Giữa những chỉ trích vang lên khắp nơi trên thế giới, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố ảnh chụp cuộc hẹn với Đức Thánh Cha để chứng minh rằng việc công bố Tuyên ngôn đang gây tranh cãi này không phải là việc làm của riêng Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết, Tuyên ngôn Fiducia supplicans chưa hề được thảo luận hay phê chuẩn bởi Đại hội đồng các Hồng Y và Giám mục của Bộ Giáo Lý Đức Tin, chứ đừng nói đến việc tham khảo ý kiến các Giám Mục trên thế giới như các vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin thường làm.

Trong bài báo được đăng trên tờ Pillar Catholic với tiêu đề “Müller - ‘Fiducia supplicans’ is ‘self-contradictory’”, nghĩa là Đức Hồng Y Müller cho rằng Tuyên ngôn Fiducia supplicans là tự mâu thuẫn,” ngài cũng đi xa hơn và giải thích những lầm lạc của Tuyên ngôn Fiducia supplicans. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Phước lành duy nhất của Mẹ Giáo Hội là Sự Thật Sẽ Giải Thoát Chúng Ta. Lưu ý về Tuyên ngôn Fiducia supplicans

Với Tuyên ngôn Fiducia supplicans về “Ý nghĩa mục vụ của các Phép lành”, Bộ Giáo lý Đức tin đã đưa ra một khẳng định chưa từng có trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Trên thực tế, tài liệu này khẳng định rằng một linh mục có thể ban phép lành (không phải theo phụng vụ, nhưng riêng tư) cho các cặp vợ chồng sống trong quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, kể cả các cặp đồng giới. Nhiều câu hỏi được các giám mục, linh mục và giáo dân nêu ra khi đáp lại những tuyên bố này xứng đáng nhận được câu trả lời rõ ràng và dứt khoát.

Phải chăng Tuyên ngôn này mâu thuẫn rõ ràng với giáo huấn Công Giáo? Các tín hữu có buộc phải chấp nhận giáo huấn mới này không? Liệu vị linh mục có thể thực hiện những thực hành mới vừa được phát minh ra không? Và liệu vị giám mục giáo phận có thể cấm các thực hành này nếu chúng diễn ra trong giáo phận của ngài không?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy xem chính xác tài liệu này dạy gì và nó dựa vào những lập luận nào.

Tài liệu này, chưa hề được thảo luận hay phê chuẩn bởi Đại hội đồng các Hồng Y và Giám mục của Bộ Giáo Lý Đức Tin, thừa nhận rằng giả thuyết (hoặc giáo huấn?) mà nó đề xuất là mới và nó chủ yếu dựa trên huấn quyền mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Theo đức tin Công Giáo, giáo hoàng và các giám mục có thể đặt ra một số điểm nhấn mục vụ nhất định và liên hệ một cách sáng tạo chân lý của Mặc khải với những thách thức mới của mỗi thời đại, chẳng hạn như trong lĩnh vực học thuyết xã hội hoặc đạo đức sinh học, nhưng đồng thời phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Nhân học Kitô giáo. Hơn thế nữa, những đổi mới này không thể vượt quá những gì đã được các tông đồ mạc khải một lần và mãi mãi như lời Thiên Chúa (Dei verbum 8). Trên thực tế, không có văn bản Kinh thánh hoặc văn bản nào của các Giáo phụ và Tiến sĩ Hội Thánh hoặc các tài liệu trước đây của huấn quyền hỗ trợ cho kết luận của Tuyên ngôn Fiducia supplicans. Hơn thế nữa, những gì chúng ta thấy không phải là một sự phát triển mà là một bước đứt đoạn về mặt giáo lý. Vì người ta chỉ có thể nói về một sự phát triển giáo lý nếu lời giải thích mới được chứa đựng, ít nhất một cách ngầm định, trong Mạc Khải và trên hết, nó không mâu thuẫn với các định nghĩa tín lý. Và sự phát triển giáo lý đạt đến ý nghĩa sâu sắc hơn phải diễn ra tiệm tiến, nghĩa là phải trải qua một thời gian trưởng thành lâu dài. Trên thực tế, Tuyên bố huấn quyền cuối cùng về vấn đề này đã được Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra trong một bản phản hồi được công bố vào tháng 3 năm 2021, chưa đầy ba năm trước, và tuyên bố ấy đã dứt khoát bác bỏ khả năng chúc lành cho những kết hợp này. Điều này áp dụng cả cho các phước lành công cộng lẫn các phước lành riêng tư cho những người sống trong hoàn cảnh tội lỗi.

Làm thế nào để Tuyên ngôn Fiducia supplicans biện minh cho việc đề xuất một học thuyết mới mà không mâu thuẫn với tài liệu năm 2021 trước đó?

Trước hết, Tuyên ngôn Fiducia supplicans công nhận rằng cả phản hồi của Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 2021 và giáo huấn truyền thống, có giá trị và ràng buộc về các phép lành đều không cho phép việc chúc lành trong những tình huống trái với luật Chúa, như trong trường hợp kết hợp tình dục ngoài hôn nhân. Điều này là rõ ràng đối với các bí tích, cũng như đối với các phép lành khác mà Tuyên ngôn Fiducia supplicans gọi là phép lành “phụng vụ”. Những phép lành “phụng vụ” này thuộc về điều mà Giáo hội gọi là “bí tích”, như được ghi nhận trong Sách Lễ Rôma. Hai loại phép lành này đều đòi phải có sự thống nhất giữa phép lành và giáo huấn của Giáo hội (FS 9-11).

Vì vậy, để chấp nhận phép lành trong những hoàn cảnh trái ngược với Tin Mừng, Bộ Giáo Lý Đức Tin đề xuất một giải pháp độc đáo: đó là mở rộng khái niệm phép lành (FS 7; FS 12). Điều này được biện minh như sau:

“Người ta cũng phải tránh nguy cơ giản lược ý nghĩa của các phép lành vào quan điểm này mà thôi [tức là giản lược vào các phép lành 'phụng vụ' của các bí tích và á bí tích], vì nó sẽ khiến chúng ta mong đợi cùng những điều kiện luân lý cho một phép lành đơn giản được đòi hỏi khi lãnh nhận các bí tích. (FS 12). Nghĩa là, cần phải có một khái niệm mới về phép lành, một khái niệm vượt xa các phép lành bí tích để đồng hành về mặt mục vụ với hành trình của những người sống trong tội lỗi.

Trên thực tế, việc mở rộng ra ngoài các bí tích này đã diễn ra thông qua các phép lành khác đã được phê chuẩn trong Nghi lễ Rôma. Giáo hội không đòi hỏi những điều kiện đạo đức để ban phép lành giống như khi lãnh nhận bí tích. Chẳng hạn, điều này xảy ra trong trường hợp một hối nhân không muốn từ bỏ hoàn cảnh tội lỗi, nhưng có thể khiêm tốn xin một phép lành riêng để Chúa ban cho họ ánh sáng và sức mạnh để hiểu và tuân theo những lời dạy của Tin Mừng. Trường hợp này không đòi hỏi một loại phép lành “mục vụ” mới.

Vậy thì tại sao cần phải mở rộng ý nghĩa của “chúc lành”, nếu phép lành như được hiểu trong Nghi thức Rôma đã vượt xa phép lành được ban trong bí tích? Lý do là vì các phép lành mà Nghi lễ Rôma dự trù chỉ có thể thực hiện được trên “những sự vật, địa điểm hoặc hoàn cảnh không mâu thuẫn với luật pháp hoặc tinh thần Tin Mừng” (FS 10, trích dẫn Nghi lễ Rôma). Và đây chính là điểm mà Bộ Giáo Lý Đức Tin muốn khắc phục, vì họ muốn chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong những hoàn cảnh, chẳng hạn như các mối quan hệ đồng tính, trái với luật pháp và tinh thần Tin Mừng. Đúng là Giáo hội có thể thêm “các á bí tích mới” vào các á bí tích hiện có (Vatican II: Sacrosanctum Concilium 79), nhưng Giáo hội không thể thay đổi ý nghĩa của chúng theo cách bình thường hóa tội lỗi, đặc biệt trong một môi trường văn hóa mang tính ý thức hệ cao dễ làm các tín hữu hiểu lầm. Và sự thay đổi ý nghĩa này chính xác là những gì xảy ra trong Tuyên ngôn Fiducia supplicans. Tuyên ngôn này phát minh ra một loại phước lành mới ngoài những loại liên quan đến các bí tích hoặc phước lành như Giáo hội đã hiểu. Tuyên ngôn Fiducia supplicans nói rằng đây là những phép lành phi phụng vụ thuộc về lòng đạo đức bình dân. Như thế, theo đề xuất của Tuyên ngôn Fiducia supplicans sẽ có ba loại phước lành:

a) Các chúc lành liên quan đến các bí tích, đòi hỏi người nhận lãnh phải ở trong trạng thái thích hợp để lãnh nhận các bí tích, hoặc đòi hỏi người đó phải đón nhận sức mạnh để từ bỏ tội lỗi.

b) Các phép lành, như được ghi trong Nghi thức Rôma và như giáo lý Công Giáo luôn hiểu, có thể được ban cho con người, ngay cả khi họ sống trong tội lỗi, nhưng không dành cho “những sự việc, địa điểm hoặc hoàn cảnh… trái ngược với luật pháp hoặc tinh thần Tin Mừng” (FS 10, trích Sách Nghi Lễ Rôma). Vì vậy, chẳng hạn, một phụ nữ đã phá thai có thể được chúc lành, nhưng phòng khám phá thai thì không thể được chúc phúc.

c) Các phép lành mới do Tuyên ngôn Fiducia supplicans đề xuất sẽ là các phép lành mục vụ, không phải các phép lành phụng vụ hay nghi lễ. Vì vậy, các phép lành như thế sẽ không còn bị giới hạn như các phép lành “nghi lễ” hay loại “b”. Chúng có thể được áp dụng không chỉ cho những người tội lỗi, như trong các phép lành “nghi thức”, mà còn cho những sự việc, địa điểm hoặc hoàn cảnh trái ngược với Tin Mừng.

Những phước lành loại “c” hay những phước lành “mục vụ” này là một điều mới lạ. Không mang tính phụng vụ mà là “lòng đạo đức bình dân”, chúng được cho là sẽ không đòi phải nhượng bộ các giáo lý Phúc âm và sẽ không nhất quán với các chuẩn mực đạo đức hoặc giáo lý Công Giáo.

Chúng ta có thể nói gì về loại phước lành mới này?

Nhận xét đầu tiên là không có cơ sở cho cách sử dụng mới này trong các văn bản Kinh thánh được Tuyên ngôn Fiducia supplicans trích dẫn, cũng như trong bất kỳ Tuyên ngôn nào trước đây của Huấn quyền. Các văn bản do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cũng không cung cấp nền tảng cho kiểu chúc lành mới này. Việc chúc lành theo Nghi thức Rôma (loại “b”) thật sự đã cho phép các linh mục chúc lành cho những người sống trong tội lỗi. Và kiểu “chúc lành [loại b] này có thể dễ dàng áp dụng cho những người đang ở trong tù hoặc trong một nhóm cải tạo, như Đức Phanxicô nói (FS 27).

Trái lại, phép lành “mục vụ” đổi mới loại “c” này, vượt xa những gì Đức Phanxicô đề cập đến, bởi vì người ta có thể ban phép lành như vậy cho một thực tại trái với luật Chúa, chẳng hạn như chúc lành cho mối quan hệ ngoài hôn nhân. Trên thực tế, theo tiêu chí của loại phước lành này, người ta thậm chí có thể chúc lành cho một phòng khám phá thai hoặc một nhóm mafia.

Điều này dẫn đến nhận xét thứ hai: thật nguy hiểm khi phát minh ra những thuật ngữ mới đi ngược lại cách sử dụng ngôn ngữ truyền thống. Thực hành này có thể dẫn đến việc thực thi quyền lực một cách tùy tiện. Trong trường hợp đang được đề cập đến, sự thật là một phép lành có một thực tại khách quan của riêng nó và do đó không thể được xác định lại tùy ý để phù hợp với ý định chủ quan trái ngược với bản chất của phép lành. Ở đây tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của Humpty Dumpty trong cuốn “Alice Trong Xứ Sở Thần Tiên”: “Khi tôi sử dụng một từ, nó chỉ có nghĩa theo những gì tôi chọn, không hơn không kém.” Alice trả lời: “Vấn đề là liệu bạn có thể làm cho các từ có nhiều nghĩa khác nhau hay không.” Và Humpty Dumpty nói: “Vấn đề là ai sẽ là chủ; đó là tất cả.”

Quan sát thứ ba liên quan đến chính khái niệm cho rằng “phép lành phi phụng vụ” không nhằm mục đích phê chuẩn bất cứ điều gì (FS 34), như phép lành “mục vụ” (loại “c”). Nó khác với phép lành loại “b” được trình bày trong Nghi lễ Rôma như thế nào? Sự khác biệt không nằm ở bản chất tự phát của phép lành, điều này đã có thể xảy ra trong các phép lành loại “b”, vì chúng không cần phải được quy định hoặc phê chuẩn trong Nghi thức Rôma. Cũng không có sự khác biệt về lòng đạo đức bình dân, vì các phép lành theo Nghi lễ Rôma đã được điều chỉnh cho phù hợp với lòng đạo đức bình dân, vốn yêu cầu làm phép đồ vật, địa điểm và con người. Có vẻ như phép lành “mục vụ” mang tính đổi mới được tạo ra đặc biệt để chúc lành cho những tình huống trái với luật pháp hoặc tinh thần Phúc Âm.

Điều này đưa chúng ta đến nhận xét thứ tư liên quan đến đối tượng của phép lành “mục vụ” này, được chế ra để phân biệt với phép lành “nghi thức” của Sách Lễ Rôma. Phép lành “mục vụ” có thể bao gồm những tình huống trái ngược với Tin Mừng. Lưu ý rằng ở đây không chỉ những người tội lỗi mới được chúc lành, mà bằng cách chúc lành cho một cặp, chính mối quan hệ tội lỗi cũng được chúc lành. Thiên Chúa không thể ban ân sủng cho một mối quan hệ trực tiếp đối nghịch với Ngài và người ta không thể ra lệnh cho Ngài. Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không thể đưa con người đến gần Thiên Chúa hơn và do đó không thể mở lòng đón nhận phúc lành của Thiên Chúa. Vì vậy, nếu phước lành này được ban, tác dụng duy nhất của nó là làm bối rối những người nhận nó hoặc những người tham dự nó. Họ sẽ nghĩ rằng Thiên Chúa đã chúc lành cho những gì Ngài không thể chúc lành. Phép lành “mục vụ” này sẽ không phải là phép lành mục vụ cũng không phải là một sự chúc phúc. Đúng là Đức Hồng Y Fernandez, trong những phát biểu sau này với Infovaticana, đã nói rằng không phải sự kết hợp được chúc phúc mà là cặp đó. Tuy nhiên, điều này làm mất đi ý nghĩa của một từ, vì điều định nghĩa một cặp chính là sự kết hợp của họ.

Khó khăn trong việc chúc lành cho một sự kết hiệp hay một cặp đặc biệt rõ ràng trong trường hợp đồng tính luyến ái. Vì trong Kinh thánh, phước lành có liên quan đến trật tự mà Thiên Chúa đã tạo ra và Ngài đã tuyên bố là tốt lành. Trật tự này dựa trên sự khác biệt giới tính giữa nam và nữ, được gọi là một xương một thịt. Việc chúc phúc cho một thực tại trái ngược với sáng tạo không những không thể thực hiện được mà còn là một sự báng bổ. Một lần nữa, vấn đề không phải là chúc phúc cho những người “sống trong một sự kết hợp không thể so sánh được với hôn nhân “ (FS số 30), mà là chúc phúc cho chính sự kết hợp không thể so sánh được với hôn nhân. Chính vì mục đích này mà một loại phúc lành mới đã được tạo ra (FS 7, 12).

Một số lập luận xuất hiện trong văn bản nhằm cố gắng biện minh cho những phước lành này. Thứ nhất, khả năng có những điều kiện giảm nhẹ tội lỗi của tội nhân. Tuy nhiên, những điều kiện này đề cập đến con người chứ không phải bản thân mối quan hệ. Người ta cũng nói rằng việc xin phép lành là điều tốt lành mà những người này có thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại của họ, như thể việc xin phép lành tự nó đã tạo nên một sự mở ra với Thiên Chúa và cho sự hoán cải. Điều này có thể đúng với những người cầu xin phước lành cho cá nhân mình, nhưng không đúng cho những người cầu xin phước lành cho hai người như một cặp. Trường hợp thứ hai, khi xin phép lành cho một cặp, người ta ngầm tìm cách biện minh hay minh nhiên cho mối quan hệ của họ trước Thiên Chúa, mà không nhận ra rằng chính mối quan hệ của họ đã khiến họ xa cách Thiên Chúa. Cuối cùng, người ta khẳng định rằng có những yếu tố tích cực trong mối quan hệ và những yếu tố này có thể được chúc lành, nhưng những yếu tố tích cực này (ví dụ, một người giúp đỡ người kia khi bị bệnh) chỉ là thứ yếu so với bản thân mối quan hệ - mà đặc điểm xác định mối quan hệ đó là sự chia sẻ hoạt động tình dục—và những yếu tố gọi là tích cực ấy không làm thay đổi bản chất của mối quan hệ này, vì mối quan hệ như thế trong mọi trường hợp không thể hướng về Thiên Chúa, như đã được ghi nhận trong Bản Phản hồi năm 2021 của Bộ Giáo lý Đức tin. Ngay cả trong một phòng khám phá thai cũng có những yếu tố tích cực, từ các bác sĩ gây mê ngăn chặn nỗi đau thể xác, đến mong muốn của các bác sĩ bảo vệ dự án cuộc sống của người phụ nữ đang phá thai.

Nhận xét thứ năm liên quan đến sự mâu thuẫn nội tại của phép lành “mục vụ” mang tính đổi mới này. Liệu có thể ban một phép lành ngoài phụng vụ, một phép lành, mà không chính thức đại diện cho giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo hội không? Chìa khóa để trả lời câu hỏi này không phải là liệu các nghi lễ có được phê duyệt chính thức hay được ứng biến một cách tự phát hay không. Vấn đề là người ban phép lành có phải là linh mục, đại diện cho Chúa Kitô và Giáo hội hay không. Tuyên ngôn Fiducia supplicans khẳng định rằng không có vấn đề gì đối với linh mục khi tham gia cầu nguyện cho những người thấy mình ở trong hoàn cảnh trái ngược với Tin Mừng (FS 30), nhưng trong phép lành này, linh mục không chỉ đơn giản tham gia vào lời cầu nguyện của họ, mà còn khẩn cầu Chúa, nài van những ân sủng của Chúa giáng xuống chính mối quan hệ. Trong tư cách linh mục, linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội. Bây giờ cho rằng người ta có thể tách biệt ý nghĩa của phước lành này khỏi lời dạy của Chúa Kitô là thừa nhận một thuyết nhị nguyên giữa những gì Giáo hội làm và những gì Giáo hội nói. Nhưng như Công đồng Vatican II dạy, mạc khải được ban cho chúng ta bằng việc làm và lời nói, không thể tách rời (Dei Verbum 2), và lời loan báo của Giáo hội không thể tách rời việc làm và lời nói. Chính những người bình dân, những người mà tài liệu muốn ưu ái bằng cách cổ vũ lòng đạo đức bình dân, là những người dễ bị lừa dối nhất bởi một hành động mang tính biểu tượng mâu thuẫn với giáo lý, vì họ nắm bắt được nội dung giáo lý của hành động đó một cách trực giác.

Trước vấn đề này, một người Công Giáo trung thành có thể chấp nhận lời dạy của Tuyên ngôn Fiducia supplicans không? Với sự thống nhất giữa việc làm và lời nói trong đức tin Kitô giáo, người ta chỉ có thể chấp nhận rằng việc chúc lành cho những sự kết hợp này là điều tốt, thậm chí theo cách mục vụ, nếu người ta tin rằng những sự kết hợp như vậy không trái với luật Chúa một cách khách quan. Như thế, chừng nào Đức Thánh Cha Phanxicô còn tiếp tục khẳng định rằng việc kết hợp đồng giới luôn trái với luật Thiên Chúa, thì ngài đang ngầm khẳng định rằng những phúc lành như vậy không thể được ban tặng. Do đó, giáo huấn trong Tuyên ngôn Fiducia supplicans có tính chất tự mâu thuẫn và do đó cần được làm rõ thêm. Giáo hội không thể cử hành một điều và dạy một điều khác bởi vì, như Thánh Ignaxiô thành Antiôkia đã viết, Chúa Kitô là Thầy “đã nói và việc đó được thực hiện” (Ê-phê-sô 15:1), và người ta không thể tách xác thịt của mình ra khỏi lời của mình.

Câu hỏi khác mà chúng tôi được hỏi là liệu một linh mục có thể đồng ý chúc lành cho những kết hợp này hay không, khi các kết hợp này diễn ra song song với một cuộc hôn nhân hợp pháp [chẳng hạn, một người đàn bà ngoại tình dẫn tình nhân đến gặp một linh mục xin chúc lành thì sao?] hay trong trường hợp sự kết hợp này liên quan đến sự thay đổi người bạn tình.

Theo Tuyên ngôn Fiducia supplicans, các ngài có thể chúc lành với một phép lành “mục vụ” phi phụng vụ, không chính thức. Điều này có nghĩa là linh mục sẽ phải ban những phép lành này mà không nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội. Nhưng điều này có nghĩa là ngài sẽ không hoạt động như một linh mục. Trên thực tế, ngài sẽ phải ban những phước lành này không phải với tư cách là một linh mục của Chúa Kitô, mà là một người đã bác bỏ Chúa Kitô. Thực ra, qua hành động của mình, vị linh mục ban phép lành cho những cuộc kết hợp này trình bày chúng như con đường dẫn đến Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, hành động của vị linh mục là phạm thánh và phạm thượng chống lại kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và chống lại cái chết của Chúa Kitô cho chúng ta, nhằm hoàn thành kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Giám mục giáo phận cũng phải quan ngại. Với tư cách là mục tử của Giáo Hội địa phương, ngài có nghĩa vụ ngăn chặn những hành vi phạm thượng này, nếu không ngài sẽ trở thành đồng phạm với những hành động ấy và sẽ từ chối nhiệm vụ mà Chúa Kitô trao cho ngài là củng cố đức tin cho anh em mình.

Các linh mục phải công bố tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa cho mọi người, đồng thời giúp đỡ những người tội lỗi và những người yếu đuối và gặp khó khăn trong việc hoán cải bằng lời khuyên và lời cầu nguyện. Điều này rất khác với việc chỉ đưa ra cho họ những dấu hiệu và lời nói tự tạo ra nhưng gây hiểu lầm rằng Thiên Chúa không quá khắt khe về tội lỗi, do đó che giấu sự thật rằng tội lỗi trong suy nghĩ, lời nói và việc làm khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa. Không có phước lành nào, không chỉ nơi công cộng mà cả nơi riêng tư, cho những điều kiện sống tội lỗi trái ngược một cách khách quan với thánh ý Chúa. Và không có bằng chứng nào về một lối giải thích lành mạnh mà những người dũng cảm bảo vệ giáo lý Kitô giáo lại bị coi là những người theo chủ nghĩa cứng nhắc, quan tâm đến việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của họ một cách hợp pháp hơn là đến việc cứu rỗi những con người cụ thể. Vì đây là điều Chúa Giêsu nói với những người bình thường: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì t Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30). Và thánh tông đồ giải thích điều đó như thế này: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?”(1 Ga 5:3-5). Vào thời điểm mà khoa nhân chủng học sai lầm đang phá hoại thể chế thiêng liêng về hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, với gia đình và con cái, Giáo hội nên nhớ những lời của Chúa và là Thủ lãnh của mình: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7:13-14).


Source:Pillar Catholic