Người đứng đầu nhóm thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Hans Blix đã khuyến cáo rằng Iraq cần cung cấp chứng cớ có sức thuyết phục để minh chứng cho việc Iraq nói nước này không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ông Hans Blix nói với Hội đồng Bảo an LHQ tại New York rằng những tuyên bố mà phía Iraq đưa ra cho các thanh tra vào dịp mùa hè trong nhiều trường hợp đã khiến người ta đặt câu hỏi về vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Lời phát biểu của ông Hans Blix được đưa ra sau khi nhóm thanh tra vũ khí đầu tiên của LHQ lần đầu tiên trở laị Baghdad sau bốn năm và lần này họ được quyền vào thanh tra không giới hạn.

Trong khi đó, thứ trưởng ngoại giao Mỹ , ông Richard Armitage, trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC đã nhấn mạnh rằng Iraq còn che dấu các chương trình vũ khí sinh học, hoá học và hạt nhân.

Quốc hội Anh ủng hộ chính sách của chính phủ về Iraq

Chính phủ Anh ngày hôm qua vừa có 1 phiên điều trần trước quốc hội, để bảo vệ cho chính sách của mình đối với vấn đề Iraq. Ngoại trưởng Jack Straw đã giải thích những tiêu chí mà chính phủ Anh sẽ dựa vào để xác định như thế nào là 1 hành động vi phạm từ phía Iraq đối với nghị quyết gần đây nhất của hội đồng bảo an liên hiệp quốc về giải trừ vũ khí. Và thông điệp cuối cùng mà ông Jack Straw đưa ra vẫn là, trong trường hợp nghị quyết bị vi phạm thì chính phủ Anh giữ quyền đơn phương hành động, dù cho không có sự đồng thuận từ LHQ

Công tác thanh tra nghiêm ngặt

Sau 4 năm vắng bóng, các chuyên viên thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc giờ lại có mặt ở Iraq, chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên vào thứ tư này.

Đoàn thanh tra vũ khí gồm các nhà khoa học có tầm hiểu biết rộng về tên lửa và chiến tranh sinh hóa. Nhiều người đã từng làm việc tại Iraq vào những năm 90. Hiện giờ thì hoàn cảnh có khác so với trước. Các chuyên viên thanh tra được trang bị tốt hơn và nghị quyết Liên Hiệp Quốc lần này cũng cứng rắn hơn.

Bà Melissa Fleming, một trong những phát ngôn viên của đoàn thanh tra nói bà cho rằng Iraq nhận định rõ là cả thế giới đang theo dõi tiến trình thanh tra vũ khí ở Iraq. Vấn đề không những là liệu đoàn thanh tra có tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt hay không mà là Iraq sẽ hợp tác như thế nào.

Đoàn thanh tra đã nghe nhiều lời hứa hẹn hợp tác từ phía iraq và mặc dù đây là bước khởi đầu khả quan, nhưng các thanh tra vẫn thận trọng và do vậy thái độ hợp tác của Iraq sẽ là một trong những điều mà đoàn sẽ phải kiểm tra.

Các nhân viên thanh tra theo lịch sẽ đến những nơi đã từng được thanh tra trong thập niên 90 để kiểm tra xem có hoạt động gì mới xảy ra hay không. Phía Iraq vẫn khăng khăng cho là đoàn thanh tra sẽ không tìm thấy gì.

Vào ngày 8/12, Iraq sẽ phải trình lên Liên Hiệp Quốc một danh sách liệt kê tường tận các vũ khí sinh hoá học và hạt nhân của Iraq. Các chuyên viên thanh tra vũ khí sẽ làm việc 60 ngày tại Iraq và sau đó sẽ thông báo kết quả thanh tra tới Hội đồng bảo an. (BBC)