Càng lúc Bắc Hàn càng tỏ ra cứng rắn trong các tuyên bố của nước này với Hoa Kỳ.

Trong một cuộc diễu hành đươc tổ chức tỉ mỉ, mười ngàn thanh niên Bắc Hàn tuyên thệ dấn thân cho một cuộc tranh đấu chống Hoa Kỳ.

Trong một tiến trình mà họ gọi là “sự ngăn chặn đặc biệt”, Hoa Kỳ nói họ sẽ kêu gọi các láng giềng và đồng minh của Bắc Hàn cắt đứt quan hệ kinh tế, đồng thời thúc giục Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận.

Trước đe dọa này, Bắc Hàn tuyên bố nước này sẽ không nhượng bộ. Tờ Rodong Sinmum, tờ báo của đảng Cộng sản Bắc Hàn, nói việc nhượng bộ cũng đồng nghĩa với sự sỉ nhục và cái chết.

Nhật báo này nhấn mạnh Bình Nhưỡng muốn có giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng nói một sự đối đầu với Hoa Kỳ là “tất yếu chừng nào họ [Hoa Kỳ] vẫn giữ bản chất tàn bạo và thù địch”.

Đối đầu hay đối thoại?

Mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn một lần nữa hâm nóng vào tháng Mười sau khi Bắc Hàn có vẻ đã thừa nhận nước này tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Washington phản ứng bằng cách cắt đứt việc cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.

Kể từ lúc đó, Bình Nhưỡng tuyên bố họ sẽ tái khởi động lại lò phản ứng Yongbyon và một nhà máy tái xử lý hạt nhân. Các thanh tra hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cũng bị buộc rời khỏi Bắc Hàn vào tuần sau.

Các quan chức Hoa Kỳ nói họ sẽ yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga cô lập Bắc Hàn về mặt kinh tế, đồng thời kêu gọi Liên Hiệp Quốc thảo luận vấn đề vào ngày 12-1.

Một phái viên của Hoa Kỳ dự kiến có mặt tại Seoul trong hai tuần nữa để thảo luận chính sách của Washington với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hàn Quốc cũng dự định gửi phái viên tới hai đồng minh của Bắc Hàn – tức Trung Quốc và Nga – “trong một ngày gần nhất” để thuyết phục hai nước can thiệp.

Thông tín viên đài BBC tại Washington nói áp đặt sức ép kinh tế và tài chính hiện là giải pháp duy nhất mà Hoa Kỳ có thể sử dụng. (BBC)