Hội nghị thượng đỉnh Nato họp ở Praha đã đạt được mục đích mà người ta muốn đạt. Từ 19 nước nay trở thành 26 nước, đây có lẽ là sự mở rộng lớn nhất của khối NATO, đẩy biên giới của tổ chức này xa hơn nữa về phía Đông. Lời mời chính thức đã được trao cho bảy nước hội viên trong tương lai là Bulgaria, Romania, Estonia, Latvia, Lithuania, Slovakia và Slovenia.

Các nguyên thủ quốc gia của Liên minh đã thông qua một loạt các đề nghị và biện pháp nhằm hình thành một đội quân phản ứng nhanh, cũng như giảm bớt nhân viên làm việc tại đại bản doanh của Nato.
Cạnh đó, hội nghị cũng tập trung bàn về các khoản chi tiêu nhằm tăng thêm khả năng quân sự của Nato để thích ứng với thế kỷ thứ 21.

Bản thông cáo của hội nghị đã nhắc tới nạn khủng bố là sự đe dọa tới đời sống của người dân, tới lực lượng, và lãnh thổ của Nato . Do đó, Nato cần phải tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công về vũ khí hóa học, sinh học, và hạt nhân.

Thế nhưng thử thách chính của Liên minh Nato chính là những cam kết thông qua tại Praha. Một vài nhà phân tích đã tự đặt câu hỏi là liệu những đe dọa về khủng bố quốc tế có đủ để khuyến khích các nước xắp xếp lại chi tiêu quốc phòng, để đóng góp cho một Nato mới, hoạt động tốt hơn hay không.

Một số nhà phê bình thì nói rằng dù cũ hay mới, Nato ngày càng trở nên không còn phù hơp với thời đại nữa. Họ đặt câu hỏi là, trước viễn cảnh một cuộc tấn công vào Iraq, thì Nato có thể đóng góp được gì.

Chắc chắn trong cương vị một tổ chức, Nato không thể tham gia vào bất cứ chiến dịch quân sự nào, thế nhưng tiêu chuẩn chung, và việc huấn luyện lực lượng Nato sẽ tạo điều kiện cho quân của liên minh chống khủng bố phối hợp tốt trong cuộc chiến ở trên bộ. Sự ủng hộ về chính trị của Nato dành cho Mỹ cũng quan trọng, vì trong thời hậu chiến tranh Iraq, nhiều khả năng Nato sẽ đóng vai trò nào đó nhằm ổn định đất nước này. (BBC)