Hoa Kỳ và Anh đang ráo riết chuẩn bị nhằm thu được số phiếu ủng hộ cần thiết. Để được thông qua, nghị quyết mới cần sự ủng hộ của chín trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an và không bị một trong năm thành viên thường trực phủ quyết. Bắc Kinh không có lợi ích chiến lược tại Iraq và có lẽ sẽ bỏ phiếu trắng.

Tỏ ra mất kiên nhẫn với chính quyền Iraq, Moscow có khả năng sẽ ủng hộ một nghị quyết mới. Pháp là nước khó đoán nhất. Mặc dù Pháp có truyền thống thỏa hiệp vào phút cuối, nhưng khoảng cách giữa Paris và Washington đang lớn hơn bao giờ hết.Khó có thể nghĩ rằng Pháp sẽ phủ quyết, nhưng lá phiếu đồng ý sẽ là bước đi quá xa cho tổng thống Chirac.Như vậy, bên cạnh lá phiếu thuận của Anh và Hoa Kỳ, Washington sẽ cần thêm 6 hay 7 phiếu nữa. Bulgaria và Tây Ban Nha đã đồng ý ủng hộ Hoa Kỳ.

Bulgaria muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ sau khi vừa gia nhập NATO, trong khi chính sách của chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra đi đôi với Hoa Kỳ.Nếu không thuyết phục được Đức và Syria bỏ phiếu ủng hộ, Hoa Kỳ sẽ phải tìm tới sáu nước khác: Chile, Angola, Cameroon, Guinea, Mexico và Pakistan.Có thể Guinea, Angola và Cameroon sẽ bỏ phiếu thuận vì họ đang cần viện trợ của Hoa Kỳ.Chile và Mexico có quan hệ thương mại gắn bó với Hoa Kỳ nhưng lại không thích thú trước biểu hiện quyền lực của Washington.

Cả hai sẽ không thoải mái khi bỏ phiếu thuận, nhưng đồng thời cũng khó có thể cưỡng lại trước các sức ép ngoại giao.Còn lại Pakistan – một nước trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Musharraf gần gũi với Hoa Kỳ, nhưng sẽ e ngại dư luận trong nước nếu ông đồng tình với quyết định tấn công một quốc gia Hồi giáo. Tóm lại, Hoa Kỳ vẫn sẽ có thể thu được đa số phiếu như họ muốn. Nhưng quốc tế sẽ bị thuyết phục hơn nếu Washington có thể trưng ra bằng chứng rõ rệt rằng Iraq vẫn chưa từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt.(BBC)