1. Bánh lễ được tìm thấy bị vứt bỏ trong bãi đậu xe của nhà thờ Tây Virginia sau Thánh lễ Phục sinh
Những người Công Giáo tham dự Thánh lễ Phục sinh tại một nhà thờ lịch sử Harpers Ferry, Tây Virginia, đã phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng khi họ rời buổi lễ để trở về nhà – ít nhất 100 bánh thánh được rải khắp bãi đậu xe và con phố gần đó.
“Người dân rất khó chịu vì họ lo ngại đó có thể là Mình Thánh Chúa,” Cha Timothy Grassi nói về vụ việc xảy ra tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Phêrô 190 tuổi.
Không rõ ai đã đặt những tấm bánh xốp xuống đất hay thủ phạm đang cố truyền tải thông điệp gì, nhưng nhà thờ đã báo cáo hành động này với cơ quan thực thi pháp luật của Cục Công viên Quốc gia, cơ quan đang điều tra vấn đề. Cha Grassi nói với CNA rằng ngài chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào kể từ khi vụ việc được báo cáo cho cảnh sát.
Bất cứ ai trải bánh xốp trên mặt đất đều làm việc đó trong khi Thánh lễ đang được cử hành. Theo vị linh mục, những chiếc bánh thánh này không có mặt khi bắt đầu Thánh lễ nhưng đã ở đó khi những người tham dự Thánh lễ ra khỏi nhà thờ.
Cha Grassi cho biết ngài chắc chắn rằng những tấm bánh này “không phải từ nhà thờ của chúng tôi bởi vì không cái nào bị mất và chúng có kích cỡ khác”. Ngài cũng nói: “Tôi không biết bất kỳ nhà thờ nào xác định có bánh thánh bị đánh cắp đến mức độ đó không”. Ngài nhận định rằng các bánh thánh này có thể không được lấy từ một nhà thờ Công Giáo và có lẽ không được thánh hiến.
“Dự đoán tốt nhất của tôi là đây không phải là Mình Thánh Chúa,” Cha Grassi nói.
Cha Grassi lưu ý rằng các tấm bánh chưa thánh hiến có thể được mua trực tuyến hoặc ở nơi khác, đây là lời giải thích hợp lý nhất cho số lượng lớn các tấm bánh thánh. Một tấm bánh thánh chưa được truyền phép chưa trải qua quá trình biến thể - quá trình mà chất của tấm bánh thánh trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
Vị linh mục cho biết ngài nghi ngờ hành động này là “một cách để ai đó đưa ra một tuyên bố theo cách nào đó,” mặc dù ngài không chắc chắn tuyên bố đó là gì. Ngài lưu ý rằng một số tấm bánh dường như đã được cố ý đặt gần cửa bên tài xế của các phương tiện. Ngài cho biết có vẻ như không có tấm bánh nào bị biến dạng, ngoại trừ việc bị trải rộng trên mặt đất.
Theo Cha Grassi, khoảng 80 người đã tham dự Thánh lễ Phục sinh lúc 9h30 sáng. Bãi đậu xe chỉ chứa được khoảng 15 xe hơi đã chật kín và các đường phố gần đó cũng chật kín xe hơi.
Nhà thờ Thánh Phêrô được xây dựng vào năm 1833, nằm trên một ngọn đồi nhìn ra điểm giao nhau của sông Potomac và Shenandoah và nằm gần một số tòa nhà lịch sử khác trong thị trấn du lịch nổi tiếng. Nhà thờ được Giáo xứ St. James ở Thị trấn Charles duy trì như một nhà nguyện lịch sử, trong đó cha Grassi là cha sở.
Nhà thờ có một thánh lễ Chúa nhật hàng tuần vào lúc 9 giờ 30 sáng
Source:National Catholic Register
2. Khánh thành nhà thờ đã bị IS phá hủy
Lễ khánh thành nhà thờ đã bị lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS phá hoại ở thành phố Mosul, miền bắc Iraq đã mang lại hy vọng cho cộng đồng Công Giáo tại nước này.
Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 06 tháng Tư vừa qua, cho biết hôm trước đó, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công Giáo Canđê, đã chủ sự lễ thánh hiến nhà thờ bị ISIS chiếm và dùng làm trạm cảnh sát tôn giáo, sau đó đã phá hoại hồi mùa hè cách đây mười năm (2014) và ba năm sau, thành này được quân đội Iraq giải phóng. Trong thời gian qua, nhà thờ đã được tái thiết và tu bổ.
Tham dự lễ khánh thành cũng có các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị, Kitô và Hồi giáo, người Yazidi và Sabei ở Mosul cũng như vùng bình nguyên Ninive, cùng với một số nhân vật quốc tế, kể cả các ân nhân đã tài trợ việc tái thiết nơi thờ phượng này, cùng với ít nhất 300 tín hữu.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sako nói rằng kết quả ngoại thường này có thể khích lệ các tín hữu Công Giáo trở lại thành Mosul quý mến, với xác tín rằng điều này sẽ góp phần kiến tạo hy vọng, thăng tiến sự sống chung hài hòa và bảo tồn cơ cấu rất đẹp của Mosul. Đức Hồng Y cũng kể rằng ngài đã phụ trách thánh đường này và bảo trợ cho trường học tại đây trong mười lăm năm trời. “Chúng tôi cảm thấy như trong một gia đình, các tín hữu Kitô và Hồi giáo sống hòa hợp với nhau.”
Đức Hồng Y cũng nhắc đến vai trò tiên phong của các tín hữu Kitô trong việc xây dựng nền văn minh và xã hội Iraq, nền văn hóa và sự tiến bộ trong tỉnh Mosul. Tuy nhiên, Đức Hồng Y lấy làm tiếc vì sự vắng mặt của ông tỉnh trưởng hiện nay. Sự hiện diện của ông, nếu có, sẽ khích lệ các Kitô hữu trở lại thành này. Vì thế, Đức Hồng Y hy vọng một chế độ chính trị phục vụ các công dân và những biện pháp nhắm tới công bằng và bình đẳng để vượt thắng não trạng phe phái, nạn hạn ngạch và thành phần” trong một viễn tượng hòa bình và tin tưởng”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng cần chiến đấu chống lại nạn tham nhũng, sự lan tràn võ khí và bài trừ ý thức hệ cực đoan.
3. Đức Giám Mục Vitus Huonder, đã qua đời
Một giám mục người Thụy Sĩ đã nghỉ hưu, người đã gây chú ý khi tuyên bố rằng ngài sẽ nghỉ hưu tại một trường nội trú do nhóm ly giáo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 điều hành, đã qua đời.
Đức Cha Vitus Huonder phục vụ với tư cách là Giám mục của Chur từ năm 2007 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2019 ở tuổi 77. Ngài vào bệnh viện vào ngày 25 tháng 3 và qua đời vào ngày 3 tháng 4.
Huynh Đoàn Thánh Piô 10 ra tuyên bố toàn văn như sau:
Đức Cha Huonder đã trao trả linh hồn mình cho Chúa.
Chúng tôi vô cùng đau buồn khi báo tin rằng Đức Giám Mục Vitus Huonder đã dâng linh hồn mình cho Chúa vào Thứ Tư Phục Sinh sau một loạt các vấn đề sức khỏe đã đến giai đoạn cuối.
Đức Giám Mục Huonder vào bệnh viện vào ngày 19 tháng 3 năm 2024, Lễ Thánh Giuse. Bệnh tình của ngài và lời cầu nguyện kèm theo đã được biết đến vào ngày 25 tháng 3, Thứ Hai Tuần Thánh, thường là Lễ Truyền Tin.
Từ lúc đó trở đi, Đức Giám Mục Huonder tỏ ra hoàn toàn ngoan ngoãn trước Chúa Quan Phòng và liên tục dâng hiến những đau khổ của mình cho Giáo Hội Công Giáo. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn không ngừng đối với Huynh Đoàn Thánh Piô 10, và đặc biệt là trường nội trú của họ, Institut Sancta Maria, ở Wangs, Thụy Sĩ, nơi ngài có thể trải qua những năm cuối đời với niềm vui sâu sắc được chăn dắt các linh hồn. Cuối cùng, Đức Cha Huonder đã sống một cuộc đời cầu nguyện và sùng kính Bí tích Thánh Thể.
Sinh ngày 21 tháng 4 năm 1942 tại Trun, Thụy Sĩ, Đức Giám Mục tương lai Huonder được thụ phong linh mục của Giáo phận Chur vào năm 1971. Sau hơn ba thập kỷ phục vụ Giáo hội, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Chur vào tháng 7 ngày 8 tháng 12 năm 2007, ngài được tấn phong làm giám mục. Ngài nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2019.
Huynh Đoàn Thánh Piô X phó dâng linh hồn của ngài trong tay Chúa với những lời cầu nguyện nhiệt thành xin Chúa cho ngài được hưởng ánh sáng ngàn thu và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu càng nhanh càng tốt. Thông tin chi tiết liên quan đến tang lễ của Giám mục Huonder sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp.
Source:SSPX