CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM C : GA 20, 1-9

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.


LÀM SAO TIN ĐƯỢC CUỘC PHỤC SINH?

Hầu như mọi tín hữu Công Giáo lúc này đều nghe nói tới Bức Khăn liệm hiện để tại thành Turino nước Ý. Khăn liệm này là một thánh tích mà người ta cho rằng đã dùng để liệm xác Chúa Giê-su. Nó là một tấm vải gai dài 441cm và rộng 113cm, in đường nét thân xác (mặt trước và mặt sau) của một nam nhân với các vết đánh đòn rất rõ trên toàn bộ thân thể cũng như nhiều vết thương nhuốm máu từ chân đến đầu, đặc biệt là những dấu máu lớn ở cạnh sườn bên phải, trên hai cổ tay, hai bàn chân, chứng tỏ nạn nhân đã lãnh kiểu hình khổ đóng đinh thập giá của người Rô-ma.

Wikipedia (Bách khoa Toàn thư mạng) viết rằng theo trình thuật của Tin Mừng Gio-an, sau khi được bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy về báo tin, hai tông đồ Phê-rô và Gio-an đã vội ra mồ và nhận thấy xác Đức Giê-su biến mất khỏi đó, nhưng tấm vải dùng để liệm xác thì vẫn còn. Truyền thống cho rằng chính thánh Phê-rô đã thu nhặt tấm vải đem về nhà. Theo ghi chép của thánh nữ Nino (296-338), khăn liệm này sau đó thuộc sở hữu của vợ tổng trấn Phi-la-tô tại Giê-ru-sa-lem. Tiếp đến, Giám mục sử gia Eusebius (#260-339) làm chứng : khăn được đưa đến Edessa (Thổ Nhĩ Kỳ). Rồi nó trải qua một cuộc hành trình dài sang Constantinople (Istanbul), Lirey (Pháp) năm 1208, Chanbéry (Pháp) và cuối cùng đến Turinô năm 1578 để ở lại đó cho tới lúc này. Người ta vẫn tôn kính nó từ bao thế kỷ và đến năm 1898 thì được khoa nhiếp ảnh khám phá cách đặc biệt. Khi lần đầu tiên chụp hình Khăn liệm, người ta khám phá thấy nó như là một âm bản, còn tấm phim chụp (đảo màu) lại như một dương bản, cho ta một bức chân dung hết sức sống động, lạ lùng. Và kể từ đó, không biết bao nhiêu nhà khoa học, thần học, chú giải Thánh kinh, cá nhân có, tập thể có, đã cúi mình trên tấm khăn, phân tích, tìm hiểu đến từng centimét vuông và hầu hết đã công nhận nó là xác thực. Người ta coi nó như chứng nhân thầm lặng của việc Đức Giê-su phục sinh !
Hôm nay, lễ Phục sinh, là lễ lớn nhất trong năm…. và không chỉ đối với Ki-tô hữu ! Nhưng đối với mọi con người, mọi kẻ phải chết ! Vì bất cứ ai biết suy nghĩ đều phải thừa nhận rằng rốt cục chỉ có hai quyền lực trên trái đất của loài người : quyền lực của tử thần, luôn luôn thắng thế, nếu Đức Giê-su đã không phục sinh… và quyền lực của Đức Giê-su hằng sống, nếu quả thật Người đã chiến thắng tử thần cho chúng ta được nhờ hết thảy.

1- Độc đáo tính tuyệt đối của việc Đức Giê-su phục sinh.

Thật vậy, cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa cuộc phục sinh của Đức Giê-su với mọi cuộc phục sinh khác. La-da-rô, con gái ông Gia-ia, con trai bà góa Na-im, nói cho đúng, đã chỉ “hồi sinh” : họ đã lại bắt đầu sống “như trước”, luôn luôn tuân phục các định luật của thân phận con người, với những đau khổ mới, và một ngày nào đó, phải lãnh chịu cái chết lần thứ hai !

Đức Giê-su, trái lại, đã đi vào trong một “sự sống hoàn toàn mới mẻ”, trên đó “đau khổ và tử thần chẳng còn quyền chi” (x. Rm 6,9). Để giúp hiểu trường hợp tuyệt đối độc đáo này, thánh Phao-lô từng sử dụng hình ảnh so sánh “hạt lúa mì” : bạn gieo một hạt lúa mì đầy bột trắng… và từ đó nẩy ra một cọng cây xanh… Đức Giê-su cũng vậy, Người đã chẳng lấy lại thể xác phải chết (khí huyết, có sinh khí) của mình, nhưng đã trỗi dậy trong một thể xác thần thiêng (có thần khí) (1Cr 15,44). Qua cuộc phục sinh của mình, Đức Giê-su chẳng phải “trở về” với cuộc sống trước, Người đã “đi vào Vinh quang của Chúa Cha” : thành thử Người không còn phải chịu các giới hạn của thời gian, nơi chốn, sáng tối, trọng lực…

Nhưng cái gì cho phép chúng ta đưa ra những xác định căn bản đó?

2- Dấu hiệu những “băng vải rũ xuống” và “khăn liệm xếp lại”.

Thông thường, người ta hài lòng với việc nói đến “mộ trống”. Và đúng là ngôi mộ danh tiếng này có mặt khắp nơi trong trình thuật của thánh Gio-an, chứng nhân tận mắt -chữ “mộ” trở đi trở lại đến 7 lần trong trang vắn vỏi này. Tuy nhiên, tất cả sự nhấn mạnh nằm trên “khăn-vải”. Sau đây là bản văn dịch sát chữ theo tiếng Hy-lạp : “5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải (othonia) rũ xuống (keimena), nhưng không vào. 6Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải (othonia) rũ xuống (keimena) và khăn liệm (sudarion) đã đặt trên đầu Đức Giê-su. Khăn này không rũ xuống (keimenon) với các băng vải (othonia), nhưng xếp lại, đúng chỗ của nó. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin...”

Thật thế, chính việc xếp đặt các khăn vải đã gây nên nơi Gio-an ánh chớp trực giác : Người đã sống lại ! Trong ngôi mộ này, chẳng một ai đã đi vào, không vật gì đã xê dịch. Giả thuyết của Ma-ri-a Mác-đa-la, quả quyết rằng “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”, giả thuyết về sự bốc xác ấy rõ ràng là sai lạc. Vì các băng-vải đã không bị đổi chỗ, và chẳng có dấu vết nào chứng tỏ ai đó đã chạm vào chúng. Cách đơn giản, do thân thể vật lý của Đức Giê-su đã thôi ở đó, bên trong các băng-vải, nên chúng chỉ “rũ xuống”| tại chỗ. Và một điểm chính xác thêm nữa được nhấn mạnh : bức khăn liệm, một tấm vải dài gấp đôi thân người, được lót bên dưới tử thi từ gót chân đến lưng, vòng qua đầu, che mặt, đắp trên ngực rồi chạy xuống các ngón chân (như tục khâm liệm đương thời của người Do-thái), khăn liệm đó chỉ rũ xuống tại chỗ, xếp thành hai lớp, khi thân xác Đấng Phục sinh rời đi. Còn các băng vải là 3 dây buộc bên ngoài, ở cổ, ở lưng và ở chân để giữ thân người trong khăn liệm nên nay cũng rũ xuống vì chẳng còn tác dụng nữa.

Không, các tên trộm xác đã chẳng thể nào cẩn thận như vậy. Các băng vải (othonia) và khăn liệm (sudarion) đã chẳng hề bị bàn tay người chạm tới. Tử thi cũng đã chẳng bị “lấy đi.” Thân thể ấy đơn giản là đã biến mất, kiểu bay hơi, thành “thần thiêng”, như thánh Phao-lô sẽ nói.

3- Chỉ có đức tin đưa chúng ta vào mầu nhiệm thần linh ấy.

Con người, với giác quan, lý trí, tưởng tượng của mình, đã chẳng có phương cách nào kiểm soát cách khoa học một biến cố ngoại thường như vậy. Còn chính Gio-an thì hết sức khiêm tốn : “Ông đã thấy và đã tin”. Hãy nhớ kỹ rằng lúc ấy Gio-an chưa thấy Đức Giê-su sống lại. Điều này, ông sẽ kể vào Chúa nhật tuần tới, trong trang Tin Mừng tiếp theo. Chính nhờ đức tin mà ông đã “tin”. Chính nhờ một mình đức tin mà ta đạt tới mầu nhiệm thần linh là sự Phục sinh theo nghĩa chặt. Điều đó chẳng muốn nói rằng đức tin là vô lý hay phi lý. Tin Mừng đã đem tới cho chúng ta các “dấu chỉ” cụ thể, lịch sử, từng khiến các chứng nhân tận mắt phải “tin”. “Ông đã thấy.” Ông đã thấy dấu chỉ các “băng-vải rũ xuống” nền mộ.

Ta đoán được cảm xúc của Gio-an trước hiện tượng tuyệt đối mới mẻ ấy vốn làm nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta : không phải tử thần có tiếng nói sau hết của cuộc đời, song là Thiên Chúa. Hôm nay, như mọi Chúa nhật -ngày được phát minh, được đặt tên vì thế- chúng ta hát mừng đức tin của mình trước mọi anh chị em phải chết của mình : “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Alleluia. Lạy Chúa. Xin tôn vinh Ngài !”

Viết theo Noël Quesson