Bản báo cáo sơ bộ của ông Hans Blix hôm nay sẽ là chương phác thảo nội dung chính của bản báo cáo tổng kết mà ông sẽ đưa ra trước Liên hiệp quốc vào ngày 27-1.

Người ta hiểu rằng trong hai, ba tuần tới, Iraq sẽ vẫn là tâm điểm của các hoạt động ngoại giao quốc tế trong lúc đoàn thanh tra gia tăng công cuộc tìm kiếm, còn Hoa Kỳ và Anh thì tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự tại vùng Vịnh.

Thái độ các nước

Pháp đã tuyên bố họ sẽ phản đối chiến tranh xảy ra nếu như không có sự đồng thuận của quốc tế về vấn đề Iraq. Nhưng Pháp cũng nói họ sẽ chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ và Anh nếu như có bằng chứng cho thấy Iraq vi phạm nghị quyết Liên hiệp quốc.

Trong khi đó, nước Đức, vốn liên tục tỏ rõ sự phản đối khả năng chiến tranh, thì gần đây mềm mỏng hơn khi nói rằng một nghị quyết thứ hai của Liên Hiệp Quốc là không cần thiết.


Tiến sĩ Hans Blix đã nói có những lỗ hổng trong hồ sơ Iraq
Một nước châu Âu là Hi Lạp cho hay nước này sẽ dẫn đầu một phái đoàn của Liên hiệp Âu châu đến Trung Đông vào tháng Hai trong một nỗ lực giờ chót nhằm ngăn chặn chiến dịch quân sự.

Tuy vậy, không ai biết ông Hans Blix sẽ tuyên bố gì vào cuối tháng này, liệu ông có cung cấp cho Hoa Kỳ lý do đầy đủ để bắt đầu chiến tranh hay không.

Và cũng không biết chắc Hội đồng Bảo an khi đó sẽ phản ứng ra sao.

Tin đồn về tương lai của Saddam

Trong lúc này thì một loạt tin đồn – thật có, giả có – đang được tung ra. Một nhóm đối lập Iraq đã tung ra một danh sách mà họ nói là gồm 14 nhân vật tại Iraq bị Hoa Kỳ muốn loại bỏ khỏi chính quyền. Danh sách có vẻ đáng tin, nhưng người ta không biết mức độ xác thực của nó.

Cứ mỗi ngày qua đi lại có thêm tin về một chính phủ nào đó ngỏ lời đề nghị cho tổng thống Saddam Hussein nơi cư trú để đổi lại việc ông từ chức.

Khi một cuộc chiến sắp xảy ra, đôi khi lại có một cuộc chiến thông tin giả đi trước. Dường như một cuộc chiến như thế, đầy ắp các tin đồn và tuyên truyền, đang bắt đầu.

Iraq chỉ trích các thanh tra

Các thanh tra vũ khí Liên hiệp quốc vẫn đang tiếp tục công việc với sự hợp tác của Iraq. Tuy vậy, mối quan hệ có vẻ như ngày càng trở nên căng thẳng.

Tổng thống Saddam Hussein nói các thanh tra đang tham gia vào công tác gián điệp. Phó thủ tướng Iraq, ông Tariq Aziz nói thanh tra vũ khí đã vượt quá phạm vi tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt và thay vào đó, đang tìm kiếm thông tín về các loại vũ khí quy ước của Iraq.


Các thanh tra muốn biết Iraq nhập nhiều ống nhôm để làm gì
Và hôm nay, một trong những cố vấn thân cận của tổng thống Saddam Hussein, tướng Amr al-Sadi tuyên bố Iraq sẽ khiếu với Liên hiệp quốc về điều mà ông gọi là các câu hỏi vô lý của một số thanh tra.

"Tuy vậy, nếu đó là một căn cứ quân sự và lại trong tình hình Iraq có khả năng bị xâm lược, thì tôi nghĩ rằng đặt những câu hỏi như vậy là hơi đi quá xa."

Các thanh tra chịu nhiều sức ép

Một phát ngôn viên của Liên hiệp quốc nói rằng đoàn thanh tra đã đặt mọi loại câu hỏi. Người phát ngôn này nói với đài BBC rằng ông không thấy đã có trường hợp nào mà đoàn thanh tra đi vượt khỏi sự ủy nhiệm mà Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc giao cho họ.

Tuy vậy, các thanh tra vũ khí đang chịu sức ép từ phía Hoa Kỳ muốn họ có cách tiếp cận cứng rắn hơn nữa. Trong một tuần qua, đoàn thanh tra đã nâng cường độ tìm kiếm, lập thêm một địa điểm mới tại miền bắc Iraq và bắt đầu các tìm kiếm trên không đầu tiên.

Một phát ngôn viên của Liên hiệp quốc cho biết cho tới giờ, đoàn thanh tra chưa thấy có sự thay đổi trong thái độ của phía Iraq đối với công cuộc tìm kiếm của họ.(BBC)