Tạp chí The Catholic Thing cho biết Hôm nay, 17 tháng 4, là ngày giỗ thứ năm của người bạn, linh mục, triết gia và cộng tác viên của họ, Cha James Schall, SJ. Để tưởng nhớ, họ cho công bố một trong những bài viết của ngài từ năm 2019, cũng như một chuyên mục của một trong số nhiều người mà Cha Jim đã truyền cảm hứng để mạo hiểm nghiên cứu triết học. Tiến sĩ Wood đề cập đến ba nhà triết học – Pla-tông và A-ris-tốt thời xưa, và một người đương thời, Đức ông Robert Sokolowski – tất cả đều được Cha Jim đặc biệt quý trọng. Họ nhớ đến ngài với tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Xin cho ngài được nghỉ yên.

Bạn là ai?

Cha James V. Schall, SJ

Người Pha-ri-si Hỏi Chúa Giê-su của James Tissot, c. 1890 [Bảo tàng Brooklyn]


Có thể đặt ra ít nhất bốn câu hỏi nổi tiếng, không được lặp lại đủ thường xuyên của A-ris-tốt về bất cứ sự vật nào khi chúng ta cố gắng tìm hiểu xem nó là gì và tại sao. Đó là: 1) “Nó là gì?” – một cái cây, một con thỏ, một hành tinh? 2) “Nó có hiện hữu không?” Tức là nó có hiện hữu hơn là không hiện hữu không? Nó có đứng ngoài hư vô không? 3) Ai hoặc cái gì đã làm cho nó chuyển động hoặc hiện hữu? 4) “Tại sao nó hiện hữu?” Đâu là lý do nó hiện hữu lúc này?

Về con người, chúng ta có thể thêm một câu hỏi nữa: “Bạn là ai?” Nghĩa là, mỗi chúng ta đều có một sự hiện hữu đặc thù, đặc biệt, không thể lặp lại, không giống bất cứ hữu thể nào khác đã từng hiện hữu, nhưng chúng ta vẫn là con người. Mỗi “cái gì” của con người đều là một “bạn”.

Chúng ta có nguyên nhân mô thức, nguyên nhân chất thể, nguyên nhân hiệu quả và nguyên nhân cuối cùng. Chúng ta thấy rằng những nguyên nhân khác nhau này là cần thiết để giải thích điều gì đó có thật về những gì chúng ta gặp phải trong những sự vật hiện hữu.

Chúng ta không phải là thần thánh, chúng ta cũng không hòa lẫn vào một “tất cả” nào đó, do đó, chúng ta không còn hiện hữu với bản sắc riêng biệt của mình nữa. Chính tính lâu dài của bản sắc đặc biệt, độc đáo của chúng ta mới là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. “Tôi” là người đã làm/không làm điều này điều kia. Chính bản sắc đặc biệt, duy nhất mà qua đó John không phải là Joseph, Suzie không phải là Sally, đã giúp chúng ta xác định được nguyên nhân chuyên biệt của những điều đã xảy ra trên thế giới này.

Mỗi “bạn” có thể lắng nghe một “bạn” khác và trả lời. Bạn đã làm hay chưa làm điều này? Theo một nghĩa nào đó, lịch sử thế giới trải qua sự lựa chọn của những con người đặc biệt, độc nhất. Những lựa chọn và hành động của họ cho thấy rõ họ là ai và tại sao.

Lịch sử thế giới ghi lại những phán xét, khôn ngoan và không khôn ngoan, được thực hiện bởi con người sống trên thế giới này trong một thời gian ngắn hay dài.

Trong chương tám của tin mừng Gio-an, Chúa Ki-tô nói với những người Pha-ri-siêu rằng Người sẽ đi đến nơi mà họ không thể tìm thấy Người. Một số người nghĩ rằng Người sắp tự sát. Nhưng Chúa Ki-tô nói với họ rằng họ sẽ chết trong tội lỗi của chính mình trừ khi họ tin rằng “Ta hằng hữu”.

Cùng một Đấng “Ta hằng hữu” này, những người Pha-ri-siêu chợt nhớ lại, là một cái tên mà người Pha-ri-siêu nhận ra. Đó là cái tên mà Mô-sê đã nghe khi ông hỏi tên Thiên Chúa.

Trong cơn thất vọng, người Pha-ri-siêu hỏi một cách hợp luận lý: “Vậy ông là ai?” Không cần phải nói, họ chưa được chuẩn bị cho câu trả lời của Người. Chúa Ki-tô đang nói với họ về Cha Người. Người nói thêm rằng khi họ nhìn thấy Người sống lại, họ sẽ biết rằng “Ta hằng hữu”.

Người không làm gì của riêng Người. Người làm những gì Chúa Cha đã dạy Người. Những gì Người đã nghe, Người sẽ “nói cho thế gian biết”. Đấng đã sai Người đang ở với Người. Người chỉ nói những gì đẹp lòng Chúa Cha. Vì Người phán với thẩm quyền nên nhiều người đã tin Người. Nhưng đa số không tin Người.

Điều nổi bật trong những cảnh này là sự bối rối của những người Pha-ri-siêu. Họ có những ý kiến riêng về việc Đấng Mê-xi-a đã hứa sẽ xuất hiện giữa họ như thế nào. Họ nước đôi và thận trọng. Họ khá chắc chắn rằng người trước mặt họ là kẻ giả mạo. Họ cố gắng hết sức để bắt quả tang Người nói phạm thượng.

Nhưng dường như Người luôn đi trước họ một bước. Người đưa ra những tuyên bố khá đáng ngạc nhiên dường như có nền tảng chính đáng trong truyền thống của chính họ. Người hỗ trợ họ bằng những gì chỉ có thể gọi là phép lạ. Người tự đồng hóa mình với Đền Thờ, với Giô-na, với Người Tôi Tớ Đau Khổ, và với một ai đó cao cả hơn ngày Sa-bát. Họ yêu cầu Người giải thích: “Vậy ông là ai?”

Năm 1988, Joseph Ratzinger nhắc lại nhận xét nổi tiếng của luật gia người Hà Lan, Hugo Grotius (mất 1645), rằng luật tự nhiên sẽ là luật tự nhiên “ngay cả khi” Thiên Chúa không hiện hữu. Về lời khẳng định này, Ratzinger nhận xét: “Nhưng nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì sẽ không có gì giống như hiện nay; mọi thứ sẽ bắt đầu từ trống rỗng và trở lại trống rỗng. Những gì chúng ta gọi là công lý sẽ chỉ là sự thất thường mà chúng ta có thể viết lại theo ý muốn.”

Sự vật hiện hữu như chúng đang hiện hữu bởi vì chúng được tạo ra như vậy. Chúng không tạo ra sự hiện hữu của chính chúng. “Cho dù Thiên Chúa có hiện hữu hay không, câu trả lời cho câu hỏi đó cuối cùng sẽ quyết định liệu chúng ta có phải là con người hay không, liệu phẩm giá con người, nhân tính đích thực và công lý của con người có thể hiện hữu hay không.” (Cộng tác viên của sự thật).

Câu hỏi của người Pha-ri-siêu – “Vậy ông là ai?” – là một câu hỏi thích hợp. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu thì sẽ không có gì giống như hiện tại. Mọi thứ sẽ trở về hư vô mà từ đó chúng xuất hiện; chỉ có điều lần này mọi thứ sẽ không có trật tự, không có ai hỏi: “Nhưng bạn là ai?”

Đấng Ki-tô là Đấng gắn kết mọi việc lại với nhau. Ngài là Lời của Chúa Cha.

Chất thể, Thân xác, Linh hồn, Thập giá và Phục sinh

Joseph R. Wood

Vấn đề làm thế nào linh hồn và thể xác hòa hợp với nhau đã nẩy sinh rất nhiều nỗ lực triết học. Sô-crat, theo tường trình của Pla-tông, tin rằng linh hồn tách biệt khỏi cơ thể (lưỡng tính), tồn tại trước cơ thể và sau khi nó chết.

Ông tố cáo các huyền thoại của Homer về tôn giáo của Athens trong đó các vị thần, trong cơ thể của họ, làm những điều xấu xa.

Nhưng ông không bác bỏ mọi huyền thoại. Thí dụ, trong Gorgias, Sô-crat kết thúc bằng một huyền thoại – điều mà ông liên tục khẳng định không chỉ là một câu chuyện mà là một “lời giải thích có lý” – kể về sự phán xét của linh hồn sau khi chết, được quyết định bởi những lựa chọn của linh hồn khi nó còn ở trong cơ thể. Sô-crat nói với bạn bè rằng số phận vĩnh cửu của họ phụ thuộc vào việc họ chấp nhận huyền thoại này, ít nhất là cho đến khi họ tìm được thứ gì đó tốt hơn.

Học trò của Pla-tông là A-ris-tốt coi linh hồn là nguyên lý của sự sống. Ở thực vật, nguyên lý này có tính dinh dưỡng: cây tìm kiếm những gì nó cần để phát triển trong đất, nước, không khí và ánh sáng mặt trời. Nơi động vật, tri nhận giác quan được bổ sung thêm vào khả năng dinh dưỡng. Nơi con người, lý trí làm hoàn hảo các khả năng dinh dưỡng và giác quan.

A-ris-tốt cho rằng mục đích hay telos của hữu thể nhân bản, tức là trở thành nhân bản hoàn toàn, là hạnh phúc, điều mà mọi thứ khác được con người tìm kiếm (tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp) được coi sẽ dẫn đến. Nhưng ông lập luận rằng hạnh phúc thực sự nằm ở việc chiêm ngưỡng thần linh.

A-ris-tốt cho rằng hạnh phúc như chiêm niệm đòi phải trau dồi các thói quen trí thức, vốn dựa trên các thói quen đạo đức, thói quen tiết độ và lòng dũng cảm. Nhưng không giống như hầu hết các sinh vật sống trong tự nhiên, con người thường không thể đạt tới mục đích này. Chúng ta không thể trở thành những gì chúng ta được ấn định trở thành.

Trí hiểu của chúng ta là điều có tính thần linh nhất trong chúng ta, và một cuộc sống thực hiện đầy đủ các thói quen trí thức về khoa học và khôn ngoan trong chiêm niệm là điều quá thần linh đối với chúng ta.

A-ris-tốt dường như nói rằng cơ thể, với những đòi hỏi và mong muốn của nó, đã gây ra tình trạng lưỡng nan này. Các thói quen luân lý có thể giúp chúng ta làm chủ thân xác mình để đôi khi có thể thực hiện được việc chiêm niệm (đối với A-ris-tốt, triết học hoặc lòng yêu khôn ngoan), nhưng không nhiều hơn thế.

A-ris-tốt đưa linh hồn và thể xác vào mối quan hệ gần gũi hơn nhiều so với thuyết nhị nguyên của Pla-tông. Linh hồn tạo mô thức cho chất thể của cơ thể trong một loài thực vật, động vật hoặc con người đặc thù. Ông có vẻ nghi ngờ về ý tưởng cho rằng linh hồn tồn tại lâu hơn thể xác hoặc có thể, giống như một thủy thủ trên một con tàu ở cảng, rời khỏi con tàu.

Cuốn sách Giới thiệu về Hiện tượng học của Đức ông Robert Sokolowski đưa ra một trường hợp hiện đại hơn. Hiện tượng học bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 và nghe có vẻ đáng sợ. Nhưng như Đức Ông Sokolowski giải thích, sức mạnh của nó nằm ở việc khôi phục khả thể – được những người cổ thời như Pla-tông và A-ris-tốt chấp nhận – này là chúng ta thực sự có thể biết những điều nằm ngoài tâm trí chúng ta, những điều nằm ngoài ý tưởng và suy nghĩ của chúng ta.

Khái niệm tâm trí con người bị cô lập khỏi cơ thể của chính nó và với thế giới bên ngoài đã chiếm ưu thế trong triết học trong vài thế kỷ qua. Nó khiến chúng ta hoài nghi rằng chúng ta có thể biết bất cứ thực tại nào không chỉ là một số suy nghĩ nảy ra trong đầu chúng ta, hoặc thậm chí liệu có một thực tại như vậy hay không.

Sokolowski viết rằng linh hồn “có mối quan hệ thiết yếu với cơ thể và được thiết lập trên cơ thể để nó sinh động, quyết định và trong đó nó được phát biểu. Con người là những cơ thể được linh hồn làm sinh động chứ không phải những linh hồn bị giới hạn vào chất thể.”

Cơ thể không chỉ là vật trang trí hay phương tiện cho linh hồn. Và bởi vì nó mang lại cho chất thể của cơ thể mô thức nhân bản, nên linh hồn cùng với cơ thể là nhân bản.

Tuyên bố của Sokolowski phù hợp với A-ris-tốt và với Kinh thánh. Theo một nghĩa nào đó, thể xác có trước, vì vậy chúng ta có thể coi nó có trước linh hồn theo thời gian. Theo một nghĩa khác, linh hồn được ưu tiên hơn thể xác bằng cách tạo mô thức cho nó.

Sách Sáng thế chương 1 nói về việc Thiên Chúa tạo ra những vật vô tri, sau đó là thực vật và động vật, trước khi tạo ra con người có linh hồn hữu lý. Sự sáng tạo hoàn toàn đúng như những gì nó được giả thiết là – “rất tốt” – khi nó nằm dưới sự thống trị của con người hữu lý.

Sách Sáng thế chương 2 làm cho quan điểm của Sokolowski trở nên rõ ràng hơn: “Thiên Chúa lấy bụi từ đất tạo nên con người và hà sinh khí vào lỗ mũi; và con người trở thành một linh hồn sống động.” Thiên Chúa tạo nên thân xác rồi hà hơi vào đó do đó có một linh hồn sống động.

Trong bộ sưu tập các bài bình luận về Tin Mừng, Catena Aurea, Thánh Tôma Aquinô đã trích dẫn tu sĩ Alcuin ở thế kỷ thứ 8 nói về Gioan 1:14, “Và Lời đã trở nên xác thịt.” Alcuin viết, “linh hồn vô hình được nối với thể xác, do đó [từ] hai trở thành một con người.” Bình luận về cùng một câu, Thánh Xy-ri-lô thành Alexandria nói về Chúa Kitô “kết hợp với chính Người một thân xác xác thịt được linh hồn sinh động hóa bằng một linh hồn hữu lý,” và do đó trở thành nhân bản thực sự.

Cuộc tranh luận kéo dài về linh hồn và thể xác thúc đẩy chúng ta suy nghĩ về một mầu nhiệm khác trước đó. Làm thế nào Thiên Chúa, Đấng phi vật chất và không thay đổi, lại tạo ra chất thể? Chúng ta chấp nhận nó như xuất phát từ sự tốt lành và toàn năng của Thiên Chúa. Nhưng liệu chúng ta có thể hiểu linh hồn liên hệ với thể xác như thế nào nếu trước nhất không hiểu chất thể đã được tạo ra như thế nào bởi Tình yêu vô hình?

Sau khi sa ngã, Thiên Chúa đặt một thanh gươm rực lửa để bảo vệ cây sự sống và ngăn cản con người, giờ đây biết điều thiện và điều ác, được sống đời đời. Tôi cho rằng nhiệm vụ thực sự của thanh kiếm rực lửa là ngăn cản chúng ta hiểu biết đầy đủ về những mầu nhiệm của chất thể, cơ thể, và linh hồn. Sự hiểu biết đó sẽ là sống vĩnh cửu.

Thiên Chúa đã vạch ra con đường dẫn đến sự hiểu biết đó và sự hòa hợp trọn vẹn giữa thể xác và linh hồn, thông qua một mảnh chất thể, đặc biệt là gỗ. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi bước vào các mầu nhiệm thân xác và linh hồn qua chất thể của Thập Giá.

Chỉ với niềm tin vào một điều gì đó có thực, một điều gì đó ở bên ngoài đầu óc chúng ta, giờ đây chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy Chúa Kitô trong Sự Phục Sinh, trong Lễ Phục Sinh, thân xác và linh hồn thần linh.
___________________________________________________________________________________________

(*) James V. Schall, S.J. (1928-2019), từng là giáo sư tại Đại học Georgetown trong 35 năm, là một trong những nhà văn Công Giáo viết nhiều nhất ở Mỹ. Trong số rất nhiều cuốn sách của ngài có các cuốn The Mind That Is Catholic, The Modern Age, Political Philosophy and Revelation: A Catholic Reading, Reasonable Pleasures, Docilitas: On Teaching and Being Taught, Catholicism and Intelligence [Tâm trí Công Giáo, Thời đại hiện đại, Triết học Chính trị và sự Mặc khải: Một bài đọc Công Giáo, Những thú vui hợp lý, Docilitas: Về giảng dạy và được giảng dạy, Công Giáo và Trí hiểu], và gần đây nhất là cuốn On Islam: A Chronological Record, 2002-2018 [Về Hồi giáo: Một bản ghi theo trình tự thời gian, 2002-2018].



Joseph Wood là một triết gia lưu động và là ẩn sĩ dễ tiếp cận, liên kết với Học viện Cana, Đại học Walsh, Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và Đại học Notre Dame Australia, không trường nào chịu trách nhiệm về những lỗi lầm hoặc sai lầm của ông.