Đức Cha GIOAN CASSAIGNE SANH
Giám Mục người cùi tại Việt Nam (1895 - 1973)
Khi về lại Di Linh, năm 1955, Đức Cha Cassaigne đến Tân Phát, ghé cô nhi viện tặng thực phẩm.
Khu mục vụ của cha xứ, trải dài từ Di Linh đến Đà Lạt.
Gioan Cassaigne sinh ngày 30.01.1895, tại Grenade-sur-l’Adour, Landes (miền 40), giáo phận Air et Dax, Pháp.
Tên trong khai sinh : Maria Pierre Jean Cassaigne. Con trai duy nhất của ông Joseph Cassaigne (1842-1948) làm nghề thợ và bán rượu và bà Nelly Cassaigne (1852-1907).
Gia đình còn bà ngoại tên Héloise Cassaigne, qua đời khi cha Cassaigne ở Di Linh (22.4.1929).
Là con một, nên được mẹ và bà ngoại chăm sóc giáo dục cẩn thận. Chính mẹ đã dạy con học, đọc kinh, lần chuỗi và dẫn con đi nhà thờ, ghi tên cho con vào nhóm trẻ giúp lễ. Gioan thích và chăm chỉ mỗi khi giúp lễ.
Khi còn nhỏ, Gioan theo học nội trú ở trường Saint Bernard, ở Bayonne và sau chuyển qua trường San Sabastien ở Tây Ban Nha.
Gioan giỏi Toán, tiếng Pháp, và đứng đầu về thể thao. Năm Gioan 12 tuổi mẹ mất (18.8.1907) và khi đang làm Giám Mục Sàigòn thì cha mất (15.01.1950).
Sau khi mẹ mất Gioan phải bỏ học 3 năm, về nhà phụ cha bán rượu cho tới 1911. Gioan buồn vì phải bỏ học Latin để học tiếng Tây Ban Nha, cho tiện buôn bán.
Ơn gọi của Gioan đến trong trường hợp sau :
Thời đó, nhiều gia đình đọc Journal des Voyages của cha Alexandre de Rhodes (1653), và Annales de la Propagation de la foi. Trong đó có nhiều tin tức về công việc truyền giáo ở Ấn Độ, Phi Châu và Đông Dương. Gioan thích ngồi bên mẹ và bà ngoại sau khi đọc báo, nghe kể lại những chuyện bên các xứ truyền giáo, tò mò hỏi bà ngoại về những danh từ Latin.
Gioan say mê tiểu sử thày giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của VN.
Một hôm, vào 1906, Gioan thấy được một carte postale, từ Tonkin, con dấu tròn của bưu điện ghi ngày 18 Juin 1906. Bên cạnh dấu Bưu Điện có ghi : 200. TONKIN - Kebao - Village sur Pilotis en baie d’Along. Gioan nói với mẹ : Con muốn trở thành linh mục và nhà truyền giáo. Bà ngoại hay chuyện này. Nhưng quyết định là do người cha và phải học tiếng Latin. Gioan cất kỹ carte postale này và luôn kẹp vào sách Missel. Ơn gọi luôn ấp ủ trong lòng cậu bé ngoan, tốt lành.
Năm 1908, áp lễ các linh hồn, bà ngoại nói với Gioan : Mai là lễ các linh hồn, cháu nhớ cầu cho mẹ nhiều nhé. Hôm sau tại nhà thờ, Gioan mở Missel ra, có kẹp ảnh mẹ. Gioan đăm chiêu cầu nguyện. Qua Phúc Âm lễ, Gioan linh cảm mẹ đã ‘‘yên vui và hoan lạc trên Quê Trời Cõi Phúc’’ và chứng dám cho ơn gọi của mình. Gioan vui sướng như ý Chúa đã thành. Nhưng biết đến bao giờ, ngày nào, làm gì bây giờ? Thế rồi, một hôm tại trường học, trong lớp Gioan làm rớt Carte Postale, sư huynh giám thị Zéphyrin lượm được. Qua trao đổi, thày Zéphyrin biết ý định đi tu truyền giáo ở Tonkin của Gioan. Và nhà giáo dục trẻ này đã giúp Gioan đạt ý nguyện.
Năm 1913, Gioan vào tu học trường Sư Huynh tại Saint-Lo. Từ 1914, Gioan 19 tuổi, nhập ngũ và phục vụ trong sư đoàn 6 ở Vincennes. Gioan đã tham dự tác chiến ở Saint Michel, ở Bar-le-Duc.
Trong quân ngũ, Gioan làm việc trong bệnh xá chung với Hội Hồng Thập Tự. Ít nguy hiểm mà đỡ dơ bẩn. Nhưng Gioan thích và sốc vác công việc. Áo blouse trắng lúc nào cũng dính đầy máu. Nhiều khi không có băng-ca, Gioan đã cõng hay vác bệnh nhân chạy, tránh bom đạn.
Sau khi giải ngũ, từ 1919-1925 Gioan nhập học chủng viện Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục ngày 19.12.1925. Ngày 06.04.1926, Cha mới từ giã bố mẹ tại ga Lyon đi Marseille lấy tàu qua Việt Nam, và tới Sàgòn, 05.05.1926, học tiếng Việt ở Cái Mơn và chọn tên VN là Gioan Sanh. Ngày 24.01.1927, Đức Cha Isidore Marie Joseph Dumortier Đượm (MEP. 1869. 1893. 1925-1940) cử Ngài làm cha sở họ Di Linh (Djiring). Thánh lễ đầu tiên gồm Cha, chú giúp lễ đem từ Sàgòn, ông bõ Mười điếc xin theo từ Cái Mơn và vợ chồng người Mọi.
Viên Đá Đầu Tiên
Vào một ngày thứ Năm, cuối 5.1927, khi đi săn kiếm thức ăn, Cha gặp một phụ nữ cùi rên la, bị gia đình bỏ mặc trong một chòi lá cao, cho chết. Cha trèo lên đến sát bên an ủi. Hôm sau Cha đem thuốc và đồ ăn tới. Cha tiếp tục thăm và chăm sóc, và rửa tội cho bà, được hai tuần bà chết, ngày 08.12.1927, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.Trước khi nhắm mắt, bà nói: Ông Lớn ơi, con sẽ nhớ đến Ông Lớn, khi con về Nước Trời. Đó là viên đá đầu tiên trong đời truyền giáo của Cha. Cha đã dâng thánh lễ tạ ơn sốt sắng như lễ mở tay. Nhờ đó Cha biết có nhiều người cùi lang thang trong rừng. Cha tiếp tục tìm kiếm, thuyết phục họ về sống chung, gần ngài. Từ từ Cha tập trung họ sống thành làng. Cuối tháng 3.1927, cất nhà nguyện bằng lá, bắt đầu có thánh lễ mới Chúa nhật. Tháng 7.1927, ban ngày mở lớp học cho trẻ em, vừa dạy học vừa giáo lý. Ban đêm cho người lớn. Ngày 19.3.1929, chọn lễ thánh Giuse, làm ngày khai sinh làng cùi, rửa tội cho người thượng, đầu tiên tên Giuse Braé (K’Brai). Làng được 23 bệnh nhân cả nam nữ, tại đồi Kala, ở trong 6 nhà lá. Noel 1930, một gia đình được rửa tội, khánh thành tháp chuông. Tiếng chuông đầu tiên vang lên thay cho tiếng còng. Một mình coi xứ đạo, và làm đủ việc : y tá có khi đỡ đẻ, chạy gạo và thuốc men cho dân làng cùi. Từ đây, Cha nhuốm bệnh sốt rét và lao phổi. Một năm bị sốt tới 10 tháng, như cha nói: ‘‘Trong 12 tháng, tôi bị sốt hết 10 tháng. Nhưng tôi không thể nằm nghỉ, vì không chút yên lòng và không người Pháp đến giúp. Làng cùi đã có tới 100 người.
Cha học và nói thông thạo tiếng thượng Koho và xuất bản tự điển thượng ngữ Koho-Pháp-Việt (1929), và Giáo lý (1938) và phong tục Thượng (1937), in tại Tân Định. Vào thập niên 60, chính cha tổ chức và phát thanh trên đài phát thanh Đà Lạt chương trình tiếng Koho. Khu vực mục vụ của Cha rất rộng, chåy dài cả 100 cây số dọc theo đường từ Di Linh ngược lên tới Bắc Hội, Cầu Đất, Bảo Lộc, Kala, Công Hinh... Cha làm việc kiệt sức, không chịu nghỉ, người ta bắt đem cha vào nhà thương Đà Lạt (1929), có giai đoạn lại đem Cha về Sàigòn (1930) và bắt Cha phải về Pháp chữa trị (1931). Ở Pháp cha vẫn nóng lòng: ‘‘Mau mau cho tôi về Việt Nam với những đứa con Thượng của tôi. Vì tôi không thể bỏ chúng một mình’’.
Cha tả về tình trạng con cái người như sau: Giữa họ có rất nhiều người mắc bệnh cùi mà thiếu ăn nên chết đói. Thiếu thuốc chữa, thiếu nhà ở nên bị bỏ rơi, phải chui rúc dưới bụi cây, ở trong hang hốc, đau ốm, đói khổ rồi chết (1965)...Cha phúc trình về Pháp : Khi còn làm việc được thì người cùi còn được sống trong gia đình. Khi thân tàn ma dại vì bệnh cùi, nhất là khi các ung thối bắt đầu phá: miệng lở loét, mủ máu vảy đầy người, không tắm rửa, khiến người chung quanh nhờm gớm kinh tởm không chịu đùợc. Lúc ấy dân làng đưa họ vào xó rừng, cho họ ở lại đó một mình, sống chết sao mặc kệ. Rồi yếu liệt trong túp lều hiu quånh, đói khổ, mà chết dần chết mòn... Không kể trường hợp bị cọp tha đi... Người cùi là người biết mình đang chết, thân thể đau nhức rã dần, nhìn rõ ràng những xình thúi rúc rỉa của chóm bọ sâu...
Giám Mục Đơn Nghèo
Ngày 20.02.1941, đang lúc băng bó vết thương cho bệnh nhân, Cha nhận được thư Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Sàigòn. Ngài nói : ‘‘Lần thứ ba, nước mắt lại đến với tôi: mất mẹ, bỏ cha và nay lại xa các con tôi’’. Được tin này, Ngài viết thư cho bố: Con chỉ mong ước làm vị truyền giáo tầm thường, nghèo là vui thỏa lắm rồi. Nay người ta lại đổi áo, đổi chỗ cho con trong Giáo Hội. Khẩu hiệu Giám Mục là Bác Ái và Tình Yêu (Caritas et Amor).
Ngày lễ thụ phong giám mục (24.06.1941) người ta lấy làm lạ vì có đoàn con chiên cùi vây quanh Ngài. Cha con vui vẻ.
Thời bấy giờ, địa phận Sàigòn rất quen với hình ảnh của Ngài là ‘‘Đức Cha đi xe đạp’’ có khi Ngài đi vespa đi đến các họ đạo, len lỏi vào khu dân cư, qua Bình An.
Trong thời gian làm Giám Mục, Sàigòn trải qua nhiều bi đát, chết chóc do cuộc đảo chính của người Nhật 19.3.1945, Việt Minh nổi dậy tuyên bố độc lập 2.9.1945 và chiến tranh Đông Dương kết thúc bằng hiệp định Genève 20.7.1954. Sàigòn đón nhận 6.000 người di cư từ Bắc vào Nam....
Tòa Giám mục luôn mở cửa đón nhận và lắng nghe tiếng kêu cứu, nguyện vọng mọi người, từ mọi nơi. Ngài luôn có mặt tại những nơi hỏa hoạn, giúp đỡ lo cơm, áo mặc cho người tỵ nạn và dân nghèo.
Cả đời, từ khi chịu chức linh mục cho tới khi qua đời, Ngài sống hết sức đơn nghèo. Ngài thường nói : Nghèo khó là ngọn gió thiêng thổi của chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Linh đạo của Ngài là sống nghèo. Vì thế Ngài thương người nghèo. Ngài luôn khước từ những cái dư thừa, chỉ dùng những cái cần thiết. Khi còn làm giám mục ở Sài gòn, Ngài đã xin các cha giúp ngài có lễ để làm, lấy tiền mua vé tàu thủy đi triều yết Đức Giáo Hoàng Pio XII vào ngày 17.10.1947. Sau Roma, Đức Cha về Pháp thăm trụ sở MEP, về quê thăm bố đã 85 tuổi. Hai cha con đi hành hương Lộ Đức. Đồ đạc quần áo hành hương, Ngài để gọn trong chiếc rương mà Hội Thừa Sai Paris đã cho khi qua VN. Gia tài chỉ có thế.
Trước khi di Roma, vì thấy Ngài không có quần áo nào tốt có thể mặc được. Nên cha quản lý đã may cho Ngài ít quần áo mới cho Ngài mang theo. Nhưng cha này sợ Ngài không nhận, nên cha đã gói những quần áo mới này vào trong một bọc riêng, và nhờ Ngài khi tới Marseille chuyển cho linh mục Fabre. Khi Ngài đi rồi, cha quản lý viết thư nói rằng gói quần áo đó cho Đức Cha dùng, chứ không phải gửi cho cha Fabre nào đâu.
Ba tuan sau, Ngài viết thư về : Cám ơn con, nhưng con đã làm không vừa ý Cha. Khi trở lại Sàigòn, Ngài nói số quần áo đó Ngài đã để lại cho những người khác cần hơn mình. Có lần ở Di Linh, Ngài không có tiền để vá bánh xe. Cha sở đưa cho Ngài 100 đồng. Vá xe hết 50 còn 50 đồng, Ngài trả lại cho cha sở. Ai đến thăm Ngài ở Di Linh thì thấy căn phòng Ngài rộng 14 m2, là 1 trong 38 phòng của trại, chẳng có gì đáng kể : 1 giường gỗ loại bệnh viện, 1 tủ gỗ nhỏ, 1 bàn với hai ghế thô sơ, 1 rương sắt đem từ Pháp qua. Về già, Ngài tự nấu bữa ăn sáng và tối. Trưa thì nhận phần cơm nhà thương như bệnh nhân khác. Sài gòn vào năm 1951, Ngài đã tổ chức đại Hội Thánh Thể rất lớn, lôi cuốn hàng trăm ngàn người trong giáo phận về tham dự.
Làm việc ở Sàigòn mà vẫn nhớ tới con chiên ở Di Linh. Tạm rời Kala về Sàigòn làm giám mục, nhưng Đức Cha vẫn nhớ và hướng về con cháu cùi của mình trên cao nguyên giá lạnh. Nơi mà nhiều sách viết gọi là ‘‘Thiên Đàng của Tình Thương và Hoan Lạc’’ (La cité de l’Amour et de la Joie). Ngài lo lắng và đi ‘‘ăn xin’’ cho đàn con xấu số. Với tư cách là giám møc, lời kêu cầu của Ngài có thế lực và hiệu quả tốt. Chính quyền đương thời nhận trực tiếp giúp để, mở mang trại cùi. Làng cùi được chuyển từ chân lên ngọn đồi, diện tích gần 5 mẫu. Mỗi người cùi được trợ cấp mỗi ngày là 0$50.
Sau 14 năm làm Giám mục, bệnh cùi phát hiện trong người. Ngày 23.6.1943, áp lễ quan thày của Ngài, Ngài đem mở bao thơ ghi kết quả của viện thí nghiệm ngài mắc bệnh Hansen và nói với các cha đến chúc mừng rằng : Đây là quà lễ quan thầy của tôi. Quà mà tôi vừa tiếp nhận. Thật là đẹp. Một cha đọc thấy ghi ‘‘Positif’’, liền chạy trước mặt và thưa : “Ôi, Đức Cha bị bệnh cùi rồi’’. Đức Cha cười và đáp : Pas du tout ‘‘bị’’ mais c’est ‘‘được’’ (đâu phải bị mà được chứ). Với kết quả này, Đức Cha tuyên bố : Tôi bị bệnh phong cùi rồi, Đức Thánh Cha không có lý do gì từ chối đơn xin từ nhiệm cûa tôi. Trong những ngày ở Di Linh, khi tìm kiếm người cùi, Cha đã từng nói: Tôi muốn được cùi để có thể hiểu và thương người cùi nhiều hơn.
Chọn Việt Nam Làm Quê Hương
Nguyện vọng và vận động của Đức Cha Gioan Sanh là muốn có giám mục VN thay Ngài. Ngày 30.11.1955, Đức Cha trao quyền cho Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1906-1973). Ngày 03.12.1955, Đức Cha Sanh sung sướng và vui vẻ trở về làng Kala tiếp tục sống rồi qua đời bên những người con cùi. Cha con lại gặp nhau, niềm vui khôn tả. Cha lại tiếp nối con đường cũ, mở rộng làng cùi, có trường học, trạm xá, đường tráng nhựa.
Đề cập đến bệnh nhân cùi, Đức Cha thường khuyên các sơ trẻ mới tiếp xúc với bệnh nhân : Họ quá đau khổ, đừng làm hay có cử chỉ gì khiến họ đau khổ hay buồn tủi thêm. Họ là những người đáng qúi, đáng thương và tha thứ. Phải băng bó họ cả hai vết thương một lúc, thể xác và tinh thần. Ngài kể lại, ngày đầu mới băng vết thương cho người cùi, chưa quen, cha súyt nữa ói mửa. Cha đã chạy vội vào lùm cây bên cạnh nói là đi cầu. Đi xong, lau mặt, cha trở ra tiếp tục băng bó. Làm như vậy, để cho người cùi bớt tủi hổ, vì mình dơ bẩn. Đức Cha rất mực thương bệnh nhân, người giàu, có học hay nghèo, đối xử như nhau. Không qủa mắng hay nặng lời với bất cứ bệnh nhân nào. Một hôm vào dịp tết, có hai anh vì say, đánh nhau, Đức Cha đến can, nhưng bị một anh xô té. Người đứng dậy, tươi cười đến vỗ vai anh ta không chút giận hờn. Sợ các sơ biết sẽ qủa anh này, Đức Cha đã giữ kín chuyện này. Sau này có người kể lại cho một sơ. Sơ đã hỏi Đức Cha. Đức Cha trả lời : Đâu có gì đáng trách với người bệnh hoạn tật nguyền. Con đừng để ý nữa. Cha muốn vậy. Tội cho cả cha lẫn họ.
Lần khác, môt bệnh nhân bị một sơ qủa nặng lời, vì anh phạm lỗi. Đức Cha nghe thấy, liền lên tiếng trách sơ trước mặt bệnh nhân. Sau đó, Ngài đi tìm xin lỗi sơ và nói : Hôm qua cha trách con, cốt ý để cho bệnh nhân đừng tủi, mặc dầu con đã làm phải. Cha đến xin con đừng buồn. Chúng ta không thể làm Chúa Giêsu buồn, thì cũng đừng làm cho người cùi buồn. Vì họ là con Chúa, là hình ảnh Chúa Cứu Thế đau khổ trên Thập Giá. Ba nữ tu VN tên tây, cánh tay đắc lực, giúp Ngài điềieu hành làng cùi là : Céleste, Josephine và Angélique. Đức Cha hay nói với các sơ rằng : Cha là người Pháp, nhưng có trái tim Việt Nam.
Đức Cha luôn nghĩ và lo cho bệnh nhân. Hài lòng, thích, cười hả hê và vui khi thấy con cái được chăm sóc chu đáo. Biết ý, nên người phụ trách nhà bếp khi mua được cá hay thịt đều báo cho người hay. Vì quanh năm, trong trại chỉ được ăn cá khô, muối. Năm 1968, hồi Tết Mậu Thân, thiếu gạo, chạy mãi mới mua được 15 bao, ngài mong và vui cười cả ngày, mặc dầu trong người đang sốt nặng. Các dịp lễ lớn, tết, cả làng được ăn thịt trâu, thịt heo, một loại thực phẩm hiếm. Cha con vui, nhả múa tưng bừng, như đại hội. Bên cạnh phòng Đức Cha là trại trẻ em. Ngài thương đã dành bánh kẹo cho các em, để các em nô đùa ngay trước cửa phòng. Có lần Ngài bị đau nặng, các em chơi to tiếng, các sơ còn la rầy chúng để Ngài nghỉ ngơi. Ngài biết và nói với sơ : Con hãy để chúng vui tự nhiên. Trông chúng vui vẻ là cha đủ nghỉ ngơi rồi. Hãy để chúng đến gần để cha được an ủi. Đức Cha nói tiếp: Nơi nào có trẻ là có Chúa. Không giống như chúng không vào được Nước Chúa. Nếu Chúa tha hình phạt cho thế gian, phần lớn là nhờ sự có mặt của những linh hồn thơ ấu như vậy. Già yếu cần sữa, nhưng mỗi tuần Ngài chỉ dùng một hộp sữa, mà bao giờ cũng để lại một phần cho cậu bé kéo chuông vào cuối tuần. Cứ chiều thứ bảy, cha để sẵn phần sữa ngoài hiên nhà, chú bé kéo chuông đến lấy. Ngài vui khi thấy cậu húp phần sữa này. Một hôm Ngài đi hớt tóc trên Di Linh, để phòng trống. Sơ đến phòng đã thấy phòng sạch không cần làm gì, vì ngài tự làm lấy hết. Sơ đã thay cái mền quá cũ rách. Trở về, thấy vậy, Đức Cha bảo cất mền đi, cho bệnh nhân, và phát trả lại mền cũ cho Ngài.
Về đời sống thiêng liêng. Ngài là gương sáng về lòng sùng kính Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Têrêsa. Về tinh thần phó thác cho Đức Mẹ, Ngài nói : Tình tôi yêu mến Đức Mẹ là một tình vô tả, Mẹ chưa bao giờ từ chối một điều gì tôi xin. Năm 12 tuổi, sau khi mẹ chết, Đức Cha kể lại : Lúc ấy tôi dau xót vô lường, rồi nước mắt ngưng khô, vì đã được Đức Mẹ lau sạch. Vì Mẹ đã ''xuống'' ở với tôi thay thế cho mẹ. Đức Cha kể tiếp : Vào buổi chiều mùa Thu trên đất Pháp, Gioan nhớ mẹ quá, mới chạy đến qùi dưới núi Đức Mẹ khóc và kêu gào : Mẹ đứng đó làm gì. Mẹ hãy bỏ núi về nhà con, sống với con. Con mất mẹ và đang cần đến Mẹ thay thế. Đức Cha luôn lần chuỗi Mân Côi. Ba kỷ vật Đức Cha để lại làm kỷ niệm là một Thánh Giá bằng gỗ qúi, quyển Manuale Christianum, và chuỗi Mân Côi. Trong sách có kẹp câu kinh: Lạy Chúa, là Chúa Trời con, từ bây giờ con bằng lòng và sẵn sàng nhận lãnh bởi tay Chúa cái chết bất cứ cách nào tùy theo Thánh ý Chúa, với nỗi bồi hồi, khốn bức và trần phiền đau đớn nữa. Amen.
Đức Cha có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Giuse. Ngài thường gọi thánh Giuse là ''Cha Thánh Giuse'', để thay người cha trần gian. Ngài nói: Cha tôi là ông Joseph Cassaigne thương tôi vô cùng, cho tôi tất cả. Nhưng tôi còn một Cha Giuse khác, Cha này thương tôi nhiều hơn. Một nữ tu kể lại : Đức Cha luôn chạy đến với Thánh Cả Giuse. Mỗi khi thấy làng cùi thiếu, hết lương thực, Ngài lại xin với Thánh Giuse. Và không lần nào xin mà không được. Khi nào báo hết gạo, Ngài đáp : Không sao đâu, để cha xin. Rồi Ngài chạy đến khấn xin dưới chân Thánh Giuse. Vài hôm sau là được như ý.
Gương nên thánh của Đức Cha là sống bằng ba tinh thần ''dâng hiến, chấp nhận và phó thác'' của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, quan thầy truyền giáo.
Con dường tu thân tích đức cûa Thánh Phanxico Xavie là mẫu mực thánh thiện của vị tông đồ người cùi xứ thượng VN. Hàng năm tới ngày lễ Thánh Phanxico, Đức Cha cũng dành một ngày tĩnh tâm và cầu nguyện.
Từ 1972, Đức Cha không còn đủ sức làm việc vì các cơn bệnh hoành hành Cha từ lâu : bệnh sốt rét (từ 1929), cùi (1943), lao xương (1957) và lao phổi (1964). Đời Đức Cha đã bắt chước và hay kể lại gương của thánh Gioan: Một hôm, Thánh Gioan gặp một người cùi lở loét đầy mình, thối tha ghê tởm, Thánh nhân liền ghé lưng cõng anh về nhà riêng, chăm sóc băng bó vết thương. Sáng ra, người cùi biến mất. Thánh nhân cho đó là Chúa Giêsu.
Đức Cha rất quí mến Việt Nam và nói: ‘‘Quê hương Việt Nam chính là quê hương tôi’’ (La patrie Vietnamienne, c’est ma patrie à moi). Vì Chúa đã định như vậy... Tại quê hương này, Cha sung sướng sống giữa các con cái Việt Nam của Cha, dầu cha phải chấp nhận tất cả cực hình về thể xác như hiện giờ. Ngài hay nói: Cha yêu con cái Việt Nam, nhất là người Việt đau khổ. Cha lần chuỗi cho các con. Cha cầu nguyện mỗi ngày cho Việt Nam chúng con. Cha cầu nguyện luôn mãi như vậy. Suốt 48 năm dài, cha đã sống tại Việt Nam, cha đã sống giữa các con và đã dâng hiến tất cả! Giờ đây, Cha không tiếc điều gì về sự dâng hiến toàn diện này’’
Đức Cha gởi lại cả tâm tình cho người VN khi nói: "Nơi tôi có 3 ước nguyện: Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa và vì người anh em. Tôi ao ước được đau khổ như vậy lâu dài, suốt đời và được vững lòng chịu đựng. Tôi ao ước được an nghỉ giữa con cái người cùi của tôi. Đối với người VN Đức Cha hứa: "Trên Thiên Đàng, Cha sẽ được biết nhiều. Sẽ rõ hơn về những nhu cầu hồn xác chúng con. Khi ấy Cha sẽ cầu nguyện đắc lực gấp bội cho chúng con."
Di chúc ngày 24.9.1968, để lại có ghi: Khi cha qua đời, hãy chôn cất cha như một người cùi đã được chôn tại đây. Không được tốn kém thêm, nếu đơn giản hơn thì càng tốt. Cha ao ước nằm giữa con cái của cha. Mộ phần bằng đất đỏ của miền Thượng mến yêu này sẽ là phần mộ mà cha đã hằng mong ước từ bấy lâu, từ khi nhận lãnh chức vụ Tông Đồ Truyền Giáo, từ ngày cha phải bỏ tất cả mọi người quyến thuộc và cả quê hương. Thánh Giá cắm nơi mộ phần của cha sẽ là một Thập Gía bằng gỗ thô sơ, như Thánh Gíá Chúa Giêsu đã phải vác lấy ngày xưa. Hãy dành mọi chi phí an táng cha để nuôi nấng các con cái của cha. Họ rất đáng thương, họ đang túng thiếu và để sÓng. Về nghi thức Giáo Hội dành cho cha khi qua đời cha muốn thật đơn giản.
Vào tháng 3.1973, sau một cơn đau mê, ngài tỉnh và nói lời trối cuối cùng: Chúng tôi rất nghèo và rất cần sự giúp đỡ của những người có trái tim. Cha hiện đau đớn tột cùng của thể xác. Nhưng cha vui mừng được đau đớn như vậy bởi vì Chúa muốn. Cha xin dâng tất cả đau đớn đó, để Chúa ban cho con cái cha bớt đau đớn và sớm được phục hồi, để Chúa ban cho chúng mãi mãi được no ấm. Cha cám ơn tất cả những ân nhân của làng cùi, cám ơn hết lòng, lòng của một vị thừa sai.
Đức Cha qua đời ngày 31.10.1973. Thánh lễ an táng ngày 5.11.1973 do Đức TGM Nguyễn Văn Bình của lễ với sự hiện diện cûa Ông Phụ Tá đặc biệt đại diện Tổng Thống VNCH, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, cha Bề Trên miền MEP, một số Gíam Mục, đông linh mục và tu sỹ và khoảng 3.000 người. Linh cữu để trong nhà thờ 5 ngày cho mọi người kính viếng. Dân làng Kala Trong diễn văn tiễn biệt, thay cho bệnh nhân, có nói : Gần hai năm đau liệt giường, người kêu lên sự đau đớn thể xác, đau đớn tột cùng. Nhưng tiếng kêu đó lúc nào cũng được xướng lên trong ‘‘niềm vui đức tin’’ và hòa cùng hai câu ‘‘ngợi khen Chúa’’ (Magnificat) và ‘‘Xin vâng ý Chúa’’ (Fiat). Ngài không còn đứng lên được, để cùng con cái dâng thánh lễ thường nhật, thánh lễ hiến dâng (offectoire) của người không chỉ diễn ra trong vài mươi phút mà đã thực sự kéo dài suốt gần nửa thế kỷ, trong cực hình thể xác mà, người đã diễm phúc dâng hòa cùng khổ hình Thập Giá của Chúa Giêsu xưa kia, trên đồi Golgotha vì phần rỗi thế gian. Nhưng các hình thể xác đó, bút phàm khó mô tả. Dẫu vậy, Đức Cha Gioan luôn luôn vui và vững lòngv chấp nhận.
Theo di chúc trên, Đức Cha Gioan Sanh ‘‘Mong được an nghỉ dưới tháp chuông người phung’. Phần mộ ngài còn ở Di linh, dưới chân tháp làng cùi Kala. Trên mộ ghi : JEAN CASSAIGNE. 1895-1973. Caritas et Amor.
Những năm sau khi Ngài qua đời, trẻ em cắp sách đi hoc, hay bất cứ ai qua lại phần mộ Ngài, đều dừng chân đọc kinh nguyện cầu. Như tất cả các vị Thừa Sai, Ngài muốn gửi thân xác mình bên cạnh đoàn chiên yêu dấu của mình.
Đức Cha Gioan Sanh xứng đáng với danh hiệu ‘‘Tông Đồ Người Cùi’’ (Apôtre des Lépreux) như Linh Mục Damien de Veuster (Bỉ, 1840-1889), ở Molokai, được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước, 1995. Ngày 12.01.1972, trên giường bệnh, Chính phủ VNCH đã tặng Ngài huy chương cao nhất là ‘Đệ Tứ Bảo Quốc Huân Chương’. Trong bản văn trao tặng huy chương có viết : Tông Đồ Bác Ái. Đức Giám Mục Jean Cassaigne thuộc hàng Giáo Phẩm Công Giáo. Ngay từ khi đặt chân tới VN đã quan tâm phục vụ lớp người nghèo khó, giúp đỡ tinh thần và vật chất cho các sắc dân thiểu số... Sau 14 năm làm giám mục Sàigòn... Ngài trở về băng bó vết thương tinh thần và vật chất cho những người con của Ngài ở làng Kala... Công nghiệp, gương sáng và chí lớn của Đức Giám Mục Jean Cassaigne xứng đáng được dân VN tri ơn và ghi nhớ mãi mãi. Hôm ấy Đức Cha vui vẻ, tỉnh táo đón nhận và nói : Tôi chỉ biết đáp ơn bằng lời cầu nguyện mà thôi.
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình (1919-1995) đã nói về Ngài : Đức Cha Gioan Cassaigne hoàn toàn hy sinh coi mình vì Chúa và người anh em. Ngài là gương sáng phản chiếu trung thực cuộc đời Chúa Cứu Thế. Chớ gì mọi Kitô hữu nhìn vào gương sáng ấy để sống chứng nhân của Thầy Chí Thánh (9.6.1973). Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (1909-1973) khi thấy người Cùi Thượng vui tươi, đã xác nhận công trạng của người có công vun trồng : Họ đói thì Đức Cha Gioan cho ăn. Bị bệnh thì Đức Cha băng bó, cho thuốc và chăm sóc. Khi chết được về Trời. Còn gì họ sung sướng bằng.
Từ năm 1972, ở cuối nhà thờ Đức Mẹ Faima Bình Triệu người ta thấy trên bàn nhỏ có bức tượng nhỏ, khoảng 25cm ‘‘Một giám mục tay trái cầm Thánh Giá, tay phải ôm ngang vai một người cùi, dưới chân trái có em bé khỏe mạnh, cả ba đều ngước mắt lên trời cao’’. Dưới bệ tượng có ghi : Đức Cha Gioan Cassaigne. Ngày nay, bức tượng ấy không còn nữa. Nhưng trên bức tường ngoài hiên của nhà thờ, có nhiều bảng ghi ‘‘Tạ Ơn Giám Mục Gioan Sanh’’ (Mercie Mgr Jean Cassaigne). Một chứng nhân khác là Lm Chung Viết Cư, 1973, trong khi chờ khách, đọc báo thấy Đc Sanh chết. Cha Cư đi tu làm Lm phục vụ ở Kontum qua đời ở Phú Nhuận. Như vậy, chứng tỏ Đức Cha Gioan Cassaigne Sanh còn sống mãi trong lòng từng người Việt Nam.¡
______________
Tài liệu viết bài :
-Louis & Madeleine Raillon, Jean Cassaigne La lèpre & Dieu, Saint Paul, Paris, 1993.
-Collection Dieu est amour, No 182, 2001. ‘‘Mon coeur est au Viet Nam’ Mgr. Cassaigne, Missionaire et évêque lépreux de Saigon.
-Lm. Phùng Thanh Quang. Lạc Quan Trên Miền Thượng. Sài gòn, 1981.
-Micae Nguyễn Thanh Vân. Niềm Vui Trong Chúa. (diễn văn trong tang lễ)
-Florence Eibl. Mgr. Cassaigne ‘‘Grand Monseigneur’’. France Ctholique, N.2867, 31-01-2003