Người đứng đầu nhóm thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc, tiến sĩ Hans Blix đã báo cáo với hội đồng bảo an rằng các thanh tra viên trong nhóm của ông đã không tìm được "cây súng đang bốc khói" nào trong các cuộc lục soát điều tra ở Iraq. Ý nói không có bằng chứng gì rõ ràng là Iraq không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Sau buổi báo cáo, ông Blix nói thêm với các phóng viên rằng, bản tự liệt kê của Iraq về các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng không đem lại những chứng cứ mới. Và đồng thời ông muốn Mỹ, Anh, và những nước tự nhận là có chứng cứ về việc Iraq nghiên cứu sản xuất vũ khí hủy diệt, hãy chia sẻ nhiều thông tin tình báo hơn.

Ông Mohamad el-Baradei, người đứng đầu Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, IEAE, nhận định, "Đó là một cuộc họp tích cực với Hội đồng Bảo an. Cả hai chúng tôi đều báo cáo rằng, chúng tôi đang từng bước thực hiện nhiệm vụ của mình."

"Chúng tôi đã được quyền đến tất cả những khu vực điều tra. Tuy nhiên cả hai chúng tôi đều chỉ ra việc chính phủ Iraq cần hợp tác tích cực hơn nữa để nhiệm vụ có thể được hoàn tất nhanh chóng hơn."

Thái độ của Washington

Chiến tranh vẫn có khả năng xảy ra, thậm chí hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng người ta không nói đến nó với giọng điệu như một sự kiện chỉ chờ lúc bùng nổ.

Vì thế mà lời yêu cầu chuyển giao tin tức tình báo cụ thể hơn của ông Hans Blix, dù vẫn được đón nhận 1 cách rất nghiêm túc, nhưng cũng chẳng ai còn sốt sắng, vội vã thực hiện nữa.

Ngoại trưởng Mỹ, Colin Powell cho biết các thanh tra vũ khí đang nhận được nhiều sự trợ giúp hơn, tuy nhiên người ta vẫn giữ lại 1 số thông tin mật, chưa chịu chuyển giao. Ông nói, trong chuyện này , người ta không thể vội vàng mở toang mọi cánh cửa, mọi con đường sẵn có được.

Sự việc này khiến cho giới quan sát liên tưởng đến hai điều: thứ nhất, Mỹ không hoàn toàn tin tưởng nhóm thanh tra vũ khí; nhưng thứ hai, và cũng là điều quan trọng hơn, chính là Mỹ không còn cảm thấy cần thiết phải vội vã truy tìm cho bằng được "khẩu súng đang bốc khói" có thể dẫn đến ngày tàn của ông Saddam Hussein.

Cần nhiều thời gian hơn

Ông Powell nhấn mạnh, thời hạn chót đặt ra vào ngày 27 tháng Giêng này đối với nhóm thanh tra vũ khí, quy định họ phải đệ trình đánh giá chính thức đầu tiên về tình hình Iraq, là một cột mốc thời gian quan trọng; thế nhưng đó không hẳn đã là ngày N, để các bên đi đến một quyết định quyết liệt.

Và cũng rất có thể một phần của lý do khiến cho Mỹ có thái độ thong thả hơn này chính là vì người ta cần rất nhiều thời gian mới có thể điều động quân đội và tiến hành các bước chuẩn bị quân cơ khác.

Đã có tin bộ quốc phòng Mỹ đang âu lo vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cho phép quân bộ binh Mỹ sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ của họ để làm điểm trung chuyển trên đường tới Iraq. Mà các quan chức thì cho biết rằng, ngay cả khi đã có được sự cho phép chính thức rồi thì cũng phải ít nhất 45 ngày sau các căn cứ đó mới có thể sẵn sàng đón nhận quân lính.

Iraq chỉ trích các thanh tra

Trong khi đó các thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc vẫn đang tiếp tục công việc với sự hợp tác của Iraq. Tuy vậy, mối quan hệ có vẻ như ngày càng trở nên căng thẳng.

Tổng thống Saddam Hussein nói các thanh tra đang tham gia vào công tác gián điệp. Phó thủ tướng Iraq, ông Tariq Aziz nói thanh tra vũ khí đã vượt quá phạm vi tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt và thay vào đó, đang tìm kiếm thông tín về các loại vũ khí quy ước của Iraq.

Trong khi đó thì Iraq vẫn tiếp tục chỉ trích các thanh tra vũ khí của liên hiệp quốc, nhưng đồng thời họ cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác.

Tướng Hossam Amin, người phụ trách việc phối hợp hoạt động với các chuyên gia của liên hiệp quốc nói, họ đang làm việc ngày đêm, và không gặp phải 1 trở ngại gì cả. Ông nói lời tự tuyên bố của Iraq là nước này không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt đang được thực tế chứng minh hàng ngày.

Trả lời nhận xét của ông Hans Blix về bản tự khai vũ khí, tướng Amin nói Iraq hoan nghênh mọi câu chất vấn từ phía liên hiệp quốc, và sẽ ứng xử 1 cách tích cực

Các thanh tra chịu nhiều sức ép

Một phát ngôn viên của Liên hiệp quốc nói rằng đoàn thanh tra đã đặt mọi loại câu hỏi. Người phát ngôn này nói với đài BBC rằng ông không thấy đã có trường hợp nào mà đoàn thanh tra đi vượt khỏi sự ủy nhiệm mà Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc giao cho họ.

Tuy vậy, các thanh tra vũ khí đang chịu sức ép từ phía Hoa Kỳ muốn họ có cách tiếp cận cứng rắn hơn nữa. Trong một tuần qua, đoàn thanh tra đã nâng cường độ tìm kiếm, lập thêm một địa điểm mới tại miền bắc Iraq và bắt đầu các tìm kiếm trên không đầu tiên.

Một phát ngôn viên của Liên hiệp quốc cho biết cho tới giờ, đoàn thanh tra chưa thấy có sự thay đổi trong thái độ của phía Iraq đối với công cuộc tìm kiếm của họ.(BBC)