Thông điệp của chính phủ Mỹ đã được chuyển đến cho các nhà ngoại giao của Bắc Hàn tại Liên hiệp quốc ở New York. Chưa có lời đáp chính thức từ phía Bắc Hàn về lời mời thương lượng của Mỹ.

Nam Hàn đã ghi được bàn thắng đầu tiên trong nỗ lực đi tìm một giải pháp cho vấn đề này. Họ đã thuyết phục được Mỹ bỏ thái độ từ chối thương lượng cởi mở với Bắc Hàn.

Để đổi lại, có vẻ như chính phủ Nam Hàn sẽ thôi không đề nghị đứng ra làm trung gian thương lượng giữa Bắc Hàn và Mỹ nữa, bởi vì Mỹ e ngại rằng, nếu làm như vậy thì Bắc Hàn sẽ được lợi thế.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn khăng khăng rằng họ sẽ không tái thương lượng về những điều khoản đã được thỏa thuận trong hiệp ước đã ký trước đây, về việc Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân của mình.

Trong mọi trường hợp thì đây sẽ là sự khởi đầu của một quá trình đối thoại kéo dài và chậm chạp. Mỹ đã lặng lẽ bác bỏ việc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bắc Hàn.

Cũng nên nhắc lại rằng, Bắc Hàn đã tuyên bố rằng họ xem lệnh trừng phạt kinh tế đó là một hành động chiến tranh.

Trong khi đó thì truyền thông nhà nước Bắc Hàn vẫn đang tiếp tục công kích lập trường của Mỹ, cho rằng Mỹ đã khiêu khích đối đầu giữa hai miền của bán đảo Triều Tiên.

Một bài bình luận của hãng thông tấn chính thức Bắc Hàn cho rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang có vẻ ngày càng hiện rõ. Những đe dọa như vậy không phải là chuyện hiếm có, và Nam Hàn cũng chắng mấy khi để ý nhiều.

Hiện nay Nam Hàn cho rằng mọi chuyện tùy thuộc vào phản ứng kế tiếp của phía Bắc Hàn. Mỹ và các đồng minh trong khu vực đều đồng ý rằng, cần phải tìm đến 1 giải pháp hòa bình cho vấn đề.

Joseph Cirincione là giám đốc dự án không phổ biến hạt nhân, ông chỉ ra rằng con đương thương lượng ngoại giao là con đường duy nhất, "Vấn đề của chúng ta hiện nay là: đối với Bắc Hàn, người ta không thể nghĩ đến khả năng tiến hành chiến tranh."

"Bất cứ 1 cuộc chiến nào với Bắc Hàn đều sẽ nhanh chóng phát triển thành 1 cuộc chiến toàn bán đảo, và làm thiệt mạng hàng ngàn thường dân Nam Hàn."

Theo tính toán của Mỹ và các đồng minh khu vực, và đây cũng là hy vọng của họ, thì chương trình hạt nhân của Bắc Hàn chỉ là một ván bài ngoại giao, nhằm đi tìm những nhân nhượng về kinh tế và chính trị.

Nam Hàn tin rằng, nếu Mỹ đứng ra đảm bảo về an ninh, và hứa hẹn trợ giúp về kinh tế thì Bắc Hàn sẽ nhượng bộ. (BBC)