Bộ trưởng ngoại giao Jordan và Ảrập Xêút khẳng định Iraq đã tỏ ý chấp nhận nghị quyết số 1441. Bộ trưởng ngoại giao Ai Cập thì tỏ ra thận trọng hơn trong ngôn từ, nhưng cũng thể hiện ý tương tự.

Có thể nhiều bộ trưởng Ảrập đang tham dự cuộc họp tại Cairo hi vọng nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc báo hiệu chính thể của ông Saddam Hussein sắp kết thúc. Nhưng, mặt khác, những nước này cũng không muốn xảy ra chiến tranh.

Tinh thần bài Mỹ đang dâng cao trong thế giới Ảrập do sự ủng hộ mà Hoa Kỳ dành cho Israel trong cuộc xung đột với người Palestin. Chiến dịch đánh Al-Qaeda của Hoa Kỳ cũng bị nhiều người xem là biểu hiện của thái độ thái độ chống Ảrập và Hồi giáo.

Viễn cảnh về số thương vong nặng nề một khi xảy ra chiến tranh với Iraq sẽ khích động thêm những tình cảm này. Ngoài ra, cũng có các lo ngại về khả năng Iraq bị chia cắt thành nhiều khu vực riêng biệt.

12 năm trước, đa số các nước Ảrập đã ủng hộ cuộc chiến vùng Vịnh giúp giải phóng Kuwait khỏi cuộc xâm lược của Iraq. Nhưng lúc đó, các nước Ảrập được khuyến khích vì sự ra đời của thỏa thuận hòa bình giữa Israel và khối Ảrập. Và họ cũng chống lại việc tấn công Iraq nhằm lật đổ ông Saddam Hussein.

Lần này, thỏa thuận giữa Israel và khối Ảrập đang rất mong manh. Nhiều người Ảrập tin rằng chính phủ cực hữu của Israel có thể sử dụng cuộc chiến chống Iraq làm cớ đàn áp người Palestin.

Vì thế các nước Ảrập đã tạo sức ép buộc ông Saddam Hussein phải chấp nhận bản nghị quyết mới. Trước đó, bộ trưởng ngoại giao Iraq, ông Naji Sabri, đã tuyên bố bản nghị quyết cho thấy cộng đồng quốc tế đã ngăn chặn ý đồ của Hoa Kỳ nhằm tấn công nước ông. (BBC)