1. Hoa Kỳ và NATO phô diễn 'hỏa lực' để cảnh báo Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Phái bộ NATO Mỹ phô diễn 'hỏa lực' cảnh báo Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo tờ NewsWeek, phái đoàn Mỹ tại NATO đã khoe dàn xe tăng khổng lồ trong một bài đăng thể hiện sức mạnh quân sự tổng hợp của Mỹ và Âu Châu nhằm cảnh báo Nga.
Các bức ảnh được đăng lên X, cho thấy ít nhất 21 phương tiện chiến đấu quân sự mới nhất xếp hàng với cờ của các quốc gia bao gồm Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Anh cùng với quốc kỳ Mỹ.
Bài đăng tuyên bố đây là một “cuộc phô trương hỏa lực” và viết: “Chúng tôi đã đồng ý với các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh được thiết kế để chống lại hai mối đe dọa chính đối với Liên minh của chúng ta: Nga và khủng bố.”
Trong hội nghị thượng đỉnh gần đây của Nhóm Visegrad – bao gồm Ba Lan, Hung Gia Lợi, Slovakia và Cộng hòa Tiệp – Tổng thống Tiệp Petr Pavel được truyền thông Nga trích dẫn rằng các lực lượng Âu Châu đang chuẩn bị cho một “cuộc xung đột cường độ cao” với Mạc Tư Khoa.
Theo nhà báo truyền thông nhà nước Nga Pavel Zarubin, Điện Cẩm Linh đáp trả bằng tuyên bố từ phát ngôn nhân Dmitry Peskov rằng: “Không phải Nga đe dọa Âu Châu, mà là Âu Châu đặt ra mối đe dọa cho Nga”.
Những bức ảnh về bộ sưu tập xe tăng do phái đoàn Mỹ tại NATO công bố có thể báo hiệu cam kết của liên minh quân sự Mỹ và Âu Châu trong việc mở rộng sức mạnh trong bối cảnh Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức công bố báo cáo cho biết tổ chức này phải sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn trong vòng năm đến chín năm.
Báo cáo cho biết liên minh này đang trong một “cuộc chạy đua với thời gian” vì Nga “là mối đe dọa lớn nhất và cấp bách nhất đối với các nước NATO”, tác giả Christian Mölling và Torben Schütz cho biết.
Báo cáo nói thêm: “Một khi giao tranh khốc liệt kết thúc ở Ukraine, chế độ ở Mạc Tư Khoa có thể cần ít nhất từ 6 đến 10 năm để tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Trong khung thời gian đó, Đức và NATO phải cho phép lực lượng vũ trang của họ ngăn chặn và, nếu cần thiết, chiến đấu chống lại Nga. Chỉ khi đó họ mới có thể giảm nguy cơ một cuộc chiến khác nổ ra ở Âu Châu.”
Nga gần đây bị cáo buộc cố tình gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Phần Lan, thành viên NATO nhằm gây bất ổn cho thành viên mới nhất của liên minh quân sự này.
Chính quyền Phần Lan đã đóng cửa bốn cửa khẩu biên giới với Nga vào tuần trước sau khi số người xin tị nạn không có giấy tờ cố gắng vào nước này tăng đột biến. Điện Cẩm Linh phủ nhận tuyên bố đây là một âm mưu có chủ ý.
Nhưng Mikko Kinnunen, đại sứ, truyền thông chiến lược, tại Bộ Ngoại giao Phần Lan, nói với Newsweek hôm thứ Năm: “Mọi người đều hiểu rõ đây là một hoạt động gây ảnh hưởng ác ý của Nga”.
2. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng đã có các yếu tố cho thấy làn sóng tấn công thứ ba của Nga vào Avdiivka sẽ thất bại
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Làn sóng tấn công thứ ba' của Nga vào Avdiivka phải đối mặt với nhiều vấn đề”, Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Một tổ chức nghiên cứu cho biết “làn sóng tấn công thứ ba” của Nga vào thị trấn Avdiivka ở phía đông Donetsk khó có thể dẫn đến bước tiến nhanh chóng của Nga trong khu vực.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã đưa ra đánh giá này trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Bẩy. Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng Nga đã bắt đầu nỗ lực tấn công mới vào Avdiivka vào ngày 22 tháng 11.
Các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng cường độ gần thị trấn Avdiivka, nơi được coi là cửa ngõ vào thành phố Donetsk. Nga đã điều động hàng ngàn binh sĩ kể từ ngày 10/10 cùng với xe tăng và xe thiết giáp nhằm chiếm giữ Avdiivka. Lực lượng Mạc Tư Khoa được cho là đã chịu tổn thất lớn về quân số và trang thiết bị.
Chỉ huy Ukraine Oleksandr Tarnavskyi cho biết trên kênh Telegram rằng quân đội Nga đã bắt đầu đợt tấn công thứ ba vào Avdiivka, và Tư lệnh Nhóm Lực lượng Tavriisk, Chuẩn tướng Oleksandr Shtupun nói thêm rằng “làn sóng thứ ba” này đã bắt đầu vào ngày 22 tháng 11.
ISW cho biết các lực lượng Nga có thể sẽ tiếp tục tấn công vào thị trấn với khả năng cơ giới hóa yếu hơn rất niều so với các đợt tấn công trước đó xảy ra vào tháng 10.
Đại Tá Shtupun cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy 3 xe tăng và 7 xe chiến đấu bọc thép của Nga vào ngày 22/11.
ISW cho biết điều này cho thấy các lực lượng Nga “hiện đang tiến hành một loạt các cuộc tấn công cơ giới hóa nhỏ hơn so với tháng 10”.
“Lực lượng Nga đã mất 197 phương tiện được xác nhận là bị hư hại và phá hủy trong các hoạt động tấn công gần Avdiivka kể từ ngày 9 tháng 10, và quân đội Nga dường như đã dành thời gian cuối tháng 10 và cả tháng 11 để chuẩn bị cho một làn sóng tấn công mặt đất tiêu hao cao do bộ binh dẫn đầu để bù đắp cho những tổn thất về thiết bị hạng nặng này”
ISW cho biết các cuộc tấn công mặt đất quy mô lớn do bộ binh chỉ huy có thể sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể cho lực lượng Ukraine phòng thủ theo hướng Avdiivka nhưng “sẽ không dẫn đến bước tiến nhanh chóng của Nga trong khu vực”.
Một sĩ quan quân đội Nga cũng đã trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Nga RTVI trong tuần này và cho biết Ukraine cho đến nay đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công của Nga vào Avdiivka.
Sĩ quan quân đội Nga Roman Saponkov cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm: “Họ đang hoàn toàn kìm hãm cuộc tấn công của chúng tôi vào Avdiivka”.
Trang web tin tức độc lập của Nga Pravda đưa tin hôm thứ Năm rằng các lực lượng Nga đã cho nổ một quả bom nặng 500 kg trong một đường hầm dưới vị trí của Ukraine. Nó cho biết vụ nổ mạnh khiến quân đội Kyiv không có cơ hội đẩy lùi bước tiến, “và tất cả các công sự phòng thủ của Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhanh chóng bị quân Nga chiếm giữ”.
Đây được cho là một chiến thuật mới được Nga áp dụng gần đây để tiếp cận các vị trí của Ukraine ở Avdiivka.
“Về chiến thuật của người Nga. Cuộc chiến hiện nay thường được so sánh với Thế chiến thứ nhất. Trên mặt trận Avdiivka người Nga đã bắt đầu sử dụng chiến thuật đào hầm. Họ đang đào chúng gần vị trí của chúng tôi. Đầu tiên, điều này hỗ trợ việc che giấu. Thứ hai, sau đó họ có thể bất ngờ xuất hiện gần các vị trí của chúng tôi”, Anton Kotsukon, phát ngôn nhân của lữ đoàn cơ giới số 110 của Ukraine, được Ukrainska Pravda, một tờ báo trực tuyến của Ukraine dẫn lời, cho biết như trên.
3. Putin hợp tác với Tập Cận Bình đào đường hầm dưới nước tới Crimea. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề của Putin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Tại sao đường hầm dưới nước của Nga tới Crimea sẽ không giải quyết được vấn đề của Putin”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Theo tờ NewsWeek, Nga được tường trình đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với các giám đốc điều hành doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng một đường hầm dưới nước nối Crimea đã sáp nhập với Nga, nhưng cấu trúc như vậy khó có thể giải quyết được các vấn đề của Vladimir Putin.
Tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Sáu rằng các cơ quan an ninh của Ukraine đã đánh chặn được những tài liệu liên quan đến các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc vào tháng 10 về việc xây dựng công trình đường hầm do cầu eo biển Kerch dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, một trung tướng đã nghỉ hưu nói với Newsweek rằng đường hầm dưới nước sẽ dễ bị tổn thương cả trong quá trình xây dựng và sau khi hoàn thành.
Cầu eo biển Kerch đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga và là tuyến đường bộ duy nhất của Mạc Tư Khoa với Crimea, bán đảo Hắc Hải được Putin sáp nhập vào năm 2014.
Ukraine đã tấn công cây cầu đường bộ và hỏa xa dài hơn 19 km vào tháng 10 năm 2022 và một lần nữa vào tháng 7 năm nay. Cây cầu có đường 4 làn xe và một cây cầu hỏa xa có 2 đường ray, rất quan trọng để duy trì các cuộc tấn công quân sự của Mạc Tư Khoa ở miền nam Ukraine. Các bức ảnh vệ tinh mà Newsweek thu được cho thấy tuyến hỏa xa bị hư hại sau cuộc tấn công thứ hai của Kyiv.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng vì lý do đó, nó đã trở thành gánh nặng an ninh đáng kể đối với Mạc Tư Khoa.
Các giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga và Trung Quốc có quan hệ với chính phủ được cho là hy vọng xây dựng đường hầm để thiết lập tuyến đường vận chuyển được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.
Đường hầm dưới nước “sẽ dễ bị tổn thương…trong suốt quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành”, Trung tướng về hưu Ben Hodges nói với Newsweek.
Tướng Hodges cho biết Nga sẽ không dễ dàng xây dựng công trình này.
“Có những thách thức kỹ thuật thực sự liên quan đến ý tưởng về đường hầm này...đáy Hắc Hải/Azov ở khu vực đó không lý tưởng cho ngay cả cây cầu Kerch nên hoạt động địa chấn cũng sẽ là một vấn đề thực sự đối với đường hầm, Tướng Hodges nói.
Keir Giles, chuyên gia tư vấn cao cấp của chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức tư vấn Chatham House ở Luân Đôn, Anh, nói với Newsweek rằng đường hầm dưới nước vẫn sẽ là vấn đề đối với Nga.
“Nếu nó thực sự được xây dựng, nó sẽ là một phương tiện an toàn hơn để di chuyển đến và đi từ bán đảo bị tạm chiếm—nhưng vẫn là một điểm tắc nghẽn và một điểm thất bại, và chừng nào tình trạng thù địch còn tiếp diễn thì bất kỳ ai đi qua đường hầm tưởng tượng này sẽ cảm thấy đặc biệt lo lắng”.
Tờ Washington Pos cho biết các tin nhắn này được cung cấp bởi các quan chức Ukraine với hy vọng vạch trần dự án và sự tham gia tiềm tàng của Trung Quốc.
Putin ra tín hiệu muốn xây đường hầm dưới nước nối Nga và Crimea vào năm 2014 khi lực lượng của ông sáp nhập bán đảo này.
“Chúng ta cần cả đường bộ và cầu hỏa xa ở đó”, Putin nói vào thời điểm đó. Cây cầu đó bây giờ là cầu eo biển Kerch.
Bộ trưởng Giao thông lúc đó Maxim Sokolov cho biết: “Phương án xây đường hầm dưới eo biển Kerch cũng sẽ được xem xét”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington DC đã đánh giá vào tháng 8 rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng nối Crimea với miền nam Ukraine và với đất liền Nga đang ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển tài nguyên của Mạc Tư Khoa. Viện nghiên cứu cho biết điều này cũng đang cản trở nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm chống lại cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv nhằm đòi lại lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết chiếm lại Crimea.
4. Những chiếc xe thiết giáp BMP-1AM của Nga có nhiều vấn đề. Quân Nga tiếp tục bỏ xe chạy, bàn giao y nguyên cho quân Ukraine.
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Người Nga tiếp tục bàn giao những chiếc BMP-1AM được nâng cấp của họ cho người Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Theo ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ, một cuộc phản công nửa vời của Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 37 của quân đội Nga, nhắm vào các vị trí của Ukraine ở phía đông Urozhaine ở tỉnh Donetsk phía nam Ukraine, vừa kết thúc với thất bại của Nga sau khi Lữ đoàn 37 đụng độ Lữ đoàn 3 và 58 của Ukraine.
Cuộc giao tranh ngắn ngủi không có gì đáng chú ý vào thời điểm toàn bộ quân đội dã chiến của Nga với một số lữ đoàn và trung đoàn đã ném hàng ngàn phương tiện vào đơn vị đồn trú của Ukraine ở Avdiivka, ngay bên ngoài Donetsk ở vùng Donbas phía đông Ukraine. Tổn thất của Nga trong chiến dịch Avdiivka lên tới hàng trăm xe tăng, phương tiện chiến đấu và có thể là hàng chục ngàn binh sĩ.
Tuy nhiên, quân Nga rút lui khỏi chiến trường bên ngoài Urozhine rõ ràng đã để lại ít nhất một giải thưởng thú vị: đó là một chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-1AM còn nguyên vẹn. Lữ đoàn 58 Ukraine khoe chiếc IFV nặng 15 tấn, chở 11 người trên mạng xã hội.
Nói rõ hơn, Lữ đoàn 37 Nga đã bỏ lại chiếc BMP-1AM thứ hai. Một chiếc xe tương tự khác thuộc cùng đơn vị, đã xuất hiện trong các bức ảnh của Lữ đoàn 37 được lan truyền trên mạng hồi đầu tháng 10. Ý thức rõ ràng rằng lớp giáp của chiếc xe quá mỏng, quân Nga thường bỏ xe chạy trước sức tấn công vũ bão của quân Ukraine.
BMP-1AM là một trong những biến thể hiếm hơn của loại BMP-1 IFV cổ điển phổ biến từ những năm 1960, mặc dù đã cũ nhưng vẫn là một trong những phương tiện chiến đấu phổ biến nhất của cả hai phía trong cuộc chiến kéo dài 22 tháng của Nga ở Ukraine. Ngành công nghiệp Liên Xô đã sản xuất hàng chục ngàn xe thiết giáp mỏng.
Vấn đề lớn nhất với BMP-1, bên cạnh khả năng bảo vệ không đầy đủ của loại này, luôn là khẩu súng 73 ly áp suất thấp. Súng có ưu điểm là tạo ra độ giật tối thiểu, nhưng nó cũng mất độ chính xác ở khoảng cách vài trăm thước. Không phải vô cớ mà hầu hết các bản nâng cấp lớn của BMP-1 đều hoán đổi khẩu súng 73 ly bằng một khẩu pháo tự động mạnh mẽ hơn — hoặc thêm một khẩu pháo tự động ở phía trên hoặc phía sau súng áp suất thấp.
Một khẩu pháo tự động 30 ly, mượn từ IFV bánh lốp BTR-82A, là tính năng chính của BMP-1AM, xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào năm 2018. Ngành công nghiệp Nga kỳ vọng BMP-1AM sẽ là một mặt hàng xuất khẩu, nhưng vào năm 2019, Điện Cẩm Linh đã đặt hàng loại xe này cho riêng mình.
Đến năm 2020, quân đội Nga chỉ có 37 chiếc BMP-1 được nâng cấp. Không rõ người Nga đã chế tạo thêm bao nhiêu chiếc nữa trước khi mở rộng cuộc chiến với Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Dù thế nào, sau hai năm chiến đấu cam go, lực lượng Nga đã mất ít nhất 32 chiếc, 8 trong số đó quân Ukraine đã chiếm được còn nguyên vẹn.
Với tốc độ này, rất có thể Ukraine sẽ sớm có số lượng BMP-1AM hoạt động giống như Nga. Và đừng nghi ngờ khả năng vận hành BMP của người Ukraine. Không có thành phần nào của IFV được nâng cấp mà không được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng vũ trang Ukraine.
5. Hạm đội Hắc Hải của Nga đã tê liệt cả tháng nay vì những thách thức sau vụ tấn công Crimea
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Hạm đội Hắc Hải của Nga đối mặt với thách thức sau vụ tấn công Crimea”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga đang phải đối mặt với một số thách thức sau khi các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea đã buộc các tàu quý của Tổng thống Vladimir Putin phải di dời khỏi cảng Sevastopol.
Các cuộc tấn công ở Crimea, trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng của nước này ở miền nam Ukraine, đã trở nên thường xuyên trong những tháng gần đây trong bối cảnh Kyiv phản công nhằm đòi lại lãnh thổ bị lực lượng Nga xâm lược.
Các cuộc tấn công đã tấn công các mục tiêu quân sự, bao gồm cả trụ sở Hạm đội Hắc Hải, như một phần trong nỗ lực làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Mạc Tư Khoa và ngăn cản Nga vận chuyển thiết bị, vũ khí và quân đội từ đất liền Nga vào bán đảo.
Newsweek đưa tin trước đó rằng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, hạm đội này đã chứng kiến 17 tàu bị tấn công, bao gồm cả kỳ hạm Moskva bị đánh chìm và tàu hộ tống Askold mới tinh chưa được đưa vào sử dụng đã nổ tung.
Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết khả năng Hạm đội Hắc Hải sử dụng căn cứ Novorossiysk để nạp lại hỏa tiễn hành trình cho các tàu có thể sẽ trở thành một yếu tố quan trọng liên quan đến hiệu quả hoạt động của hạm đội.
“Theo truyền thống, Hạm Đội Hắc Hải đã nạp lại hỏa tiễn hành trình tại Sevastopol ở Crimea. Với việc cơ sở đó ngày càng gặp rủi ro trước các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine, Nga rất có thể sẽ coi Novorossiysk là địa điểm thay thế tốt nhất”, các quan chức quốc phòng cho biết.
Họ nói thêm: “Tuy nhiên, việc di chuyển và nạp lại hỏa tiễn sẽ yêu cầu các quy trình vận chuyển, lưu trữ, giải quyết và nạp đạn mới”.
Bộ Quốc phòng Anh lưu ý rằng vào ngày 13/11, quân đội Ukraine cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga đang giải quyết một số “vấn đề hậu cần” tại Novorossiysk đang ngăn cản Mạc Tư Khoa tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn hành trình Kalibr thường xuyên.
Các quan chức quốc phòng cho biết thêm: “Nga có thể sẽ tìm cách đẩy nhanh việc khắc phục những vấn đề như vậy để kịp thời đưa hỏa tiễn hành trình trên biển vào bất kỳ chiến dịch tấn công mùa đông nào chống lại Ukraine”.
Mikhail Zvinchuk, cựu sĩ quan cấp tá của Bộ Quốc phòng Nga, đồng thời là người đứng sau kênh Telegram Rybar, đã bình luận trong tuần này về tuyên bố của Kyiv rằng, khi Hạm đội Hắc Hải được tái bố trí đến Novorossiysk, “các hỏa tiễn vẫn còn ở Sevastopol”.
Zvinchuk nói: “Về nguyên tắc, nếu nguồn dự trữ của Hạm đội Hắc Hải cạn kiệt thì hỏa tiễn mới sẽ được chuyển đến các căn cứ nơi các tàu phi trường hỏa tiễn hành trình này neo đậu để bổ sung đạn dược”.
“Và lần này, vai trò hậu cần đã bị thu hẹp; nó đã giảm, bởi vì bạn vẫn cần vận chuyển chúng đến Novorossiysk, chứ không thể để chúng ở Sevastopol xét vì tất cả các hạn chế đối với Crimea,” Zvinchuk nói thêm.
6. Liên Hiệp Âu Châu muốn trừng phạt người Nga hưởng lợi từ việc chiếm đoạt Carlsberg, Adidas
Theo tờ Politico, những người Nga chiếm giữ các bộ phận của các công ty Âu Châu sau cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin sẽ bị xử phạt theo đề xuất do Ủy ban Âu Châu đưa ra.
Các doanh nghiệp như nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg, nhà sản xuất thực phẩm Pháp Danone và công ty quần áo thể thao Adidas của Đức nằm trong số những doanh nghiệp đã bị Điện Cẩm Linh tiếp quản hoạt động tại Nga vì lo ngại an ninh quốc gia.
Cho đến nay, Liên Hiệp Âu Châu vẫn chưa thể trừng phạt những người thu lợi bất chính từ các vụ chiếm đoạt này. Nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu các chính phủ trong khối phê chuẩn các kế hoạch trừng phạt mới nhất của Ủy ban có trong một tài liệu mà POLITICO đã xem.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh vào năm ngoái, Brussels đã thực hiện 11 đợt trừng phạt chống lại Mạc Tư Khoa - bao gồm các lĩnh vực từ năng lượng đến ngân hàng - trong nỗ lực làm rỗng rương chiến tranh của Putin và trừng phạt những người bạn thân của ông ta. Gói thứ 12, được Ủy ban đề xuất vào tuần trước và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, chủ yếu tập trung vào việc cấm nhập khẩu kim cương Nga sang Âu Châu.
Theo văn bản đã được các đặc phái viên Liên Hiệp Âu Châu thảo luận vào hôm thứ Sáu, Liên Hiệp Âu Châu sẽ có thể tấn công vào những người hoặc tổ chức “được hưởng lợi từ việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát bắt buộc đối với các thực thể được thành lập ở Nga, trước đây thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của các cá nhân trong Liên minh”.
Theo hãng thông tấn Nga Tass, kể từ tháng 2 năm 2022, nhà nước Nga đã tịch thu 93 doanh nghiệp nước ngoài và nắm giữ tài sản thuộc sở hữu của phương Tây trị giá hơn 400 triệu Mỹ Kim.
Các công ty nhà nước mới thường được đặt vào tay những người ủng hộ Điện Cẩm Linh. Một ví dụ là Yakub Zakriev, 32 tuổi - họ hàng của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov và là đồng minh của Putin - người được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu các hoạt động của Danone và Carlsberg tại Nga.
Liên Hiệp Âu Châu không thể phong tỏa hoặc tịch thu tài sản ở Nga vì các lệnh trừng phạt của họ không có hiệu lực bên ngoài Âu Châu, cũng như không thể buộc chủ sở hữu mới phải trả lại tài sản bị tịch thu, nhưng người ta cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ ngăn cản họ chấp nhận việc bổ nhiệm đứng đầu các doanh nghiệp bị Nga chiếm đoạt, nếu những người này có các tài sản ở Liên Hiệp Âu Châu.
Svitlana Taran, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Âu Châu, Brussels: “Nếu họ tham gia vào giao dịch này thì họ sẽ tự động nằm trong danh sách trừng phạt, với tất cả các hậu quả đối với công ty và chủ sở hữu, bao gồm các hạn chế về tài chính và hạn chế đi lại”
7. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến những hoạt động vận chuyển hàng không bất thường của Nga trong những tuần gần đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.
Những hoạt động vận chuyển hàng không bất thường của Nga cho đến tháng 11 năm 2023 cho thấy rằng Nga có thể đã di chuyển các hệ thống phòng không chiến lược khỏi Kaliningrad, vùng đất ven biển Baltic, để bù đắp những tổn thất gần đây trên mặt trận Ukraine.
Điều này xảy ra sau sự gia tăng tổn thất của các hệ thống phòng không SA-21 ở các lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm vào cuối tháng 10 năm 2023.
Là tiền đồn ở cực tây và giáp ba mặt với các quốc gia thành viên NATO, Nga coi Kaliningrad là một trong những khu vực nhạy cảm về mặt chiến lược nhất.
Việc Bộ Quốc phòng Nga dường như sẵn sàng chấp nhận rủi ro bổ sung ở đây làm nổi bật sự căng thẳng quá mức mà cuộc chiến đã gây ra đối với một số năng lực hiện đại, và chủ yếu của Nga.