Theo tin Tòa Thánh, tại Phòng Chúc Lành, Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ giáo triều Rôma để chức mừng Lễ Giáng Sinh. Sau đây là nguyên văn Lời Chúc Mừng của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



“Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa”

Anh chị em thân mến!

Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Hồng Y Re vì lời chào mừng và lời chúc tốt đẹp của ngài. Thật tuyệt khi thấy ngài không già đi! Cảm ơn Đức Hồng Y, vì tấm gương sẵn sàng phục vụ và tình yêu của ngài dành cho Giáo hội.

Đức Hồng Y Re đã nói về chiến tranh. Hôm qua, Đức Thượng phụ [Latinh] [của Giêrusalem] không được phép vào Gaza như đã hứa; và hôm qua trẻ em đã bị đánh bom. Đây là sự tàn ác. Đây không phải là chiến tranh. Tôi muốn nói với anh chị em điều này vì nó chạm đến trái tim tôi. Thưa Đức Hồng Y, cảm ơn Đức Hồng Y đã nhắc đến điều này, cảm ơn ngài!

Tựa đề của bài phát biểu này là “Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa”.

Giáo triều Rôma bao gồm nhiều cộng đồng làm việc, ít nhiều phức tạp hoặc đông đảo. Năm nay, khi nghĩ tới một suy gẫm có thể mang lại lợi ích cho đời sống cộng đồng tại Giáo triều và các văn phòng khác nhau của nó, tôi đã chọn một khía cạnh phù hợp với mầu nhiệm Nhập thể, và anh chị em sẽ thấy ngay lý do tại sao.

Tôi nghĩ đến việc nói tốt cho người khác và không nói xấu họ. Đây là điều liên quan đến tất cả chúng ta, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng - giám mục, linh mục, người tận hiến và giáo dân. Về vấn đề này, tất cả chúng ta đều bình đẳng. Tại sao? Bởi vì đó là một phần trong bản chất con người của chúng ta.

Nói tốt và không nói xấu là biểu hiện của sự khiêm nhường, và sự khiêm nhường là dấu hiệu của Nhập thể và đặc biệt là mầu nhiệm Chúa Giáng sinh mà chúng ta sắp cử hành. Một cộng đồng giáo hội sống trong sự hòa hợp vui tươi và huynh đệ đến mức các thành viên của mình bước đi trên con đường khiêm nhường, từ chối nghĩ và nói xấu lẫn nhau.

Thánh Phaolô, khi viết thư cho cộng đồng ở Rôma, đã nói: "Hãy chúc phúc chứ đừng nguyền rủa" (Rm 12:14). Chúng ta cũng có thể hiểu lời của ngài có nghĩa là: “Hãy nói tốt và đừng nói xấu” người khác, trong trường hợp của chúng ta, những người cùng làm việc, cấp trên và đồng nghiệp, tất cả mọi người. Hãy nói tốt và đừng nói xấu.

Con đường tiến đến sự khiêm nhường: tự tố cáo mình

Hôm nay, tôi muốn đề xuất, như tôi đã đề xuất cách đây khoảng hai mươi năm tại một hội đồng giáo phận ở Buenos Aires, rằng tất cả chúng ta, như một cách để thể hiện sự khiêm nhường, hãy học cách tự tố cáo mình, như đã được các bậc thầy linh đạo cổ thời dạy, đặc biệt là Dorotheus xứ Gaza. Đúng vậy, Gaza, chính nơi hiện nay đồng nghĩa với cái chết và sự hủy diệt, là một thành phố khá cổ kính, nơi các tu viện và các vị thánh và thầy dậy lỗi lạc phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Dorotheus là một trong số họ. Theo bước chân của những Giáo phụ vĩ đại như Basil và Evagrius, ngài đã xây dựng Giáo hội bằng các tác phẩm và lá thư của mình, chứa đầy sự khôn ngoan của Tin Mừng. Ngày nay, bằng cách suy gẫm về những lời dạy của ngài, chúng ta có thể học cách khiêm nhường thông qua việc tự buộc tội, để không nói xấu người lân cận của mình. Đôi khi, trong lời nói hàng ngày, khi ai đó đưa ra lời bình luận chỉ trích, người khác sẽ nghĩ: "Hãy xem ai đang nói kìa!". Đó là trong lời nói hàng ngày.

Trong một trong những "giáo huấn" của ngài Dorotheus nói, "Khi một điều xấu xảy ra với một người khiêm nhường, anh ta ngay lập tức nhìn vào bên trong và phán đoán rằng mình đáng bị như vậy. Anh ta cũng không cho phép mình chỉ trích hay đổ lỗi cho người khác. Anh ta chỉ đơn giản là chịu đựng khó khăn này, không làm ầm ĩ, không đau khổ và trong sự bình thản. Sự khiêm nhường không làm phiền anh ta hay bất cứ ai khác" (Dorotheus of Gaza, Oeuvres spirituelles, Paris 1963, số 30).

Và một lần nữa: "Đừng cố gắng biết lỗi lầm của người hàng xóm hoặc nuôi dưỡng sự nghi ngờ đối với họ. Nếu chính sự ác ý của chúng ta nảy sinh những nghi ngờ như vậy, hãy cố gắng biến chúng thành những suy nghĩ tốt" (ibid., số 187).

Tự tố cáo chỉ là một phương tiện, nhưng là phương tiện thiết yếu. Đó là cơ sở để chúng ta có thể nói “không” với chủ nghĩa cá nhân và “có” với tinh thần cộng đồng của Giáo hội. Những ai thực hành đức tính tự tố cáo và thực hiện điều đó một cách nhất quán sẽ dần dần được giải thoát khỏi sự nghi ngờ và ngờ vực, và tạo không gian cho Chúa, là Đấng duy nhất có thể gắn kết các trái tim. Nếu mọi người đều tiến triển trên con đường này, một cộng đồng có thể được sinh ra và phát triển, một cộng đồng mà tất cả đều là người bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau bước đi trong sự khiêm nhường và bác ái. Khi chúng ta thấy một khuyết điểm ở một ai đó, chúng ta chỉ nên nói về khuyết điểm đó với ba người khác: với Chúa, với người đó hoặc nếu không thể, với người trong cộng đồng có thể giải quyết tình hình. Không ai khác.

Cơ sở của “phong cách” tự tố cáo thiêng liêng này là gì? Đó là sự hạ mình bên trong, bắt chước sự synkatábasis hay “sự hạ mình” của Ngôi Lời Thiên Chúa. Một trái tim khiêm nhường hạ mình xuống, giống như trái tim của Chúa Giêsu, Đấng mà trong những ngày này chúng ta chiêm ngưỡng nằm trong máng cỏ.

Đối diện với thảm kịch của một thế giới thường xuyên bị kìm kẹp bởi cái ác, Thiên Chúa làm gì? Người có đứng phắt lên một cách đầy chính trực của Người và xa xả lên án từ trên cao không? Theo một nghĩa nào đó, đó là điều được các tiên tri mong đợi, thậm chí cho đến thời của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Thiên Chúa; tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của chúng ta, và đường lối của Người không phải là đường lối của chúng ta (so sánh Is 55:8). Sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì có tính thần linh, là nghịch lý trong mắt chúng ta. Đấng Tối Cao chọn cách hạ mình, trở nên nhỏ bé, như hạt cải, như hạt giống của đàn ông trong tử cung của một người đàn bà. Vô hình. Theo cách này, Người bắt đầu gánh trên mình gánh nặng to lớn, không thể chịu đựng được của tội lỗi thế gian.

Sự hạ mình của Thiên Chúa được phản ảnh qua việc chúng ta tự tố cáo mình, một việc, về cơ bản không phải là hành vi đạo đức của riêng chúng ta, mà là một thực tại thần học - như luôn xảy ra trong đời sống Kitô hữu. Đó là một hồng phúc từ Thiên Chúa, công trình của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta phải chấp nhận, "hạ mình" và sẵn sàng chào đón hồng phúc này vào trái tim mình. Đó là những gì Đức Trinh Nữ Maria đã làm. Ngài không có lý do gì để tự tố cáo mình, nhưng bà đã tự do lựa chọn hợp tác hoàn toàn vào sự hạ mình của Thiên Chúa, vào sự hạ mình của Chúa Con và vào sự giáng lâm của Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa này, sự khiêm nhường cũng có thể được gọi là một nhân đức thần học.

Để giúp chúng ta hạ mình xuống, chúng ta có thể đến với Bí tích Hòa giải. Điều này sẽ giúp ích cho chúng ta. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Lần cuối cùng tôi đi xưng tội là khi nào?

Nhân tiện, tôi muốn đề cập thêm một điều nữa. Tôi đã nói về chuyện ngồi lê đôi mách một vài lần. Đây là một điều xấu phá hủy đời sống xã hội, khiến trái tim con người trở nên đau khổ và chẳng đi đến đâu cả. Người ta thường nói rất hay: “Chuyện ngồi lê đôi mách là vô nghĩa”. Hãy cẩn thận về điều này.

Chúng ta được chúc phúc, chúng ta hãy chúc phúc cho người khác

Anh chị em thân mến, Sự Nhập thể của Ngôi Lời cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không lên án chúng ta mà chỉ ban phước cho chúng ta. Hơn nữa, nó cho chúng ta thấy rằng trong Thiên Chúa không có sự lên án, mà chỉ có và luôn luôn ban phước.

Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến một số đoạn trong Thư của Thánh Catherine thành Siena, chẳng hạn như đoạn này: “Dường như [Thiên Chúa] không muốn nhớ đến những tội lỗi của chúng ta, hoặc kết án chúng ta phải chịu án phạt đời đời, nhưng muốn thể hiện lòng thương xót liên tục với chúng ta” (Thư, số 15). Và chúng ta cần nói về lòng thương xót!

Nhưng trên hết, chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Phaolô và những lời đầu tiên tuyệt vời của thánh ca được tìm thấy ở phần đầu Thư gửi tín hữu Êphêsô:

“Chúc tụng Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô mọi phúc lành thiêng liêng ở các nơi trên trời” (1:3).

Ở đây, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của khả năng “ban phúc” cho người khác: chính là vì bản thân chúng ta đã được ban phúc, nên chúng ta có thể ban phúc cho người khác. Chúng ta đã được ban phúc, nên chúng ta có thể ban phúc cho người khác.

Tất cả chúng ta cần phải lao vào chiều sâu của mầu nhiệm này; nếu không, chúng ta có nguy cơ khô cạn và trở nên giống như những kênh đào trống rỗng, khô cằn không còn chứa một giọt nước nào nữa. Ở đây, tại Giáo triều, công việc văn phòng thường khô cằn và về lâu dài, có thể khiến chúng ta khô héo trừ khi chúng ta làm mới lại bản thân thông qua công việc mục vụ, những khoảnh khắc gặp gỡ, tình bạn, trong tinh thần cởi mở và quảng đại. Về những trải nghiệm mục vụ, tôi đặc biệt hỏi những người trẻ tuổi liệu họ có bất cứ trải nghiệm mục vụ nào không, vì điều này rất quan trọng. Để điều này xảy ra, hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta cần phải thực hiện Linh thao hằng năm: đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, hoàn toàn đắm mình trong và thấm đẫm Chúa Thánh Thần trong những dòng nước ban sự sống mà nhờ đó, mỗi người chúng ta được mong muốn và yêu thương “ngay từ ban đầu”. Nếu trái tim chúng ta được ôm ấp bởi phước lành nguyên thủy đó, thì chúng ta sẽ có thể ban phước cho mọi người, ngay cả những người mà chúng ta không quan tâm hoặc những người đã đối xử tệ với chúng ta. Đây là trường hợp: chúng ta phải ban phước cho cả những người không thân thiện.

Mẫu gương mà chúng ta nên hướng đến, như mọi khi, là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Đức Maria, tuyệt đối, là người được ban phước. Đó là cách bà Ê-li-sa-ve chào đón Mẹ trong Cuộc thăm viếng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1:42). Đó cũng là cách chúng ta nói với Mẹ trong “Kinh Kính Mừng”. Đức Mẹ đã mang đến cho chúng ta “phước lành thiêng liêng trong Chúa Kitô” (x. Eph 1:3) chắc chắn đã hiện diện “trên trời” trước mọi thời đại, nhưng cũng “trong thời viên mãn”, hiện diện trên trái đất, trong lịch sử loài người, khi Ngôi Lời Nhập Thể trở thành người (x. Gl 4:4). Chúa Kitô là phước lành đó. Người là hoa trái ban phước cho lòng mẹ; là Chúa Con ban phước cho Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria có thể được ngỏ lời một cách chính đáng, theo lời của Dante, như “con gái của Con mẹ… khiêm nhường và cao cả hơn một tạo vật”. Đức Maria, như Đấng được ban phước, đã mang đến cho thế giới Phước lành là Chúa Giêsu. Có một bức tranh, mà tôi có trong phòng làm việc của mình, vẽ về synkatábasis. Đức Mẹ với đôi tay như một chiếc thang nhỏ, và Chúa Hài Đồng đang bước xuống thang. Chúa Hài Đồng cầm Luật trong một tay và tay kia nắm chặt mẹ mình để khỏi bị ngã. Đó là vai trò của Đức Mẹ: mang Chúa Hài Đồng. Và đây là những gì Mẹ làm trong trái tim chúng ta.

Những nghệ nhân ban phước

Anh chị em thân mến, khi chúng ta hướng về Đức Maria, hình ảnh và mẫu mực của Giáo hội, chúng ta được dẫn dắt để suy gẫm về chiều kích Giáo hội của việc ban phước lành này. Ở đây tôi sẽ tóm tắt theo cách này: trong Giáo hội, dấu chỉ và công cụ ban phước lành của Thiên Chúa cho nhân loại, tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân ban phước lành. Không chỉ những người ban phước lành, mà còn là những nghệ nhân giảng dạy, sống như những nghệ nhân để ban phước lành cho người khác.

Chúng ta có thể nghĩ tới Giáo hội như một dòng sông lớn phân nhánh thành ngàn lẻ một dòng suối, dòng nước lũ, dòng suối nhỏ – hơi giống lưu vực sông Amazon – để tưới mát toàn bộ trái đất bằng phước lành của Thiên Chúa, chảy ra từ Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô.

Do đó, Giáo hội xuất hiện với chúng ta như sự hoàn thành kế hoạch mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Áp-ra-ham ngay từ lúc đầu tiên Người gọi ông rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Thiên Chúa đã nói với ông, “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc lớn, và Ta sẽ ban phước cho ngươi... và trong ngươi, mọi gia tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc” (St 12:2-3). Kế hoạch này chi phối toàn bộ nhiệm cục giao ước của Thiên Chúa với dân Người, một dân tộc “được chọn” không theo nghĩa độc quyền, mà theo nghĩa: chúng ta, với tư cách là người Công Giáo, gọi là “bí tích”. Nói một cách ngắn gọn, bằng cách mang món quà phước lành đó đến cho mọi người thông qua tấm gương, chứng tá, lòng quảng đại và sự kiên nhẫn của chúng ta.

Trong mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã ban phước cho mọi người nam và nữ bước vào thế gian này, không phải bằng một sắc lệnh từ trời xuống, mà qua xác thịt của Chúa Giêsu, Chiên Con được sinh ra từ Đức Maria (x. Thánh Anselm, Or. 52).

Tôi thích nghĩ về Giáo triều Rôma như một xưởng lớn, nơi có vô số công việc khác nhau, nhưng mọi người đều làm việc vì cùng một mục đích: ban phước cho người khác và truyền bá phước lành của Thiên Chúa và Giáo hội Mẹ trên thế giới.

Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến công việc thầm lặng do các nhân viên văn phòng thực hiện – những munitanti, một số người mà tôi thấy ở đây, họ rất tốt, cảm ơn anh chị em! – những người soạn thảo các lá thư đoan chắc với những người đang bị bệnh hoặc bị giam cầm, một người mẹ, người cha hoặc đứa con, một người già và rất nhiều người khác rằng Đức Giáo Hoàng đang cầu nguyện cho họ và rằng ngài sẽ ban phước lành. Cảm ơn anh chị em vì điều này, vì tôi đã ký những lá thư này. Đó không phải là để phục vụ như một nghệ nhân ban phước sao? Những người minutanti là những nghệ nhân ban phước thực sự. Họ kể với tôi rằng một vị linh mục thánh thiện từng làm việc nhiều năm trước tại Phủ Quốc vụ khanh đã dán một tờ giấy vào mặt sau cánh cửa văn phòng của mình có ghi: “Công việc của tôi thấp hèn, bị coi là thấp hèn và làm nhục người ta”. Có lẽ đây là cách nhìn tiêu cực, nhưng không phải là không có một chút sự thật và chủ nghĩa hiện thực lành mạnh. Đối với tôi, có thể hiểu theo cách tích cực, như thể hiện phong cách đặc trưng của những “nghệ nhân” của Giáo triều: sự khiêm nhường như một phương tiện để truyền bá “phước lành”. Đó là cách của chính Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để chia sẻ thân phận con người của chúng ta, và do đó ban phước lành cho chúng ta. Và tôi có thể làm chứng về điều này: trong Thông điệp gần đây của tôi về Thánh Tâm, mà Đức Hồng Y Re đã đề cập, có bao nhiêu người đã làm việc! Rất nhiều! Các bản thảo đã được trao đổi qua lại... Nhiều người trong số họ, với những việc nhỏ nhặt.

Các bạn thân mến, thật an ủi khi nghĩ rằng thông qua công việc hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là những việc ẩn giấu, mỗi người chúng ta có thể giúp mang phước lành của Thiên Chúa đến với thế giới. Tuy nhiên, trong điều này, chúng ta phải nhất quán: chúng ta không thể viết những lời chúc phúc rồi sau đó lại tiếp tục phá hỏng chúng bằng cách nói xấu anh chị em mình. Vì vậy, đây là mong muốn của tôi: cầu xin Chúa, sinh ra cho chúng ta trong sự khiêm nhường, giúp chúng ta luôn là những người phụ nữ và đàn ông của lời chúc phúc.

Chúc mừng Giáng sinh đến tất cả mọi người!