Cái khăn mặt có nhiều công dụng, không phải chỉ dùng để lau mặt, mồ hôi và đôi khi cần thiết, còn dùng vào việc hữu dụng khác. Bạn tôi lúc nhỏ bị rắn cắn, không có giây cột, ba anh dùng cái khăn mặt cột chặt trên vết cắn, giữ cho nọc độc đến tim chậm hơn, trước khi chuyển đi bệnh viện cứu cấp. Ngày nóng, tôi thấy một số người dùng khăn mặt che nắng bằng cách cột một phần khăn quanh đầu, phần kia phủ qua đầu che nắng. Có thời khăn mặt đóng vai trò trang điểm. Nó được gấp gọn gàng, để ngay túi áo choàng trước ngực, một phần khăn nằm trong túi áo, phần hình tam giác chìa ra ngoài trông rất hách. Trong số cái khăn lau mặt, cái khăn của cô Veronica là nổi tiếng hơn cả. Veronica rất nghèo. Bạn cô cũng toàn là người nghèo. Martha có tài nấu ăn. Cô làm kẹo bột mì có thêm vào mùi dầu, mùi chanh, mùi rau thơm tạo nên hương vị khác nhau. Cô em hoàn toàn khác, là người cởi mở nhưng tiết kiệm lời nói. Cô thích suy tư hơn là bàn thảo, nói năng, ồm ào. Trong số các bạn, Veronia là nghèo hơn cả, nhưng không mặc cảm, bằng lòng với số phận. Vui với những gì trời ban. Năm cô mừng sinh nhật hai mươi mốt, gia đình tặng cô chiếc khăn mặt, cạnh góc trái có thêu hình hình thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho Đức Kitô. Cô rất thích cái khăn thêu và luôn mang nó trong người. Cô cũng rất thích nghe Đức Kitô giảng dậy. Nghe Ngài đi qua làng hay làng bên, thế nào cô cũng tìm giờ đi nghe Ngài giảng dậy. Đối với cô mỗi chữ Đức Kitô nói ra được cô coi như một hạt kim cương; cô cố gắng ghim vào tim óc để suy niệm. Veronica quí chiếc khăn mặt và hãnh diện có nó. Nó là vật tuỳ thân của cô. Nó luôn đi chung với cô khi ra khỏi nhà. Cái khăn trở thành vật không dời thân. Nó tiện dụng cho cô bởi cô có một loại bệnh khác thường. Mỗi khi cô lo lắng, sợ sệt và ngay cả cảm động mồ hôi trong người tướt ra. Chiếc khăn trở nên cần thiết hơn lúc bình thường.

Nghe đồn Đức Kitô vác thập giá trên đường lên núi Sọ. Con đường quen thuộc cô thường đi qua vì thế cô không lạ gì con đường dốc đá gập gềnh này. Đâu ngờ con đường quen thuộc lại là con đường người cô quí mến, kính trọng vác thập giá đi qua. Cô rảo bước qua mặt mọi người, đến khi gặp Đức Kitô, cô vừa run rẩy vừa hốt hoảng không ngờ chỉ sau một đêm bị tra tấn mà thân hình Đức Kitô trở nên tàn tạ đến độ nhận không ra. Lưng cong quá nửa người vì sức nặng của khúc gỗ trên vai. Chân nọ đá chân kia, xiêu vẹo, bước từng bước chậm chạp, toàn thân đầy nốt đánh đập, chỗ sưng to tướng, chỗ khác cái móc sắt đầu cây roi kéo thịt toác ra để lộ lớp mỡ trắng đực, dính chút máu. Không cầm được lòng, cô nhào đến nhanh tay rút khăn ra lau mặt cho Đức Kitô. Đám lính dùng gươm ngăn cô lại; họ đẩy cô ra, cô cố tiến vào, kẻ xô người đẩy, giành giật, níu kéo, chiếc khăn cô đội đầu tuột xuống ngang vai, vài tên lính đó nhận biết cô là người quen, vô hại; họ để cô lau mặt cho Đức Kitô. Một người dục hãy làm mau lên rồi tiến ra, có trưởng toán trông thấy chúng tôi bị phạt oan đó. Nghe vậy, cô bước lui lại phía sau. Đức Kitô quay mặt lại nhìn cô trìu mến. Ngài âm thầm cám ơn cô bằng cách cho in khuôn mặt Ngài vào trong khăn. Veronica nào biết í định thầm kín đó. Cô tiếp tục theo Ngài tới núi Sọ. Đến nơi cũng là lúc đám lính đổi ca. Nhóm lính mới, cô không hề quen biết, nên họ đuổi cô ra khỏi khu vực núi Sọ.

Ra về trong hậm hực. Cứ đi mấy bước cô lại quay lại nhìn. Đôi lần cô té sấp mặt xuống đất, đau điếng nhưng may mặt không đập phải đá. Sau đó, cô cẩn thận hơn, đi một mạch về đến nhà. Tâm hồn cô in đậm hình ảnh tang thương, đau khổ của Đức Kitô. Mệt mỏi, đói khát và nóng bức, cô ngồi trên ghế định nghỉ một chút, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Mãi cho đến chiều, màu trời ra ảm đạm, mặt trời không chiếu sáng, cô mới thức tỉnh, miệng khô khát đắng chát. Cô uể oải lấy nước uống lúc đó mới phát hiện ra trong tay còn nắm gọn chiếc khăn mặt. Veronica giơ chiếc khăn lên coi, màu đỏ nhiều hơn màu trắng, bụi đường pha lẫn màu máu tím dính đầy khăn. Cô uể oải đứng lên mang cái khăn ngâm nước. Nhớ người ta ngồi trên đống tro nguội để tro hút đi vết dơ của mụn nhọt. Sau này có ngày thứ Tư Lễ Tro, người ta dùng tro than xức trán, dấu chỉ của thanh tẩy, trở về. Thời xưa người ta ngâm tro trong nước; chờ lắng xuống gạn lấy nước trong dùng cho việc tẩy xoá vết dơ trên vải. Màu nước giặt khăn đổi thành màu hồng đục, nhưng vết máu không hề phai. Thực ra, đây không phải là lần đầu cô phải giặt cái khăn dính máu. Có lần bị chảy ( máu cam) máu mũi, cái khăn dùng thấm máu, cô dùng trước tro than giặt nó sạch bóng; lần này nó không hiệu nghiệm. Lần khác nữa cô bẻ cành bông mới nở đẹp rực rỡ. ham bẻ bông, thiếu cẩn trọng, không để í đến loại cỏ dại, lá nó có gai như răng cưa. Tay cô bị cắt một đường dài, chiếc khăn lại dùng rịn máu và cô cũng giặt bằng nước than, nó sạch trắng. Lần này lại không sạch. Còn một cách nữa: nước vo gạo. Hôm sau cô dùng nước vo gạo giặt khăn, bảo đảm khăn sẽ sạch như í muốn. Giặt khăn lần hai. Giơ khăn lên ngang tầm mắt nhìn. Cô ngạc nhiên đến rùng mình, nổi gai ốc toàn người. Chỗ không dính máu, màu vải trở nên trắng tinh, chỗ dính máu trong khăn vẫn i nguyên, không hề phai. Rõ ràng hình khuôn mặt Đức Kitô. Cô hôn tấm hình đó rồi trịnh trọng, run rẩy, mang khăn vào nhà. Suốt ngày hôm đó, cô quanh quẩn ở nhà, tí tí lại vào nhìn cái khăn có in hình khuôn mặt Đức Kitô. Ngày đó, cô quên ăn mãi đến tối mới nhớ là suốt ngày chưa ăn gì mà vẫn không cảm thấy đói.

Một phần vì buồn, phần vì nhớ, phần khác muốn thăm xem Veronica bị té có sao không; mấy cô bạn tới nhà. Mới một ngày xa cách mà khi gặp nhau họ vui như xa cách lâu ngày. Tâm hồn họ buồn vời vợi, nhưng gặp nhau sao cảm thấy được an ủi. Mừng hơn nữa là thấy Veronica khỏe. Có người để í, quan sát thấy Veronica dùng chiếc khăn cũ. Cô thắc mắc lên tiếng: Sao lại lôi khăn cũ ra sài, khăn mới đâu rồi. Veronica đành khai thật với mấy chị em. Nghe thế người nào cũng nhao lên, ước ao được coi cái khăn. Có chị lên tiếng, mình cũng định nhào vào lau mặt cho Ngài đấy chứ, nhưng nhìn thấy mấy tên lính, cái roi dài đầu có móc sắt và cây gươm le lói sáng dưới ánh nắng làm mình chùn bước.

Veronica để cái khăn ngay đầu gường, phía trên cái gối ngủ. Bình thường các cô hay bình phẩm, mỗi người nói một câu. Hôm nay đặc biệt cô nào cô đó âm thầm, chăm chú nhìn ngắm hình Đức Kitô trong khăn. Không ai nói với ai, nhưng ai cũng nhìn vào đôi mắt Ngài. Đôi mắt sưng húp, nửa mở, nửa nhắm nhưng càng nhìn càng cảm thấy bị lôi cuốn, cuốn hút bởi cái linh thiêng của đôi mắt sâu hoắm. Càng nhìn lâu càng cảm thấy tâm hồn bình an. Hình như lo âu, buồn tủi, sợ sệt tan biến trong đôi mắt trìu mến kia. Tâm hồn người nhìn ngắm đôi mắt cảm thấy an bình diệu vợi. Đôi mắt hình như mời gọi, quyến luyến, như âm thầm mời gọi: Hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi.
Tiếng đồn mỗi ngày mỗi xa. Người ta đến xin cô cho phép nhìn chiếc khăn in hình khuôn mặt Đức Kitô. Cô cho họ xem, một số âm thầm xin ơn và họ nhận được ơn từ ngắm nhìn chiếc khăn đó. Người ta kéo đến càng ngày càng đông. Một số được ơn tự nguyện dâng cúng tài vật. Người nghèo hơn không có gì cho, họ cho hoa quả trồng trong vườn quanh nhà. Người ăn xin bắt đầu xuất hiện. Cô chia sẽ cho họ tất cả những gì người ta đem đến. Cô quan niệm: Hết rồi Chúa lại ban cho. Người nọ đồn với người kia kéo đến. Đồn nhanh nhất là đám người ăn xin, chỉ sau một ngày mà mọi người ăn xin trong làng biết tin kéo đến. Kẻ xin ăn giã từ khu chợ, quanh quẩn gần nhà Veronica. Sự hiện diện của họ làm vài người hàng xóm khó tính than phiền. Vì lòng thương, cô không đành lòng lên tiếng nặng nhẹ vời kẻ nghèo, nói chi đến chuyện đuổi họ. Ít lâu sau, bọn lính xuất hiện. Họ lấy lí do làm mất an ninh trật tự trong xóm, ngăn cấm cô làm việc từ thiện. Cô nhìn vào tấm khăn, nước mắt lăn dài. Lệnh cấm cho cô ba ngày để chấm dứt tình trạng làm mất trật tự trong xóm. Sắp mãn hạn mà cô không biết phải làm gì. Đúng ngày mãn hạn, bọn lính đến, sẵn sàng ra tay. Veronica đứng trong nhà, lo lắng, sợ hãi. Dân ăn xin ra ngõ dàn hàng chào bọn lính. Họ réo gọi Veronica, cô đành lòng ra gặp họ. Khi Veronica ra tới nơi, cũng là lúc đám lính nhận biết trong số nhóm người ăn mày có thân nhân họ nữa. Một người lính nhận ra người ăn xin già lọm khọm kia chính là cha ruột anh. Anh nhớ lại ngày ấy, cha anh bán trọn bày dê hơn mười con chạy thuốc cho mẹ. Bệnh thuyên giảm ít nhiều. Tin tưởng thầy lang mát tay, ông bán luôn căn nhà lấy tiền chạy thuốc cho người vợ. Nào ngờ tiền bán nhà vừa hết, cũng là lúc bà qua đời. Ông năn nỉ anh dẫn ông đến nhà quan huyện mượn tiền. Anh đáp: bố đi một mình không được sao?. Có, sáng nay, bố có đến đó rồi, người lính canh không cho lọt cổng thì làm sao gặp được quan mà mượn tiền. Nhờ con là lính, may ra họ cho vào cổng. Một người lính khác nhận ra người ăn mày kia còm cõi, rách rưới, ăn mặc lôi thôi là chính là người anh ruột tàn tật của mình. Trước khi anh được nhận vào lính, gia đình anh luôn thiếu ăn; người anh cả phải nhịn cơm cho đàn em ăn. Anh đâu biết, người anh hai nhịn cơm cho em ăn, còn chính anh âm thầm qua làng kế bên xin ăn. Anh sống bằng miếng cơm nguội, chén canh thừa của tấm lòng từ tâm. Nhận biết tình thương người anh dành cho các em, anh lính quay mặt đi, nước mắt tuôn ra. Người lính thứ ba nhận ra người phụ nữ dùng nón che mặt chính là vợ anh. Anh nhớ lại câu vợ anh hay nói với anh: Lương lính của anh không đủ nuôi đàn con nhà mình đâu. Anh đau lòng lắm nhưng kiếm thêm tiền nằm ngoài khả năng hiện có. Bây giờ anh mới biết trái chuối, quả ổi, trái lê, quả quít, hoa quả trong nhà chính là do vợ anh đi ăn xin mang về nuôi gia đình. Anh là người hưởng thành quả của lòng từ tâm qua bàn tay vợ anh. Mấy người lính lẳng lặng nhìn nhau, nháy mắt rút khỏi hiện trường.

Họ báo cáo với thượng cấp thế nào? ai biết. Kể từ ngày đó, dân ăn xin trong làng được yên. Căn nhà riêng của cô Veronica trở thành điểm bố thí cho dân ăn mày toàn vùng. Họ không phải trả tiền, tự do ăn no thoả. Veronica dành cái sân sau nhà làm nơi cho người ăn mày ăn uống, ngủ nghỉ. Để đi vào sân, họ phải đi qua nhà. Veronica đưa ra một yêu cầu đơn giản và mong người ăn mày thi hành. Khi đi qua nhà nơi để tấm khăn, họ phải giữ im lặng, đồng thời nhìn lên chiếc khăn âm thầm nói lời cám ơn. Veronica giải thích cô không có gì để cho. Nhờ cái khăn mà họ có của ăn, nên cần phải cúi đầu cám ơn người in hình khuôn mặt trong khăn.

Cử chỉ bác ái đơn giản: dùng cái khăn lau mặt. Cái khăn mặt to không hơn hai, ba bàn tay chụm lại, mà có khả năng nuôi dân ăn mày toàn vùng.

TiengChuong.org