Chiêm niệm qua TRANH



Chiêm niệm qua TRANH, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Thời bây giờ, tôi cũng như nhiều người khác hay than thở là thiệt tình sao mà bận với đời cơm áo quá, bởi thế không còn kiếm đâu ra thời giờ cho đời cầu nguyện nữa.

Mà thiệt tình là như vậy, một ngày mới tinh khôi của những năm 2000 bao giờ cũng bắt đầu với vất vả cày bừa trong hãng xưởng. Thở không ra hơi!

Chiều về tới nhà, đầu tắt mặt tối với con cái và việc nhà cửa. Mệt nhoài!

Tối leo lên giường ngủ, tay làm dấu, miệng đọc qua loa vài câu kinh, “Kính mừng Maria…”, môi lẩm bẩm câu đực câu cái lời nguyện, “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Giời…”, rồi mắt nhắm mắt mở người ta lăn ra trên giường ngủ mất tiêu. Xong một ngày!

Kẹt một cái là đời sống đức tin cũng giống như đời sống cơm áo. Không lương thực nuôi dưỡng thể xác, người ta sẽ chết. Tương tự như vậy, không lương thực thiêng liêng bồi bổ tâm linh, đời sống đức tin cũng sẽ dần dần tàn úa héo khô. Thế là chết khô linh hồn.

Nhưng trong thiên niên kỷ thứ ba, bởi đời sống văn minh siêu điện toán, ngày càng xuất hiện nhiều chương trình TV và văn nghệ hấp dẫn hơn. Talk-shows của nhiều chương trình TV buổi tối theo dõi hằng ngày vẫn không thấy nhàm! The Oprah Show của bà chị Oprah Winfrey bao nhiêu năm rồi vẫn tiếp tục thu hút hằng triệu triệu con tim khán giả. Chương trình văn nghệ của Thúy Nga, Asia, và Vân Sơn ngày càng trở nên lộng lẫy, sắc sảo, và phong phú hơn. Vừa coi Thúy Nga xong, DVD Asia mới tinh lại đã thấy xuất hiện mời gọi trên quầy bán băng. Phim chưởng của Hồng Kông, Đài Loan, và phim tình cảm Đại Hàn của thế kỷ 2000 dài lê thê với bao nhiêu tình tiết éo le và tài tử đẹp còn hơn tranh vẽ đua nhau xuất hiện. Cho nên không lạ chi chiều chiều tối tối, thiên hạ tiếp tục bận bịu với ngồi trên ghế sa lông theo dõi talk-show, văn nghệ, và phim ảnh nhiều hơn.

Cứ thế! Nói theo hơi văn của Sáng Thế Ký, bao nhiêu năm rồi, sáng và chiều thiên hạ đi làm, tối về tới nhà thiên hạ ăn tối, rồi coi TV, coi văn nghệ, và coi phim; một buổi chiều và một buổi tối, xong một ngày!

Bởi có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn, thiên hạ cũng bận bịu nhiều hơn trong thương xá để mua những món hàng đại hạ giá vào những ngày cuối tuần, hoặc vào những dịp lễ, lễ Haloween, lễ Thanksgiving, Christmas, New Year, và Tết. Chọn lựa kiếm tìm món hàng đại hạ giá thích hợp với túi tiền cũng lấy người ta nhiều thì giờ lắm, bởi cũng phải đi tới đi lui hết cửa tiệm này sang cửa tiệm khác, may ra mới vớ được một món hàng vừa mắt lại vừa túi tiền. Thế là hết một cuối tuần phù du. Mai lại thứ Hai! Cày tiếp!

Và độc đáo nhất, bởi có internets dẫn vào thẳng trong văn phòng và tư gia, mọi người bận bịu với lên mạng, trả lời thư tín e-mail nhiều hơn; mà ai cũng đã biết hoặc kinh nghiệm, một lần lên mạng cũng có nghĩa là tốn bao nhiêu thì giờ. Lang thang từ trang web này sang mạng lưới khác. Tay trái đánh tạch tạch tìm kiếm trang web mình muốn đọc, tay phải di chuyển con chuột tìm kiếm điều mình muốn xem. Đọc lướt qua một vài bài trên trang web vừa xong, ngước mắt nhìn lên đồng hồ, đã thấy gần nửa đêm về sáng! Ngáp! Thôi, đi ngủ. Hôm nay con “khất bu” với Chúa nhé. Miễn đọc kinh!

Năm 1907 nhân gian chưa có TV, thương xá, internet. Thiên hạ sống chậm rề rề. Một trăm năm sau, thiên hạ rộn ràng điện thoại di động trên đường phố tráng nhựa. Kẹt một cái, thời hồi xưa của những năm 1907 và của bây giờ 2007, một ngày vẫn chỉ là 24 tiếng đồng hồ tròn đều, không hơn không kém. Cho nên, tưởng rằng đời sống văn minh hiện đại sẽ khiến cho đời sống ngày càng thêm dư thừa thì giờ. Nhưng hóa ra không phải, càng ngày thiên hạ càng bận rộn và hối hả thở không ra hơi với đời sống, với gia đình, và với chính mình.

Vậy lấy đâu ra một giây một phút của 24 tiếng đồng hồ để sống đời cầu nguyện, để ngọn đèn đức tin không lu mờ rồi cạn tắt?

Hồi xưa người gieo giống đi ra nương đồng, trên tay cắp rổ mang theo hạt giống Lời Chúa vẩy vẩy; cho nên mới có hạt rơi vào lề đường, có hạt rơi trên đá sỏi, có hạt rơi vào bụi gai, có hạt rơi trên đất tốt. Nhưng bây giờ không còn là thời của đi ra nương đồng như vậy nữa. Nếu bây giờ, cứ đi gieo hạt giống kiểu như vậy, tôi nghĩ, chắc hạt giống sẽ rơi tất tật vào lề đường, bởi người tín hữu của thiên niên kỷ thứ ba bận với công ăn việc làm, họ đâu còn nhiều cơ hội chờ đợi hạt giống Lời Chúa rơi vào trong tâm hồn. Như vậy, còn mong chi cơ hội cho những hạt giống khác rơi vào đá sỏi, hay là bụi gai, hay là đất tốt. Có nhiều người nói với tôi, và tôi cũng đồng ý như vậy, thông thường, trong phần bài giảng của thánh lễ Chúa Nhật, cha cụ vừa mở miệng ra, giáo dân lục đục chuẩn bị nhắm mắt lại…ngủ.

Thế thì lấy đâu ra lương thực linh thiêng nuôi dưỡng phần linh hồn của mình?

Một lần tình cờ tôi đang bước đi hối hả hấp tấp cho một buổi ăn trưa. Ba mươi phút phù du mà thôi cho một bữa ăn lại càng khiến đôi chân càng thêm cuống quýt vội vàng. Bất ngờ tôi dừng lại những dòng tư tưởng về một bữa ăn bởi nhận ra con đường mùa thu mở rộng với những chiếc lá vàng. Cầm chiếc lá vàng rơi bám trên mái tóc, mắt tôi mở lớn ngỡ ngàng nhận ra đời sống này có sinh thì cũng có tử, có mùa xuân thì cũng sẽ có mùa thu. Có đi nhanh hay đi chậm, tôi cũng vẫn chỉ là phù vân, là mây trên trời, có đó, rồi tan. Việc chi mà phải vội vàng với cuộc sống. Tôi cầm máy hình điện tử chụp lại tấm hình của con đường trước mặt đánh dấu tư tưởng chiêm niệm về nét vô thường của đời sống.

Đường thu, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Vào những ngày sau, vô tình lại một lần nữa, tôi đi ngang qua một con đường khác. Nhìn bóng nắng của mặt trời tô đậm trên bức tường một vết dài nhắc nhở bóng thời gian. Tôi lại lấy máy chụp hình điện tử ra ghi lại giây phút huyền diệu mà Thiên Chúa đã mở mắt tôi ra như mở mắt người mù trong Kinh Thánh (John 9), để tôi có dịp nhìn bóng thời gian tiếp tục chiếu trên cuộc sống của nhân sinh và vạn vật.

Bóng thời gian, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Tôi có một người bạn tên Ngọc Long. Ngọc Long và tôi đồng ý với nhau rằng bởi những bận rộn thường nhật, con người của những năm 2000 dần dần mất đi khả năng tinh tế để nhận ra những nét đẹp của Thiên Chúa qua thiên nhiên. Vào những buổi chiều nắng hoàng hôn buông tỏa rực rỡ, không còn mấy người nhận ra được nét cọ nhiệm mầu của Thiên Chúa tô đậm nơi đường chân trời;

Hoàng hôn, Ảnh Ngọc Long
Hoặc vết chân đồng hành của Chúa trên những con đường Emmau cong queo uốn khúc vào một buổi sáng mùa hạ.

Đường mùa hạ, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Những khi nắng bình minh rực rỡ phân chia ánh sáng và bóng tối, còn mấy người chịu khó dừng lại một nhịp chân để chiêm niệm nét đẹp của những đóa hoa lan rực rỡ sắc màu đang tấu lên ngàn vạn lời ca ngợi khen bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo trời và đất.

Hồng huyết lan, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Hoặc những khi một vài chiếc lá vàng óng ả nhảy múa những điệu luân vũ mùa thu, bởi bận rộn với đời sống thường nhật, còn mấy ai có đủ thời giờ để đứng lại chiêm niệm vòng quay vũ trụ, hết xuân lại tới hạ, nối tiếp theo sau là thu và đông. Cứ thế vòng bánh xe quay tròn, quay tròn.

Bước chân thu, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Có một lần tôi có dịp tham gia chương trình cấm phòng. Lần đó, vị Linh Mục giảng phòng chia sẻ về chủ đề cầu nguyện và đời sống chiêm niệm. Theo như ngài, cầu nguyện không chỉ là thánh lễ đóng khung trong nhà thờ, hoặc những buổi kinh tối lần hạt kinh Mân Côi trong gia đình. Mà cầu nguyện cũng được thực hiện qua những lời tâm sự với Chúa trong khi đang nấu cháo, “Lạy Chúa, xin cho con nấu cháo không bị khê bị khét”, hoặc trong khi đang muộn phiền với những chuyện trong gia đình, “Lạy Chúa, xin hướng dẫn ban ơn để vợ con thôi đi những lời ăn tiếng nói không thanh nhã với chồng với con”. Điểm đặc biệt nhất, vị Linh Mục giảng phòng còn phân tích thêm về khía cạnh sống chiêm niệm với thiên nhiên. Ngài nói nếu để ý kỹ, mọi người sẽ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua mặt trời, mặt trăng, ngàn vạn vị sao trên trời và vạn vật xuất hiện trên mặt đất, tương tự như tư tưởng thần học được trình bày trong sách Huấn Ca,

Giờ đây con sẽ nhắc lại

những công trình của Thiên Chúa.

những điều mắt thấy con sẽ kể lại.

Mặt trời tỏa sáng nhìn xuống muôn loài,

Vinh quang Thiên Chúa bao phủ

Công trình Ngài sáng tạo.

Lộng lẫy chốn cao vời: một khung trời trong vắt.

Nhìn ngắm cả bầu trời, cảnh tượng sáng lạng thay!

Trời hừng đông mặt trời liền công bố:

Công trình của Đấng Tối Cao kỳ diệu dường bao.


(Huấn Ca 42:15, 43:1-2)

Bắt nắm được tư tưởng chia sẻ chiêm niệm với thiên nhiên, tôi về nhà, bắt đầu sử dụng máy điện tử (digital camera) để cầu nguyện và sống chiêm niệm với Thiên Chúa. Ngón tay bấm xuống. Click! Thế là tôi có được trong tay những bức tranh thiền tuyệt đẹp. Mang máy hình điện tử ra tiệm rửa hình, chỉ mất thêm một số tiền nho nhỏ, tôi được cả một khung trời thiên nhiên mang dấu ấn của Thiên Chúa giữ lại trong căn phòng.

Vào những lúc chán chường hoặc mệt mỏi với đời sống, tôi nằm trên giường tay gác sau gáy nhìn lên bức tranh Đường Mùa Hạ, tự dưng trong lòng bớt đi những nét cô đơn hoặc hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, bởi tôi cảm nghiệm được những bước chân của Chúa đang sánh bước đồng hành với mình trên Đường Mùa Hạ. Tương tự như lương thực trần gian nuôi sống thân xác con người, nhiều bức tranh chiêm niệm tôi treo trong phòng đã trở nên những lời kinh chiêm niệm nuôi dưỡng linh hồn của tôi vào sáng sớm, lúc chiều về, hoặc khi màn đêm buông rơi.

Nhiều người ngày hôm nay dùng máy chụp hình điện tử ghi lại những bức hình xấu, có khả năng bôi đen tâm hồn trong trắng của nhiều người. Nhưng cũng những cái máy điện tử đó, nếu biết sử dụng, tôi sẽ giúp tôi hoặc những người thân và bè bạn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong thiên nhiên. Điều đó cũng có nghĩa là mang hạt giống Lời Chúa đi ra trên nương đồng reo vãi. Nhưng riêng tôi, tôi reo vãi hạt giống Lời Chúa bằng tranh của máy chụp hình điện tử.

(Trích trong Đám Tang Tử Tế do Dân Chúa Úc Châu sẽ xuất bản năm 2008).

www.nguyentrungtay.com