1. Những vụ tự đánh bom ngẫu nhiên của Nga vượt qua cột mốc nghiệt ngã
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Accidental Self-Bombings Pass Grim Milestone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Ba nhà máy lọc dầu trong tỉnh Belgorod đang cháy phừng phừng sau các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine. Cháy nhiều đến mức Vasily Golubev, Thống đốc khu vực Rostov của Nga, nhấn mạnh rằng ông không thể đếm nổi có bao nhiêu bể chứa dầu đang cháy, và phải yêu cầu các tỉnh lân cận giúp dập tắt các trận hỏa hoạn đang hoành hành. Trong bối cảnh đó, hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, Golubev cho biết tỉnh của ông lại gặp thêm một khó khăn nữa khi một phi công Nga lái chiến đấu cơ ném bom SU-34 đã dội bom nhầm vào quận Shebekinsky của Belgorod vào trưa ngày Thứ Tư.
Theo đánh giá của hãng truyền thông độc lập tiếng Nga Astra, số vụ đánh bom vô tình của Nga trên lãnh thổ của Nga và các khu vực ở Ukraine mà nước này xâm lược trong 4 tháng qua đã lên tới ba con số.
Mạc Tư Khoa trước đó đã thừa nhận rằng máy bay của họ đã ném bom nhầm lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Nga, khi các khu định cư và thành phố do Ukraine nắm giữ phải đối mặt với sự tấn công dữ dội của bom dẫn đường trên không cực mạnh.
Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở tỉnh Belgorod giáp Ukraine và là nơi có các căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga. Khu vực này là nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa mà Mạc Tư Khoa đổ lỗi cho Ukraine vì khu vực này bị rung chuyển bởi các vụ nổ gần như hàng ngày.
Trong những vụ việc được báo cáo mới nhất, Astra cho biết một quả bom trên không của Liên Xô FAB với đầu đạn nổ mạnh đã được ném xuống một tòa nhà dân cư ở thị trấn Krapivnoye, thuộc quận Shebekinsky của Belgorod. Thiệt hại vẫn đang được làm rõ.
Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu, quận Shebekinsky của Belgorod cũng bị ném bom nhưng may mắn là nó không nổ. Cùng ngày hôm đó, một quả bom khác được tìm thấy tại một cánh đồng gần làng Dobroye. Trong cả hai trường hợp, những quả bom này đều không nổ.
Cuối ngày thứ Ba, một quả bom thứ ba được phát hiện ở làng Tseplyaevo-Vtoroye. Golubev cho biết may mắn là cả 3 quả bom đều không nổ, nhưng yêu cầu các phi công Nga vui lòng đừng ném bom lãnh thổ của ông nữa.
Astra nói rằng điều này có nghĩa là tổng số quả bom vô tình rơi trúng lãnh thổ Nga – và những vùng đất mà nước này chiếm giữ trong 4 tháng qua - đã lên tới 103.
Tuy nhiên, những sự việc đáng chú ý khác đã gây ra nhiều thiệt hại hơn những báo cáo mới nhất này. Tháng trước, 7 người bị thương và hàng chục gia cư bị hư hại khi một máy bay Nga thả chiếc FAB-500 xuống Belgorod trong cuộc không kích vào thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 4 Tháng Năm.
Gần hai tuần sau, máy bay quân sự Nga thả 8 quả bom FAB xuống vùng Belgorod vào ngày 16 Tháng Năm, theo Astra các khu vực bị ném bom đã bị phong tỏa và con số thương vong bị dấu kín.
Đã có những sự việc khác về các cuộc tấn công tình cờ của không quân Nga trước đó trong cuộc chiến. Vào tháng 4 năm 2023, một chiến đấu cơ Sukhoi-34 của Nga đã vô tình ném bom vào ngay trung tâm của thành phố Belgorod để lại một miệng núi lửa rộng 60 feet hay 18 m và khiến một khu chung cư phải di tản. Video trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ đã nâng một chiếc xe lên nóc một siêu thị trong một sự việc mà Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận là do “vật liệu máy bay vô tình phóng ra”.
2. Tòa án Mạc Tư Khoa kết án vắng mặt Đại tá Ukraine bắn hạ máy bay do thám A-50U của Nga
Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, sau các báo cáo của Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, theo đó các cuộc điều tra cho biết Kyiv đã bắn hạ một máy bay A-50U vào tháng 2 được cho là không có vũ khí; một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã kết án vắng mặt Đại tá Ukraine Mykola Dzyaman.
Ủy ban điều tra và cơ quan phản gián quân sự của FSB đã cáo buộc Đại tá Mykola Dzyaman, chỉ huy Lữ đoàn hỏa tiễn phòng không số 138 của Lực lượng vũ trang Ukraine, đã ra lệnh bắn rơi một máy bay A-50U của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã đưa ông vào danh sách truy nã và kết án vắng mặt ông, Kommersant đưa tin, trích dẫn tài liệu của tòa án.
Vì chiếc máy bay trị giá lên đến 350 triệu Mỹ Kim, bị tấn công trên bầu trời Nga và không liên quan trực tiếp đến chiến sự nên một vụ án hình sự khủng bố đã được mở ra.
Theo Trung Tướng Igor Krasnov, vào ngày 23 tháng 2 năm 2024, một máy bay A-50U của Nga đang tuần tra không phận trên Krasnodar Krai, Đại tá Dzyaman được cho là đã nhận ra rằng chiếc máy bay này không trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu ở Ukraine, đang bay trên lãnh thổ Nga và không được trang bị vũ khí, nhưng đã ra lệnh cho cấp dưới của mình tấn công nó, khiến 10 người trong phi hành đoàn thiệt mạng.
A-50 cung cấp một số chức năng quan trọng cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, như phát hiện các hệ thống phòng không, hỏa tiễn dẫn đường và điều phối mục tiêu cho chiến đấu cơ Nga. Nga sở hữu chưa tới 10 chiếc máy bay loại này. Máy bay A-50 có giá ước tính khoảng 350 triệu Mỹ Kim.
Theo cách giải thích của Nga, sự việc có vẻ diễn ra như một cơ hội bất ngờ và Đại tá Dzyaman đã nhanh chóng đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, theo Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội, gọi tắt là HUR, chiếc máy bay cảnh báo sớm A-50U đã bị phục kích sau nhiều lần bay theo một thời khóa biểu có thể đoán trước được.
HUR sau đó đưa tin rằng sau khi A50U bị bắn rơi, người Nga đã rút 5 máy bay của họ khỏi hoạt động chiến đấu. Một số máy bay này đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc không kích gần Avdiivka.
Vào tháng 4, Lực lượng Ukraine đã lần đầu tiên bắn hạ máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-22M3 của Nga mà NATO gọi là Backfire.
Nguồn tin cho biết hệ thống phòng không S-200 đã được sử dụng để bắn hạ máy bay Nga cách Ukraine khoảng 300 km.
Theo các tin tức từ Kyiv, Đại tá Dzyaman không còn là một Đại Tá, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng ngay sau chiến công oanh liệt hạ gục chiếc A50 của Nga. Nhà độc tài Putin chỉ có tối đa 10 chiếc A50. Chiếc vừa bị quân Ukraine hạ gục là chiếc thứ hai bị phá hủy. Chiếc đầu tiên bị phá hủy là một chiếc đang đậu ở phi trường Machulishchy của Belarus, cách Thủ đô Minsk 12 km. Nó bị du kích Belarus đặt bom phá tan tành ngày 27 Tháng Hai, 2023.
3. Đồng minh của Putin đưa ra cảnh báo về một cuộc tổng phản công của Ukraine
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Issues Stark Ukraine 'Offensive' Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo một chính trị gia Nga có quan hệ thân thiết với Vladimir Putin, quân đội Ukraine đang sử dụng máy bay điều khiển từ xa để rải mìn dọc tiền tuyến trước một cuộc tổng phản công.
Bình luận này được đưa ra trên kênh truyền thông xã hội Telegram bởi Dmitry Rogozin, cựu tổng giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, người hiện đang giữ chức thượng nghị sĩ tại vùng Zaporizhzhia do Mạc Tư Khoa xâm lược của Ukraine.
Ông cho rằng việc Kyiv sử dụng máy bay điều khiển từ xa sản xuất trong nước có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công của Ukraine.
Rogozin nói với các cơ quan truyền thông Nga hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu: “Baba Yagas của Ukraine hiện được đối phương sử dụng vào ban đêm chỉ để gài mìn từ xa trên tất cả các tuyến đường dọc theo tiền tuyến của chúng ta”. “Việc này thường được thực hiện trước một cuộc tấn công.”
Rogozin trước đây đã bày tỏ mối quan ngại của mình về những chiếc máy bay điều khiển từ xa này, khi đăng một loạt hình ảnh vào tháng 4 về những gì ông nói là các thiết bị này và mô tả chúng là một loại vũ khí “cực kỳ nguy hiểm” có thể tiến hành trinh sát và thả đạn dược. Tuần trước, ông cho biết quân đội Nga đã bắt giữ một trong những máy bay điều khiển từ xa và sẽ nghiên cứu cách chế tạo nó.
Còn được gọi là “máy bay điều khiển từ xa ném bom ma cà rồng”, máy bay điều khiển từ xa sáu cánh quạt Baba Yaga được trang bị camera hồng ngoại, có thể mang đầu đạn hỏa tiễn nặng tới 15 kg và di chuyển với tốc độ lên tới 64 km một giờ.
Rogozin không cung cấp thêm bằng chứng nào về ý định tấn công của Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng Tư cho biết Kyiv đã có kế hoạch cho một cuộc tấn công mới, đang chờ hỗ trợ quân sự thêm từ Washington sau khi khoản tiền 61 tỷ Mỹ Kim đã được các nhà lập pháp Mỹ thông qua.
Ukraine đang chờ đợi việc giao đầy đủ vũ khí của Mỹ với hy vọng chúng có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép Kyiv sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào một số mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ Nga, sau những lo ngại trước đây của Washington về tình trạng leo thang.
Randall Stone, giáo sư chính trị tại Đại học Rochester ở New York nói với Newsweek rằng việc dỡ bỏ hạn chế tấn công ở Nga là một bước leo thang nhỏ hơn so với những biện pháp khác đã được công bố, chẳng hạn như cho phép chuyển giao chiến đấu cơ F-16.
Stone nói: “Putin đã cho thấy rằng ông ấy không muốn leo thang hoặc mở rộng chiến tranh, ít nhất là chừng nào ông ấy nghĩ rằng mình đang thắng”. “Nga hiện đang giành được một số thắng lợi trên chiến trường và có khả năng đang chờ kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11, vì vậy Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía mình”.
Theo tờ Il Fatto Quotidiano, hôm thứ Ba cũng có thông tin cho rằng Ý có thể cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow, cũng như một hệ thống phòng không SAMP/T khác, trong gói viện trợ mới nhất của Rôma dành cho Kyiv.
4. Canada giáng đòn trừng phạt mới vào Nga về những vi phạm nhân quyền
Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 13 cá nhân Nga liên quan đến cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và “những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống liên tục” của Mạc Tư Khoa, chính phủ Canada tuyên bố hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu.
Navalny, đối thủ chính trị chính của Putin, qua đời vào ngày 16 Tháng Hai tại một trại giam ở miền bắc nước Nga, sau khi bị kết án trong một số vụ án hình sự bịa đặt trong khuôn khổ cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến của Điện Cẩm Linh.
Các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các quan chức cao cấp trong cơ quan điều tra, nhà tù và lực lượng cảnh sát của Nga, những người có vai trò trong vụ ngược đãi và giết chết Navalny.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết: “Khi chúng ta đang sống trong thời kỳ có nhiều cuộc khủng hoảng liên kết với nhau, điều quan trọng là phải tập trung vào những nỗ lực của người Nga trong cuộc đấu tranh vì các quyền và tự do cơ bản của họ”.
“Các biện pháp trừng phạt hôm nay tiếp tục thể hiện một mặt trận mạnh mẽ chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn liên tục của Điện Cẩm Linh cũng như việc nước này đàn áp xã hội dân sự và phe đối lập chính trị ở Nga.”
Joly được tường trình đã nói chuyện với Yulia Navalnaya, góa phụ của Navalny, để chia sẻ thông báo trừng phạt.
Canada mới đây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Nga vào ngày 13 Tháng Sáu trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, ở Ý. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào 11 cá nhân và 16 thực thể Nga được cho là đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine.
Liên minh Âu Châu ngày 27 Tháng Năm công bố cơ chế trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cái chết của Navalny.
5. SBU cho biết cộng tác viên Nga bị buộc tội do thám các vị trí của Ukraine gần Bakhmut đã bị kết án 15 năm tù
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko, thông báo rằng một cộng tác viên cho Nga do thám các vị trí của Ukraine gần Bakhmut vào mùa xuân năm 2023 đã bị kết án 15 năm tù.
Theo Dekhtiarenko, người đàn ông chưa được nêu tên đã cung cấp vị trí địa lý của các vị trí quân đội Ukraine cho các đặc vụ Nga, những người sau đó sử dụng thông tin tình báo để lên kế hoạch cho các hoạt động liên quan đến bom trên không, pháo binh và các cuộc tấn công trên bộ.
Người đàn ông Ukraine, gốc Nga, cư dân Kostyantynivka ở tỉnh Donetsk, bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2023 khi anh ta đang tích cực tiến hành trinh sát gần một cơ sở quân sự. Người đàn ông này ban đầu được tuyển dụng bởi một nhân viên của cơ quan tình báo Nga và được hứa trả lương.
Người đàn ông này thường xuyên liên lạc với các đặc vụ Nga bằng tài khoản ẩn danh thông qua ứng dụng nhắn tin. Theo SBU, các cuộc trò chuyện bằng văn bản thường xuyên bị người đàn ông xóa để tránh bị phát hiện.
Người cộng tác đã bị kết án theo điều 111 của Bộ luật Hình sự Ukraine - hành vi phản quốc được thực hiện trong tình trạng thiết quân luật.
Cuộc điều tra ban đầu được thực hiện bởi SBU ở tỉnh Donetsk và Luhansk dưới sự giám sát của văn phòng công tố khu vực Donetsk.
6. Tòa án nhân quyền Âu Châu ra phán quyết chống lại luật 'tổ chức không mong muốn' của Nga
Luật pháp của Nga coi các tổ chức nước ngoài là “không mong muốn” và việc Mạc Tư Khoa truy tố các cá nhân liên quan đến các nhóm đó vi phạm Công ước Âu Châu về Nhân quyền, Tòa án Nhân quyền Âu Châu, gọi tắt là ECHR, đưa ra lập trường trên trong một phán quyết đồng thanh ban hành ngày 18 tháng 6.
Luật về các tổ chức “không mong muốn” đã có từ năm 2015 và được sử dụng để nhắm vào những người được cho là đối thủ của chế độ Putin.
Một hội đồng gồm bảy thẩm phán đã đồng thanh ra phán quyết rằng luật này vi phạm các điều khoản của công ước về quyền tự do hội họp, hiệp hội và tự do ngôn luận.
“Tòa án nhận thấy rằng các quy định pháp lý liên quan đến 'tổ chức không mong muốn' không được xây dựng đủ chính xác để giúp các tổ chức nộp đơn có thể thấy trước rằng hành động của họ, thường là hợp pháp, sẽ dẫn đến việc bị phân loại là 'không mong muốn' và bị cấm các hoạt động của họ bên trong nước Nga,” ECHR cho biết trong một tuyên bố.
Vụ kiện được đệ trình bởi Quỹ Andrey Rylkov và những tổ chức khác thay mặt cho bốn tổ chức có trụ sở bên ngoài nước Nga - Quỹ Nước Nga Tự do ở Washington, Đại hội Thế giới Ukraine ở Toronto, Hiệp hội các Trường Nghiên cứu Chính trị của Hội đồng Âu Châu ở Strasbourg, và Thông tin Spolecnost Svobody ở Praha.
Bốn tổ chức này bị coi là “không mong muốn” theo luật pháp Nga, trong khi những người nộp đơn khác bị kết án vì liên kết với các tổ chức cũng được coi là “không mong muốn”.
Hiện có 160 tổ chức như vậy bị liệt vào danh sách “không mong muốn”, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan truyền thông độc lập, các nhóm nhân quyền, các tổ chức bác ái và các tổ chức khác.
Các tổ chức thuộc danh sách này bị cấm hoạt động ở Nga và việc các cá nhân hoặc cơ quan truyền thông khác chia sẻ các tin tức liên quan đến họ là bất hợp pháp. Chính phủ Nga đã thông qua luật vào ngày 13 tháng 5, mở rộng danh sách các tổ chức “không được mong muốn” để bao gồm cả những tổ chức được nước ngoài tài trợ. Caritas và hầu hết các tổ chức bác ái Công Giáo được Tòa Thánh tài trợ được xác định là các tổ chức “không mong muốn” theo luật pháp Nga.
7. Ukraine mong đợi sự tăng cường hỏa tiễn Storm Shadow từ đồng minh NATO
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Eyes Storm Shadow Boost from NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo một báo cáo, Ukraine có thể sớm nhận được hỏa tiễn hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không Storm Shadow từ đồng minh NATO Ý như một phần của gói viện trợ quân sự mới.
Gói viện trợ quân sự thứ chín từ Ý đến Ukraine trong bối cảnh Nga xâm lược toàn diện đất nước này sẽ bao gồm hệ thống phòng không SAMP/T, cũng như một loạt hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow, các nguồn tin có thẩm quyền quen thuộc với vấn đề này nói với tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano trong một bài báo đăng hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu.
Cho đến nay, Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow, có tầm bắn chính thức vượt quá 155 dặm hay 250 km và được trang bị đầu đạn nặng 450 kg có thể được triển khai chống lại các mục tiêu cố định.
Kyiv cho đến nay đã sử dụng vũ khí này để nhắm vào các tài sản quan trọng của Nga, bao gồm một tàu chiến và tàu ngầm Rostov-on-Don, có trụ sở tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, vào tháng 9 năm 2023.
Gói mới nhất của Ý sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto trình lên ủy ban giám sát tình báo quốc hội vào cuối tháng.
Timothy Wright, cộng tác viên nghiên cứu về Phân tích Quốc phòng và Quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, lưu ý rằng hỏa tiễn Storm Shadow mang đến cho Ukraine “khả năng được cải thiện để ngăn chặn các mục tiêu có giá trị cao trong lãnh thổ bị tạm chiếm, chẳng hạn như phi trường, trung tâm hậu cần và các nút chỉ huy và kiểm soát, một số trong số đó cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm bắn của vũ khí dẫn đường do phương Tây cung cấp”.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, hơn hai năm sau cuộc chiến do Mạc Tư Khoa phát động vào tháng 2 năm 2022. Một số thành viên NATO đã bật đèn xanh cho Kyiv tấn công lãnh thổ Nga sử dụng vũ khí họ đã cung cấp.
Vào tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã công khai tuyên bố Vương Quốc Anh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để tấn công trên đất Nga.
“Ukraine có quyền đó. Giống như việc Nga đang tấn công bên trong Ukraine, bạn hoàn toàn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải bảo đảm rằng họ có thể tự vệ”, Ngoại trưởng Cameron nói hồi tháng 5.
Putin đã cảnh báo Ukraine không được sử dụng vũ khí tầm xa do các thành viên NATO cung cấp để tấn công nước ông. Ông nói vào tháng trước rằng làm như vậy có thể gây ra “một cuộc xung đột toàn cầu”.
8. Các quan chức Berlin cho biết Nga chuyển sang tống tiền và chi nhiều tiền để tuyển mộ gián điệp Đức
Các quan chức Berlin cho biết hôm 18 Tháng Sáu rằng Nga đang “làm việc chăm chỉ” để chặn đứng những ảnh hưởng tai hại từ việc trục xuất các nhà ngoại giao khỏi Đức. Họ đang chuyển sang tống tiền và dụ dỗ trả những khoản tiền lớn để tuyển dụng gián điệp.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã phải đối mặt với sự gián đoạn sau khi các báo cáo tình báo của FSB đánh giá thấp năng lực phòng thủ của Ukraine, khiến Putin đã quản thúc tại gia nhiều quan chức hàng đầu.
Âu Châu sau đó đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao bị nghi ngờ hoạt động gián điệp, cản trở nghiêm trọng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mạc Tư Khoa.
Phát biểu ngày 18 Tháng Sáu, nhà lãnh đạo Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức, gọi tắt là BfV, Thomas Haldenwang, cho biết một số vụ việc gần đây cho thấy Nga đang đầu tư số tiền lớn để tuyển dụng gián điệp mới cũng như sử dụng các kỹ thuật tống tiền.
“Nga đang nỗ lực để bù đắp cho việc chính phủ Đức cắt giảm số lượng điệp viên Nga ở Đức”, ông nói trong bình luận được Reuters đưa tin.
Một báo cáo mới từ BFV nêu bật một trường hợp trong đó hai người Đức bị buộc tội làm gián điệp cho Nga vào năm ngoái đã được trả 428.560 Mỹ Kim.
Báo cáo cho biết: “Chi phí tình báo rất lớn này cho thấy các cơ quan của Nga tiếp tục có nguồn tài chính khổng lồ để theo đuổi mục tiêu tình báo của họ”.
Ông cũng cho biết các nhà ngoại giao Đức rất dễ bị tống tiền và “ngay khi họ có được thông tin gây tổn hại về mục tiêu của mình, các cơ quan này sẽ không ngần ngại sử dụng các kỹ thuật tuyển dụng tích cực”.
Nhiều quốc gia Âu Châu đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các hoạt động gián điệp của Nga trong những tháng gần đây.
Các quan chức Âu Châu nói rằng quyết định của Putin để mở biên giới Nga sau cuộc xâm lược tháng 2 đã cho phép các điệp viên FSB tham gia cùng hàng ngàn người Nga đã trốn khỏi đất nước để tránh bị huy động.
Đồng thời, Tổng cục phản gián quân sự thứ ba, gọi tắt là DKVR, của FSB - cơ quan do thám quân đội Nga và ngăn chặn việc đào tẩu - đã trở thành đơn vị lớn nhất của cơ quan, các nhà phân tích an ninh cho biết.
Các đường dây gián điệp bị cáo buộc của Nga đã được phát hiện ở các quốc gia bao gồm Ukraine, Anh và Slovenia.
Cơ quan an ninh và phản tình báo nội địa Mi5 của Vương quốc Anh được cho là đã được lệnh ưu tiên tấn công vào gián điệp hơn là khủng bố vì Nga, Trung Quốc và Iran tăng cường tuyển dụng đáng kể.
Vào tháng 5, có thông tin tiết lộ rằng Nga đang tuyển mộ những kẻ cực đoan cánh hữu bạo lực để thực hiện các cuộc tấn công phá hoại ở Âu Châu và Anh, làm dấy lên mối lo ngại trong giới lãnh đạo tình báo.
9. Ukraine được đồng minh NATO tăng cường huấn luyện F-16
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets F-16 Training Boost From NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo một báo cáo mới, Pháp sẽ đào tạo hơn hai chục phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16 do phương Tây cung cấp trong vài năm tới.
Căng thẳng giữa Kyiv và các đồng minh ngày càng gia tăng liên quan đến các chương trình đào tạo phi công Ukraine và số lượng phi công chuẩn bị cho những chiếc F-16 đến Ukraine.
Tờ Le Monde của Pháp đưa tin hôm thứ Hai rằng Paris sẽ đào tạo 26 phi công Ukraine từ năm 2024 đến năm 2026. Newsweek đã liên hệ với Bộ lực lượng vũ trang Pháp để bình luận qua email.
AFP đưa tin hôm thứ Hai, một nhóm gồm 10 phi công Ukraine, tất cả đều ở độ tuổi 20, hiện đang tham gia chương trình đào tạo cấp tốc kéo dài 6 tháng ở Pháp, sử dụng máy mô phỏng và máy bay Alpha Jet.
Vào tháng 3 năm 2024, Vương quốc Anh cho biết một loạt 10 phi công Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện bay cơ bản và ngôn ngữ với lực lượng không quân nước này. Sau đó, nhóm này được gửi đi “huấn luyện bay nâng cao” với lực lượng không quân Pháp.
Kyiv từ lâu đã kêu gọi các chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất với hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại, như máy bay F-16 của Lockheed Martin, để tăng cường khả năng cạnh tranh với lực lượng không quân đông đảo và vượt trội của Nga.
Mặc dù một số quốc gia như Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy và Bỉ – cuối cùng đã cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine vào năm ngoái, nhưng mốc thời gian chính xác cho việc cung cấp những chiếc F-16 này vẫn chưa rõ ràng và có thể thay đổi.
Những người ủng hộ Kyiv đã quy định rằng nhân viên Ukraine phải hoàn thành chương trình đào tạo của họ và tất cả cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị cần thiết phải được đưa vào vận hành trong nước trước khi các máy bay phản lực đi vào hoạt động.
Các phi công Ukraine cũng đang được quân đội Mỹ huấn luyện tại Tucson, Arizona và tại một căn cứ không quân của Đan Mạch. Các phi công cũng được đào tạo tại trung tâm huấn luyện F-16 ở phía đông nam Rumani.
Nhưng Ukraine dường như ngày càng thất vọng với tốc độ huấn luyện và việc tiếp tục vắng bóng các máy bay phản lực do phương Tây sản xuất trên bầu trời nước này khi Nga đánh mạnh ở phía đông đất nước.
Oleksandra Ustinova, một chính trị gia Ukraine đứng đầu ủy ban vũ khí và đạn dược của Ukraine, cho biết Mỹ đang đưa ra “lời bào chữa” cho việc có quá ít phi công được đào tạo để lái F-16. Bà nói với The Times trong một bài báo đăng hôm thứ Hai rằng Ukraine sẽ có 20 phi công được đào tạo đầy đủ vào cuối năm 2024.
Ustinova nói: “Cho đến nay, chúng tôi sẽ có ít phi công được đào tạo hơn so với chiến đấu cơ”.
Đầu tháng này, Politico đưa tin rằng các quan chức Kyiv đang thúc đẩy Mỹ và các nước đối tác khác tăng số lượng phi công F-16 đang được đào tạo, nhưng cơ sở có trụ sở tại Arizona, chương trình của Đan Mạch và căn cứ ở Rumani đều có số chỗ đào tạo hạn chế.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 5 cho biết Kyiv cần từ 120 đến 130 chiếc F-16. Số lượng máy bay phản lực được hứa hẹn chưa đạt đến con số này.
10. Axios cho biết Chatbot Trí Tuệ Nhân Tạo truyền bá tuyên truyền của Nga
Theo kết quả nghiên cứu của NewsGuard do Axios công bố vào hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, các chatbot Trí Tuệ Nhân Tạo hàng đầu, bao gồm ChatGPT, Google Gemini và Meta AI, đang tạo ra và phổ biến các câu chuyện về thông tin sai lệch của Nga.
NewsGuard là một công ty minh bạch kỹ thuật số nhằm chống lại thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông trực tuyến. Đối với nghiên cứu này, các nhà phân tích đã nhập các lời nhắc liên quan đến các chiến dịch đưa thông tin sai lệch đã biết của Nga để kiểm tra phản hồi của 10 chatbot phổ biến.
Nghiên cứu cho thấy các chatbot phản hồi bằng tuyên truyền của Nga trong 32% thời gian, trích dẫn các trang tin tức giả mạo như thể chúng là những nguồn đáng tin cậy.
Đồng giám đốc điều hành của NewsGuard, Steven Brill, nói với Axios: “Điều thực sự đáng báo động là những trò lừa bịp và tuyên truyền mà các chatbot này lặp đi lặp lại thường xuyên hầu như không bị cản trở”.
Nghiên cứu liên quan đến những gợi ý được phổ biến bởi John Mark Dougan, một cựu sĩ quan cảnh sát Hoa Kỳ, phạm tội rồi trốn sang Nga và hiện đang truyền bá tuyên truyền của Điện Cẩm Linh ở Mạc Tư Khoa. Sau đó, các chatbot sẽ thường xuyên nhắc lại những tuyên bố của Dougan, coi chúng là sự thật.
Trong số các tuyên bố sai sự thật của chatbot có tin giả về nhóm blogger của Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ và một cuộc nghe lén tại dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Các trang tuyên truyền của Dougan được coi là nguồn tin tức hợp pháp trong những trường hợp này.
Brill cho biết: “Báo cáo này thực sự chứng minh cụ thể lý do tại sao ngành này phải đặc biệt quan tâm đến tin tức và thông tin”.
Các nhà phân tích đã tiến hành nghiên cứu của họ bằng cách sử dụng ChatGPT-4 của OpenAI, Trợ lý thông minh của You.com, Grok, Inflection, Mistral, Copilot của Microsoft, Meta AI, Claude của Anthropic, Google Gemini và Perplexity.
NewsGuard đã liên hệ với các công ty để yêu cầu bình luận về kết quả nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
“Chúng tôi không tin tưởng vào các câu trả lời do hầu hết các chatbot này cung cấp cho các vấn đề liên quan đến tin tức, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi,” Brill nói.
11. Trung Quốc kêu gọi NATO 'ngưng đổ lỗi' về chiến tranh Ukraine
Trung Quốc hôm Thứ Tư, 19 Tháng Sáu, đã kêu gọi NATO “ngưng đổ lỗi” về cuộc chiến Ukraine sau khi nhà lãnh đạo liên minh quân sự phương Tây cáo buộc Bắc Kinh làm xấu đi cuộc xung đột khi hỗ trợ cho Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai kêu gọi Trung Quốc phải đối mặt với hậu quả vì điều mà các quan chức Mỹ gọi là nỗ lực xuất khẩu lớn để xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Trung Quốc thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine và nói rằng họ không gửi viện trợ sát thương cho bên nào, không giống như Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác.
Đáp lại các chỉ trích của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, nói rằng NATO “nên tự phản ánh thay vì bôi nhọ và tấn công Trung Quốc một cách tùy tiện”.
Cô ta cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi khuyên NATO ngừng đổ lỗi và gieo rắc bất hòa, đừng đổ thêm dầu vào lửa và kích động đối đầu mà thay vào đó hãy làm điều gì đó thiết thực để giải quyết cuộc khủng hoảng bằng chính trị”.
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đã phát triển gần gũi hơn kể từ khi Putin xâm lược Ukraine, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng họ đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.
Tuy nhiên, nó đã mang lại một huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế bị cô lập của Nga, với thương mại bùng nổ kể từ khi xung đột bắt đầu.
Và các ngoại trưởng G7 hôm thứ Sáu bày tỏ “mối quan ngại mạnh mẽ” về việc chuyển giao vật liệu và phụ tùng vũ khí có công dụng kép từ các doanh nghiệp Trung Quốc sang Nga đang được Mạc Tư Khoa sử dụng để mở rộng quân sự.
12. ISW cho biết Putin đang chuẩn bị cho 'những người kế nhiệm có thể' bằng những đề bạt mới
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Grooming 'Possible Successors' With New Promotions: ISW”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW cho biết, Vladimir Putin đang coi người thân và những đứa trẻ trong vòng thân cận của mình là tương lai của chế độ của mình.
Cơ quan cố vấn Washington, DC đã đưa ra đánh giá này sau khi Putin sa thải bốn thứ trưởng quốc phòng trong một cuộc thanh trừng các quan chức khỏi bộ quốc phòng của ông, được coi là một nỗ lực để dọn dẹp nội bộ khi cuộc xâm lược Ukraine của ông chùn bước trong năm thứ ba trong bối cảnh tổn thất cao mà thắng lợi thì ít ỏi.
Bốn thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga đã bị thay thế bởi Anna Tsivileva và Pavel Fradkov. Tsivileva là con gái của Yevgeny Putin, em họ của tổng thống Nga, hãng điều tra Agentstvo của Nga đưa tin. Cô cũng đã kết hôn với Sergey Tsavilev, người từng là thống đốc vùng Kemerovo cho đến tháng 5 vừa qua và đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng năng lượng của Nga như một phần trong kế hoạch cải tổ của Putin.
Tsivileva nằm trong số những nhân vật có quan hệ với tổng thống Nga, người đã bị chính phủ Anh trừng phạt sau cuộc xâm lược toàn diện của nhà độc tài vào Ukraine, trong đó Bộ Ngoại giao Anh gọi bà là “người chị họ đầu tiên của Putin từng bị trừng phạt”.
Bà là chủ tịch công ty khai thác than của Nga, Công ty Cổ phần Kolmar Group, công ty cũng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt. Bà cũng là chủ tịch của Quỹ “Những người bảo vệ Tổ quốc” do Điện Cẩm Linh khởi xướng.
Trong khi đó, Fradkov cũng có quan hệ mật thiết với Putin. Ông là con trai của cựu thủ tướng Nga và đồng minh lâu năm Mikhail Fradkov, đồng thời giữ chức phó quản trị viên thứ nhất của chính quyền tổng thống. Gornin là Thứ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên kể từ tháng 5 năm 2018.
ISW cho biết, việc bổ nhiệm họ là một phần trong nỗ lực mới nhất của Putin “nhằm giới thiệu người thân và con cái của các quan chức cao cấp khác của Nga với công chúng Nga và bổ nhiệm các cố vấn kinh tế cho Bộ Quốc phòng Nga để cải thiện nền kinh tế thời chiến”.
Đầu tháng này, Tsivileva và Fradkov được cho là đã tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg cùng với các con gái của Putin và con của các quan chức cao cấp khác nhằm mục đích tạo tiền đề cho họ đảm nhận các vai trò cao cấp và quyền lực trong chính phủ Nga.
Các blogger quân sự Nga hoan nghênh việc sa thải các Thứ trưởng Quốc phòng trước đây Nikolai Pankov, Ruslan Tsalikov, Tatiana Shevtsova và Tướng Quân đội Pavel Popov, mở đường cho việc bổ nhiệm mới, mô tả đây là một động thái quyết định nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng trong Bộ Quốc phòng Nga.
Trong khi đó, ISW cho biết việc bổ nhiệm của Putin cho thấy ông có thể đang tìm kiếm “chuẩn bị những người có thể kế nhiệm chế độ của mình từ nhóm con cái, họ hàng và con cái của các quan chức cao cấp khác mà ông ta tin tưởng.