1. Lính Ukraine phục kích người Nga sau khi bắt được điện đàm của đối phương
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Soldiers Ambush Russians After Capturing Enemy Radio”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, quân đội Ukraine đã công bố đoạn video cho thấy lực lượng của họ phục kích quân đội Nga sau khi bắt được điện đàm của đối phương.
Đoạn video được công bố bởi Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine, một lữ đoàn tinh nhuệ dù chỉ mới được Ukraine thành lập vào năm 2022—sau khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Đoạn clip được chia sẻ trên X,, bởi người dùng Dmitri từ War Translated—một dự án độc lập chuyên dịch các tài liệu về chiến tranh.
Một trung đội của Lữ đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine gần khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine đột nhiên thấy mình bị kẹp ở giữa và hai đại đội Nga đang tiến dần về phía họ. Tuy lính Nga chưa phát hiện ra sự hiện diện của họ, nhưng tình thế rất nguy ngập vì quân số của Nga gấp 8 lần. Sau một loạt đạn bắn về phía quân Nga, ngay lúc đó, lính Ukraine đã bắt được điện đàm của Nga và lừa người Nga đừng bắn vào họ.
Người Nga nói: “Đại đội 1 đây mà. Sao các anh lại bắn vào chúng tôi.”
Trung đội trưởng Ukraine ra lệnh: “Nói tiếng Nga với chúng nó. Có người bị thương đừng bắn nữa.”
Khi tiếng súng tạm yên, quân Ukraine tiến tới gần và bắn về cả hai nhóm lính Nga.
Quân Nga từ hai phía hét lên trong máy bộ đàm. “Sao các anh lại tiếp tục bắn vào chúng tôi. Đã nói đừng bắn nữa mà”. Bên kia hét lên “Tụi bây bắn vào tụi tao thì có. Đui mù rồi à?”
Khi hai đại đội Nga bắt đầu bận rộn nổ súng vào nhau, trung đội Ukraine yêu cầu pháo binh yểm trợ rút êm.
Nga đã phát động cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv vào đầu tháng 5, chiếm giữ một số thị trấn ở biên giới phía đông bắc Ukraine và buộc hàng ngàn dân thường phải chạy trốn.
Nhưng ngày 8 Tháng Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc tấn công của Nga đã thất bại.
“Một kết quả rất có ý nghĩa là quân đội Nga đã thất bại. Hướng này đã được tăng cường. Và nó sẽ được tăng cường hơn nữa”, Tổng thống Zelenskiy nói sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo quân đội Ukraine, Oleksandr Syrskyi.
Nhà lãnh đạo Ukraine nói với các phóng viên hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, rằng ông tin rằng Nga sẽ không còn cố gắng chiếm giữ khu vực này nữa và mục tiêu mới của Putin là chiếm Pokrovsk ở khu vực phía đông Donetsk.
Vùng Donetsk và Luhansk của Ukraine tạo thành Donbas. Điện Cẩm Linh đã thúc đẩy việc chiếm toàn bộ các khu vực kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào miền đông Ukraine vào năm 2014.
“Toàn bộ mặt trận phía đông đầy thách thức. Mục tiêu chính ngày nay, sau thất bại trong việc chiếm Kharkiv, là điều mà chúng tôi hiểu là không còn khả thi, đã thay đổi”, Tổng thống Zelenskiy nói.
“Trọng tâm chính của họ không còn là toàn bộ phía đông nữa, mặc dù Sloviansk cũng không bị loại trừ. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng ngày nay Pokrovsk là ưu tiên hàng đầu của họ. Mặt trận Pokrovsk và thành phố Pokrovsk là mục tiêu chính của chúng.”
Ông nói: “Nơi tập trung nhân lực, vũ khí và tất cả các nguồn lực sẵn có lớn nhất của Nga hiện đang tập trung vào mặt trận Pokrovsk”.
Tổng thống Zelenskiy trước đó nói rằng tổn thất của Nga trong cuộc tấn công ở Kharkiv cao gấp 8 lần so với Ukraine.
2. Sát thủ, hai vợ chồng gián điệp và hacker tấn công Hội nghị Quốc gia của đảng Dân Chủ Putin nhận được ai trong vụ hoán đổi tù nhân
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Assassin, Spy Couple and DNC Hacker: Who Putin's Getting in Prisoner Swap”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Trong một cuộc trao đổi tù nhân sâu rộng và phức tạp giữa Nga và phương Tây hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, là cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh - Mỹ và một số đồng minh đã đồng ý trao đổi 8 tù nhân Nga để đổi lấy phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal và hai người Mỹ khác, cùng với một số nhà bất đồng chính kiến Nga bị giam trong các nhà tù ở Nga.
Những tù nhân cao cấp được chuyển giao cho Nga trong cuộc trao đổi này bao gồm một sát thủ, hai vợ chồng gián điệp và một hacker có liên quan đến mục tiêu của chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton vào năm 2016.
Theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những người quay trở lại Nga như một phần của thỏa thuận là những người saiu đây.
Vadim Krasikov
Putin trước đó đã gợi ý rằng Nga sẽ sẵn sàng thả Gershkovich nếu Krasikov được đưa vào một cuộc trao đổi tù nhân.
Là một nhân viên tình báo Nga bị kết án về vụ ám sát phiến quân Chechnya Zelimkhan Kangoshvili ở Đức năm 2019, Krasikov đã phải thụ án chung thân trong một nhà tù ở Đức. Việc thả anh ta được coi là mấu chốt của cuộc hoán đổi lần này.
Putin trước đây đã gợi ý rằng Nga sẽ sẵn sàng thả Gershkovich - nếu Krasikov được đưa vào một cuộc trao đổi tù nhân. Bây giờ bạo chúa Vladimir Putin đã đạt được mong muốn của mình.
Krasikov cũng được cho là đứng sau ít nhất hai vụ giết người khác, bao gồm một chủ nhà hàng ở Mạc Tư Khoa năm 2015 và một doanh nhân ở khu vực Karelia, Bắc Âu năm 2015.
Artem và Anna Dultsev
Bị bắt tại Ljubljana, Slovenia vào năm 2022, cặp vợ chồng người Nga đã đóng giả là công dân Á Căn Đình và được cho là đang sử dụng Slovenia làm căn cứ cho các hoạt động gián điệp của Mạc Tư Khoa vào Liên Hiệp Âu Châu, đặc biệt là giao tiền mặt cho các đặc vụ Nga khác.
Anna đã làm việc dưới vỏ bọc của một nhà kinh doanh nghệ thuật và chủ phòng trưng bày, trong khi chồng cô đóng giả là một doanh nhân công nghệ thông tin.
Cả hai đều nhận tội làm gián điệp và bị kết án 19 tháng tù vào hôm Thứ Tư, 31 Tháng Bẩy, một ngày trước khi trao đổi.
Pavel Rubtsov
Nhà báo Pablo González Yagüe (tên khai sinh là Pavel Rubtsov) bị chính quyền Ba Lan giam giữ tại Przemyśl vào tháng 2 năm 2022. Anh ta bị buộc tội làm gián điệp cho tình báo Nga, bị cáo buộc sử dụng vai trò báo chí của mình để thu thập thông tin cho Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Nga, gọi tắt là GRU.
Ông từng làm nhà báo độc lập cho nhiều cơ quan truyền thông khác nhau, tập trung vào Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông đã phủ nhận cáo buộc làm gián điệp.
Roman Seleznev
Bị giam giữ ở Maldives vào năm 2014 và giao cho chính quyền Mỹ, anh ta bị kết tội lừa đảo, hack máy tính, sở hữu thẻ tín dụng thu được bất hợp pháp và đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Seleznev là con trai của một thành viên quốc hội Nga, người được mô tả là “một trong những tên trộm thẻ tín dụng khét tiếng nhất trong lịch sử”.
Bị giam giữ ở Maldives vào năm 2014 và giao cho chính quyền Mỹ, anh ta bị kết tội lừa đảo, hack máy tính, sở hữu thẻ tín dụng thu được bất hợp pháp và đánh cắp dữ liệu cá nhân. Seleznev bị kết án 27 năm.
Một cuộc điều tra cho thấy anh ta có liên quan đến một kế hoạch hack ước tính gây thiệt hại ít nhất 170 triệu Mỹ Kim liên quan đến việc đánh cắp và bán thông tin thẻ tín dụng của khách hàng từ máy tính tiền trong các cửa hàng và nhà hàng trên khắp nước Mỹ.
Vladislav Klyushin
Klyushin, một doanh nhân người Nga, bị bắt ở Thụy Sĩ theo yêu cầu của chính quyền Mỹ vào năm 2021.
Anh ta bị kết án 9 năm vào năm 2023, bị buộc tội hack vào nhiều công ty, sử dụng thông tin lấy được để giao dịch nội gián.
Một trong những nhân viên của Klyushin nằm trong số 12 đặc vụ GRU bị truy tố ở Mỹ vào năm 2018 vì hack chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Hillary Clinton và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
Mikhail Mikushin
Mikushin bị bắt ở Na Uy vào năm 2022, bị buộc tội làm gián điệp cho GRU của Nga khi đóng giả là nhà nghiên cứu người Brazil tại Đại học Bắc Cực của Na Uy.
Vadim Konoshchenok
Vadim Konoshchenok bị cáo buộc liên quan đến buôn lậu hàng hóa từ Mỹ sang Nga, bao gồm đạn dược và đồ điện tử.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mô tả Konoshchenok là một công dân Nga có quan hệ với FSB.
Konoshchenok bị cáo buộc liên quan đến buôn lậu hàng hóa từ Mỹ sang Nga, bao gồm cả việc mua sắm trái phép vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo truyền thông nhà nước Nga, ông ta đã phủ nhận các cáo buộc chống lại mình.
Alexander Vinnik
Vinnik bị chính quyền Mỹ cáo buộc rửa hơn 4 tỷ Mỹ Kim.
Các công tố viên cáo buộc bitcoin bị đánh cắp từ sàn giao dịch tiền điện tử Nhật Bản Mt.Gox đã được giao dịch trên nền tảng mà Vinnik thành lập –nơi từng là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất bằng tiếng Nga.
Ông cũng bị Văn phòng Tổng công tố Nga cáo buộc biển thủ 600.000 rúp từ một tổ chức không xác định. Luật sư của Vinnik cho biết trong hồ sơ tòa án năm ngoái rằng ông là “đối tượng của các cuộc đàm phán chính trị về việc trao đổi tù nhân với Nga ở cao cấp nhất của chính phủ”.
3. Nga lên án cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine nhắm vào bán đảo Crimea
Cơ quan xâm lược tuyên bố rằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa ATACMS đã tấn công vào Crimea bị Nga tạm chiếm vào rạng sáng ngày 2 tháng 8. Họ đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh có các báo cáo về những vụ nổ kéo dài nhiều giờ ở nhiều địa điểm khác nhau trên bán đảo.
Kênh Telegram Crimea Wind đưa tin người dân cho biết đã nghe thấy nhiều vụ nổ ở Sevastopol, Simferopol và Yevpatoria trên bán đảo bị tạm chiếm.
Mikhail Razvozhayev, nhà lãnh đạo Sevastopol do Nga bổ nhiệm, tuyên bố rằng các mảnh vỡ của máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn do Mỹ sản xuất đã được tìm thấy trong thành phố sau khi bị lực lượng phòng không bắn hạ.
Ông tuyên bố ít nhất 4 mục tiêu trên không của Ukraine đã bị bắn hạ.
Cảnh báo không kích vang lên vào khoảng 1h30 sáng giờ Kyiv. Hiện tại không có thương vong nào được báo cáo.
Theo Crimea Wind, hỏa hoạn đã bùng phát gần các vị trí phòng không của Nga ở Balaklava, ngoại ô Sevastopol, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.
Kênh này cũng chia sẻ cảnh quay các mảnh vỡ bị đốt cháy ở Sevastopol và cho biết khói bốc lên từ Nhà máy sửa chữa tàu số 13 của Hạm đội Hắc Hải ở Vịnh Kilen.
Mức độ thiệt hại đầy đủ đang được xác định.
Razvozhayev tuyên bố rằng các ngôi nhà, tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường phố và các tài sản dân sự khác đã bị hư hại do các mảnh vỡ rơi xuống. Nga thường không bình luận về các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào các cơ sở quân sự.
Bán đảo bị tạm chiếm đã nhiều lần trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và hải quân của Ukraine, buộc lực lượng Nga phải rút phần lớn sức mạnh hải quân và tăng cường phòng không.
Ukraine cho biết, một cuộc tấn công trước đó vào đêm 26 Tháng Bẩy đã nhằm vào phi trường quân sự của Nga ở Saky, trong khi cuộc tấn công vào ngày 23 Tháng Bẩy được cho là nhằm vào một chiếc phà dùng để vận chuyển thiết bị quân sự qua eo biển Kerch.
4. Ukraine có thể sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa mỗi năm
Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Hanna Hvozdiar cho biết Ukraine có năng lực sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa mỗi năm nhưng cần nguồn tài trợ từ các đối tác nước ngoài.
Máy bay điều khiển từ xa là công cụ quan trọng trong việc phòng thủ của Ukraine trước cuộc chiến của Nga. Ukraine đã chính thức ra mắt Lực lượng Hệ thống Điều khiển từ xa vào tháng 6, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ban hành sắc lệnh vào tháng 2 ra lệnh thành lập một nhánh riêng của lực lượng vũ trang có nhiệm vụ cải thiện các hoạt động của máy bay điều khiển từ xa.
Hvozdiar cho biết: “Chúng tôi có năng lực sản xuất đủ lớn, hiện nay chúng tôi có thể sản xuất hơn 3 triệu máy bay điều khiển từ xa các loại.
Ukraine cần tài chính để sản xuất máy bay điều khiển từ xa vì nhà nước chỉ có thể trang trải một phần ngân sách. Hvozdiar cho biết nguồn tài trợ từ các đối tác nước ngoài, chẳng hạn như Canada, sẽ giúp trang trải phần tài chính còn lại.
Theo Hvozdiar, Kyiv cũng đang đàm phán với Anh để giúp mua máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước cho quân đội Ukraine.
Vào tháng 4, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số các đối tác của Ukraine mua vũ khí và thiết bị cho Lực lượng Vũ trang Ukraine từ một nhà sản xuất trong nước như một phần của gói viện trợ quân sự.
Cùng tháng đó, Canada tuyên bố sẽ tài trợ 2,2 triệu Mỹ Kim cho việc sản xuất máy bay điều khiển từ xa của Ukraine với sự cộng tác của Anh.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Alexander Kamyshin, đầu tư nước ngoài là cần thiết vì ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có năng lực trị giá khoảng 20 tỷ Mỹ Kim nhưng nhà nước chỉ có tối đa 10 tỷ Mỹ Kim để mua vũ khí và thiết bị.
Vào tháng 6, công ty nhà nước Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, còn được gọi là Ukroboronprom, cho biết họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay điều khiển từ xa tấn công với tầm bắn hơn 1.000 km.
Nhà lãnh đạo ngành Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, Herman Smetanin, cho biết với sự giúp đỡ của “các cá nhân”, công ty hiện có thể “mở rộng quy mô sản xuất” máy bay điều khiển từ xa tầm xa.
5. Những chiếc F-16 đầu tiên được phát hiện trên bầu trời Ukraine
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Watch: First F-16s Appear To Have Been Spotted Over Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Đoạn phim lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy những chiếc F-16 đầu tiên được tặng cho Kyiv đã bay lên bầu trời Ukraine sau thời gian chờ đợi kéo dài để có được chiếc chiến đấu cơ tiên tiến này.
Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Tám, các phương tiện truyền thông cho biết người dân ở khu vực Lviv phía Tây Ukraine, rất xúc động thấy những chiếc F-16 do Ukraine vận hành bay rất thấp trên bầu trời sau khi vượt qua biên giới Ba Lan vào Ukraine.
Tờ The Times của Luân Đôn đưa tin, sáu máy bay phản lực đã được Hòa Lan cung cấp cho Ukraine, sau đó là máy bay của Đan Mạch sẽ sớm được cung cấp cho Ukraine. Hôm thứ Năm Bộ Quốc phòng Đan Mạch từ chối bình luận và chính phủ Hòa Lan cho biết họ sẽ không bình luận, với lý do lo ngại về an ninh quốc phòng.
Vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan lúc bấy giờ là Kajsa Ollongren cho biết “việc chuyển giao chiếc máy bay đầu tiên sẽ sớm diễn ra”.
“Những chiếc F-16 đã ở Ukraine,” Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis nói. “Một điều tưởng chừng không thể hóa ra lại hoàn toàn có thể xảy ra”
Lực lượng không quân Ukraine rất kín tiếng về việc F-16 đến đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Vào đầu tháng 7, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine đã từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về số lượng máy bay phản lực sẽ tham gia đợt đầu tiên và khi nào chúng sẽ đến nơi, đồng thời mô tả thông tin này là thông tin mật.
Hòa Lan đã cam kết cung cấp tổng cộng 24 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine trong khuôn khổ liên minh quốc tế với Đan Mạch, Na Uy và Bỉ để cung cấp cho Kyiv các chiến đấu cơ tiên tiến. Ukraine sẽ nhận 19 chiếc F-16 của Đan Mạch
Ukraine sẽ nhận được khoảng 80 máy bay phản lực, một con số thấp hơn nhiều so với tổng số lượng mà Kyiv cho biết họ cần.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết những chiếc F-16 đầu tiên đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hòa Lan.
Phát biểu với giới truyền thông hôm thứ Tư, Blinken không xác nhận những chiếc F-16 đầu tiên sẽ đến Ukraine, nhưng nhắc lại nhận xét trước đó của ông rằng những chiếc F-16 sẽ “hoạt động vào cuối mùa hè”.
Những người ủng hộ phương Tây của Ukraine đã miễn cưỡng cam kết cung cấp máy bay phản lực thế hệ thứ tư, đây là một cam kết lớn hơn nhiều so với các thiết bị như xe tăng hoặc hệ thống pháo binh có trong các gói viện trợ quân sự trong suốt cuộc chiến.
Các máy bay phản lực này sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân Ukraine, vốn đã bị vùi dập sau hơn hai năm chiến tranh chống lại hạm đội lớn hơn và vượt trội của Nga. Nga đã sử dụng máy bay của mình, bay ngoài tầm với của lực lượng phòng không Kyiv, để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường trên không có sức tàn phá lớn vào Ukraine.
Tờ The Telegraph của Anh hôm thứ Tư đưa tin rằng Ukraine cho đến nay chỉ sử dụng F-16 làm tài sản phòng không.
Các mốc thời gian để đưa các máy bay phản lực này vào hoạt động ở Ukraine rất mờ mịt và dễ bị chậm trễ. Các phi công Ukraine đã được đào tạo ở các quốc gia NATO, mặc dù căng thẳng đã trở nên rõ ràng giữa Kyiv và các đồng minh về số lượng phi công có thể được đào tạo.
Các quốc gia ủng hộ Ukraine cũng quy định rằng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cần thiết phải được hoàn thiện và vận hành ở nước này trước khi máy bay phản lực có thể được sử dụng.
6. Lính Nga rời phi trường Yerevan, chấm dứt 32 năm hiện diện
Các binh sĩ Nga chính thức rời phi trường quốc tế Zvartnots của Yerevan vào ngày 31 Tháng Bẩy, kết thúc 32 năm đóng quân tại đây.
Lực lượng Nga đóng quân tại Sân bay Zvartnots kể từ khi Armenia độc lập khỏi Liên Xô và xung đột quân sự với nước láng giềng Azerbaijan. Chính quyền Armenia đã thông báo cho phía Nga vào tháng 3 rằng sự hiện diện của binh lính họ tại phi trường không còn cần thiết nữa, một động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai đồng minh lâu năm.
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích động thái này, cho rằng nó có nguy cơ gây ra “thiệt hại không thể khắc phục” cho quan hệ giữa hai nước và có thể làm tăng thêm lo ngại về an ninh cho Armenia.
Quá trình rút quân của họ được hoàn thành bằng một buổi lễ trang trọng, trong đó Edgar Hunanian, nhà lãnh đạo lực lượng biên phòng Armenia mới được bổ nhiệm, cảm ơn quân đội Nga vì sự phục vụ của họ.
Quân đội Nga vẫn tiếp tục bảo vệ biên giới của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời duy trì một căn cứ ở thành phố Gyumri của Armenia. Chính quyền Azerbaijan cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã rút khỏi Nagorno-Karabakh vào tháng 6.
Armenia có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, đặc biệt là với đối phương chính trong khu vực của họ là Azerbaijan, và do đó phần lớn đã kiềm chế không tham gia vào cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine. Tính toán đã thay đổi sau khi “lực lượng gìn giữ hòa bình” của Nga không thể ngăn chặn cuộc tấn công của Azerbaijan vào khu vực Nagorno-Karabakh, nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Armenia, vào tháng 9 năm 2023.
Thất vọng với Nga và lo ngại những hành động thù địch tái diễn ở Baku, Yerevan đã hướng về phương Tây để tìm kiếm những mối quan hệ đối tác mới.
Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu đã chấp thuận khởi động cuộc đối thoại miễn thị thực với Armenia vào tháng 7 và lần đầu tiên trong lịch sử, họ đã đồng ý phân bổ viện trợ quân sự từ Cơ sở Hòa bình Âu Châu cho nước này.
7. Trao đổi tù nhân đánh dấu 'thành công' cho Putin
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Prisoner Swap Marks 'Success' for Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Việc trao đổi các tù nhân chính trị bị Putin bắt giữ để lấy các gián điệp bị bắt ở phương Tây đánh dấu vụ trao đổi lớn nhất thuộc loại này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và được các phương tiện truyền thông Nga ca ngợi là một “thành công” đối với Vladimir Putin. Liên Bang Nga hiện có rất nhiều các tù nhân chính trị đang bị Putin bắt giữ, và nếu thiếu Putin có thể bắt thêm vào bất cứ lúc nào.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Năm xác nhận rằng Nga đã được bàn giao 8 điệp viên và đặc vụ, bao gồm cả sát thủ chính trị Vadim Krasikov, người bị kết án ở Đức về vụ giết người ở Berlin năm 2019. Putin trước đây đã mô tả trong một cuộc phỏng vấn rằng tên sát thủ này là một “người yêu nước”, người đã “thanh lý một tên cướp” ở “một trong những thủ đô của Âu Châu”.
Đổi lại, Putin trả tự do cho 16 tù nhân, trong đó có phóng viên Evan Gershkovich của The Wall Street Journal, một công dân Mỹ 32 tuổi bị giam giữ ở Nga vào tháng 3 năm 2023, và công dân Mỹ Paul Whelan, cựu quan chức hải quân và an ninh máy tính, người đã bị bắt giữ. ngồi tù ở Nga từ năm 2018.
Maximilian Hess, thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nói với Newsweek rằng việc hoán đổi là một “thành công” đối với Putin. Và Keir Giles, một chuyên gia về Nga tại Chatham House và là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến của Nga với mọi người”, nói với Newsweek rằng việc hoán đổi là sự xác nhận về những xu hướng đã thấy trong quan hệ Mỹ-Nga. Ông mô tả những diễn biến này là “một thành công toàn diện cho Nga” và có thể sẽ được lặp lại trong tương lai. Nó có thể giúp giải thoát một số tù nhân chính trị bị Putin bắt giam nhưng đồng thời nó cũng khích lệ tên bạo chúa bắt giam thêm nhiều người khác.
Hess cảnh báo rằng “Cuộc trao đổi này sẽ là động lực thúc đẩy việc tuyển dụng những người muốn thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài vì đây là minh chứng cho thấy Nga sẽ thực hiện các bước để chăm sóc người dân của mình ngay cả khi họ bị bắt quả tang, bị kết án và cuối cùng bị tống vào nhà tù nước ngoài”.
Cuộc trao đổi này đánh dấu vụ trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, khi 23 nhân viên CIA được đổi lấy 4 điệp viên Liên Xô vào năm 1985. Năm 2010, một cuộc trao đổi quy mô lớn khác diễn ra tại Sân bay Quốc tế Vienna chứng kiến “sự trở lại Nga của 10 công dân Nga bị buộc tội ở Mỹ, cùng với việc chuyển giao đồng thời 4 cá nhân đã bị kết án trước đó ở Nga sang Mỹ”, Bộ Ngoại giao Nga khi đó cho biết.
8. Luật đặc vụ nước ngoài của Georgia có hiệu lực
Luật đặc vụ nước ngoài gây tranh cãi của Georgia có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, và các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài có một tháng để ghi danh với Bộ Tư pháp.
Nếu không làm như vậy trước ngày 1 tháng 9, khi giai đoạn giám sát chính thức bắt đầu, có thể bị phạt 25.000 lari Georgia hay 9.200 Mỹ Kim.
Luật đặc vụ nước ngoài, lần đầu tiên được đưa ra tại quốc hội vào năm 2023 bởi đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia, sẽ yêu cầu các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài phải bị dán nhãn như vậy. Các cuộc biểu tình rộng rãi đã nổ ra để phản đối luật được đề xuất và cuối cùng nó đã bị hủy bỏ vào tháng 3 năm 2023.
Tuy nhiên, Giấc mơ Georgia đã khôi phục luật này vào tháng 4 năm 2024 và thông qua nó trước các cuộc biểu tình lịch sử trên đường phố và sự lên án của quốc tế.
Đạo luật này, cùng với việc sử dụng quá mức lực lượng cảnh sát đối với người biểu tình và sự đàn áp ngày càng tăng đối với xã hội dân sự, đã làm căng thẳng mối quan hệ của Georgia với các đồng minh truyền thống phương Tây.
Với luật này, tất cả các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo bao gồm Caritas, các Tòa Giám Mục, và các giáo xứ trong những miền truyền giáo từ nay sẽ bị coi là đặc vụ nước ngoài.
Kết quả là những hậu quả hữu hình đã bắt đầu xuất hiện.
Mỹ đã thực hiện đợt trừng phạt đầu tiên đối với các quan chức chính phủ Georgia vào ngày 6 tháng 6, áp đặt các hạn chế đi lại đối với những cá nhân “chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ ở Georgia”.
Ngày 5 Tháng Bẩy, Mỹ đã quyết định hoãn vô thời hạn các cuộc tập trận quân sự chung với Georgia.
Ngày 31 Tháng Bẩy, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tạm dừng viện trợ hơn 95 triệu Mỹ Kim cho Georgia.
Động thái này của Mỹ diễn ra vài tuần sau khi Brussels đóng băng 30 triệu euro hay 32 triệu Mỹ Kim tài trợ cho lĩnh vực quốc phòng cho Georgia sau khi nước này tạm dừng quá trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào tháng 6.