Cơn bùng phát dịch cúm vào năm 1997 tại Hongkong đã trở thành một trong những hiện tượng được nghiên cứu kỹ nhất trong thời gian gần đây.

Nó xuất phát từ các loài chim rồi lây sang người. Những biện pháp cấp thiết hồi đó, bao gồm việc giết tới hơn một triệu con gà tại Hongkong đã ngăn ngừa căn bệnh này khỏi lan truyền – nhưng cũng không ngăn được sáu người chết và một phần ba dân số bị nhiễm bệnh.

Các nhà vi sinh học tại đại học Hongkong bây giờ cho biết loại virut này có dạng đột biến rất nhỏ khiến cho chúng trở thành một loại virut chết người.

Cơ thể người có sản xuất các loại protein gọi là cytokines để kích thích hệ miễn dịch và chống lại sự lây nhiễm. Những bài viết trên tập san y học The Lancet nói loại virut năm 1997 lại chống lại được chất cytokines.

Để đối phó, hệ miễn dịch phải tăng tốc, sản xuất ra rất nhiều chất cytokines đến mức mà thay vì tấn công virut, chúng lại tấn công cả các mô lành mạnh trong cơ thể, khiến cho hệ hô hấp và các bộ phận khác không hoạt động.

Các khoa học gia nói loại virut này hoạt động theo cách giống như tại dịch cúm tồi tệ nhất thế giới vào năm 1918. Dịch cúm hồi đó đã giết ít nhất 20 triệu người.

Cũng theo các khoa học gia, nghiên cứu này có thể giúp tìm ra cách chữa trị từ những căn bệnh chết người tới HIV/AIDS. Theo họ, điều mấu chốt là ở chỗ phải kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể trước khi hệ miễn dịch mất khả năng kiểm soát.

Họ cũng nói thêm rằng tuy một cơn khủng hoảng về sức khoẻ toàn cầu có thể đã được ngăn ngừa tại Hongkong vào năm 1997, hầu như chắc chắn rằng sẽ còn một đại dịch cúm nữa trong tương lai. (BBC)