Các thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) được chỉ thị tuyệt đối không phát biểu với báo chí nhưng một thanh tra vũ khí đã phá lệ và phát biểu với báo giới về những chán nản chồng chất của mình.

Người thanh tra này nói nếu các thanh tra giữ im lặng thì họ có thể gây hiểu lầm là còn điều gì đó họ chưa phát hiện ra được. Theo ông, các thanh tra không tìm được gì chứng tỏ là Iraq có giấu nguyên liệu chế tạo vũ khí.

Sức ép từ Mỹ

Lời phát biểu thẳng thắn này từ viên thanh tra của nhóm các chuyên gia vũ khí chứng tỏ họ đang phải chịu áp lực rất lớn từ phía Mỹ là phải có cho được kết quả thanh tra chống lại chính phủ Iraq.

Cho tới nay thì phía Iraq đã mở tất cả các cánh cửa, nhưng nhiệm vụ thì như là đi bắt mèo đen trong phòng tối vậy.

Chính quyền của ông Bush thì cho hay họ đang bắt đầu cung cấp cho nhóm thanh tra vũ khí những thông tin tình báo chất lượng cao của Mỹ. Tuy nhiên viên thanh tra cho hay nhóm của ông chưa trông thấy những thông tin đó.

Ông cũng tỏ ra hoài nghi về việc liệu phỏng vấn các khoa học gia của Iraq, những người đang chịu căng thẳng về thần kinh, có đạt được kết quả gì không.

Ông cho hay là bản thân ông và đồng nghiệp của ông cho rằng Iraq có thể đã triệt tiêu các nguyên liệu bị cấm. Nhưng Iraq vẫn còn đội ngũ các khoa học gia và như thế, theo viên thanh tra này, Iraq vẫn có thể tái tục các công việc chế tạo vũ khí cấm.

Lãnh tụ Iraq Saddam Hussein đã tuyên bố trong thông điệp Giáng Sinh được truyền hình là nếu các thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc làm việc một cách công bằng, họ sẽ đi đến kết luận là Iraq không có vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

LHQ chuẩn bị tinh thần

Một phát ngôn nhân của tổng thư ký LHQ cho biết giới chức LHQ đang chuẩn bị các kế hoạch cho trường hợp có chiến tranh với Iraq.

Để chấp nhận rằng đang thực hiện điều đó cũng có nghĩa là LHQ cho rằng một cuộc giao tranh quân sự của Mỹ với Iraq là một điều không thể tránh khỏi.

Ông Fred Eckhard nói qua việc tham vấn với các cơ quan của LHQ trực tiếp xử lý các nhu cầu nhân đạo của những người tị nạn và thường dân, LHQ đã đưa ra cái mà ông gọi là “việc đánh giá giai đoạn đầu” của một cuộc chiến.

"Tôi không cho rằng bất cứ ai cũng có thể đoán được hậu quả của chiến tranh. Chúng tôi thực ra mới có những ước đoán tối thiểu về những gì có thể cần thiết, về những gì chúng ta cần có."

Ông cũng khẳng định LHQ đã định giá đối với những phí tổn trong việc hỗ trợ thường dân Iraq ngay sau khi có một can thiệp quân sự. Các nước tài trợ mới được đề nghị đưa ra chỉ khoảng hơn 37 triệu đô-la.

Ông Eckhard tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằngLHQ vẫn trông đợi Iraq sẽ tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng Bảo an để chiến tranh không xảy ra.

Chiến lược toàn cầu

Cuộc chiến chống khủng bố của tổng thống Bush trở thành tâm điểm của các bàn luận kể từ vụ tấn công ngày 11/9. Như một bài phân tích gần đây trên tạp chí Le Monde của Pháp, cuộc chiến này đã là nhân tố chính trong chiến lược của Washington.

Cuộc chiến có thể được mở rộng sang Iraq và nhiều nước có khả năng cung cấp vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các nhóm khủng bố.

Nhưng một luận điểm thường được nhắc tới, đó là, Hoa Kỳ muốn lật đổ ông Saddam Hussein chính là nhằm kiểm soát kho dự trữ dầu hỏa khổng lồ của Iraq.

Mỹ tiêu thụ nhiều dầu

Cũng có thể nói rằng nhân tố thứ hai trong chiến lược của chính quyền ông Bush là làm sao bảo đảm nguồn cung cấp dầu từ nước ngoài.

Tháng 5 năm 2001, bản báo cáo năng lượng của phó tổng thống Dick Cheney dự báo rằng việc nhập khẩu dầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, cũng một phần bởi vì Washington không quan tâm lắm tới việc giảm tiêu thụ.

Bản báo cáo khuyến nghị tăng nhập khẩu từ vùng Vịnh nhưng đồng thời tìm kiếm nguồn cung cấp từ biển Caspia, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Dành ưu thế quân sự

Và phương tiện chủ yếu thực hiện các mục tiêu này chính là nhân tố thứ ba trong chính sách của tổng thống Bush, theo đó, làm sao bảo đảm trong tương lai Hoa Kỳ chiếm ưu thế quân sự trên toàn cầu.

Phòng thủ tên lửa đặt ra với mục đích bảo vệ người Mỹ trong nước, còn quân đội trang bị bằng vũ khí công nghệ cao sẽ biểu dương sức mạnh trên trường quốc tế.

Việc tấn công các đe dọa tiềm ẩn đã được biến thành nguyên tắc hàng đầu. Ba thành tố này lien kết chặt chẽ với nhau.

Ví dụ, các căn cứ quân sự Hoa Kỳ đặt tại trung Á không chỉ nhằm đối phó với mạng lưới al-Qaeda mà còn bảo vệ các nguồn cung cấp dầu.

Tồn tại những bất trắc

Ông Bush ngày nào từng kêu gọi giảm bớt hoạt động quân sự ở nước ngoài thì bây giờ không đặt ra bất kì hạn chế nào đối với các hoạt động như vậy.

Khi áp dụng vào các khu vực bất ổn, chiến lược này có thể khuấy động thêm lộn xộn và bạo lực chống Mỹ.

Và có thể hành động tấn công Iraq, về lâu dài, sẽ không phải là cách giúp bảo vệ các nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông.(BBC)