Đống hồ sơ dày 12.000 trang nay đã nằm trong tay các thanh tra vũ khí của Liên hiệp quốc, và các chuyên gia của cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, IAEA, ở Vienna, là nơi theo dõi chương trình vũ khí nguyên tử của Iraq. Nghiên cứu toàn bộ tập hồ sơ là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian.

Mark Gowzdecky, phát ngôn nhân của IAEA cho biết, "Công việc đầu tiên là dịch những phần nào bằng tiếng Ảrập sang tiếng Anh và đó là chuyện không dễ. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu các dữ liệu trong danh mục lưu trữ của chúng tôi."

"Danh mục này có đến cả triệu trang, chứa đựng thông tin do các nước thành viên của IAEA cung cấp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ kiểm chứng với các thanh tra viên về những gì họ tìm thấy ở Iraq."

Ông Gowzdecky cho biết cũng phải mất vài tháng mới có thể hiểu được cặn kẻ toàn bộ hồ sơ của Iraq cung cấp. Phóng viên BBC tại trụ sở LHQ Greg Barrow nói tại New York thì không có vấn đề gì.

"Hội đồng Bảo an sẽ có được đánh giá sơ khởi của hồ sơ trong vòng một hay chậm lắm là hai tuần và họ sẽ có thì giờ để nghiên cứu. Nhưng còn ở Washington nếu như mất quá nhiều thời gian thì giới chức Mỹ sẽ không còn kiên nhẫn."

"Tôi nghĩ rằng Washington sẽ không ngừng thúc dục phải nhanh lên, nhưng các nhà ngoại giao ở Liên hiệp quốc thì nói, không hãy thư thả và xem xét cặn kẽ những gì Iraq đã khai báo."

Thái độ cứng rắn của Washington một lần nữa được khẳng định qua lời của Kenneth Adelman, một cựu cố vấn của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, và từng là đại sứ và làm công việc kiểm soát vũ khí dưới thời tổng thống Ronald Reagan. "Chúng tôi có mọi lý lẽ để giải thích tại sao chính sách của chúng tôi như vậy."

" Trong 11 năm qua Saddam Hussein đã bất tuân tiêu chuẩn quốc tế, đó là chế độ tàn bạo nhất trên thế gian này, và không một chút nghi ngờ nào là ông ta có trong tay các loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt."

Vậy nếu không tìm thấy Iraq có vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt thì sao? Cho phép các thanh tra vũ khí trở lại làm việc, và khai báo về vũ khí trước thời hạn tức Badgdad đã tuân thủ nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an. Ông Kenneth Alderman cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.

"Trên lý thuyết là như vậy, nhưng tôi không nghĩ nó thực tế. Tôi nghĩ điều Liên hiệp quốc cần tập trung vào là hãy sử dụng quyền hạn của mình để mang những người Iraq có liên quan đến các chương trình vũ khí, cùng với gia đình của họ, ra khỏi Iraq, và để cho họ kể lại những gì đã xảy ra ở Iraq."


Tuy nhiên, một nhân vật cao cấp của đảng Dân chủ vẫn nói đi nói lại rằng ông thấy không yên tâm về cách tiếp cận của ông Bush. Người đó là cựu phó tổng thống và cựu ứng cử viên chức tổng thống Al Gore, lập luận rằng chính quyền ông Bush hiện đang phải đối phó với một số sự lựa chọn khó khăn.

"Họ phải quyết định, trước hết trong nội bộ Nhà Trắng, liệu có tiếp tục theo đuổi cái quá trình đa phương mà họ chọn gần đây hay không hay là quay lại cách tiếp cận đơn phương. Thứ hai, họ phải quyết định liệu mục tiêu chính chỉ là giải giáp Saddam Hussein hay buộc ông ta từ bỏ chức vụ."

Cả ở trong và ngoài nước, các lực lượng Mỹ tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra. Việc chuẩn bị quân sự là tiếp tục để gây áp lực với Baghdad và đồng thời cũng để trả lời những nghi ngờ của các nhà lập pháp Mỹ đối với nội dung bản tuyên bố Iraq.

Tuy vậy cũng có sự nhất trí của cả hai đảng rằng không nên vội vã hành động. Thượng nghị sĩ Chuck Hagel của đảng Cộng Hòa và Joseph Biden của đảng Dân chủ đã tới Qatar để chứng kiến cuộc tập trận quân sự mới nhất tại đó.

Ông Chuck Hagel nói người Mỹ cần và đang có cộng đồng thế giới bên cạnh. "Chúng tôi cần phải giải quyết công việc này. Tôi chưa biết ngày cụ thể, thời gian cụ thể hay chúng tôi phải quyết định qua hành động nào, nhưng tôi nghĩ rằng tổng thống đang có hành động đúng."

Nhưng bây giờ, khi Baghdad đã đặt quân bài lên mặt bàn, sẽ có nhiều áp lực hơn đòi chính quyền ông Bush cũng phải làm như thế tức phải đưa ra những bằng chứng xác thực để xác minh cáo giác rằng Saddam Hussein có trong tay các lọai vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt.

Ông Bob Graham, đảng viên đảng Dân chủ và cũng là chủ tịch ủy ban tình báo của Thượng viện quả quyết, "Chúng tôi đang có trong tay những gì mà tôi nghĩ là những bằng chứng nổi bật rằng Saddam Hussein có và có trong nhiều năm một khả năng phát triển, sản xuất và lưu giữ các vũ khí hủy diệt hàng loạt."

"Công bố thông tin đó cho nhân dân Mỹ và cộng đồng thế giới vào thời điểm nào, để coi đó như là khởi đầu cho việc sử dụng vũ lực tiếp theo, vẫn còn là một quyết định quan trọng mang tính chiến lược cho chính quyền của chúng tôi."

Điều này cũng quan trọng chẳng kém đối với sự nhất trí của hai đảng tại Washington. Nói chung những người có chủ trương diều hâu trong chính phủ tổng thống Bush đơn giản là không bao giờ tin vào Saddam Hussein. Tuy nhiên, cuộc đối đầu về thần kinh thực sự giữa Mỹ và Iraq có lẽ cũng chỉ mới bắt đầu. (BBC)