Bản phúc trình của chính phủ Anh về các hiện tượng vi phạm nhân quyền ở Iraq có kèm theo các tài liệu do tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế, Amnesty International ban hành.

Nhưng chính tổ chức này đã lên tiếng cảnh cáo các nước Tây Âu không nên lợi dụng những vi phạm nhân quyền ở Iraq làm cơ sở để gây chiến với Iraq.

Sử dụng chiêu bài nhân quyền

Ông Kamal Samari, phát ngôn viên của tổ chức này, cho đài BBC biết nếu đem nhân quyền ra để thanh minh cho các hành động chiến tranh thì các chính phủ Tây Âu cũng không thể bỏ qua các vi phạm về quyền con người ở Ảrập Xêút và Israel hay những tội ác trong quá khứ mà Iraq đã gây ra.

"Thật đáng buồn là các nước Tây Âu giờ mới nhớ ra chính quyền Iraq là một thể chế xấu xa. Trước kia, khi chúng tôi yêu cầu chính phủ các nước này hành động để ngăn chặn vụ thảm sát người Kurd tại Halabja thì họ chỉ ngoảnh mặt làm ngơ."

"Điều chúng tôi quan ngại hiện nay là chính phủ các nước Tây Âu đang sử dụng chiêu bài nhân quyền để biện hộ cho những mục tiêu chiến lược của họ."

Các quan chức Anh đã bác bỏ ý kiến cho rằng bản phúc trình của họ nhằm vào mục tiêu biện hộ cho việc gây chiến với Iraq. Họ nói Iraq là mối quan tâm hàng đầu hiện nay vì khả năng là Iraq có thể tàng trữ nhiều vũ khí giết người hàng loạt và tổng thống Saddam Hussein sử dụng những vũ khí này để trấn áp người dân.

Mâu thuẩn với chính sách trước đây

Khi đài BBC hỏi về việc Anh bán vũ khí cho Iraq vào những năm 80 thì các quan chức Anh nói đó là chính sách của các chính phủ Anh thời trước và họ không có can dự gì.

Còn về vấn đề tại sao chính phủ Anh không cho người Iraq tị nạn tại Anh vì lý do nhân quyền ở Irraq, thì các quan chức chính phủ Anh nói đài BBC phải hỏi trực tiếp bộ nội vụ Anh.

Ông Hussein al-Shahristani, trước kia là một nhà khoa học về nguyên ở Iraq, hiện sống lưu vong ở Anh nói ông rất lo ngại về hậu quả của một cuộc chiến tranh ở Iraq, đặc biệt là khả năng chính quyền Iraq sẽ lại một lần nữa sử dụng các vũ khí sinh hóa để trấn áp người dân Iraq nếu như họ phản kháng.

Phản ứng của thế giới Ả Rập

Al-Quds Al-Arabi, một tờ báo có tiếng nói quan trọng trong thế giới Ả rập đã đưa ra phản ứng điển hình của người Ả rập. Tờ báo này đặt nhiều câu hỏi liên quan đến thiện ý của Anh trong việc bày tỏ các quan ngại mới này.

Tờ báo này lặp lại quan điểm chung của người Ả rập cho rằng các nước Tây phương là hai mặt.
Một mặt thì ngoảnh mặt làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền xảy ra ở các nước Ả Rập đồng minh, mặt khác thì đe dọa gây chiến với các nước Ả Rập thù địch.

Theo tờ báo này, Anh Mỹ đang tìm cớ gây chiến với Iraq, nhưng một cuộc chiến tranh như vậy về căn bản là một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. (BBC)