Nồi bánh chưng.

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là tôi phải mua cho được vài cặp bánh chưng và thêm mấy cái bánh tét, để cái không khí Xuân trên đất khách quê người mới "thấm" vào tận "cốt lõi tâm hồn được"!

Xa quê-hương cũng chưa được bao lâu, nên con người tôi còn đầy những "nét Việt Nam", mặc dù trông đôi khi có vẻ quê kệch, nhưng tôi nghĩ rằng: Cái gì thuần tuý của Việt Nam, nhất là những truyền thống tốt đẹp từ xa xưa lưu lại, đều có một giá trị văn hoá cao, đáng được bảo tồn trân trọng lắm chứ! Điển hình là những cái bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết, ngoài mục đích có thêm một món ăn truyền thống của Dân tộc, công việc gói bánh, gia vị...cũng là một "nghệ thuật dân gian" vậy.

Tôi còn nhớ rất rõ trong một ngày cuối năm, gia đình tề tựu gói bánh, cha tôi kể lại câu chuyện cổ tích "Bánh dầy bánh chưng" bằng một câu khởi đầu đầy huyền thoại Lịch sử:"Ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ Sáu..."

Hồi đó, tôi khoảng chừng bảy, tám tuổi, mặc dù còn bé, nhưng tôi rất thích thú trong công việc gói bánh vào những ngày cuối năm. Thường thường là vào ngày ba mươi Tết, nhưng cũng có năm vào khoảng hai mươi tám, hai mươi chín tháng Chạp. Có lẽ đó là dịp được "xem bằng mắt, bắt bằng tay", và có tôi quanh quẩn,cha mẹ tôi có thể sai vặt được đủ thứ nên chẳng bao giờ bị rầy la cả, hơn nữa Tết mà!

Trước đó một tuần, anh chị em tôi đã dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Mẹ tôi đã mua sắm đầy đủ quần áo mới, giầy dép cho anh chị em tôi, đến bánh mứt, hạt dưa...để đãi ba ngày Tết, mặc dù nhà nghèo chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng gọi là mừng Xuân mới. Và tất nhiên, Mẹ tôi cũng đã chuẩn bị nếp đậu để làm bánh cuối năm. Cho đến những ngày cuối cùng trước Tết, thì chỉ còn có mỗi công việc gói bánh nữa mà thôi.

Từ đêm hôm trước, mẹ tôi đã ngâm gạo nếp, ngâm đậu xanh vào những cái thùng lớn, mẹ tôi bảo rằng:

-Nếp ngâm không kỹ, bánh nấu xong để chẳng được bao lâu sẽ cứng, ăn mất ngon.

Sáng ngày ba mươi Tết, mẹ tôi thức dậy thật sớm vớt nếp và đậu để vào những cái rổ cho ráo nuớc, rồi cắt thịt, xắt hành để làm nhân bánh. Trong khi mẹ tôi lựa ra những tấm lá chuối lành rách xếp thành từng loại, chị tôi giúp lau sạch những bụi bặm bám trên lá, còn cha tôi thì chẻ thêm những giây "lạt" để buộc bánh. Trước đó mấy hôm, cha tôi đã ra lũy tre làng chặt một khúc tre non đem về chẻ sẵn, phơi khô, bó lại thành từng bó. Hôm qua, khi ngâm nếp, mẹ tôi cũng không quên ngâm vào nước những bó dây lạt tre non này, để nó thấm nước dẻo ra, khi buộc sẽ không bị gẫy.

Chuẩn bị xong những thứ cần thiết đó, cha tôi mới trải ra một chiếc chiếu lớn nơi gian giữa của căn nhà ngang,cũng khá rộng rãi và bắt đầu công việc gói bánh.

Thường cha tôi gói bánh chưng trước, vì bánh chưng dùng những tấm lá to bản, nên gói trước để chọn lá được đẹp hơn và ít rách. Lá dùng để gói bánh chỉ một thứ lá chuối mà thôi. Trong làng nhà nào cũng trồng vài chục gốc chuối đủ loại, nên lá gói bánh chẳng cần phải đi đâu xa. Tuy vậy, không phải loại lá chuối nào cũng dùng để gói bánh được, vì có thứ lá dùng gói bánh, lúc nấu chín mở bánh ra thì bánh có màu ngà sẫm đục, trông không đẹp mắt lắm. Cha tôi đã dặn trước nên chỉ cắt một loại lá chuối "mật mốc" (chuối sứ) mà thôi. Cha tôi bảo:

-Lá chuối mật mốc gói bánh rất tốt, tàu lá thì to, và khi mở bánh ra,lớp ngoài bánh có màu xanh nhạt rất đẹp.

Nhưng muốn bánh có màu xanh, khi gói phải lật phía phải của tấm lá vào trong thì bánh mới xanh đẹp được. Màu xanh này là màu tự nhiên do lá chuối, bánh chỉ xanh có một lớp mỏng phơn phớt phía ngoài sát với lá chuối mà thôi, còn phần trong vẫn nguyên màu ngà trắng của nếp. Có lần chị tôi thắc mắc:

-Bánh ngon là được, chứ xanh hay đỏ thì ăn thua gì!

-Đúng đó, màu thì chỉ làm cho đẹp thôi. Còn bánh ngon là do xóc nếp làm nhân. Cha tôi trả lời.

Bánh có vị đậm đà hay không là khi xóc nếp cho ráo nước, mẹ tôi thêm vào một ít muối theo một liều lượng hầu như quen tay tự lúc nào. Nhân làm bánh bằng đậu xanh chà đãi vỏ. Mẹ tôi nói nhân đậu xanh không nấu chín trước thì có màu vàng tuơi và thơm hơn. Nhân đậu để sống thì cha tôi cũng dễ dàng đổ đậu vào nếp khi làm bánh. Một lớp nếp, thêm lớp đậu, rồi trải lên mấy miếng thịt mỡ, cộng thêm hành tiêu,thêm lớp đậu nữa, cuối cùng phủ nếp lên. Cha tôi gói rất khéo tay, vì gói bánh chưng không dùng khuôn, mà cái nào cũng giống nhau như đúc. Cha tôi chỉ cách:

-Quan trọng là nắn bốn góc cho vuông vức thì bánh mới đẹp, và lấy nếp phải đều tay thì bánh cái nào cũng bằng cái đó.

Sau khi cha tôi gói xong một cặp, thì mẹ tôi lấy dây "lạt tre" buộc hai cái làm một, quay lưng lại với nhau. Bánh chưng làm không nhiều, chỉ chừng năm hoặc sáu cặp, còn lại là bánh tét. Cách gói bánh tét thì hoàn-toàn khác hẳn với bánh chưng. Một thứ thì gói vuông dày, một thứ thì dài tròn. Tuy vậy bánh tét dễ gói hơn bánh chưng nên gói cũng nhanh hơn. Người ta thường gọi là đòn bánh tét cũng phải, vì một cái bánh tét gói xong, vừa dài vừa nặng, tôi phải "vác" cả lên vai. Tôi nhớ lời cha tôi dặn khi gói bánh tét:

-Lá ngoài lót dọc, lá trong lót ngang. Nhớ nhé, "ngoài dọc trong ngang", thì mới dễ gói.

Có một lần chị tôi làm thử một cái bánh tét xem có được không, thì ôi thôi, lá ngoài lá trong chị đều lót ngang cả, nên sau khi đổ nếp, bỏ nhân xong, cuốn bánh lại, vừa buộc được một sợi dây giữa bánh thì lá đã bị vỡ chảy cả nếp ra. Lần đó, cha tôi giải thích rõ ràng nên tôi cũng nhớ, sau này gói rất khéo, chẳng bao giờ bị vỡ cả. Lá lót lớp ngang lớp dọc chéo nhau nên có độ bền hơn.Lớp trong lót ngang là để khi mở chiếc bánh sẽ dễ dàng hơn, vì lớp lá trong thường dính chặt vào nếp.

Cha tôi kể, hồi trước ở ngoài Bắc gói bánh bằng lá dong còn khó hơn nhiều. Vì lá dong nhỏ lại tròn bầu lá, còn lá chuối thì to bản lại có chiều dài, vuông vức, muốn xếp đặt thế nào cũng được cả.

Khi cha tôi gói đến những chiếc bánh cuối, tôi nhìn thấy chỉ còn ít nếp nữa, là tôi xin cha tôi gói cho một cái bánh con. Năm nào cũng thế, cha tôi gói cho mấy cái bánh con dài độ một gang tay, có quai xách. Mặc dù chẳng muốn ăn lắm, nhưng thật thích thú, khi vớt bánh xuống, tôi lấy ngay cái bánh con còn nóng hổi, mà tôi đã cẩn thận buộc thêm một sợi dây nữa cho khỏi lẫn với bánh của em tôi, rồi cất ngay vào một chỗ riêng. Mấy năm sau này, tự tay tôi có thể làm chiếc bánh con đó, tuy chẳng được tròn trĩnh lắm, mẹ tôi phải sửa lại, nhưng tôi vẫn thấy nó thật đẹp, và khi mở ra ăn, tôi có cảm tưởng nó ngon hơn cả!

Gói bánh xong, mẹ tôi xếp tất cả bánh tét vào nồi trước, rồi mới xếp bánh chưng sau. Cái nồi nấu bánh thật to, gò bằng nhôm từ một miếng vỏ bom lớn mà cha tôi lấy về từ một khu rừng kế cận, trong một lần đi vỡ hoang làm rãy.Cha tôi đã kê sẵn mấy tảng đá lớn, đặt lên hai thanh sắt để "bắc" nồi bánh lên. Tôi và anh tôi phụ việc bằng cách kéo đến bếp những khúc củi lớn, có nhiều mắt xoắn mà cha tôi bửa mãi không ra, nên gom lại một đống để dành cuối năm nấu bánh.

Chiều ba mươi Tết, nồi bánh đã hoàn tất nằm chễm chệ trên lò với một đống củi vây quanh.Vì nồi lớn, không thể nấu trong bếp được, nên năm nào cũng nấu ngoài sân sau, gần bên gốc xoài cổ thụ. Bếp lửa cháy hừng hực, cha mẹ và mấy anh chị em tôi ngồi vây quanh, vừa sưởi ấm vừa trò chuyện đợi vớt bánh rồi đón giao thừa luôn. Ba mẹ tôi kể lại rất nhiều chuyện, nhiều biến cố xảy ra trong quá khứ. Thỉnh thoảng cha tôi còn ngâm thơ hoặc ca vè các điệu. Có lúc mẹ tôi cũng thêm vào những giọng hò mà mẹ tôi thuộc nằm lòng từ hồi con gái. Mặc dù cha tôi không phải là thi sĩ chuyên nghiệp, nhưng cũng có làm thơ tiêu khiển. Tôi còn nhớ mấy bài thơ, mà một trong những bài thơ đó, cha tôi nói là để "khai bút mừng Xuân":

Xuân đến mừng Xuân cặp bánh chưng,
Chúc Xuân vui mãi, ngựa không dừng.
Tiễn đưa năm cũ về qua vãng,
Chào đón Tân niên với rượu mừng.
Đào đỏ rộ cành, rơi cánh phấn,
Mai vàng hé nhụy, ngát mùi hương.
Bánh chưng, rượu nếp, hoa, tràng pháo,
Mãi mãi mừng Xuân với thế dương.


Trải qua những năm dài từ lúc năm sáu tuổi, cho đến tuổi mười lăm, mười bảy, bên bếp lửa hồng nấu bánh mỗi cuối năm. Tôi đã nghe được biết bao câu chuyện của cha mẹ tôi, trôi nổi từ ngoài Bắc vào Nam. Những kỷ niệm xa xưa từ hồi cha mẹ tôi còn bé, đi tắm sông hay lên núi hái sim. Những ngày cơ cực của năm đói Ất Dậu, đến những ngày khốn khổ trong kinh hoàng của cái gọi là phong trào đấu tố sau Cách mạng Mùa Thu, mà đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy cha mẹ tôi rời bỏ quê cha đất Tổ vào Nam sinh sống.

Tôi cũng không thể nào quên được một đêm giao thừa năm 196...Lúc nồi bánh còn nấu dang dở trên bếp, thì tiếng súng tứ phía cổng làng nổ dòn như pháo, xen lẫn những tiếng nổ lớn của súng cối. Cha tôi sửa soạn căn hầm làm chỗ trú ẩn. Mẹ tôi lo âu, chị em tôi sợ hãi. Năm ấy mừng Xuân chẳng thấy ý nghĩa gì cả. Chiến tranh đeo đẳng mãi trên quê hương. Đã có lần tôi thấy mẹ tôi ứa nước mắt: "Cả đời chẳng bao giờ thấy yên ổn cả!"

Đó là lúc anh tôi phục vụ trong quân ngũ. Mấy năm đó, mẹ tôi luôn thở dài những lúc tiếng súng vọng về từ phía xa. Tôi biết mẹ tôi buồn và lo âu lắm, vì có biết bao thanh niên trai tráng trong làng đã nằm xuống, và có những người nằm xuống trong những ngày cuối năm chuẩn bị đón giao thừa.

Tôi lớn lên và không nhớ mình đã gói được những chiếc bánh chưng, bánh tét tự năm nào, nhưng cũng đẹp lắm, vì có lần tôi được mẹ khen:

-Trong mấy đứa chỉ có nó là khéo tay hơn cả, gói cẩn thận có ý tứ!

Cho đến bây giờ, những ngày lưu lạc trên quê người, sau những biến cố làm thay đổi hoàn cảnh đất nước.Tôi thực sự chạnh lòng mỗi lần Xuân đến. Tôi cảm thấy lưu luyến quê hương, tình cha nghĩa mẹ, thân thiết xóm giềng. Những kỷ niệm thời thơ ấu không thể nào phai mờ trong tâm trí tôi, mà hình ảnh đậm nét, gợi nhớ hương vị quê nhà vào những ngày đón Xuân : là những chiếc bánh chưng xinh xắn, giản dị với gạo nếp đậu xanh, đã đi vào huyền sử của Dân tộc tự ngàn xưa.