Đầu Xuân

nói chuyện về

Kinh Hán tự & câu đối đạo


Kinh cầu Hán văn

OCKQUOTE>Phục rĩ chí tôn
Thiên Chúa cửu trùng, cao ngự tri thiên

Khả tiểu phàm khu, vạn vật, hữu sinh, chi địa


Dịch

Lạy ơn Thiên Chúa cao sang

Chín tầng ngự trị thiên đàng liên liên

Loài người mọn mạy phàm hèn, cùng chung muôn vật ở trên địa cầu


Kinh cầu

Thiên Chúa căng liên thần đẳng = Xin Chúa thương xót chúng con

Vị thần đẳng kỳ = Cầu cho chúng con


Trên đây là những câu kinh, mà gia đình tôi vẫn thường đọc mỗi tối, vào lúc tuổi còn thiếu thời của tôi.
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình dòng giống Nho học. Ông Cố Nội của tôi là một nhà Nho uyên bác, đã gửi ông Nội tôi qua tỉnh Quảng Đông bên Trung Quốc học nghề đông y lâu năm bên đó. Sau khi tốt nghiệp, Nội tôi trở về Việt Nam hành nghề đông y, ông Cụ có bàn tay mát mẻ, nên trị được nhiều chứng bịnh nan y, nổi tiếng ở huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Bố tôi cũng thông thạo Hán học nên được Nội tôi truyền nghề lại cho.
Bố tôi tiếp tục cái nghề thầy thuốc từ Bắc vào Nam rồi qua tới Úc. Tuy nhiên qua Úc bị ngành Tây Y lấn át, cho nên nghề thầy lang của Bố tôi từ từ rút vào bóng tối, nhưng thỉnh thoảng Bố tôi vẫn giúp bà con đồng hương, đôi lúc cần đến những vị thuốc Bắc để giải nhiệt, thay thế cho những toa thuốc Tây dược, làm bà con uống vào, cảm thấy nóng nẩy trong các cơ thể.
Trái lại đến thời hậu duệ của anh em chúng tôi, thì Nho học bị tịt ngòi, nhưng cũng còn được dư hưởng chút ít Nho nhe rơi rớt của cha ông lưu lại.
Lúc tôi còn nhỏ, mỗi tối gia đình thường quây quần bên nhau thắp đèn, nến đọc kinh cầu nguyện, ông Nội tôi hay dạy anh em chúng tôi, khi đốt đèn lên bàn thờ để cầu nguyện, thì cụ bảo phải để đèn lên thật cao trên bàn thờ : “Đăng cao viễn chiếu” nghĩa là đặt đèn lên cao, thì ánh sáng sẽ lan tỏa ra xa, rồi cụ còn nhắc cả nhà, mỗi khi đọc kinh cầu nguyện: “Khẩu tụng, tâm suy” “miệng thì đọc, trong lòng phải suy gẫm”
Cho nên, những lúc anh em chúng tôi đến gần ông Nội, hay Bố tôi, các Ngài cũng đều giảng giải cho một vài câu Nho.
Khi anh em chúng tôi được các Cụ sai làm bất cứ việc gì, thì các Cụ cũng kèm theo mấy lời dặn dò theo kiểu nhà Nho như:
“Cẩn tắc, vô áy náy” = làm việc cẩn thận, không lo sợ

“Dục tốc bất đạt” = Làm việc gì vội vã, sẽ không thành công

“Hối bất cập” = Hối hận thì không kịp nữa

“Kỷ sở bất dục” = Những điều gì mình không muốn

“Vật thi ư nhân” = Thì mình cũng đừng nên làm cho người khác

“Ngọc bất trác, bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”

Viên ngọc mà không dũa, không mài, sẽ không thành đồ qúi, người không học sẽ vô lý trí
Những lúc anh em chúng tôi rong chơi, hay phá phách ở nhà, thì các cụ rầy la, rồi bắt chúng tôi phải học bài. Cụ bảo chúng mày phải: “Văn ôn, Võ luyện” v.v. không thì đi học sẽ quên hết. Do đó anh em chúng tôi cũng thấm nhuần được chút ít về giáo dục Nho học.
Quê Ngoại tôi ở khác làng phía bên kia sông Thái Bình, Ngoại tôi cũng là người thông thạo Nho học, “Nội, Ngoại đều môn đăng hậu đối với nhau” nên mỗi khi chúng tôi qua thăm Ngoại, cũng đều được nghe các cụ kể rất nhiều chuyện về Nho và luật lệ đối đáp trong Hán học, mà tôi còn nhớ đến ngày nay.
Các Cụ dạy chúng tôi mỗi khi ứng khẩu đối đáp, thì phải suy nghĩ thật nhanh, người ta ra câu xướng ,những chữ hoặc từ gì? Hay các vần như thế nào? Thì mình cũng phải đối đáp lại tương xứng như vậy. Danh từ thì phải đối với danh từ, động từ thì phải đối với động từ, mà tĩnh từ thì phải đối với tĩnh từ. Như vậy mới gọi là câu đối, chẳng hạn như:
Gia là nhà, Quốc=nước, Tiền=trước, Hậu=sau, Mưu=mèo, Mã=ngựa, Ngưu= trâu, Thủy=nước, Hỏa=lửa
Rồi các Cụ thí dụ một câu căn bản:
Trống đánh xuôi

đối với
Kèn thổi ngược


Ngồi suy nghĩ một lúc lâu, rồi tôi cũng sáng tác đại ra hai câu đối cho Ngoại tôi nghe:
Nhà Thờ tháp cao chuông vang vọng

Đình Làng cổng rọng mõ khua xa


Vì hồi còn nhỏ anh em chúng tôi hay nghịch phá, leo trèo dưới gầm tháp chuông nhà thờ, nên tôi tự chế ra hai câu này.
Ngọai khen tôi là khá thông minh, nhưng câu đối chưa được hoàn toàn. Ngoại cắt nghĩa cho tôi nghe: “Chuông vang vọng đối với Mõ khua xa thì được. Chuông vang vọng của nhà thờ thì đúng, nhưng còn Mõ khua xa của làng thì chưa đúng hẳn. Thường thì người ta hay treo chiêng hoặc trống ở dình làng, còn mõ thì do một liên lạc viên đem đi gõ, rêu rao, báo cho dân chúng đến đình làng hội họp, chứ mõ không khua ở trong đình”. Vì thế người ta mới gọi là mõ làng, hay mõ xóm.
Sau đó Ngoại tôi kể cho tôi nghe, một câu chuyện của hai xóm đạo toàn tòng ngoài Bắc là giáo xứ Thuần Túy và giáo xứ Trung Thành.
Giáo xứ Thuần Túy là quê hương của bà Ngoại tôi, nổi tiếng là có nhiều thầy thuốc, lang băm, ông nào học lóm được một vài vị thuốc Bắc, cũng nhào ra chữa bệnh. Vi vậy dân làng hay chọc ghẹo những thầy lang dổm này là lang băm Thuần Túy. Kế bên làng của bà Ngoại tôi, là giáo xứ Trung Thành, hồi xưa xứ đạo này 95% là dân công giáo, nên có nhiều nam thanh, nữ tú đi tu, cung cấp cho giáo hội rất nhiều linh mục quê ở Trung Thành, làm quản xứ trong giáo phận Thái Bình trước kia.
Vào khoảng thập niên 50. Giáo phận Thái Bình cắt cử một linh mục gốc ở Trung Thành về coi sóc giáo xứ Thuần Túy. Cha xứ là người giỏi Nho học, lại nổi tiếng là đạo đức và giáo luật gắt gao. Sau khi về nhận giáo xứ, linh mục này đã ra nhiều điều luật cấm Hội đồng giáo xứ về cách tổ chức lễ lạy, rước sách có tính cách dị đoan. Một hôm ông Trùm dẫn Hội đồng giáo xứ lên xin Cha cho tổ chức cuộc rước đại lễ theo thông lệ, phong tục của làng, Cha xứ không cho. Hội đồng giáo xứ năn nỉ mãi, Cha cũng xiêu lòng. Nhưng trước khi chấp thuận cho rước, Cha xứ giao hẹn là sẽ ra một câu đối, nếu các ông đối đáp được, thì Cha sẽ đồng ý ngay, còn không đáp được, Cha sẽ giải tán.
Ông Trùm giáo xứ Thuần Túy cũng là tay Nho học cừ khôi, nên hiên ngang tiến lên đứng trước các vị trong Hội đồng giáo xứ và thưa với Cha: “Thưa Cha chúng con sẵn sàng đáp lễ Cha”.
Thế là Cha xứ liền ra câu đối như sau:
Thuần Túy tám vạn lang, lang trắng, lang vàng, lang lốm đốm

Ông Trùm xin ứng khẩu ngay, dạ thưa Cha con xin đáp:
Trung Thành vô số cụ, cụ già, cụ trẻ, cụ lưng mưng


Ngọai tôi giải thích cho tôi hai câu đối trên đây: Thuần Túy thì có nhiều lang, đối Trung Thành có nhiều cụ rất cân xứng
Ngày xưa các linh mục, các cha hay các thầy còn được gọi là các cụ nữa. Các thầy chức 4 thì gọi cụ tứ, chức 6 thì gọi là cụ Sáu hay Lục. Cụ Sáu Trần Lục, sau này là linh mục đã xây lên nhà thờ Phát Diệm kiến trúc kiểu Á đông nổi tiếng hiện nay.

Khi di cư vào Nam, gia đình tôi được đưa đi đinh cư tại miền Cái Sắn, giáo phận Long Xuyên. Bố tôi được giáo dân bầu làm Chánh Trương xứ của một giáo họ, nên hàng năm cứ đến tháng 10 là tháng kính Mân Côi. Bố tôi cùng với giáo dân trong họ đạo tổ chức rước sách linh đình. Cụ hô hào giáo dân lấy tre bó lại với nhau, dựng lên một cột cờ cao 25 thước. Trước bà thờ tượng Đức Me, cụ viết hai câu đối để cho tất cả giáo dân trong họ đạo, làm phương châm mà cầu nguyện:
Hoàng hoàng vị tam Thiên Chúa tể

Nguy nguy thể nhất Mẫu Mân Côi

Nho dổm tôi xin mạn phép giải nghĩa câu đối trên đây:
(Ba ngôi Thiên Chúa là vua trên hết các vua)

(Chỉ có kinh Mân Côi là phương thế độc nhất cứu ta khi gặp nguy biến)


Đến ngày Lễ Giao Thừa, Bố tôi trịnh trọng làm bàn thờ Trời Tổ, rồi Cụ viết hai câu đối, treo hai bên bàn thờ:
Nhật nhật nguyện cầu tam vị chủ (Hàng ngày cầu nguyện ba ngôi Thiên Chúa)

Niên niên ngưỡng vọng cửu trùng thiên (Hàng năm trông ngóng lên chín tầng trời)


Thời gian đi học tập cải tạo sau năm 1975, thỉnh thoảng các cải tạo viên, được phép ban quản giáo cho đi tím kiếm thêm thực phẩm, gọi là đi cải thiện. Một hôm ông bạn tôi trở thành Lã Vọng bất đắt dĩ, anh ta xin cán bộ trực, cho phép sách cần câu ra suối câu cá cải hoạt, vì ham câu cá quá, nên quên cả giớ về. Ngày hôm sau trời nắng chói chang, bị ban quản giáo phạt, trói anh ta lại, đem phơi nắng dưới cột cờ của sân trại.
Vì qúa tức giận cán bộ, nên anh ta đã họa hai câu đối sau đây để ghi nhớ ngày bị phạt vì đi câu cá:
Nước trong veo vẻo cá đớp cá

Trời nắng chang chang người trói người


Tôi đến Úc năm 1980. Vào thời điểm này Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt / Nam Úc còn đang trong thời kỳ phôi thai. Hồi đó người Việt tỵ nạn chúng ta, được các hội đoàn từ thiện Úc Châu bảo trợ, nên họ đưa người tỵ nạn, đi định cư tản mác khắp các thành phố chung quanh tiểu bang Nam Úc.
Cho nên hàng tháng cha quản nhiệm Âutinh Nguyễn Đức Thụ SJ đã dành tuần thứ nhất trong tháng, đến các tỉnh lẻ thăm bà con đồng hương, không phân biệt lương giáo như Whyalla, Port Lincoln, Mt. Gambier v..v..v... Khi đến nơi, chúng tôi lái xe chạy lòng vòng, đi mời gọi tất cả bà con người Á Châu, kể cả người Hoa nữa, qui tụ lại với nhau để chia sẽ những vui buồn, ưu tư khắc khoải nơi xứ lạ quê người., rồi Cha dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho quê hương, cho đồng bào, an cư lạc nghiệp khắp nơi.
Những lần đi như vậy, tôi thường tình nguyện đi tháp tùng, phụ lái xe với Cha, vì có những tỉnh xa xôi, cách Adelaide hơn 600 cây số, một mình Cha lái xe đi cũng hơi mệt và nguy hiểm.
Mỗi khi đi, chúng tôi đem theo bàn thờ Trời Tổ, vì Cha quản nhiệm biết, có một số đồng hương không cùng tôn giáo, nên Ngài nhờ người bạn của tôi, anh ta là một tân tòng, rất khéo tay thợ mộc, đã đóng cho Cha cái bàn thờ Đông Phương nhỏ, có thể tháo gỡ và xếp vào thùng, gọn gàng, dễ dàng di chuyển. Bàn thờ portable này với hai câu đối mà Cha đã khắc ghi, còn lưu lại trong Cộng Đồng Công Giáo Nam Úc tới ngày nay:

Tôn thiên niệm tổ (Tôn thờ Chúa Trời tưởng niệm tổ tiên)

Hiếu phụ hoà huynh (Hiếu kính Cha Mẹ thuận thảo anh em)


Hai câu đối này thích hợp cho mọi người Á đông như chúng ta, nên đã đánh động tâm hồn được một số tân tòng trở về với Chúa, mà hiện nay họ là những giáo dân rất sùng đạo.

Nhớ lại thời lưu lạc đó, thấm thoát đã hai mươi hai năm trôi qua. Cha con chúng tôi, vẫn còn được gần gũi nhau.
Nhân dịp xuân về, chẳng có gì làm lỡi, làm quà để chúc tuổi cho nhau.

Xin chúc Cha và Qúi bà con đồng hương Nam Úc, Qúi vị giầu lòng bác ái đã hy sinh, vất vả suốt ngày đêm, hàng năm gói Bánh Chưng Việt Hương gây qũi xây dựng Cộng Đồng bằng hai câu đối mừng xuân Qúi Mùi:


NAM ÚC LỪNG DANH RƯỢU NHO ĐỎ

VIỆT HƯƠNG NỔI TIẾNG BÁNH CHƯNG XANH

Lưu ý:
- Đến Nam Úc qúi vị chưa đi thăm quan thung lũng sản xuất rượu Barossa Valley, thì qúi vị chưa hẳn đã biết Nam Úc.
- Đầu xuân qúi vị ráng tìm cho được một tấm bánh chưng Việt Hương, Nam Úc để thưởng thức hương vị Tết quê hương cho đúng với ý nghĩa:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh

Joseph Nguyễn
Adelaide, Nam Úc