Hồ sơ của chính phủ Anh, trong phần nói về chế độ nhà tù tại Iraq, nói có những nơi mà một số người đã bị tra tấn bằng khoan điện, hay bị bắt buộc phải ăn một số bộ phận của cơ thể mình.

Tuy vậy, vài tuần trước đây, hàng ngàn người, bao gồm rất nhiều tù nhân chính trị, đã được thả.

Farrah Sahardi, một doanh nhân ở Baghdad, nói người dân từng phải đóng khoảng 200 đôla để được phép ra khỏi đất nước hay đi du lịch. Chính phủ Iraq vừa bãi bỏ quy định này, và mọi người Iraq đều được tự do đi ra nước ngoài.

Thả tù nhân, hợp tác với LHQ, cho người dân được rời đi dễ dàng hơn, liệu có phải Iraq đang tìm cách mang lại cho mình một danh tiếng tốt hơn?

Tuy nhiên, còn nhiều điều hơn thế.

Abul Jerar Gabasi, một nhân vật đối lập, nói ông trở về Iraq để thương thuyết và để giải thích kế hoạch một nền dân chủ, tự do báo chí và đa đảng.

Ông Gabasi bảo ông sẽ dự một hội thảo cho tất cả các giáo sư và giáo viên tại trường đại học, và “dĩ nhiên là chúng tôi sẽ nói công khai với họ”.

Tuy vậy, sẽ không ai ngạc nhiên nếu nói không có ai tại Iraq chuẩn bị đến dự hội thảo để chỉ trích ông Saddam.

Người bất đồng quan điểm, Kennin Makea, mô tả Iraq là một nền cộng hòa của sự khiếp sợ, một đất nước luôn nằm dưới sự giám sát, nơi chỉ có một người là hoàn toàn tự do mà thôi.

Những sự lạm dụng kinh khủng đã xảy ra tại đây.

Hàng trăm ngàn người thuộc các sắc tộc Kurds, Shia Arab hay Turkaman đã bị buộc phải rời bỏ, hàng ngàn người bị giết. Vụ nổi tiếng nhất là vào năm 1988 tại Halabja, nơi Iraq sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân của mình.

Nhưng cũng thật kì lạ là bây giờ chính phủ Anh mới tỏ ra giận dữ về vụ việc này chứ không phải vào lúc nó xảy ra.

Tổng thư ký Ân xá quốc tế, Irene Khan, nhận xét các chính trị gia Tây phương viện dẫn với tần suất rất khác nhau để biện minh cho hành động quân sự.

Theo bà Irene Khan, “Chúng ta không nên quên rằng chính những chính phủ này đã không thèm ngó ngàng gì tới các báo cáo của Ân xá quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền lan tràn tại Iraq trước chiến tranh vùng Vịnh. Họ cũng vẫn im lặng khi hàng ngàn người dân Kurd không vũ trang bị giết tại Halabja vào năm 1988”.

Nhiều người bảo hồ sơ về nhân quyền của Iraq vẫn còn tốt hơn của các chế độ độc tài Arập khác.

Về khía cạnh nào đó, điều này đúng. Tại đây, tôn giáo và cả phụ nữ được tự do hơn rất nhiều so với Ảrập Saudi, chẳng hạn.

Tương tự, những cuộc thảm sát kinh khủng đã diễn ra tại Syria, nhưng ông Tony Blair vẫn đi thăm Damascus.

Tuy nhiên, xét theo những mặt khác, cách so sánh này là sai.

Chưa một quốc gia Ảrập nào gần đây đã xâm lược, hãm hiếp và cướp bóc một nước Ảrập láng giềng khác.

Vì thế, liệu sự tự do mới ở Iraq có thực hay không?

Có thể là không. Tuy nhiên, ngay cả khi những cử chỉ mới nhất là giả tạo thì thực tế rằng ông Saddam thấy cần thiết phải làm như thế cũng là điều đáng chú ý. (BBC)