói nhanh thì thành ra con chuột. Từ đó dương trần có thêm loài chuột.

Khai sinh của chuột cống

Các nhà khoa học đã phân biệt được hằng trăm loại chuột khác nhau. Người Việt Nam ta cũng đã liệt kê được đến hơn ba mươi loại chuột, gọi bằng tên khác nhau, trong đó có chuột cống. Chuột cống là loài chuột lớn hơn chuột nhà, chúng tìm nơi cống rãnh để ẩn nấp, sinh sống. Nhưng trong truyện Tống Trân - Cúc Hoa lại cho rằng chữ cống ấy là một sắc phong hàm cho chuột, coi chuột ngang hang với những nhà nho có bằng Hương cống, một học vị xưa gọi những người đã đậu kỳ Thi Hương.

Như vậy hẳn là chuột đã có công gì với Trạng nguyên Tống Trân?

Cúc Hoa nuôi Tống Trân ăn học. Khi Tống Trân thi đỗ Trạng nguyên, được vua chọn làm phò mã, Tống Trân từ chối vì tình yêu đã gắn bó với Cúc Hoa, công chúa thấy mình bị khinh mới xin vua cha bắt chàng làm con tin ở nước Tần cho bõ ghét. Thế là vợ chồng phải chia ly. Cúc Hoa ở nhà, chí tình suốt 10 năm, nuôi mẹ chồng, nhưng bị bố đẻ bắt về gả cho Đình trưởng. Hôm Đình trưởng đến đón dâu, trước khi định tuẫn tiết thờ chồng, Cúc Hoa có 8 nén vàng trao cho hai cô hầu gái đề lo hậu sự cho mẹ chồng, nhưng hai cô chia nhau. Không ngờ đêm đó, chuột tha 8 nén vàng ấy đem tới chỗ Tống Trân. Nhận ra đó là số vàng của vợ, Tống Trạng liền phong hàm cho chuột:

Trời sai đàn chuột xuống ngay,
Vàng kia tám lạng chuột nay tha liền.
Tha đến bên mình Trạng nguyên,
Vàng lại rơi xuống nhãn tiền lạ thay.
Trạng nguyên cầm lấy trên tay:
“Vàng này đích thật của rày vợ tao.
Chuột kia mày ở nơi nao,
Vàng này tám nén đưa tao chớ chày.
Ơn vua tao sống về đây,
Phong chức cho mày hương cống chuột kia.”
( truyện TT-CH ).

Chỉ riêng chuột cống, người ta còn phân biệt tới 120 loại. Dân gian không rõ loại chuột nào được phong hàm, nên cứ thấy con chuột nào to hơn thì gọi nó là chuột cống.

Chuột nghe nhạc

Thi sĩ Robert Browing xưa có một bài thơ nổi tiếng, bài đó thơ diễn tả một nhạc sĩ dùng tiếng sáo để điều khiển cả một đàn chuột. Thuở ấy, thành phố Hamelin Town bị chuột tấn công phá phách. Nhà chức trách lo sợ lũ chuột ấy lan truyền thành bệnh dịch hạch, nên lo bấn xúc xích. Chính quyền giệt chuột, dân chúng giệt chuột. Nhà nhà giệt chuột, người người giệt chuột mà cũng không xuể.

Trong thành phố có một nhạc sĩ nổi tiếng về tài thổi sáo. Như có một tiếng gọi đặc biệt, nhạc sĩ đó liền đem sáo ra công trường ngồi thổi. Tiếng sáo của ông cất lên vi vút véo von, đê mê huyền diệu làm tất cả chuột lớn, chuột nhỏ từ mọi xó xỉnh, ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm thành phố Hamelin Town, kéo đến công trường say mê nghe tiếng địch thiên thai đang réo rắt bổng trầm… Khi đàn chuột chen chúc nhau đen kín công trường, ông nhạc sĩ từ từ đứng dậy, miệng vẫn tiếp tục những âm điệu dìu dặt, trong trẻo, thanh thót vang lên theo từng bước chân ông, tiến ra bên bờ sông vắng ngắt…Đàn chuột khổng lồ bò theo trật tự như một đạo binh ào ạt diễn hành…Đến bờ sông, tiếng sáo bỗng đổi sang một nhịp khúc quân hành thôi thúc. Đàn chuột điên cuồng nhảy nhót, ào ào lao xuống sông…Dòng sông vẫn cuồn cuộn chày xuôi, đem hàng ngàn xác chuột ra khơi làm mồi cho cá biển.

Với thiên tài đem tiếng sáo ra giệt chuột có một không hai ấy, người nhạc sĩ đã được ông Thị Trưởng thành phố Hamelin hứa tặng một ngàn đôla (thời bấy giờ). Nhưng số tiền ấy quá lớn với một thành phố nhò, nên mãi mãi chỉ là lời hứa. Người nhạc sĩ tài ba ấy đã đem khả năng của mình ra giúp dân trừ chuột, làm tròn công việc trời giao phó.

Chuột trong văn chương

Trong văn chương bình dân, ai cũng thuộc lòng câu ca dao nói đến con chuột làm tổ mãi trên ngọn cau, mà phải đi mua mắm mua muối làm giỗ cho bố mèo. Nếu chịu khó tìm tòi chúng ta sẽ gặp rất nhiều thành ngữ người xưa đã đem con chuột ra ví von cho người đời suy gẫm.

Chẳng hạn: thường thì nhà lãnh đạo đề ra chương trình xây dựng đất nước lúc nào cũng thấy quy mô vĩ đại, đến lúc đem ra thực hành thì bị “rút ruột”, kết quả của việc xây dựng là:

Đầu voi đuôi chuột.

Hay là:
Trái núi đẻ ra con chuột.

Dĩ nhiên “kẻ rút ruột” lại hí hửng cho mình là gặp hên, giống như:
Chuột sa chĩnh gạo.

Chúng tin tưởng chẳng ai dám khui chuyện mờ ám của chúng, vì:
Hang hùm ai dám móc tay,
Chuột nào lại dám cắn dây buộc mèo.

Còn nhà chức trách thì cũng “ngậm miệng ăn tiền”, khui ra thì:
Ném chuột sợ bể đồ.

Ai ngờ đến khi chúng bị lột mặt nạ ra, lúc ấy ai cũng thấy rõ ràng là:
Cháy nhà ra mặt chuột.

Kẻ phạm pháp bị lôi ra tòa mới cảm thấy xấu hổ với cái dáng điệu:
Lấm lét như chuột ngày.

trông chúng quả là:
Lù đù như chuột chù phải khói.

Những kẻ tham nhũng như thế đều bị dân gian nguyền rủa:
Cha đời chuột nhắt nhà bay,
Tảng đá rơi xuống thì mày gẫy xương.

Người bình dân nói gẫy xương là còn có nghĩa đồng bào đấy, đúng ra là phải nát ra như cám. Nhưng nếu nó còn sống thì cũng trở thành tay trắng:
Vịt chê lúa lép không ăn,
Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre.

Đó là đem thành ngữ, ca dao xưa thích ứng với chuyện xảy ra hôm nay. Thời xưa cũng có những chuyện tiêu cực, nhưng thường chỉ xảy ra trong phạm vi nhỏ. Cổ văn có chuyện Trinh Thử bằng văn vần, mượn chuyện con chuột bạch để vinh danh phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con:

Khá khen chuột bạch trinh kiên,
Trăng hoa chẳng tưởng, giữ gìn tấm thân.

đồng thời lên án những ông chồng đào hoa bay bướm:
Như lòng chuột đực khá chê,
Toan đường quyến rũ, dạ mê đạo lành.

và phê phán những bà vợ hay ghen tương không suy nghĩ:
Khá chê chuột cái dại rồ,
Chồng đi hoa nguyệt chẳng cho được nào.

Nói đến văn chương chữ nghĩa về chuột thì con nhiều, nhưng xin quý vị quay lại với hiện tại, xem trong ca dao mới nói về con chuột.

Chuột trong ca dao mới

Ca dao là những câu văn vần được dân gian cảm hứng theo từng thời kỳ lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, khi công chúa Huyền Trân hy sinh xả thân để mở rộng bờ cõi đất nước, phải kết hôn với vua Chàm, thì nhân gian đã có câu:

“Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”.

Lịch sử Việt Nam hôm nay cũng đang hình thành những câu ca dao mới, nhằm đánh dấu giai đoạn hiện tại của đất nước. Điền hình như các cô thôn nữ nghèo khốn, phải bán mình cứu đói cho gia đình:

Con mèo xuống bếp tìm mồi,
Thấy con chuột nhắt đang ngồi thở than:
- Chị tôi đi lấy Đài Loan,
Bị lừa thành điếm, thân tàn tha phương.

Hoặc hoàn cảnh của những đồng bào bị cướp đất cướp nhà, mà công lý lại là công lý của bọn cướp, nên bà con phải vất vưởng nhiều năm trước cửa quyền, tìm mãi không thấy chiếc trống kêu oan mà gióng lên một hồi than oán, gặp được người giúp đỡ thì họ lại bị thộp cổ:

Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu xa gần?
- Chú chuột đi giúp người dân
làm đơn khiếu kiện, công an bắt rồi !!!

Chính vì cái chế độ độc đảng chuyên chính, không chấp nhận người có TÀI có ĐỨC ra giúp nước. Từ xa xưa, triều đình phong kiến còn mở các khoa thi để tuyển dụng nhân tài cho đất quốc gia. Nay thì “hồng hơn chuyên”, người tài giỏi mà không phải là đảng viên thì càng bị trù giập. Đảng coi mình là nhất, tự kiêu huênh hoang xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhưng lại chui ra từ cái hang Pắc-bó, làm cản ngăn đà tiến của dân tộc:

Lũ chuột xưa ở trong hang,
Bò ra phá hoại Việt Nam hoá nghèo.

Vì ca dao mới còn đang phát triển, chúng tôi chưa sưu tầm được nhiều, nên mời quý vị ghé qua Trung Hoa xem người xưa nói về chuột. Trong Kinh Thi, một trong Ngũ kinh do Đức Khổng Tử sưu tập, có bài thơ “Tướng Thử” nhận định về diện mạo con chuột, đã nói đến thử bì (da con chuột), bài thơ mang đại ý: đến như con chuột bé nhỏ như vậy mà còn có da, cho nên người ta cũng phải có lễ nghĩa:

Chuột còn có da, người ta phải có lễ.
Chuột ăn trộm
Chuột kia xưa ở nơi nao,
Bây giờ phá hại chúng tao thế này.

Từ khởi đầu, tên của chuột đã mang nghĩa là kẻ ăn trộm, nên bản chất của chuột là tìm đủ mọi cách để đạt được thực phẩm mà tự nó không sản xuất.

Vì chuột ban đêm xuất hiện để ăn trộm, nên người ta phải cất kỹ thực phẩm, Ấy thế mà chuột vẫn ăn trộm bằng những cách ta không ngờ tới. Dân quê Việt Nam xưa thường nhà nào cũng có lọ đựng mỡ nước. Mỡ này được thắng ra từ thịt mỡ lợn, thành chất lỏng đựng trong cái keo có nắp đạy cẩn thận, rồi đem cất ở chạn đựng thức ăn, để dành tra nấu. Đêm đến, một con chuột nhắt đánh được hơi mỡ, nó liền leo lên chạn, gác hai chân trước lên nắp keo mỡ, dùng răng khoét thủng một lỗ trên nắp keo, nó không thò mõm vào keo mỡ được, nên leo lên ngồi trên nắp keo mỡ, thòng đuôi xuống qua lỗ nắp thủng, khoắng vào keo cho mỡ dính đầy, chuột ta từ từ kéo đuôi lên, đưa vào mõm mút mỡ. Cứ thế…cho đến cang bụng!

Nhiều người còn kể chuyện chuột ăn cắp trứng gà. Chuyến ăn trộm này phải có hai con. Một con chuột nằm ngửa ôm trứng, con thứ hai cắn đuôi con ôm trứng lôi về hang: thế là gia đình nhà chuột có một bữa ăn linh đình bổ dưỡng:

Cắn đuôi tha trứng gần xa,
Chuột còn đoàn kết huống ta là người.

Tính ăn trộm của chuột từ xưa đã đi vào văn học Trung Hoa. Đời Tống bên Tầu có Binh Bộ Thượng Thư Tô Đông Pha, thuở còn nhỏ nhà nghèo, khi đi học thường mang mấy lát gừng trong túi xách, để phòng khi trái gió trở trời dùng gừng làm thuốc. Ác hại thay mấy lát gừng ấy bị chuột ăn cắp mất. Khi hắt hơi sổ mũi, Tô Đông Pha tìm gừng không thấy, mà lại thấy mấy viên cứt chuột. Biết là gừng bị chuột cuỗm mất. Tức khí, Tô Đông Pha làm bài phú kể tất cả những cái tinh quái của loài chuột. Bài văn nổi tiếng ấy là bài “Hiệt thử phú” mà nay nhiều người còn nhắc đến.

Chuột trắng trên cành lan

Chuột đã xuất hiện ngay từ thời cổ đại. Con người đã bị chuột phá phách hết đời này đến đời khác, nên người ta đã có rất nhiều chuyện về con chuột. Ngay từ ngày còn nằm nôi ngủ võng, ai mà chẳng được nghe mẹ ru những câu ca dao về con chuột, lớn lên một tí thì được bà kể chuyện cổ tích, trong đó cũng có những chuyện chuột, khi đi học lại được thầy giáo dạy bài học lấy con chuột làm ngụ ngôn cho ta cách cư sử ở đời…

Chúng tôi tuy không có dịp đọc nhiều sách, nhưng cũng có thể kể được một số nhan đề các chuyện về con chuột. Chẳng hạn như: Chuột tỉnh chuột quê, Chuột nhắt và sư tử, Chuột và mèo, Mèo mắc lừa chuột, Chuột đeo nhạc cho mèo, Tinh con chuột, Đa đa và chuột, Chuột bạch và vợ chồng chuột chù, v.v… Chuột còn xuất hiện cả trong tranh nhân gian, như tranh Đám cưới chuột, tranh Trạng chuột vinh quy, tranh Chuột múa rồng…Thời Đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, vào dịp Tết Canh Tý 1960, một tờ báo Xuân tại Sài Gòn có bức tranh bìa vẽ một quả bí rợ bị một con chuột nhắt bò đến khoét thủng một lỗ. Tranh ngụ ý chế độ VNCH đang bị Việt Cộng phá hoại. Bộ Thông Tin thời đó đã cấm phát hành số báo Xuân ấy.

Nhân ngày đầu năm Tý, chúng tôi cũng có đôi dòng về con chuột hầu quý vị có vài phút vui xuân, gẫm xem năm mới này có vận may nào cho đất nước, cho dân tộc. Trong sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về con chuột có viết:

Chuột sa chĩnh gạo nằm chơi.
Hễ mà chuột rúc thì dê về chuồng.

Kính chúc dân tộc Lạc Hồng Năm Mới An Khang, Ấm no Hạnh phúc, Gặp toàn điều may mắn như “Chuột trắng trên cành lan”: có được cuộc sống Tự do Tôn Giáo, Tự do Ngôn luận, Nhân Quyền được tôn trọng… như thời Việt Nam Cộng Hoà tại Miền Nam mấy chục năm trước.