1. Ukraine tấn công kho dầu ở tỉnh Kursk của Nga
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 31 Tháng Bẩy, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư, lực lượng Ukraine đã tấn công Trung tâm Hậu cần kho dầu số 43 tại làng Vozy ở tỉnh Kursk của Nga. Hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại nhưng cho đến sáng, lính cứu hỏa vẫn chưa dập tắt được đám cháy.
Trước đó cùng ngày, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, tuyên bố rằng 4 hỏa tiễn Ukraine đã bị phòng không đánh chặn trên các quận Kurchatovsky và Oktyabrsky trong khu vực.
Ngày 29 Tháng Bẩy, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết lực lượng của họ đã tấn công ít nhất 4 trạm biến áp điện ở tỉnh Kursk.
Roman Starovoyt cũng tuyên bố rằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở tỉnh này vào đêm 28-29 Tháng Bẩy, khiến ít nhất ba bể chứa nhiên liệu bốc cháy.
Bộ Tổng tham mưu xác nhận vào ngày 28 Tháng Bẩy, SBU phối hợp với quân đội Ukraine đã tấn công kho dầu Polyova ở tỉnh Kursk.
Tỉnh Kursk nằm trên biên giới với tỉnh Sumy của Ukraine. Trong những tháng gần đây, lực lượng Ukraine thường xuyên tấn công các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng ở các khu vực của Nga giáp Ukraine.
2. Hạm đội Hắc Hải của Nga mất tích trong cuộc duyệt binh hải quân thầm lặng của Putin
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Black Sea Fleet Missing From Putin's Muted Navy Parade”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo các báo cáo, Hạm đội Hắc Hải của Nga hầu như vắng mặt trong cuộc diễn hành Ngày Hải quân hàng năm nhằm tôn vinh sức mạnh trên biển của Mạc Tư Khoa, khi Ukraine đang phá hủy các tàu và cơ sở của Điện Cẩm Linh xung quanh Bán đảo Crimea bị sáp nhập.
Ban tiếng Nga của BBC đưa tin hôm Chúa Nhật chỉ có hai tàu của Hạm đội Hắc Hải - một tàu hộ tống đóng tại Syria và tàu khu trục Đô đốc Grigorovich - xuất hiện trong cuộc diễn binh.
Kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa để đe dọa Hạm đội Hắc Hải có trụ sở một phần ở Crimea. Nga sáp nhập bán đảo này vào phía nam lục địa Ukraine vào năm 2014 và Ukraine tuyên bố sẽ đòi lại bán đảo này.
Mặc dù không có tàu chiến lớn, Kyiv đã thành công trong việc buộc Hạm đội Hắc Hải phải di chuyển phần lớn khỏi thành phố cảng Sevastopol phía nam Crimea, xa hơn về phía đông ở Hắc Hải.
Phó đô đốc Oleksiy Neizhpapa, nhà lãnh đạo hải quân Ukraine, nói với Reuters hồi đầu tháng này rằng Mạc Tư Khoa đang “mất” Sevastopol, đồng thời nói thêm, “Hầu như tất cả các tàu sẵn sàng chiến đấu đã được đối phương di chuyển khỏi căn cứ chính của Hạm đội Hắc Hải.”
Bộ Quốc phòng Anh hôm Chúa Nhật cho biết 26 tàu Nga đã bị hư hại hoặc phá hủy ở Hắc Hải trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 6 năm 2024. Hải quân Ukraine ước tính hơn 1 phần Ba hạm đội đã được di tản.
Đô đốc Sir Tony Radakin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết: “Trong năm qua, chúng ta đã chứng kiến Ukraine - một quốc gia hầu như không có lực lượng hải quân – đã buộc Hạm đội Hắc Hải của Nga phải đối mặt với sự kết hợp giữa máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn tầm xa”.
Ban tiếng Nga của BBC đưa tin, không có chiếc tàu nào mà quân đội Ukraine cho biết họ đã làm hư hại hoặc phá hủy trong năm qua xuất hiện trong cuộc duyệt binh hải quân chính ở St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.
Tướng Christopher Cavoli, nhà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Âu Châu của Mỹ, nói với các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 4 rằng mặc dù hải quân Nga “bị tổn thất đáng kể ở Hắc Hải”, lực lượng hải quân tổng thể của nước này vẫn mạnh và “hoạt động của hải quân Nga trên toàn thế giới đang ở đỉnh cao đáng kể”.
Truyền thông nhà nước Nga cho biết trước sự kiện rằng cuộc duyệt binh ở thủ đô sẽ “trình diễn các tàu và tàu tiếp tế của tất cả các quân chủng hải quân”.
Cuộc duyệt binh chính năm nay trên sông Neva, chạy qua St. Petersburg, có sự tham gia của 20 tàu mặt nước và pháo hạm, 4 tàu buồm và không có một tàu ngầm nào, Tass, một hãng thông tấn được nhà nước hậu thuẫn, đưa tin. Cơ quan này cho biết thêm, tính chung trên tất cả các địa điểm cả nước, có tới 200 tàu tham gia.
Năm 2023, Tass đưa tin, cuộc duyệt binh có sự tham gia của hơn 400 tàu chiến, pháo hạm và tàu ngầm thuộc 4 hạm đội. Nó cũng bao gồm 42 máy bay và trực thăng cùng hơn 3.500 binh sĩ.
3. Đức giao xe tăng Leopard 1 và các viện trợ khác cho Ukraine
Hôm Thứ Ba, 30 Tháng Bẩy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius, cho biết Berlin đã bàn giao 8 xe tăng Leopard 1 A5, 21.000 viên đạn cho pháo phòng không tự hành Gepard và các viện trợ khác trong đợt chuyển viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine.
Lô hàng còn bao gồm 2 xe thiết giáp Bergepanzer 2 cùng phụ tùng thay thế, 10 tàu mặt nước điều khiển từ xa cũng như 10 radar giám sát mặt đất.
Ukraine cũng nhận được 24.810 mũ bảo hiểm chiến đấu và một bệnh viện dã chiến.
Tám xe tăng Leopard 1 A5 cùng với các phụ tùng thay thế đã được chuyển giao theo sáng kiến chung với Đan Mạch.
Ban đầu là một đối tác do dự, Berlin đã trở thành nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn miễn cưỡng cung cấp một số năng lực quan trọng, cụ thể là hỏa tiễn tầm xa Taurus.
Berlin có kế hoạch tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 3,8 tỷ euro hay 4,13 tỷ Mỹ Kim vào năm 2024, Reuters đưa tin vào tháng 5, trích dẫn nguồn tin giấu tên.
4. Trục trặc với máy bay ném bom Putin ưu ái, vừa được báo cáo, mang đến tai ương cho bộ ba hạt nhân Nga
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Bomber's Reported Malfunction Sparks Russian Nuclear Triad Woes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.
Một kênh Telegram của Nga cho biết một trục trặc được báo cáo về máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-160M có khả năng hạt nhân, vốn được Putin thử nghiệm hồi đầu năm nay, đã gây ra những lo ngại cho bộ ba hạt nhân của nước này.
Putin đã bay trên chiếc máy bay phản lực Tupolev hiện đại hóa, còn được NATO gọi với mật danh “Blackjack” vào tháng 2. “Đó là một chiếc máy mới, có rất nhiều điều về nó cũng mới. Nó dễ dàng hơn để kiểm soát. Nó đáng tin cậy”, Putin nói vào thời điểm đó.
Hai tháng sau, vào ngày 11 tháng 4, chiếc máy bay tương tự đã bị rơi khi cất cánh tại Nhà máy sản xuất máy bay Kazan, theo báo cáo ngày 25 tháng 7 của VChK-OGPU, cơ quan được nhiều người cho là có quan hệ với các cơ quan an ninh Nga.
“Một vụ cháy ở một trong các động cơ, sau đó là sự phá hủy của nó với các mảnh vỡ vương vãi khắp nơi, dẫn đến hư hỏng và cháy cho 3 động cơ còn lại và sau đó là toàn bộ chiếc máy bay. Rất may không có thương vong”, kênh Telegram cho biết.
Bộ Tư pháp Nga hồi đầu tháng này đã bổ sung VChK-OGPU vào danh sách “đặc vụ nước ngoài” vì tội “phổ biến thông tin sai lệch nhằm tạo ra hình ảnh tiêu cực về quân đội Nga”.
“Thành phần hàng không trong bộ ba hạt nhân của Nga được cho là có nguy cơ thất bại nghiêm trọng do có thể có tham nhũng tại United Engine Corporation của Nga”, VChK-OGPU tuyên bố. Bộ ba hạt nhân là thuật ngữ đề cập đến hỏa tiễn hạt nhân phóng từ mặt đất, trên biển và trên không của Nga.
VChK-OGPU cho biết họ biết được rằng Putin đã gây áp lực lên Văn phòng Tổng Công tố Nga, Ủy ban Điều tra và Bộ Quốc phòng để đổ lỗi cho Công ty cổ phần nhà nước United Engine Corporation - công ty sản xuất động cơ cho hàng không quân sự và dân dụng - về trục trặc của Tu-160M.
Kênh này cho biết vụ tai nạn “có dấu hiệu phá hoại” và gây ra “thiệt hại đáng kể” cho lực lượng hạt nhân của Nga.
VChK-OGPU đã công bố những gì họ cho là một bức thư bị rò rỉ từ Xí nghiệp Sản xuất Khoa học của Công ty cổ phần nhà nước United Engine Corporation.
“Rõ ràng là vào ngày 22 tháng 2 năm 2024, chuyến bay dài của máy bay Tu-160M số 801 đã chở Tổng thống và Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga, và nó hoàn toàn có thể đã kết thúc trong một thảm kịch khủng khiếp như một tác nhân gây ra trận chiến hạt nhân trên toàn thế giới,” bức thư viết.
Nó cũng nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng do tình trạng kỹ thuật không đạt yêu cầu của một trong những phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân chính của Nga”, cảnh báo về “mối đe dọa tiềm tàng làm gián đoạn khả năng sẵn sàng chiến đấu của một bộ phận đáng kể trong máy bay ném bom chiến lược Tu-160M”.
Tu-160M là chiến đấu cơ nặng nhất thế giới và có thể mang theo 12 hỏa tiễn hành trình hoặc 12 hỏa tiễn hạt nhân tầm ngắn. Tupolev, nhà sản xuất nó, cho biết phiên bản tân trang của Tu-160 có hiệu quả cao hơn 60%.
5. Fico của Slovakia đe dọa cắt nguồn cung cấp dầu diesel cho Ukraine vì cắt đường vận chuyển dầu mỏ của Nga
Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Slovakia's Fico threatens to cut off diesel supplies to Ukraine over Russian oil dispute”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đe dọa cắt nguồn cung cấp dầu diesel cho Ukraine nếu Kyiv không nối lại việc vận chuyển dầu qua đường ống từ công ty Lukoil của Nga tới Trung Âu. Ông ta đưa ra lời đe dọa trên hôm Thứ Ba, 30 Tháng Bẩy.
Ông nói : “Nếu quá trình vận chuyển dầu của Nga qua Ukraine không được nối lại trong thời gian ngắn, công ty lọc dầu Slovakia Slovnaft sẽ không tiếp tục cung cấp nhiên liệu diesel cho Ukraine, vốn chiếm 1 phần 10 lượng tiêu thụ của Ukraine”.
Vào tháng 6, Kyiv đã áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn việc vận chuyển đường ống dẫn dầu từ Lukoil đến Trung Âu nhằm cắt đứt nguồn thu nhập của Điện Cẩm Linh dùng để hỗ trợ quân đội nước này. Lệnh cấm của Kyiv không áp dụng đối với các nhà xuất khẩu dầu khác của Nga vẫn sử dụng đường ống này.
Fico đã chỉ trích nặng nề động thái này, trước đó nói rằng Slovakia “không có ý định trở thành một con tin trong mối quan hệ Ukraine-Nga”.
Theo Politico, các hạn chế đã tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung cấp nhiên liệu ở Budapest, nơi phụ thuộc 70% nguồn cung dầu vào Nga, trong đó Lukoil cung cấp một nửa khối lượng đó.
Fico, một nhà dân túy thân Nga, đã ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi nhậm chức vào tháng 9 năm 2023. Động thái này là một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách đối ngoại của Slovakia.
Vào tháng 5, Fico bị bắn và bị thương nặng trong một vụ ám sát. Ông xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ vụ xả súng vào ngày 5 tháng 7, phát biểu trước những người ủng hộ trong bài phát biểu ca ngợi Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban.
Tóm lược vụ tranh chấp giữa một bên là Ukraine, và một bên là Hung Gia Lợi và Slovakia.
Thứ nhất, Viktor Orbán đã liên tục gây hấn với Ukraine bằng cách phủ quyết các khoản viện trợ dành cho Ukraine từ Liên Hiệp Âu Châu, và tìm mọi cách ngăn cản Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Tin rằng Ukraine không có bất cứ khả năng nào đánh trả, Orbán đi xa đến mức thực hiện một “sứ mệnh hòa bình” tự phong bao gồm cả các chuyến viếng thăm hai nhà độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Sau đó, ông ta viết một lá thư cho chủ tịch Hội Đồng Âu Châu thúc hối xét lại các khoản viện trợ cho Ukraine, và ép Kyiv phải đàm phán với Mạc Tư Khoa theo các điều khoản do Putin đặt ra. Để tạo áp lực, Orbán cảnh cáo rằng 2 tháng tới tình hình sẽ rất khủng khiếp nếu Liên Hiệp Âu Châu không can thiệp như ý ông muốn.
Thực ra, Ukraine có một vũ khí lợi hại để đánh trả Orbán. Đó là cấm không cho dầu Nga được đi qua Ukraine vào Hung Gia Lợi.
Thứ hai, sau khi bị cúp dầu, giá nhiên liệu tại Hung Gia Lợi và Slovakia đang tăng ở mức chóng mặt đe dọa nền kinh tế của hai quốc gia này. Hung Gia Lợi và Slovakia đã khởi kiện lên Liên Hiệp Âu Châu. Tuy nhiên, Liên Hiệp Âu Châu tỏ ra không gấp gáp giải quyết vụ này. Trước đó, họ đã khuyến nghị các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu không mua dầu của Nga và chuyển sang mua dầu của các nước khác, trong nỗ lực chung nhằm hạn chế thu nhập của Nga có thể được dùng trong nỗ lực chiến tranh. Hung Gia Lợi đã không giảm bớt thì chớ, lại còn tăng lượng nhập khẩu dầu từ Nga lên ít nhất 20% vì ham giá rẻ.
Cho đến nay, có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy Liên Hiệp Âu Châu sẽ không can thiệp, Kyiv sẽ không nao núng, cho đến khi Hung Gia Lợi và Slovakia đưa ra những nhượng bộ mà Ukraine chấp nhận được. Theo các quan sát viên nếu tình hình hiện nay kéo dài, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orbán sẽ đổ trong cuộc bầu cử sắp tới.
6. Quân đội Nga bị tấn công bởi cao trào đào ngũ mới
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Army Hit by New Spike in Desertions”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các nguồn tin của Nga cho biết một số binh sĩ Nga đã rời bỏ vị trí của họ trong những tuần gần đây, khi giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Ukraine và số thương vong ngày càng tăng.
Các báo cáo được truyền thông độc lập của Nga lưu hành trong những tuần gần đây và các nguồn tin tức có liên hệ với chính quyền Mạc Tư Khoa cho thấy đã có nhiều trường hợp binh sĩ bỏ vị trí hoặc trốn khỏi khu huấn luyện quân sự.
Trong số các trường hợp có 9 tù nhân được cho là đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga nhưng đã trốn thoát khỏi một khu huấn luyện ở khu vực biên giới Belgorod vào tuần trước
Trong một diễn biến khác, theo các báo cáo trên các phương tiện truyền thông Nga, một chỉ huy người Nga, có tên là Yevgeny Zarubin, đang bị truy nã vì trốn khỏi đơn vị của ông, đang chiến đấu xung quanh thị trấn Vovchansk phía đông bắc Ukraine, hãng tin độc lập Astra của Nga đưa tin hôm Chúa Nhật.
Thị trấn biên giới, cách vùng Belgorod vài dặm, đã chứng kiến các cuộc đụng độ dữ dội kể từ khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc tấn công vào khu vực Kharkiv phía đông bắc Ukraine vào đầu tháng 5.
Truyền thông Ukraine đã chia sẻ đoạn phim cho thấy Zarubin rõ ràng rất hoang mang sau khi dẫn đầu một cuộc tấn công vào Vovchansk.
Các kênh Telegram của Nga cũng đưa tin trong tháng này rằng một binh sĩ Nga đã bị kết án 10 năm tù trong một cơ sở an ninh tối đa sau khi đào ngũ khỏi lực lượng vũ trang và tham gia vào một cuộc ẩu đả dẫn đến cái chết của một phụ nữ. Trong một vụ việc khác, một binh sĩ Nga được cho là đã bắn hai binh sĩ Nga khác trước khi rời vị trí.
Tình trạng đào ngũ đã gây khó khăn cho quân đội Nga đang chiến đấu ở Ukraine kể từ những tháng đầu của cuộc chiến.
Chiến thuật biển người gây nhiều thương vong của Nga đã thu hút sự chú ý đặc biệt đến tinh thần của hàng ngũ Mạc Tư Khoa.
Vào tháng 11 năm 2022, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các tướng lĩnh Mạc Tư Khoa có thể đã chuẩn y việc sử dụng vũ khí chống lại những người đào ngũ, “bao gồm cả việc có thể cho phép nổ súng để giết những người bỏ trốn như vậy sau khi cảnh báo được đưa ra”.
Vào giữa tháng 6 năm 2024, hãng tin độc lập Mediazona của Nga đưa tin rằng hơn 10.000 chiến binh Nga đã bị cáo buộc từ chối phục vụ kể từ tháng 2 năm 2022. Phần lớn bị cáo buộc rời bỏ đơn vị của họ mà không được phép và 339 người phải đối mặt với cáo buộc đào ngũ, hãng tin này đưa tin.
Vào cuối tháng 4 năm 2024, cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine cho biết tình trạng đào ngũ đang gia tăng trong các lực lượng trực thuộc Quân khu phía Nam của Nga, bao gồm các khu vực phía Tây Nam nước Nga.
Vào thời điểm đó, GUR cho biết hơn 18.000 binh sĩ Nga đã “rời khỏi quân ngũ tại các đơn vị chiến đấu của quận mà không được phép”. Cơ quan này cho biết thêm, khoảng 12.000 chiến binh trong số này là thành viên của Quân đoàn vũ khí kết hợp số 8, lực lượng “thường xuyên tham gia vào các cuộc chiến ở miền đông Ukraine”.
GUR cho biết hầu hết những người lính này đều được Mạc Tư Khoa huy động. Theo cơ quan tình báo quân đội, hơn 2.500 binh sĩ từ Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 58 đã đào ngũ.
Riêng biệt, vào tháng 3, Mediazona báo cáo rằng gần 700 bản án đã được đưa ra chỉ trong tháng 3 vì “vắng mặt không phép”.
Số nguyên nhân dẫn đến “vắng mặt không phép” tăng vọt sau khi Điện Cẩm Linh tuyên bố huy động một phần vào tháng 9 năm 2022, nhưng “mức tăng trưởng vào năm 2024 là chưa từng có”, hãng tin này đưa tin.
Vào đầu Tháng Giêng năm 2024, nhà lãnh đạo dự án Get Lost, một nhóm phản chiến của Nga cung cấp các nguồn lực để giúp người Nga trốn khỏi nghĩa vụ quân sự, nói với tờ báo độc lập Novaya Gazeta có trụ sở tại Âu Châu rằng, đến tháng 10 năm 2023, cứ năm người thì có gần một người liên hệ với dự án đã quan tâm đến việc đào ngũ.
Các công ty quân sự tư nhân, thường được phương Tây gọi là tổ chức lính đánh thuê, và các đơn vị “Storm-Z” có mức độ đào ngũ cao nhất, tờ báo độc lập của Nga The Insider đưa tin vào cuối tháng 5. Mạc Tư Khoa đã dựa vào những chiến binh này trong một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất ở những khu vực khốc liệt nhất của tiền tuyến ở Ukraine.
7. Liên Hiệp Âu Châu tức giận với Hung Gia Lợi, Slovakia vì tranh chấp dầu mỏ Nga với Ukraine
Các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu không thông cảm với những phàn nàn của Budapest và Bratislava về việc Kyiv chặn đường ống dẫn dầu của Nga, Politico đưa tin hôm Thứ Ba, 30 Tháng Bẩy, trích dẫn các cuộc đàm phán hậu trường giữa các nhà ngoại giao Âu Châu.
Hung Gia Lợi và Slovakia đã quay sang Liên Hiệp Âu Châu hồi đầu tháng này khi các lệnh trừng phạt của Ukraine đã ngăn chặn hiệu quả nguồn cung từ công ty Lukoil của Nga sang hai nước Trung Âu thông qua đường ống Druzhba.
Các quan chức Hung Gia Lợi và Slovakia phàn nàn rằng Kyiv đang vi phạm thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Âu Châu và yêu cầu Ủy ban Âu Châu can thiệp.
Cả hai nước cũng đe dọa sẽ có những hậu quả đơn phương chống lại Ukraine, bao gồm cả việc chặn các quỹ quốc phòng của Liên Hiệp Âu Châu hoặc ngừng cung cấp diesel cho Ukraine.
Trong khi các quan chức Liên Hiệp Âu Châu công khai hứa sẽ xem xét vấn đề, họ lại bày tỏ sự bực tức một cách riêng tư vì cả Hung Gia Lợi và Slovakia đều không thể giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga trong khi nhiều quốc gia thành viên khác đã làm được, Politico viết.
Khối này bắt đầu loại bỏ nguồn cung cấp của Nga sau khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bùng nổ vào năm 2022, nhưng Hung Gia Lợi và Slovakia nằm trong số ít quốc gia được miễn lệnh cấm đối với đường ống dẫn dầu của Nga, với điều kiện là họ phải nhanh chóng tìm được nhà cung cấp thay thế.
Hung Gia Lợi lại làm ngược lại là tăng khối lượng giao dịch dầu khí với Nga kể từ đó.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi Peter Szijjarto, nguồn cung cấp Lukoil chiếm 33% lượng dầu thô nhập khẩu của Hung Gia Lợi, cũng như từ 40 đến 45% lượng nhập khẩu của Slovakia.
Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, từ lâu được coi là quốc gia thân thiện nhất với Điện Cẩm Linh trong Liên Hiệp Âu Châu, liên tục cản trở các biện pháp trừng phạt chống Nga và viện trợ quân sự cho Kyiv. Quan điểm của Hung Gia Lợi hiện nay thường được lặp lại ở Bratislava kể từ khi Thủ tướng Robert Fico, người hoài nghi Ukraine, nhậm chức vào mùa thu năm ngoái.
Hung Gia Lợi không chỉ liên hệ với Brussels trong nỗ lực giải quyết vấn đề.
Szijjarto cho biết ông đã có cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nga và Slovakia, Sergey Lavrov và Juraj Blanar, vào ngày 29 tháng 7 về “lệnh cấm quá cảnh Ukraine”.
“ Tôi vẫn giữ vững quan điểm rằng Ukraine vi phạm thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Âu Châu bằng cách gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của chúng tôi... chúng tôi liên tục phân tích các giải pháp pháp lý và kỹ thuật khả thi để bảo đảm việc tiếp tục cung cấp dầu của chúng tôi”, ông ta nói.
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với Reuters rằng lệnh cấm quá cảnh Lukoil được áp dụng theo các lệnh trừng phạt đối với công ty và “không liên quan gì đến việc tống tiền”.
8. Truyền hình Nhà nước Nga thốt ra mối đe dọa đáng lo ngại đối với Mỹ: 'Alaska của chúng ta'
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian State TV Slips in Ominous US Threat: 'Our Alaska'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga nói rằng Alaska thuộc về Nga, làm sống lại nỗ lực được các nhà tuyên truyền thúc đẩy trong suốt cuộc chiến ở Ukraine rằng Mạc Tư Khoa có thể chiếm giữ tiểu bang này của Mỹ.
Trong buổi phát sóng chương trình 60 Minutes của Russia-1, nhà tuyên truyền Olga Skabeeva đã gọi tiểu bang của Mỹ là “Alaska của chúng ta”, Agentstvo, một trang web điều tra của Nga, đưa tin hôm Thứ Ba, 30 Tháng Bẩy.
Alaska từng thuộc về Nga. Năm 1867, nó được bán cho Mỹ sau khi Tổng thống lúc bấy giờ là Andrew Johnson ký Hiệp ước Alaska. Nó được công nhận là một tiểu bang vào ngày 3 Tháng Giêng năm 1959. Alaska và Nga cách nhau khoảng 53 dặm hay 85 km tại điểm gần nhất.
Skabeyeva đưa ra nhận xét này sau khi chuyên gia Adalbi Shkhagoshev, đại biểu Quốc hội Nga, Duma Quốc gia, bình luận về một cuộc tuần tra chung do Nga và Trung Quốc tổ chức vào tuần trước diễn ra trong phạm vi 200 dặm hay 320 km từ bờ biển Alaska.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga và máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc, cùng với sự hộ tống của các máy bay phản lực Su-30SM và Su-35S của Nga, đã cùng nhau hoạt động trên phía bắc Thái Bình Dương và Biển Bering. Nó đánh dấu lần đầu tiên hai nước bị chặn khi hoạt động cùng nhau.
“Máy bay của chúng ta đã tiếp cận biên giới Alaska,” Shkhagoshev nói về cuộc tuần tra chung, trước khi bị Skabeyeva cắt ngang, và nói không chính xác rằng thứ trưởng Duma Quốc gia đã nói “Alaska của chúng ta”.
Các nhà tuyên truyền trên truyền hình nhà nước, bao gồm cả Skabeyeva, thường đưa ra ý tưởng tấn công hoặc chiếm giữ lãnh thổ của các thành viên NATO trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Mạc Tư Khoa cáo buộc phương Tây đồng lõa trong cuộc chiến khi cung cấp cho Kyiv viện trợ quân sự, vũ khí và thiết bị để chống lại lực lượng Nga.
Vào tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phản ứng với sắc lệnh của Điện Cẩm Linh sau tuyên bố rằng Putin đã trao cơ sở cho Nga để đòi lại Alaska.
Điện Cẩm Linh đã ký sắc lệnh liên quan đến việc nắm giữ bất động sản lịch sử của Nga ở nước ngoài, chỉ đạo và tài trợ cho chính quyền tổng thống và bộ ngoại giao trong việc “tìm kiếm bất động sản ở Liên bang Nga, Đế quốc Nga cũ, Liên Xô cũ”, sau đó đề cập đến “các chính sách thích hợp để ghi danh và bảo vệ pháp lý đối với tài sản này”
Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ đồn đoán rằng Putin có thể tìm cách chiếm Alaska.
“Tôi đại diện cho tất cả chúng tôi trong chính phủ Mỹ để nói rằng, chắc chắn, ông ấy sẽ không lấy lại được số tiền đó”, Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết hôm 22 Tháng Giêng.
9. Đoạn phim kinh dị cho thấy đống đổ nát của đoàn tàu chở khách Nga bị trật bánh sau vụ va chạm với xe tải khi băng qua khiến 20 người bị thương
Tờ The Sun có trụ sở ở London cho biết như trên. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Hôm Thứ Ba, 30 Tháng Bẩy, Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, cho biết một đoàn tàu chở khách đã trật khỏi đường ray đột ngột sau khi va chạm với một xe tải ở Nga, khiến ít nhất 20 người bị thương.
Đoàn tàu đâm vào xe tải tại một giao lộ ở vùng Volgograd ở phía tây nam đất nước vào lúc 12h35 trưa. Theo báo cáo địa phương, chiếc xe tải đã cố gắng băng qua đường ray khi đèn đỏ.
Khoảng 324 chuyên gia của Bộ Tình trạng khẩn cấp và 109 thiết bị đang làm việc tại địa điểm tàu khách trật bánh ở Kotelnikovo. Hai trực thăng khẩn cấp Mi-8 đã được điều động đến hiện trường.
Theo hãng tin nhà nước TASS, có 812 người trên tàu và hơn 20 người bị thương. Interfax trước đó đưa tin có hơn 100 người bị thương, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, tờ Shock của Nga đưa ra những con số nghiêm trọng hơn, cho biết có 140 người bị thương và 2 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Hỏa xa Nga cho biết cho đến nay không có trường hợp tử vong nào.
Tài xế xe tải bị thương nặng Aslambek Usmatov, 43 tuổi, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo Shot, một người phụ nữ đã bị kẹp chân và các dịch vụ cấp cứu đang cố gắng kéo cô ấy ra ngoài.
TASS đưa tin các hành khách đang được điều trị tại hiện trường và được đưa đến bệnh viện.
Hàng trăm công nhân được cho là đang dọn dẹp địa điểm khi giao thông qua đường ray bị đình chỉ. Nhiều người đã leo lên đoàn tàu bị lật để giải thoát nạn nhân ngay sau vụ va chạm.
Người lái tàu đã dùng hệ thống thắng khẩn cấp nhưng không thể dừng tàu trước khi đâm vào xe tải. Đây là vụ tai nạn tàu hỏa thảm khốc thứ hai trong vòng một tháng ở Nga.
Tháng trước, hai người thiệt mạng và 70 người bị thương trong một vụ tai nạn liên quan đến một chuyến tàu du lịch từ thị trấn khai thác mỏ ảm đạm Vorkuta ở Bắc Cực đến khu nghỉ dưỡng Novorossiysk ở Hắc Hải.